Cảm giác trống rỗng là gì? Tại sao đôi khi chúng ta cảm thấy trống rỗng, và dấu hiệu nhận biết cảm giác này là như thế nào? Làm sao để vượt qua cảm giác này? Nếu đây là những vấn đề khiến bạn băn khoăn, thì bài viết dưới đây là dành cho bạn.
Mục lục
- 1. Cảm giác trống rỗng là gì?
- 2. Tại sao chúng ta cảm thấy trống rỗng?
- 3. Làm thế nào để đối phó và vượt qua cảm giác trống rỗng?
- 3.1. Tự chăm sóc bản thân
- 3.2. Một số cách đối phó với tình trạng kiệt sức và cảm giác trống rỗng
- 3.3. Lập danh sách các hoạt động và thực hành lòng biết ơn
- 3.4. Viết nhật ký khám phá cảm giác trống rỗng
- 3.5. Kết nối với những người khác
- 3.6. Khen ngợi bản thân nhiều hơn để vượt qua cảm giác trống rỗng
- 3.7. Thay đổi chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh
1. Cảm giác trống rỗng là gì?
1.1. Cảm giác trống rỗng là gì?
Cảm giác trống rỗng đó ở ngay trong lồng ngực của bạn, nhưng bạn không chắc nó ra đời như thế nào. Đó có phải là nỗi buồn? Nỗi u sầu? Chán nản? Nó có thể là sự kết hợp của mỗi thứ một chút. Cảm xúc này không phải là hiếm, điều quan trọng là nó có thật. Mặc dù có thể gây choáng ngợp, nhưng bạn hoàn toàn có thể kiểm soát nó.
Đôi khi, cảm giác trống rỗng chỉ thoáng qua và kéo dài trong vài ngày hoặc vài tuần. Thường thì cảm giác này sẽ tự biến mất, hoặc bạn cảm thấy tốt hơn, nhưng đôi khi, cảm giác gặm nhấm này vẫn tồn tại và kéo dài.
1.2. Dấu hiệu nhận diện cảm giác trống rỗng là như thế nào?
Cảm giác trống rỗng đôi khi có thể biểu hiện giống như cảm giác cô đơn, bối rối về cuộc sống và mục tiêu của bạn. Hoặc, nó có thể là thiếu động lực để theo đuổi bất cứ điều gì trong cuộc sống. Nhưng, điều gì sẽ xảy ra khi bạn luôn cảm thấy trống rỗng trong cuộc sống?
Theo Kaitlyn Slight, một nhà trị liệu hôn nhân và gia đình ở Durham (North Carolina), việc không quan tâm đến nhu cầu của bản thân có thể dẫn đến lo lắng, tội lỗi và xấu hổ. Những ”triệu chứng” này có thể là những gì bạn gọi là cảm giác trống rỗng.
Cảm giác này có thể khá khó chịu và khiến bạn cảm thấy choáng ngợp. Khi cảm thấy trống rỗng, bạn có thể cảm thấy không thỏa mãn, cảm giác như tan vỡ, khó hiểu và buồn bã. Mặc dù là một cảm xúc bình thường và thỉnh thoảng chúng ta sẽ cảm thấy vào một lúc nào đó trong đời, nhưng nó có thể đáng lo ngại nếu thời gian kéo dài liên tục mà không có điểm kết thúc hoặc khi đi kèm một số ”triệu chứng” khác liên quan đến vấn đề sức khỏe tâm thần (như lo âu, trầm cảm…).
2. Tại sao chúng ta cảm thấy trống rỗng?
Có rất nhiều lý do khiến bạn cảm thấy trống trải. Trong đó, bao gồm các nguyên nhân về mặt thể chất, tinh thần hoặc cảm xúc. Bất kì giai đoạn hoặc tình huống nào khiến bạn phải suy ngẫm về bản thân, cuộc sống cũng có thể dẫn đến cảm giác trống rỗng tạm thời.
2.1. Nguyên nhân về mặt thể chất
2.1.1. Thiếu ngủ
Việc ngủ ngon, nghỉ ngơi đầy đủ có ý nghĩa quan trọng và ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe tổng thể của bạn, đặc biệt là về mặt cảm xúc. Bạn có thể cảm thấy trống rỗng vì bạn đang thực sự rất mệt mỏi.
Theo nguồn tin về y tế của Đại học Harvard, các nghiên cứu về hình ảnh thần kinh và hóa học thần kinh cho thấy, một giấc ngủ ngon giúp tăng cường khả năng phục hồi cả về tinh thần và cảm xúc. Trong khi đó, tình trạng thiếu ngủ mãn tính có thể tạo tiền đề cho suy nghĩ tiêu cực và xu hướng dễ bị tổn thương về mặt cảm xúc.
2.1.2. Kiệt sức có thể gây nên cảm giác trống rỗng
Cảm giác như ”không còn nhiên liệu trong bình” có thể là do kiệt sức. Có lẽ bạn đã trải qua tình trạng này quá mức nên năng lượng của bạn đã cạn kiệt, chẳng hạn như đang phải chăm sóc con nhỏ, cha mẹ già, hoặc dành quá nhiều thời gian cho dự án công việc nào đó.
2.1.3. Thay đổi nồng độ tiết tố
Sự mất cân bằng nội tiết tố là nguyên nhân gây ra một loạt các triệu chứng không mong muốn từ mệt mỏi – hoặc tăng cân – đến ngứa da hoặc tâm trạng kém (Chen et al, 2011). Hormone là các chất hóa học được sản xuất bởi các tuyến trong hệ thống nội tiết, và được giải phóng vào máu. Sự mất cân bằng xảy ra khi có quá nhiều hoặc quá ít một loại hormone.
Hormone sinh dục nữ estrogen có ảnh hưởng đến chất dẫn truyền thần kinh trong não bao gồm serotonin (một chất dẫn truyền thần kinh giúp cải thiện tâm trạng). Sự dao động của estrogen có thể gây nên cảm giác chán nản trong thời kỳ tiền kinh nguyệt hoặc tiền mãn kinh. Ở một số người, nó còn có thể gây nên cảm giác trống rỗng, mệt mỏi và không muốn theo đuổi bất cứ điều gì trong cuộc sống nữa.
2.2. Nguyên nhân về mặt cảm xúc gây nên cảm giác trống rỗng
Các sự kiện hoặc hoàn cảnh khác nhau trong cuộc sống có thể dẫn đến cảm giác trống rỗng hoặc buồn bã. Mỗi người trải qua cảm giác này theo cách khác nhau. Một số nguyên nhân về mặt cảm xúc có thể gây nên cảm xúc ấy được liệt kê dưới đây.
2.2.1. Chán nản
Bạn cảm thấy nhàm chán và không hài lòng với cuộc sống hàng ngày của mình nên cảm thấy trống rỗng? Theo Sherry Amatenstein, một nhà công tác xã hội lâm sàng về các mối quan hệ, nguyên nhân bạn cảm thấy trống rỗng có thể bởi vì bạn cảm thấy không có mục đích, và bạn không thực sự biết điều gì sẽ mang lại ý nghĩa và tạo động lực sống cho bản thân.
2.2.2. Cảm giác cô đơn sau khi chia tay
Sau khi một mối quan hệ thân thiết, hoặc hôn nhân, kết thúc, bạn có thể cảm thấy trống trải. Một nghiên cứu của trường Đại học Harvard về sự phát triển của người trưởng thành cho thấy, việc duy trì mối quan hệ yêu thương với vợ chồng, gia đình và bạn bè là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong cảm nhận hạnh phúc của chúng ta.
Không có gì ngạc nhiên nếu bạn cảm thấy thất vọng và cô đơn khi không còn là một phần của một mối quan hệ lãng mạn nào đó, nhất là với mối quan hệ lâu dài. Cảm giác cô đơn có liên quan đến một loại các cảm xúc khó chịu như trầm cảm, do đó, bạn cần tìm ra nhiều cách ứng phó với nỗi cô đơn. Nếu không, theo thời gian, bạn sẽ cảm thấy khoảng trống vô hình đè nặng nơi lồng ngực mình nếu không thể thoát khỏi nó.
2.2.3. Nỗi đau buồn gây nên cảm giác trống rỗng
Sau cái chết của một người nào đó gần gũi và thân thương, bạn có thể cảm thấy trống rỗng hoặc cảm xúc tê liệt. Tuy nhiên, sự trống vắng này trong ngôi nhà hoặc trong trái tim bạn dần dần sẽ giảm bớt.
Là một phần của quá trình đau buồn, bạn sẽ phải đối mặt với nhiều cách khác nhau khi mất đi người thân hoặc người bạn gần gũi của mình. Thường thì bạn sẽ có cách để vượt qua và sống chung với mất mát ấy. Nếu vẫn còn chìm ngập trong nỗi đau buồn vô hạn và kèm theo các triệu chứng rối loạn sức khỏe tâm thần khác, bạn cần tìm nhà trị liệu tâm lý để được hỗ trợ phù hợp.
2.2.4. Trầm cảm và các vấn đề sức khỏe tâm thần khác
Trầm cảm có thể bao gồm rất nhiều triệu chứng khác nhau, có thể bao gồm cả cảm giác trống rỗng. Ví dụ: Một người trầm cảm có thể biểu hiện như nỗi buồn tạm thời và cảm thấy thấp thỏm. Hoặc, người ấy có thể giảm hứng thú với các hoạt động mà trước đây mình từng yêu thích. Những yếu tố này có thể khiến người đó cảm thấy trống rỗng và mệt mỏi.
Theo Amatenstein, cảm giác thiếu thốn hoặc vô định mạnh mẽ và dai dẳng có thể là chỉ báo cho những vấn đề nghiêm trọng hơn. Chẳng hạn như trầm cảm mãn tính hoặc rối loạn stress sau sang chấn (PTSD). Để phân biệt cảm giác trống rỗng đơn thuần với trầm cảm, bạn cần tìm hiểu các biểu hiện đặc trưng của trầm cảm – như chán ăn, mệt mỏi, cảm giác vô dụng, khó đưa ra quyết định, và có ý định tự tử.
Theo một số chuyên gia sức khỏe tâm thần, việc cảm thấy trống rỗng cũng có thể là một yếu tố bảo vệ. Bởi vì sau khi trải qua một sự kiện sang chấn khiến bạn khó chịu, bạn sẽ dễ dàng ”tắt máy” và không cảm thấy gì hơn ngoài những cảm xúc nặng nề. Tuy nhiên, nếu cảm giác trống rỗng của bạn có kèm theo các triệu chứng nghiêm trọng khác của trầm cảm, hay PTSD, thì hãy tìm đến chuyên gia sức khỏe tâm thần ngay nhé.
Xem chi tiết: Top 15 phòng khám tâm lý ở TPHCM tốt và uy tín nhất
2.2.5. Mất liên lạc với chính mình
Không có gì lạ khi một người nào đó thỉnh thoảng mất kết nối với bản thân. Tuy nhiên, sự thiếu hiểu biết sâu sắc về bản thân có thể dẫn đến cảm giác trống trải kéo dài. Một số người gọi đây là sống không có mục đích. Nghĩa là, bạn có thể không hiểu rõ mình là ai, hoặc bạn muốn trở thành người như thế nào. Không có mục tiêu trong cuộc sống hoặc ước mơ cụ thể để đạt được cũng có thể dẫn đến cảm giác trống rỗng.
2.2.6. Chưa khám phá được hết những trải nghiệm trong quá khứ
Đôi khi, cảm giác u uất có thể liên quan đến một quá trình đau buồn kéo dài mà bạn chưa khám phá hết. Ví dụ như cảm giác bị bỏ rơi thời thơ ấu bởi một thành viên có ý nghĩa quan trọng trong gia đình bạn.
2.2.7. Không chăm sóc bản thân
Đối với một số người, việc quan tâm đến người khác có thể là ưu tiên hàng đầu, khiến họ gạt đi những nhu cầu của bản thân sang một bên trong một thời gian dài. Điều này cũng có thể dẫn đến cảm giác trống rỗng.
3. Làm thế nào để đối phó và vượt qua cảm giác trống rỗng?
Bước đầu tiên để vượt qua cảm giác trống trải là thừa nhận cảm xúc ấy. Tiếp theo, xác định nguyên nhân vì sao bạn cảm thấy trống rỗng như vậy. Với mức độ cảm thấy trống rỗng nhẹ hoặc cảm giác thiếu thốn tạm thời, bạn có thể thúc đẩy bản thân thoát ra ngoài và cảm thấy tốt hơn bằng nhiều cách khác nhau như gợi ý dưới đây.
3.1. Tự chăm sóc bản thân
Cảm giác chán nản và đau buồn đôi khi có thể khiến bạn bỏ bê việc chăm sóc bản thân hàng ngày. Chẳng hạn như đói bụng và mệt mỏi đôi khi có thể làm cho cảm xúc tiêu cực thêm trầm trọng.
Đừng cảm thấy xấu hổ vì điều đó. Thay vào đó, hãy tập trung vào việc tự chăm sóc bản thân nhiều hơn, thực hiện các hoạt động cải thiện trải nghiệm hạnh phúc của bạn. Đồng thời, thực hiện những thay đổi có ý nghĩa và truyền đạt những cảm xúc này với những người thân, bạn bè thân thiết. Và tất nhiên, bạn cũng có thể chia sẻ với nhà trị liệu tâm lý của mình.
3.2. Một số cách đối phó với tình trạng kiệt sức và cảm giác trống rỗng
Như đã đề cập ở trên, kiệt sức có thể dẫn đến việc cảm thấy trống rỗng ở một số người. Nếu đang có những cảm giác này, bạn có thể tham khảo một số mẹo dưới đây để làm giảm bớt triệu chứng:
- Tìm kiếm sự hỗ trợ từ bạn bè, người thân, các dịch vụ liên quan đến tình huống gây kiệt sức cho bạn.
- Kết hợp thời gian nghỉ ngơi trong ngày bằng cách sắp xếp lịch trình xen kẽ những giấc ngủ ngắn đều đặn.
- Thử các bài tập hơi thở.
- Thực hành thiền.
Hãy thử xem liệu những liệu pháp trên đây có thể bù đắp được cảm giác buồn bã hoặc vô định đó không. Nếu không, có lẽ bạn cần phải nghiên cứu sâu hơn về tâm lý của mình. Hãy dành thời gian để đánh giá tình hình bằng cách ngồi xuống, lấy ra một tập giấy và cây bút. Sau đó, tự hỏi bản thân về nguyên nhân sâu xa hoặc cụ thể khiến bạn kiệt sức.
Bằng cách đánh giá lại trách nhiệm và tình hình hiện tại của mình, bạn sẽ nhận thấy một số nghĩa vụ không còn phù hợp với kế hoạch cuộc sống của bạn. Hãy nhớ rằng, từ bỏ điều gì đó không phải là dấu hiệu của sự yếu kém hay thiếu cam kết. Trên thực tế, dám từ bỏ một số thứ có thể là dấu hiệu của sức mạnh tinh thần, ví dụ như hút thuốc lá.
3.3. Lập danh sách các hoạt động và thực hành lòng biết ơn
Việc lập danh sách các hoạt động có thể giúp làm tăng cảm giác vui vẻ, thú vị và có ý nghĩa thay vì cảm giác chán nản dẫn đến trống rỗng. Một lựa chọn khác là viết nhật kí thực hành lòng biết ơn. Điều này giúp bạn có nhiều thời gian quan sát tất cả những người, những gì ở xung quanh mình. Nghiên cứu đã chứng minh rằng lòng biết ơn có thể làm tăng cảm nhận hạnh phúc của cá nhân.
3.4. Viết nhật ký khám phá cảm giác trống rỗng
Viết nhật ký cũng có thể giúp bạn giải quyết cảm giác trống rỗng. Để bắt đầu, hãy thử khám phá theo những câu hỏi sau:
- Tôi có đang tự đánh giá bản thân mình thấp, hay so sánh mình với người khác không?
- Tôi có nói với mình những điều tích cực không? Hay tôi có xu hướng để ý đến những thất bại, hay tự dán nhãn tiêu cực lên mình không?
- Cảm xúc của tôi có được thấu hiểu khi đặt trong các mối quan hệ của tôi hay không?
- Tôi có đang tích cực chăm sóc các nhu cầu về thể chất và sức khỏe của mình hay không?
- Tôi đang cố gắng chứng minh, hoặc giành chiến thắng, vì điều gì?
- Tôi đang tự trách bản thân hay cảm thấy tội lỗi về những điều ngoài tầm kiểm soát của mình?
- Tôi có đang thể hiện lòng trắc ẩn với bản thân như với một người bạn thân hay các thành viên khác trong gia đình không?
- Tôi có đang tự khẳng định mình trong các quyết định của bản thân, và tôn trọng ý kiến của mình không?
3.5. Kết nối với những người khác
Sau khi ngồi lại với những cảm xúc của mình và khám phá chúng, bạn có thể tiến đến bước tiếp theo là kết nối với những người khác. Việc giao tiếp với bạn bè, người thân có thể giúp bạn cảm thấy tốt hơn, nhất là khi bạn có thể tâm sự với họ về những cảm xúc của mình. Một cách đơn giản, bạn có thể kết nối bạn bè qua mạng xã hội, hội nhóm, câu lạc bộ, hoặc đơn giản là chia sẻ về những sở thích, mối bận tâm chung.
3.6. Khen ngợi bản thân nhiều hơn để vượt qua cảm giác trống rỗng
Nếu có thể thực hiện được những cách nêu trên, bạn đang làm tốt nhất có thể với các nguồn lực sẵn có. Hãy tự khen ngợi bản thâ về tất cả những giải pháp bạn đã nghĩ ra để đối phó với những biến cố trong cuộc sống.
Ngay cả khi còn nhỏ, một số người vẫn tìm cách bảo vệ mình khỏi bị tổn thương. Một trong số những cách đó là kìm nén cảm xúc. Hãy ghi nhận điều đó vì đã nghĩ ra một giải pháp hiệu quả khi bạn còn nhỏ và yếu thế. Việc thực hành khen ngợi bản thân về cơ bản cũng dựa trên cơ chế đó.
3.7. Thay đổi chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh
Việc thay đổi chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh có thể giúp giải quyết những nỗi lo lắng không ngừng và lo lắng, thấp thỏm đang ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống của bạn. Bạn có thể tập thể dục, uống ít rượu và bỏ thuốc lá, tăng cường rau xanh và trái cây,… Đặc biệt trong các giai đoạn tiền kinh nguyệt hoặc tiền mãn kinh, các biện pháp này đều giúp cải thiện tâm trạng.
Nếu bạn đang trải qua cảm giác trống rỗng kéo dài dai dẳng, tái phát và phức tạp, bạn có thể liên hệ đến gặp trực tiếp nhà trị liệu hoặc đăng kí tham vấn tâm lý online qua tin nhắn hoặc video call. Bên cạnh đó, đừng quên nhắc nhở bản thân rằng bạn cần tôn trọng cảm xúc của mình và sẵn sàng thực hiện những hành động tích cực để cảm thấy tốt hơn.