Cảm thụ bản thể là gì: Các bài tập tăng cảm thụ bản thể

Khái niệm cảm thụ bản thể là gì? Nên thực hiện những bài tập nào để tăng cảm thụ bản thể cho trẻ? Cùng Psycare.com.vn tìm hiểu vai trò của hệ cảm thụ bản thể cũng như các bài tập tăng cảm thụ bản thể cho trẻ em, từ đó giúp bạn có thêm những thông tin hữu ích nhận biết và đưa ra các giải pháp kịp thời hỗ trợ cho trẻ có rối loạn cảm thụ bản thể nhé!

Mục lục

1. Cảm thụ bản thể là gì?

Thông thường, nói đến giác quan, chúng ta thường nhắc đến 5 loại: thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác và xúc giác. Tuy nhiên, ngoài 5 giác quan trên, còn có 3 hệ giác quan quan trọng nữa đó là hệ cảm thụ bản thể, hệ tiền đình và hệ nội cảm thụ.

Trong đó, hệ cảm thụ bản thể là khả năng nhận thức về vị trí và các chuyển động của cơ thể (Konczak et al, 2009). Cũng theo nhóm tác giả Konczak cùng cộng sự (2009), hệ cảm thụ bản thể giúp con người cảm nhận sự căng cơ, sự thay đổi vị trí các khớp, nhận biết các bộ phận trên cơ thể cũng như phối hợp vận động. Có thể nói, cảm thụ bản thể là một trong những giác quan quan trọng, tác động trực tiếp đến sự phát triển của trẻ.

1.1. Khái niệm cảm thụ bản thể là gì?

Cảm thụ bản thể tiếng Anh là Proprioceptive, có nguồn gốc từ tiếng Latin “Proprius” nghĩa là “cá nhân”, Perceptive là “cảm nhận”. Do đó, Proprioceptive có nghĩa là cảm nhận cá nhân, cảm nhận thân thể. Proprioceptive mô tả chức năng của hệ thần kinh trong việc cảm nhận vị trí, sức mạnh và tốc độ của cơ thể trong không gian. Giác quan này giúp chúng ta di chuyển tự do trong không gian mà không cần có sự ý thức liên tục về chúng.

giác quan cảm thụ bản thể
Cảm thụ bản thể là một giác quan giúp chúng ta di chuyển tự do trong không gian mà không cần có sự ý thức liên tục về chúng.

1.2. Cảm thụ bản thể giúp ích gì cho con người – Vai trò của cảm nhận thân thể

  • Nhận biết các chi, tay và chân: Ví dụ, không cần nhìn vào cốc nước, chúng ta vẫn có thể đưa cốc lên miệng và uống nước. Thậm chí, khi nhắm mắt, chúng ta vẫn thực hiện được hành động uống nước một cách dễ dàng. Làm được điều này là do các cơ quan cảm nhận bản thể đã đưa thông tin từ tay lên não.
  • Điều chỉnh lực và tốc độ di chuyển: Khả năng này giúp chúng ta điều chỉnh lực tay di chuyển một cách đều đặn, nhẹ nhàng, đủ để đưa cốc nước lên đến miệng mà không chạm vào mặt hay làm đổ nước.
  • Duy trì trương lực cơ: Duy trì sự co thắt liên tục của cơ bắp ngay cả khi chúng ta đứng yên.
  • Duy trì sự thăng bằng: Khi bạn đứng một chân và nhắm mắt lại, bạn sẽ nhận thấy một số chuyển động ở mắt cá chân, cảm nhận được điều này là do cơ quan cảm thụ bản thể đã cung cấp thông tin cho não. Hệ cảm thụ bản thể hỗ trợ hệ tiền đình giúp chúng ta giữ thăng bằng khi đứng yên hoặc chuyển động.

1.3. Vì sao cảm thụ bản thể lại quan trọng?

1.3.1. Ví dụ về tầm quan trọng của cảm thụ bản thể là gì

Cảm thụ bản thể giúp chúng ta nhận biết vị trí cơ thể và vị trí của cơ thể trong không gian. Mỗi khi chúng ta di chuyển, cảm giác bản thể từ cơ và khớp sẽ cho não biết vị trí cơ thể. Ngay cả khi chúng ta đứng yên, sự căng hoặc thiếu căng cơ và vị trí khớp sẽ cho não biết cơ thể đang ở đâu.

Lấy ví dụ về việc đi bộ, chúng ta không cần liên tục nhìn xuống chân để biết chúng đang ở đâu, cũng không cần phải liên tục ý thức để nhấc chân lên, di chuyển về phía trước rồi lại đặt chân xuống. Chúng ta có thể đi bộ một cách dễ dàng là nhờ hệ cảm thụ bản thể gửi thông tin cảm giác về vị trí hông, đầu gối, bàn chân, mắt cá chân, ngón chân liên tục lên não.

Chẳng hạn, khi bạn đang xem Tivi, bạn có thể chạm đến bộ điều khiển và lấy nó mà không cần nhìn. Hệ cảm thụ bản thể sẽ đưa tay bạn đến đúng nơi, cảm giác chạm sẽ giúp bạn cảm nhận xung quanh và xác định vị trí bộ điều khiển. Hệ cảm thụ bản thể lần nữa giúp bạn mở bàn tay và nhặt nó lên, hướng nó về phía Tivi và nhấn nút.

1.3.2. Cảm thụ bản thể giúp điều chỉnh lực và tốc độ cử động của các chi

Khi nhấn nút trên bộ điều khiển, bạn cần dùng lực vừa đủ để nó hoạt động, nhấn quá mạnh có thể làm hỏng nút. Chúng ta thường làm điều này một cách tự nhiên, không cần suy nghĩ vì hệ cảm thụ bản thể đã giúp ta làm điều đó.

Bạn cũng cần điều chỉnh tốc độ vừa phải của tay để không bị va vào người hay đồ vật xung quanh. Nếu sử dụng quá nhiều lực, chúng ta có thể sẽ phá hỏng mọi thứ. Ngược lại, sử dụng quá ít lực có thể hoạt động sẽ không thành công. Hệ cảm thụ bản thể cho phép các chi di chuyển vào đúng vị trí, với tốc độ và lực phù hợp.

1.3.3. Mối liên hệ giữa trương lực cơ và cảm thụ bản thể là gì?

Như đã đề cập ở trên, trương lực cơ là sự co thắt liên tục của cơ bắp ngay cả khi đứng yên, cho phép cơ thể tăng hoặc giảm độ căng khi di chuyển. Trương lực cơ hỗ trợ hệ tiền đình giúp duy trì sự thăng bằng. Trương lực cơ ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát và ổn định tư thế của chúng ta. Những trẻ có rối loạn về cảm giác sẽ có trương lực cơ thấp hơn mức trung bình, ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát và ổn định tư thế của trẻ.

1.4. Hành vi tìm kiếm bản thể là gì?

Trẻ có rối loạn giác quan ở hệ cảm thụ bản thể sẽ gặp khó khăn trong việc nhận biết, xử lý chính xác các thông tin đầu vào từ các cơ quan cảm thụ bản thể. Do đó, trẻ cố gắng để tìm kiếm cảm giác đó.

Việc tìm kiếm cảm giác bản thể có thể gây nên những hành vi không mong đợi ở trẻ, thậm chí gây nguy hiểm cho trẻ và những người xung quanh. Những biểu hiện thường thấy ở trẻ tìm kiếm cảm giác bản thể như đập đầu, nhai mọi thứ, liên tục chạy thay vì đi bộ, nhón chân và thường không đứng yên một chỗ,…

hành vi tìm kiếm bản thể
Trẻ có rối loạn cảm thụ bản thể có thể đi nhón gót, xoay tròn thường xuyên,… để tìm kiếm bản thể.

1.5. Hành vi né tránh cảm thụ bản thể là gì?

Những đứa trẻ gặp khó khăn trong việc phát triển giác quan đôi khi quá nhạy cảm với những kích thích từ môi trường. Do đó, trẻ thường tránh né các cảm giác do kích thích mang lại. Những đứa trẻ này có thể sẽ né tránh các hoạt động vận động thể lực, tránh né những cái ôm hoặc khó chịu khi mang những bộ quần áo quá chật,…

1.6. Điều gì xảy ra nếu giác quan cảm nhận thân thể của chúng ta không hoạt động tốt?

Hệ cảm thụ bản thể không xử lý tốt những thông tin đầu vào, sẽ có hai phản ứng điển hình: phản ứng chậm hoặc nhạy cảm. Trẻ phản ứng chậm với thông tin đầu vào do đó trẻ cần nhiều thông tin hơn để nhận biết vị trí cơ thể, dẫn đến những hành động tìm kiếm cảm giác bản thể. Hiện nay vẫn chưa có nhiều thông tin về sự nhạy cảm với hệ cảm thụ bản thể.

Theo Middletown Centre for Autism, một số đặc điểm điển hình dễ nhận thấy khi giác gian cảm thụ bản thể của chúng ta hoạt động không tốt như sau.

Tìm kiếm cảm giác bản thể:

  • Chạy nhảy và tạo nên các va chạm.
  • Nhai mọi thứ.
  • Đẩy.

Phản ứng chậm với thông tin đầu vào:

  • Không kiểm soát được lực, sử dụng quá nhiều lực làm vỡ đồ vật.
  • Cơ bắp yếu và sử dụng quá ít lực.
  • Thường xuyên dựa vào tường hoặc các đồ vật khác.
  • Dễ mệt mỏi.

2. Những dấu hiệu nhận biết trẻ tự kỷ có rối loạn cảm thụ bản thể là gì?

Hệ cảm thụ bản thể giúp chúng ta cảm nhận vị trí cơ thể trong không gian, như việc chúng ta dễ dàng chạm vào các vị trí trên cơ thể mà không cần nhìn chúng. Tuy nhiên, đối với trẻ tự kỷ, các em gặp khó khăn trong việc cảm nhận vị trí và những vận động của cơ thể, cảm nhận lực cũng như vận tốc (Weimer et al, 2001).

Một số trẻ tự kỷ còn không nhận thức được cơ thể, không hình dung được kích thước, trọng lượng cơ thể, có trường hợp các em mô tả cơ thể mình như tê cứng và lơ lửng. Những khó khăn này khiến các em trở nên tăng động hoặc ngược lại. Một số biểu hiện ở trẻ tự kỷ có rối loạn cảm thụ bản thể:

  • Không thể chạm vào vị trí của một bộ phận trên cơ thể ngay khi được yêu cầu.
  • Gặp khó khăn khi tự xúc ăn, thường bị rơi đồ ăn ra ngoài.
  • Gặp khó khăn trong việc dự đoán bóng rơi và bắt bóng.
  • Khó khăn trong việc đá bóng, không ước lệ được khoảng cách và lực chân vừa phải để đá bóng, thường dùng lực quá mạnh, quá yếu hoặc đá không trúng bóng.
  • Trẻ cần nhiều thời gian hơn các bạn đồng trang lứa để học một động tác thể dục mới.
  • Gặp khó khăn trong việc dùng bút, tô màu thường lem ra ngoài.
  • Thường nhìn vào chân khi đi (sợ vấp ngã).

3. Các bài tập tăng cảm thụ bản thể

Các bài tập cảm thụ bản thể giúp trẻ tăng khả năng cảm nhận các kích thích đầu vào của cơ quan bản thể, cảm nhận vị trí của bản thân trong không gian, lực và tốc độ (Winter et al, 2022). Ngoài ra, các bài tập này sẽ giúp trẻ tăng khả năng vận động, xả xung năng, kiểm soát và điều chỉnh hành vi tốt hơn. Một số bài tập tăng cảm thụ bản thể cho trẻ có thể kể đến như:

  • Hoạt động cần sức mạnh của cơ bắp, hoạt động “nặng”
  • Hoạt động cho miệng
  • Hoạt động xúc giác, sờ chạm
  • Hoạt động vận động thể chất
  • Bài tập áp lực sâu
hoạt động và bài tập tăng cảm thụ bản thể cho trẻ
Một số bài tập tăng cường cảm thụ bản thể cho trẻ.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các hoạt động cho trẻ cần chú ý đến những phản ứng của trẻ, dừng lại ngay nếu thấy trẻ có những biểu hiện bất thường như: thay đổi màu da, có dấu hiệu buồn nôn, thay đổi nhịp tim, nhịp thở.

4. Giới thiệu các hoạt động tăng cảm thụ bản thể cho trẻ

4.1. Hoạt động cho miệng tăng cảm thụ bản thể là gì?

  • Cho trẻ ăn kẹo cao su hoặc các món ăn cần phải nhai.
  • Chơi trò chơi thổi bong bóng xà phòng
  • Cho trẻ chơi các loại nhạc cụ phải thổi như kèn, harmonica,…

4.2. Hoạt động giúp trẻ bình tĩnh, thư giãn

Sử dụng chăn có trọng lượng hoặc áo khoác có trọng lượng để làm dịu cảm xúc và hành vi của trẻ. Mang túi đậu cũng mang lại những lợi ích tương tự.

4.3. Hoạt động “nặng” tăng cảm thụ bản thể là gì?

Công việc nặng nhọc bao gồm các hoạt động cần sức mạnh của cơ bắp như đẩy, kéo, mang vác, nâng,…Chúng ta có thể biến các hoạt động này thành trò chơi với trẻ hoặc nhờ trẻ giúp đỡ. Các công việc như làm vườn, rửa xe, di chuyển/ xếp đồ đạc, dọn dẹp nhà cửa.

4.4. Bài tập thể dục tăng cảm thụ bản thể là gì?

Lên kế hoạch các bài tập thú vị cho trẻ như chống đẩy hoặc bật nhảy. Thúc dục, khuyến khích trẻ đi bộ nhiều hơn. Ngoài ra các hoạt động như kéo co, nhảy lò cò, bơi lội, nhảy dây, leo trèo, nhảy ếch và nảy trên một quả bóng tập cũng rất hiệu quả với trẻ.

4.5. Vui chơi/giải lao tự do ngoài trời

Mặc dù các hoạt động theo kế hoạch rất có hiệu quả, tuy nhiên việc cho trẻ tự do vui chơi ngoài trời sẽ đáp ứng được nhu cầu của trẻ. Cho dù là “người tìm kiếm” hay “người né tránh” trẻ đều có thể lựa chọn những gì tốt cho mình.

4.6. Hoạt động vận động tinh tăng cảm thụ bản thể cho trẻ

Cung cấp cho trẻ nhiều loại vật liệu khác nhau để trẻ phát triển các kỹ năng vận động tinh như tô màu, vẽ, cắt và xây dựng. Các thao tác với đất nặn, vò giấy và chơi với con quay cũng được các trẻ yêu thích.

4.7. Bài tập áp lực sâu tăng cảm thụ bản thể là gì?

  • Ôm trẻ thật chặt hoặc ấn sâu vào người trẻ.
  • Chơi trò chơi hotdog, cho trẻ cuộn tròn trong chăn và một đứa trẻ khác chơi trò rải các loại gia vị khác lên chiếc hotdog.
  • Hoặc sử dụng một quả bóng tập thể dục lớn lăn qua người trẻ (Chan, Jang & Ho, 2022).

4.8. Hoạt động chống cự tăng cường cảm thụ bản thể là gì?

Trẻ sử dụng dây tập có độ co giãn, đàn hồi, đứng giữa dây và dùng hai tay giữ hai đầu dây, kéo dây từ một tay chạm vào tay còn lại, hoặc kéo dây ở cả hai tay đưa lên đỉnh đầu, vỗ chúng như đôi cánh.

4.9. Hoạt động nhịp điệu với âm nhạc

Sử dụng những bài hát có nhịp điệu để hướng dẫn cho trẻ hát và di chuyển.

Xem thêm: Âm nhạc trị liệu cho trẻ tự kỷ có tác dụng gì?

4.10. Hoạt động với bóng tăng cường cảm thụ bản thể là gì?

Các loại bóng khác nhau có thể được sử dụng theo nhiều cách khác nhau. Sử dụng chúng để đá, ném, bắt, nảy, ép, lăn, đẩy, thổi,… để trẻ thực hiện nhiều hoạt động khác nhau. Hoặc, có thể cho trẻ thực hiện các bài tập với bóng gai để tăng cảm nhận cơ thể.

bài tập tăng cảm thụ bản thể với bóng
Bài tập tăng cảm thụ bản thể với bóng gai.

4.11. Yoga

Hướng dẫn cho trẻ cách di chuyển và giãn cơ theo nhiều tư thế Yoga khác nhau. Những bài tập này có thể được thực hiện trên thảm, sàn, ghế, giường, tập cá nhân hoặc có thể tập đối tác với bố mẹ.

Như vậy, bài viết trên đây đã cùng bạn tìm hiểu cảm thụ bản thể là gì. Theo đó, cảm thụ bản thể là hệ giác quan quan trọng cho sự phát triển của trẻ. Chúng ta cần nhận biết sớm những dấu hiệu rối loạn giác quan ở trẻ và đưa ra những biện pháp can thiệp kịp thời. Sự phát triển giác quan của mỗi đứa trẻ là khác nhau, mức độ phản ứng với các kích thích cũng khác nhau, do đó không nên áp đặt kỳ vọng lên trẻ. Hãy quan sát trẻ một cách tự nhiên, lựa chọn những hoạt động thật sự phù hợp với trẻ để đồng hành cùng trẻ nhé!

Bài viết cùng chủ đề

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *