Hội chứng Peter Pan được đặt tên theo nhân vật Peter Pan nổi tiếng. Anh ấy là một cậu bé không bao giờ muốn già đi, sống ở Neverland – nơi anh ấy mãi mãi là một đứa trẻ. Mặc dù nhân vật có thể là hư cấu, nhưng hội chứng này là có thật. Và, nếu bạn đang đối mặt với người có dấu hiệu hội chứng này, bạn có thể tìm hiểu nguyên nhân là gì và cách khắc phục nó qua bài viết sau.
Mục lục
- 1. Hội chứng Peter Pan là gì?
- 2. Nguyên nhân của hội chứng Peter Pan là gì?
- 3. Những dấu hiệu của sự chưa trưởng thành trong hội chứng Peter Pan
- 3.1. Thiếu ranh giới với cha mẹ của mình
- 3.2. Người mắc hội chứng Peter Pan chưa có mối quan hệ trưởng thành
- 3.3. Có những người bạn chưa trưởng thành
- 3.4. Không thể giữ một công việc
- 3.5. Thiếu cách ứng phó với stress lành mạnh
- 3.6. Sử dụng các chất không lành mạnh
- 3.7. Người mắc hội chứng Peter Pan thường không (hoặc sẽ không) giúp đỡ công việc gia đình
- 3.8. Không thể hiện cảm xúc một cách phù hợp
- 4. Bạn nên làm gì nếu gặp một người mắc hội chứng Peter Pan?
1. Hội chứng Peter Pan là gì?
Hội chứng Peter Pan là thuật ngữ chỉ những người có biểu hiện dai dẳng về các phản ứng và hành vi chưa trưởng thành về mặt cảm xúc. Thuật ngữ này được phổ biến bởi nhà tâm lý học Dan Kiley, người đã xuất bản một cuốn sách vào năm 1983 với tựa đề “Hội chứng Peter Pan: Những người đàn ông chưa bao giờ trưởng thành” (The Peter Pan Syndrome: Men Who Have Never Grown Up).
Giống như nhân vật Peter Pan, từ này để chỉ một người không bao giờ chịu lớn lên. Khái niệm này thường được áp dụng cho nam giới. Tuy nhiên, hội chứng này cũng có thể xuất hiện ở phụ nữ.
Hội chứng này không phải là một rối loạn, cũng không phải là một chẩn đoán chính thức về sức khỏe tâm thần. Nó không xuất hiện trong sổ tay Chẩn đoán và Thống kê về rối loạn tâm thần DSM-5, và không được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận.
2. Nguyên nhân của hội chứng Peter Pan là gì?
Thật khó để nói chính xác điều gì sẽ khiến ai đó muốn trốn tránh trách nhiệm của người lớn này, nhưng có một vài giả thuyết sẽ được nêu dưới đây.
- Tuổi thơ thiếu sự kỷ luật
- Thời thơ ấu bị lạm dụng
- Khao khát hoài niệm
- Điều kiện kinh tế kém
- Không được dạy kỹ năng dành cho người lớn
Đây chỉ là một vài lý do tại sao một người có thể mắc hội chứng Peter Pan. Như đã đề cập, đây không phải là một rối loạn được công nhận chính thức. Vì vậy, tất cả những nguyên nhân trên đây chỉ là suy đoán. Hãy tìm đến chuyên gia chăm sóc sức khỏe tinh thần để được tư vấn dưới góc độ chuyên môn rõ ràng hơn.
3. Những dấu hiệu của sự chưa trưởng thành trong hội chứng Peter Pan
Bạn có thể nhận ra một số hành vi chưa trưởng thành phổ biến ở những người xung quanh, không phân biệt giới tính. Những dấu hiệu này cũng có thể xuất hiện ở bất kì người lớn nào chưa đạt đến một mức độ trưởng thành nhất định về mặt cảm xúc.
3.1. Thiếu ranh giới với cha mẹ của mình
Những người chưa trưởng thành về mặt cảm xúc đôi khi có mối quan hệ mãnh liệt và hỗn loạn với cha mẹ của mình. Đối với nam giới, điều này có thể biểu hiện ở cách họ thể hiện mối liên kết với mẹ mình (Dalla et al, 2010).
Động lực không lành mạnh này thường bắt đầu từ thời thơ ấu, và đôi khi được gọi là sự thù hận (H. Russell Searight, 2014). Khi một người đàn ông có hiềm khích với mẹ mình, anh ta có thể tiếp tục dựa vào bà để được đáp ứng các nhu cầu về tình cảm, xã hội, và tài chính của bản thân, ngay cả khi anh ta đang trong một mối quan hệ yêu đương của người trưởng thành (Allen M., 1993).
3.2. Người mắc hội chứng Peter Pan chưa có mối quan hệ trưởng thành
Người có hội chứng Peter Pan thường có xu hướng nói xấu về những người mà mình từng có mối quan hệ. Đó có thể là người yêu cũ, bạn tình, hay thậm chí là một người bạn thân.
Thay vì chịu trách nhiệm về những hành động hoặc hành vi của mình có thể gây nên vấn đề trong các mối quan hệ trước đây, họ có nhiều khả năng đổ lỗi cho người khác hơn. Những người thiếu chín chắn về mặt cảm xúc có xu hướng xem và thể hiện bản thân luôn là một nạn nhân vô tội (Dan Kiley, 1983).
3.3. Có những người bạn chưa trưởng thành
Một người chưa trưởng thành có thể thích dành thời gian cho những người cũng thiếu chín chắn về mặt cảm xúc. Bởi vì những người này ít có khả năng chất vấn, chỉ trích hoặc thách thức hành vi của họ.
Và, nếu bạn là người thường chất vấn họ về sự thiếu trưởng thành mặt cảm xúc của họ, họ có thể sẽ không thích bạn, thậm chí cho rằng bạn là “ảnh hưởng xấu”. Khi giao tiếp với người khác, hành vi của họ có thể khiến bạn xấu hổ hoặc thậm chí tức giận.
3.4. Không thể giữ một công việc
Không có gì lạ khi những người chưa trưởng thành về mặt cảm xúc phải vật lộn với việc giành hoặc giữ một công việc (Arnold et al, 2008). Ho có thể đã bị sa thải khỏi một loạt công việc vì hiệu suất công việc kém, vắng mặt, các vấn đề cá nhân với đồng nghiệp hoặc sếp, sử dụng chất kích thích hoặc thậm chí có hành vi ăn cắp. Nếu họ được tạo điều kiện hỗ trợ về mặt tài chính khi trưởng thành (như được cha mẹ hoặc vợ (chồng) nuôi), họ có thể không cần đi làm.
3.5. Thiếu cách ứng phó với stress lành mạnh
Những người chưa trưởng thành thường không có cách ứng phó với stress lành mạnh. Họ có thể sử dụng một số hoạt động nhất định để trốn tránh cảm xúc, trách nhiệm hoặc bất cứ điều gì khác khiến họ căng thẳng.
Một người trưởng thành về mặt cảm xúc có thể học cách hình thành sở thích nào đó để giảm bớt căng thẳng. Họ cũng có thể tâm sự với bạn bè, tìm đến nhà trị liệu hoặc tập thể dục để giảm stress. Còn một người chưa trưởng thành có thể phát triển chứng nghiện một hoạt động nào đó giúp họ né tránh và trốn tránh yếu tố gây stress, chẳng hạn như trò chơi điện tử (Torres-Rodríguez et al, 2018).
3.6. Sử dụng các chất không lành mạnh
Bất cứ ai cũng có thể hình thành mối quan hệ không lành mạnh với rượu hoặc chất kích thích khác. Nhưng, ở một số người, sự non nớt về mặt cảm xúc có thể đóng một vai trò đáng kể trong việc lạm dụng chất kích thích và nghiện chất (Anjali Gupta & Roopali Sharma, 2016).
Một người chưa trưởng thành mắc hội chứng Peter Pan thậm chí có thể cố biện minh cho hành vi vô trách nhiệm của mình, ví dụ như cố gắng giải thích hoặc bào chữa. Nếu không thể biện minh hoặc nhận được sự ủng hộ của người kia, họ có thể tấn động người đó về cả lời nói lẫn hành vi.
3.7. Người mắc hội chứng Peter Pan thường không (hoặc sẽ không) giúp đỡ công việc gia đình
Một người chưa trưởng thành có thể thiếu ý thức trách nhiệm đối với một số khía cạnh thực tễ của cuộc sống người lớn. Chẳng hạn như thanh toán các hóa đơn, hoặc làm công việc gia đình. Họ có thể từ chối giúp đỡ bất kì công việc nấu nướng, dọn dẹp hoặc giặt giũ nào.
Nếu được yêu cầu giúp đỡ việc nhà, một người chưa trưởng thành có thể đáp lại một cách nhỏ nhen. Họ có thể cần được hối lộ hoặc yêu cầu phần thưởng để thực hiện các nhiệm vụ đơn giản ấy.
Một người chưa trưởng thành về mặt cảm xúc cũng có thể thiếu nhận thức về nhu cầu chăm sóc bản thân. Họ có thể bị thường xuyên nhắc nhở về việc đánh răng, cạo râu hoặc tắm rửa (Chaturvedi & Chander, 2010). Họ cũng có thể thiếu hiểu biết về việc nên mặc trang phục nào cho các dịp hoặc sự kiện xã hội.
3.8. Không thể hiện cảm xúc một cách phù hợp
Những người thiếu chín chắn về mặt cảm xúc thường không có cái nhìn sâu sắc về bản thân hoặc hành vi của mình. Họ có thể không tin, hoặc sẽ chối bỏ, khi thấy rằng hành vi của mình là bất thường hoặc không lành mạnh.
Một người mắc hội chứng Peter Pan có thể gặp khó khăn trong việc giải thích cảm giác của bản thân. Họ cũng có xu hướng thường xuyên phàn nàn, than vãn, và khăng khăng rằng mình đang bị đối xử bất công. Đôi khi, họ có thể nổi cơn tam bành, đặc biệt là khi cảm thấy mình bị coi thường, bị đổ lỗi hoặc bị gọi tên theo một cách nào đó mà mình không thích.
4. Bạn nên làm gì nếu gặp một người mắc hội chứng Peter Pan?
Nếu gặp một người, thậm chí là người yêu, là Peter Pan, thì bạn có thể là Wendy (Carolyn Quadrio, 1982). Lúc đầu, hành vi của anh ta có thể rất vui và thú vị. Có lẽ bạn bị thu hút bởi hành vi trẻ con của anh ấy có thể khiến bạn cảm thấy người này cần được chăm sóc, quan tâm hoặc hướng dẫn. Tuy nhiên, nếu bạn có những suy nghĩ như vậy, thì đây là dấu hiệu của một hội chứng khác mang tên hội chứng Wendy.
Khi mối quan hệ giữa 2 bạn tiến triển, thậm chí có thể tiến tới hôn nhân, bạn có thể đã trở nên kiệt sức hoặc bực bội với hành vi thiếu chín chắn của anh ấy. Một khi đã xác định rằng hành vi thiếu chín chắn của anh ta đang gây nên hành vi độc hại trong mối quan hệ của bạn, hoặc chính bạn nghi ngờ mình có biểu hiện của hội chứng Peter Pan, bạn có thể cân nhắc những giải pháp dưới đây.
- Quan sát hành vi của bản thân: Hãy nhớ lại thời thơ ấu của bạn. Bạn có từng trải qua những khoảnh khắc khiến mình cảm thấy phải lớn lên thật nhanh? Bạn có từng phải chăm sóc anh chị em hoặc cha mẹ của mình quá sức không? Có khả năng là bạn đang tiếp tục thực hiện vai trò chăm sóc trong các mối quan hệ trưởng thành của mình không?
- Thiết lập và thực thi ranh giới: Những ranh giới này là để bạn trở nên hạnh phúc và khỏe mạnh hơn. Bạn có thể cố gắng thay đổi bản thân bằng cách từ bỏ vai trò người chăm sóc hoặc người cần được chăm sóc. Điều này sẽ giúp cho cả bạn và người ấy cùng tiến lên phía trước.
- Tìm kiếm hỗ trợ chuyên môn: Bạn và người ấy có thể tìm đến nhà trị liệu cặp đôi để hiểu và thay đổi những hành vi không phù hợp với mối quan hệ này. Sự non nớt về cảm xúc đôi khi có thể là dấu hiệu cho thấy một người có vấn đề về sức khỏe tâm thần (như trầm cảm, lo âu hoặc rối loạn nhân cách ranh giới – BPD) (Sue D., 2015). Do đó, nhà trị liệu cũng có thể giúp bạn hoặc anh ấy xác định lý do cơ bản cho hành vi của bản thân.
Có thể hơi mất thời gian, nhưng một người mắc hội chứng Peter Pan có thể trở thành người lớn! Nếu nghi ngờ bản thân mắc phải hội chứng này, hoặc gặp phải một người có dấu hiệu như thế, bạn không cần mãi mắc kẹt với điều đó. Hãy bắt đầu những thay đổi cần thiết để trưởng thành hơn trong cuộc sống, hoặc tìm đến nhà trị liệu tâm lý để được trợ giúp hiệu quả về lâu dài.