Liệu pháp chấp nhận và cam kết (ACT) là gì?

Liệu pháp chấp nhận và cam kết (Acceptance and commitment therapy – ACT) là hình thức trị liệu tâm lý phù hợp với những ai thích thực hành thiền định, chánh niệm để kiểm tra và thay đổi quá trình suy nghĩ của mình. Mục tiêu của ACT là chấp nhận những suy nghĩ tiêu cực thay vì loại bỏ hoặc giảm thiểu chúng. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn cái nhìn tổng quát hơn về liệu pháp tâm lý này.

1. Liệu pháp chấp nhận và cam kết (Acceptance and commitment therapy – ACT) là gì?

Liệu pháp chấp nhận và cam kết (Acceptance and commitment therapy – ACT) là một liệu pháp tâm lý nhấn mạnh sự chấp nhận như một cách để đối phó với những suy nghĩ, cảm giác, triệu chứng hoặc hoàn cảnh tiêu cực. Liệu pháp này cũng khuyến khích tăng cường cam kết đối với các hoạt động lành mạnh, mang tính xây dựng, nhằm duy trì các giá trị hoặc mục tiêu của bạn.

Liệu pháp chấp nhận và cam kết được phát triển vào năm 1986 và được ghi nhận là công trình của nhà tâm lý học, Giáo sư – Tiến sĩ Steven C. Hayes. Các nhà trị liệu ACT hoạt động dựa trên lý thuyết rằng việc tăng cường chấp nhận có thể dẫn đến tăng tính linh hoạt về tâm lý (Wetherell et al, 2011). Đây được gọi là Lý thuyết khung quan hệ (Relational Frame Theory – RFT), được phát triển để cung cấp và cập nhật một quan điểm phân tích hành vi mở rộng dựa trên công trình trước đây của BF Skinner.

Cách tiếp cận này mang lại rất nhiều lợi ích. Đặc biệt, nó có thể giúp chúng ta ngừng thói quen trốn tránh những suy nghĩ hoặc trải nghiệm cảm xúc nhất định – vốn có thể dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng hơn.

liệu pháp chấp nhận và cam kết của hayes
Steven C. Hayes là tác giả phát triển nên liệu pháp chấp nhận và cam kết (ACT). Ảnh: PsyCare

2. Các kỹ thuật trị liệu chính của liệu pháp chấp nhận và cam kết (ACT)

2.1. Quá trình thực hiện liệu pháp chấp nhận và cam kết (ACT)

Không giống như liệu pháp nhận thức hành vi (CBT), mục tiêu của ACT không phải là giảm tần suất hoặc mức độ nghiêm trọng của những trải nghiệm khó chịu bên trong như làm xáo trộn những bóp méo về nhận thức, cảm xúc, hay các xung năng.

Thay vào đó, mục tiêu của liệu pháp chấp nhận và cam kết là nhằm giảm bớt sự đấu tranh của bạn để kiểm soát hoặc loại bỏ những trải nghiệm này. Đồng thời, giúp tăng cường sự tham gia của bạn vào các hoạt động có ý nghĩa trong cuộc sống, tức là những hoạt động phù hợp với giá trị cá nhân của bạn.

Quá trình này bao gồm sáu thành phần:

  • Chấp nhận (Acceptance): Nghĩa là, bạn cho phép những suy nghĩ và cảm xúc bên trong của bản thân diễn ra mà không cố gắng thay đổi hay phớt lờ chúng. Chấp nhận là một quá trình tích cực.
  • Đánh lừa nhận thức (Cognitive Defusion): Đánh lừa nhận thức là quá trình tách bản thân bạn khỏi những trải nghiệm bên trong của bạn. Điều này cho phép bạn xem những suy nghĩ chỉ đơn giản là những suy nghĩ, loại bỏ tầm quan trọng mà tâm trí bạn thêm vào chúng.
  • Bản ngã là bối cảnh (Self as context): Thành tố này liên quan đến việc học cách xem suy nghĩ của bạn về bản thân tách biệt với hành động của chính bạn.
  • Sự hiện diện (Being present): Liệu pháp chấp nhận và cam kết (ACT) khuyến khích bạn chú ý đến môi trường xung quanh và học cách chuyển sự chú ý của mình ra khỏi những suy nghĩ, cảm xúc bên trong.
  • Các giá trị (Values): Đây là những lĩnh vực trong cuộc sống đủ quan trọng để bạn thúc đẩy hành động.
  • Sự cam kết (Commitment): Quá trình này liên quan đến việc thay đổi hành vi của bạn dựa trên các nguyên tắc được đề cập trong quá trình trị liệu.

Trong ACT, nhà trị liệu sẽ giúp thân chủ học cách áp dụng những khái niệm cơ bản trên đây vào cuộc sống của bản thân. Theo đó, bạn sẽ được hướng dẫn cách thực hành sự chấp nhận và tháo gỡ nhận thức, hoặc được hướng dẫn cách phát triển một ý thức khác về bản thân (không giống như suy nghĩ và cảm xúc của bạn trước đó về bản thân mình).

2.2. Các kỹ thuật chính trong liệu pháp chấp nhận và cam kết ACT

Đặc biệt, liệu pháp chấp nhận và cam kết sử dụng nhiều phép ẩn dụ (metaphors), nghịch lý logic (logical paradoxes)bài tập trải nghiệm (experiential exercises). Ngoài ra, nhà trị liệu ACT cũng có thể áp dụng một số kỹ thuật hành vi truyền thống hơn (như kích hoạt hành vi, phơi nhiễm).

kỹ thuật thiền chánh niệm liệu pháp act
Kỹ thuật thiền chánh niệm là một phần trong liệu pháp ACT. Ảnh: PsyCare

Các phiên trị liệu của liệu pháp chấp nhận và cam kết cũng có thể bao gồm các bài tập chánh niệm được thiết kế để thúc đẩy nhận thức lành mạnh, không phán xét về những suy nghĩ, cảm xúc, cảm giác và ký ức mà bạn đã tránh được. Nhà trị liệu cũng sẽ hướng dẫn bạn cách xem xét lại những khoảnh khắc nổi bật nào mà ở đó, hành động của bạn không phù hợp với giá trị của chính bạn. Đồng thời, qua đó, giúp bạn hiểu hành vi nào sẽ phù hợp hơn.

Nhà trị liệu cũng có thể thiết lập bài tập trị liệu về nhà để bạn áp dụng trong bối cảnh bên ngoài trị liệu. Chẳng hạn như các bài tập về chánh niệm, nhận thức hoặc làm rõ các giá trị bản thân. Bài tập trị liệu về nhà được thỏa thuận giữa bạn và nhà trị liệu, và có thể được sửa đổi để làm cho nó phù hợp và hữu ích hơn với bối cảnh của bạn.

3. Liệu pháp chấp nhận và cam kết (ACT) có hiệu quả với những ai?

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, liệu pháp chấp nhận và cam kết có thể cải thiện các triệu chứng ở những người có biểu hiện rối loạn lo âu tổng quát (GAD), và nó cũng có thể đặc biệt phù hợp với những người lớn tuổi mắc loại rối loạn lo âu này (Wetherell et al, 2011). Ngoài ra, ACT được cho là có thể đem lại hiệu quả trong việc điều trị một số vấn đề như (Gloster et al, 2020):

  • Lo âu
  • Trầm cảm
  • Rối loạn ăn uống
  • Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) (Lars-GöranÖst, 2014)
  • Stress
  • Lạm dụng chất
  • Loạn thần

3.1. Lợi ích của liệu pháp tâm lý ACT là gì?

Một lợi ích cốt lõi của liệu pháp chấp nhận và cam kết là tác động đến sự linh hoạt về tâm lý của chủ thể. Tính linh hoạt về tâm lý là khả năng nắm bắt những suy nghĩ và cảm xúc của bản thân khi chúng có ích, và đặt chúng sang một bên khi chúng không có ích. Điều này cho phép bạn phản hồi một cách thấu đáo với trải nghiệm bên trong của chính mình. Đồng thời, tránh được những hành động bốc đồng, ngắn hạn; thay vào đó, giúp bạn tập trung hơn vào việc sống một cuộc đời có ý nghĩa hơn.

Sự linh hoạt về tâm lý còn có thể cải thiện khả năng chấp nhận và hoạt động của bạn với các triệu chứng như lo âu hay trầm cảm. Thông thường, những triệu chứng này có thể giảm đi đáng kể do sự gia tăng tính linh hoạt về tâm lý này (Twohig & Levin, 2017).

3.2. Liệu pháp chấp nhận và cam kết (ACT) có hiệu quả không?

ACT đôi khi được gọi là liệu pháp tâm lý thuộc “làn sóng thứ ba” (third wave) hoặc “làn sóng mới” (new way) của liệu pháp hành vi. Thuật ngữ này đề cập đến một loạt các liệu pháp tâm lý gồm có liệu pháp hành vi biện chứng (DBT), trị liệu lược đồ (Schema therapy), liệu pháp nhận thức dựa trên chánh niệm (Mindfulness-based cognitive therapy – MBCT).

Xem thêm:
Liệu pháp hành vi biện chứng: Tổng quan DBT là gì?
Trị liệu nhận thức hành vi (CBT): Tổng quan nội dung tiếp cận chính

Trong lịch sử, các phương pháp điều trị đợt thứ ba này được coi là thích hợp cho những người đã từng tham gia các phương pháp điều trị trước đó nhưng không hiệu quả, như CBT cổ điển. Nghiên cứu cho thấy liệu pháp chấp nhận và cam kết có hiệu quả trong việc can thiệp tâm lý hoặc các tình trạng sức khỏe tinh thần. ACT dường như cũng cải thiện chất lượng cuộc sống và có thể giúp chúng ta đối phó với các cơn đau thể chất và đau mãn tính (Gloster et al, 2020).

lợi ích và hiệu quả của liệu pháp chấp nhận và cam kết
Liệu pháp ACT giúp cải thiện chất lượng cuộc sống và sức khỏe tinh thần. Ảnh: PsyCare

4. Nguyên tắc thực hành của liệu pháp chấp nhận và cam kết (ACT)

Một nghiên cứu tổng hợp cho thấy ACT cũng có thể hữu ích như các hình thức trị liệu tâm lý khác, chẳng hạn như CBT (A-Tjak et al, 2015). ACT cũng từng phải đối mặt với những lời chỉ trích vì sự tương đồng của nó với các phương pháp trị liệu khác. Một số người ủng hộ CBT cho rằng ACT, giống như các liệu pháp thuộc làn sóng thứ ba khác, không đại diện cho một cách tiếp cận khác biệt đáng kể (B.A. Gaudiano, 2011).

Một nhà trị liệu được đào tạo đặc biệt về ACT sẽ vừa là người lắng nghe tích cực, đồng cảm, vừa là người hướng dẫn tích cực, khuyến khích khám phá sâu hơn và nhận thức không phán xét trong các buổi trị liệu. Các buổi trị liệu ACT có xu hướng thực hành, thường bao gồm các bài tập tâm lý hoặc rèn luyện chánh niệm. Ngoài ra, nhà trị liệu cũng có thể cùng thân chủ lên kế hoạch bài tập trị liệu về nhà. Đây là cách để thân chủ học các kỹ năng mới và cải thiện tâm lý linh hoạt của mình.

Nhà thực hành liệu pháp chấp nhận và cam kết cũng có thể thảo luận về các giá trị và mục tiêu của thân chủ trong quá trình trị liệu. Đây là một phần quan trọng khác của quy trình can thiệp. Bởi vì những giá trị này sẽ dự báo cho các hành động của thân chủ trong tương lai.

Tại Việt Nam, có thể nói, liệu pháp chấp nhận và cam kết (ACT) là một liệu pháp tâm lý mới đã tạo ra nhiều mối quan tâm nghiên cứu và thực hành lâm sàng trong những năm gần đây. Nó là một phần của làn sóng trị liệu hành vi thứ ba, theo sau các liệu pháp làn sóng thứ hai như CBT. Nếu bạn đang tìm hiểu về ACT là gì, mong rằng bài viết trên đây sẽ giúp bạn nắm rõ các khái niệm, kỹ thuật cơ bản của ACT để dễ dàng tận dụng tối đa hiệu quả của liệu pháp này.

Bài viết cùng chủ đề

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *