Nomophobia là gì: Triệu chứng và nguyên nhân

Khái niệm nomophobia là gì? Hội chứng này có những biểu hiện gì để nhận biết? Cách vượt qua nỗi sợ hãi khi không có điện thoại nomophobia là như thế nào? Hãy tham khảo ngay bài viết dưới đây của PsyCare.com.vn để tìm hiểu chi tiết nhé!

1. Hội chứng Nomophobia là gì?

1.1. Giới thiệu về Nomophobia – hội chứng sợ khi không có điện thoại bên mình

Điện thoại di động đã trở thành một phần phổ biến trong cuộc sống hiện đại. Mặc dù đem lại nhiều lợi ích, nhưng một số ý kiến cho rằng việc phụ thuộc quá nhiều vào các thiết bị kỹ thuật số có thể là một dạng hành vi nghiện.

Trên thực tế, thuật ngữ nomophobia được đặt ra khá gần đây để mô tả nỗi sợ hãi khi không có điện thoại. Tình trạng này bao gồm việc làm mất, quên, hoặc làm hỏng điện thoại của bạn, hay thậm chí là không thể liên lạc được với điện thoại di động.

Nomophobia là mối bận tâm ngày càng tăng trong một thế giới hiện đại mà việc luôn-được-kết-nối dường như quan trọng hơn bao giờ hết. Khi bị mất điện thoại hoặc điện thoại hết pin, không có sóng di động, những tình trạng này đều có thể dẫn đến cảm giác căng thẳng và lo lắng, hoặc thậm chí là sợ hãi hoặc hoảng loạn.

Nỗi sợ hãi khi không có điện thoại di động thường được coi là dấu hiệu của việc sử dụng thiết bị kỹ thuật số có vấn đề. Một số chuyên gia tin rằng, nó có thể tác động bất lợi đến sức khỏe và tinh thần của chủ thể.

1.2. Khái niệm Nomophobia là gì?

Nomophobia trong tiếng Anh là một dạng viết tắt của “no-mobile-phone phobia“. Thuật ngữ này lần đầu tiên được đặt ra trong một nghiên cứu năm 2008 do Bưu điện Vương quốc Anh ủy quyền thực hiện. Nghiên cứu thực hiện trên mẫu gồm 2.100 người trưởng thành. Kết quả cho thấy, có 53% người tham gia có biểu hiện hội chứng sợ nomophobia.

nomophobia hội chứng sợ hãi khi không có điện thoại
Nomophobia là tên tiếng Anh của hội chứng sợ hãi khi không có điện thoại. Ảnh: PsyCare

Nghiên cứu trên cũng tiết lộ rằng, nỗi sợ hãi này có thể mạnh mẽ đến mức nhiều người không bao giờ tắt điện thoại, ngay cả vào ban đêm hoặc trong thời gian không sử dụng điện thoại (Bhattacharya et al, 2019). Khi được hỏi tại sao họ không bao giờ tắt điện thoại, có 9% nghiệm thể cho biết việc tắt điện thoại khiến họ lo lắng. Nỗi sợ bỏ lỡ điều gì đó (FOMO) có lẽ là nguyên nhân khiến nhiều người vẫn trả lời cuộc gọi hoặc tin nhắn ngay cả khi họ đang bận việc khác.

Xem thêm: Hội chứng FOMO là gì: 5 cách vượt qua nỗi sợ bị bỏ lỡ

2. Nomophobia phổ biến như thế nào?

Mặc dù nghiên cứu về hiện tượng này vẫn còn hạn chế, nhưng cũng đã có một số phát hiện cho thấy chứng sợ nomophobia là khá phổ biến. Một nghiên cứu trên các sinh viên Ấn Độ cho thấy, có hơn 22% số người tham gia có dấu hiệu mắc chứng sợ nomophobia nghiêm trọng. Khoảng 60% những người tham gia nghiên cứu có dấu hiệu tình trạng này ở mức vừa phải (Farooqui et al, 2018).

3. Các triệu chứng của nỗi sợ không có điện thoại Nomophobia là gì?

Ám ảnh sợ hãi là một loại rối loạn lo âu được đặc trưng bởi nỗi sợ hãi phi lý đối với một đối tượng hoặc tình huống. Nỗi sợ hãi trong trường hợp này liên quan đến việc không có điện thoại hoặc sợ nằm ngoài tầm tiếp cận của dịch vụ điện thoại di động.

Nomophobia không phải là một chẩn đoán lâm sàng, nhưng có một số triệu chứng được xác định là có liên quan đến một trong những nỗi sợ hãi phổ biến nhất này. Bao gồm:

  • Không thể tắt điện thoại
  • Liên tục kiểm tra điện thoại để tìm tin nhắn, email hoặc cuộc gọi nhỡ
  • Sạc pin ngay cả khi điện thoại đã được sạc đầy
  • Mang theo điện thoại mọi lúc mọi nơi, kể cả trong phòng tắm
  • Liên tục kiểm tra để đảm bảo rằng điện thoại luôn ở bên mình
  • Sợ không có Wifi hoặc không thể kết nối với mạng dữ liệu di động
  • Lo lắng về những điều tiêu cực xảy ra và không thể kêu cứu
  • Căng thẳng vì bị ngắt kết nối với mạng xã hội của bản thân
  • Bỏ qua các hoạt động hoặc sự kiện đã lên kế hoạch để dành thời gian cho thiết bị di động

Ngoài các triệu chứng về cảm xúc và nhận thức, một người mắc chứng nomophobia cũng có thể gặp các triệu chứng về thể chất. Chẳng hạn như thở nhanh hơn, nhịp tim tăng lên, đổ mồ hôi nhiều hơn và có thể kèm theo run rẩy. Họ cũng có thể cảm thấy yếu dần, hoặc chóng mặt. Trong những trường hợp nghiêm trọng, các triệu chứng sợ hãi này có thể nặng hơn thành cơn hoảng loạn.

triệu chứng nỗi sợ không có điện thoại nomophobia
Không thể tách rời hoặc tắt điện thoại là một trong những triệu chứng điển hình của nomophobia. Ảnh: PsyCare

4. Đặc điểm của chứng sợ nomophobia là gì?

Trong một nghiên cứu năm 2015, các nhà nghiên cứu đã xác định một số khía cạnh chính của chứng sợ không có điện thoại (Yildirim & Correia, 2015). Các đặc điểm đó là:

  • Không thể giao tiếp với người khác
  • Cảm thấy thường bị ngắt kết nối
  • Không truy cập được thông tin
  • Từ bỏ một sự

Những người mắc chứng ám sợ này liên tục kiểm tra điện thoại của mình, mang điện thoại đi mọi nơi, dành nhiều giờ mỗi ngày để sử dụng điện thoại và trải qua cảm giác bất lực khi bị tách khỏi điện thoại. Nghiên cứu cho thấy, việc sử dụng điện thoại quá nhiều có thể gây nên một số tác động tiêu cực bao gồm suy giảm kết quả học tập, gia tăng lo lắng, giảm mức độ hài lòng trong cuộc sống và giảm cảm nhận hạnh phúc tổng thể (Lepp et al, 2014).

5. Nguyên nhân của chứng sợ không có điện thoại nomophobia là gì?

Có một số lý do giải thích nguyên nhân gây nên nomophobia là gì. Bao gồm:

  • Do tính hữu ích cho các công việc hàng ngày: Smartphone có khả năng làm được nhiều điều như giữ liên lạc, tìm kiếm những điều mà chủ thể quan tâm, tiến hành kinh doanh, tổ chức, chia sẻ thông tin và thậm chí quản lý tiền bạc. Cũng vì vậy mà không có gì ngạc nhiên khi mọi người lo sợ không có điện thoại bên mình. Không có điện thoại khiến chủ thể cảm thấy bị cắt đứt và cô lập khỏi các khía cạnh quan trọng của cuộc sống.
  • Do sự phụ thuộc vào việc sử dụng điện thoại cho việc giải tỏa ức chế: Đây cũng là một nghịch lý của công nghệ. Smartphone có thể vừa giúp chúng ta giải trí, giải phóng sự ức chế trong cơ thể. Chúng ta còn có thể giao tiếp, thu thập thông tin và giao lưu xã hội, nhưng đồng thời, việc sử dụng điện thoại cũng có thể dẫn đến sự phụ thuộc có khả năng gây căng thẳng.
  • Do xu hướng thời đại phải làm quen với công nghệ: Điều này đặc biệt dễ thấy ở thế hệ gen Z. Ngay từ khi ở độ tuổi thanh thiếu niên, thế hệ này hầu hết được sinh ra và lớn lên trong thời đại công nghệ kỹ thuật số. Do đó, họ đã sớm có kinh nghiệm với máy tính, Internet và smartphone. Thế nên, những thiết bị này thường là một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của thế hệ trẻ.
thế hệ gen z gắn liền thời đại kỹ thuật số
Thế hệ gen Z gắn liền thời đại kỹ thuật số nên thiết bị di động là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của họ. Ảnh: PsyCare

6. Test và công cụ chẩn đoán hội chứng sợ nomophobia

Chứng sợ nomophobia không được Sổ tay Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn tâm thần DSM-5 chính thức công nhận là một rối loạn. Loại sợ hãi này có thể đáp ứng các tiêu chí của một nỗi ám ảnh tình huống cụ thể tùy thuộc vào các triệu chứng và biểu hiện. Một nỗi ám ảnh cụ thể được đặc trưng bởi một nỗi sợ hãi vô lý, quá mức và phản ứng sợ hãi phóng đại không tương xứng với mối đe dọa thực tế.

Các nhà nghiên cứu cũng đã phát triển test hội chứng sợ không có điện thoại nomophobia. Đó là Bảng câu hỏi Nomophobia (NMP-Q), giúp đánh giá các triệu chứng của hội chứng này. Nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng, bảng câu hỏi là thước đo hữu ích về nỗi sợ hãi khi không có điện thoại di động (Yildirim & Correia, 2015).

Trong bài test nomophobia này, chủ thể sẽ trả lời đánh giá mức độ họ đồng ý hoặc không đồng ý với các mệnh đề như:

  • “Tôi sẽ cảm thấy không thoải mái nếu không được tiếp cận thông tin liên tục qua điện thoại thông minh của mình.”
  • “Điện thoại thông minh hết pin sẽ làm tôi sợ hãi.”
  • “Tôi sẽ cảm thấy lo lắng vì không thể giữ liên lạc với gia đình và/hoặc bạn bè của mình.”

Một nghiên cứu cho thấy, mức độ sợ nomophobia (đo bằng NMP-Q) tương ứng với mức độ ám ảnh cao. Điều này chứng tỏ chứng sợ nomophobia có khả năng cao kèm theo một số rối loạn (Lee et al, 2018). Chẳng hạn: Người mắc rối loạn lo âu và hoảng sợ có thể dễ mắc chứng sợ khi không có điện thoại hơn (King et al, 2014).

7. Điều trị Nomophobia: Làm thế nào để vượt qua nỗi sợ hãi không có điện thoại?

Không có phương pháp điều trị cụ thể cho chứng sợ nomophobia. Nếu bạn có các triệu chứng của nomophobia hoặc cảm thấy việc sử dụng điện thoại di động đang gây ra các vấn đề trong cuộc sống của mình, hãy tìm đến nhà tâm lý hoặc chuyên gia sức khỏe tâm thần. Nhà chuyên môn có thể đề xuất một số liệu pháp phù hợp với tình trạng và mức độ hiện tại của bạn.

7.1. Liệu pháp phơi nhiễm (Exposure Therapy)

Liệu pháp phơi nhiễm (Exposure Therapy) là một kỹ thuật hành vi mà qua đó, chủ thể sẽ học cách dần dần đối mặt với nỗi sợ hãi của mình. Trong trường hợp nomophobia, chủ thể sẽ dần quen với việc không có điện thoại.

Chủ thể sẽ bắt đầu từ mục tiêu đơn giản (như để điện thoại ở phòng khác trong một khoảng thời gian nhất định), rồi dần dần tiến tới những khoảng thời gian dài hơn mà không cần điện thoại. Sau đó, tăng cấp độ lên mức để điện thoại ở nhà khi bạn đi mua sắm hoặc tắt điện thoại khi bận làm việc khác.

7.2. Trị liệu nhận thức hành vi cho nomophobia là gì?

Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT) sẽ giúp chủ thể lên lịch trình giải quyết các kiểu suy nghĩ tiêu cực và phi lý góp phần tạo nên các hành vi không thích nghi, trong trường hợp này là không thể rời xa điện thoại. Nhà trị liệu đồng thời cũng sẽ giúp thân chủ học cách thay thế những suy nghĩ tiêu cực này bằng các suy nghĩ mang tính thực tế và hợp lý hơn.

Ví dụ: Thay vì nghĩ rằng mình sẽ bỏ lỡ điều gì đó quan trọng nếu bạn không kiểm tra điện thoại liên tục để tìm tin nhắn vài phút một lần, CBT sẽ giúp nhắc nhở bạn rằng, bạn sẽ không bỏ lỡ điều gì cả, miễn là bạn thỉnh thoảng kiểm tra điện thoại của mình.

Xem thêm:

7.3. Điều trị thuốc cho hội chứng sợ không có điện thoại nomophobia là gì?

Hiện tại, không có loại thuốc nào được FDA chấp thuận để điều trị chứng sợ nomophobia. Thế nhưng, bác sĩ tâm thần có thể kê đơn thuốc chống lo âu hoặc thuốc chống trầm cảm để giải quyết một số triệu chứng của bạn. Trong đó, phổ biến nhất là các chất ức chế tái hấp thu serotonon có chọn lọc, như Lexapro, Zoloft và Paxil.

7.4. Một số cách khác giúp bạn vượt qua nỗi sợ nomophobia

Nếu quyết tâm, có một số chiến lược bạn có thể tự thực hiện để quản lý việc sử dụng điện thoại của mình hợp lý hơn. Bao gồm:

  • Đặt ranh giới: Thiết lập các quy tắc cho việc sử dụng thiết bị di động của bạn. Chẳng hạn như tránh sử dụng điện thoại vào những thời điểm nhất định trong ngày (bữa ăn hoặc trước khi đi ngủ).
cách vượt qua nỗi sợ nomophobia
Thiết đặt ranh giới để vượt qua nỗi sợ nomophobia. Ảnh: PsyCare
  • Tìm kiếm một sự cân bằng: Hãy tập trung nhiều hơn vào việc tương tác cá nhân với những người khác hàng ngày.
  • Tìm những cách khác để chiếm thời gian của bạn: Ví dụ như nếu bạn cảm thấy mình sử dụng điện thoại quá mức vì buồn chán, hãy thử các hoạt động khác để khiến bản thân phân tâm khỏi điện thoại. Hãy thử đọc sách, đi dạo, học kỹ thuật thở tĩnh tâm, chơi thể thao, hoặc bất kì sở thích nào bạn muốn.

Mong rằng bài viết trên đây đã giúp bạn hiểu rõ khái niệm hội chứng sợ hãi khi không có điện thoại nomophobia là gì và có những triệu chứng nào để nhận biết. Cùng với đó là một số gợi ý về cách điều trị, chiến lược ứng phó giúp bạn vượt qua nỗi sợ hãi tâm lý này. Hãy bắt đầu cải thiện bản thân từ những điều đơn giản nhất, chắc chắn bạn sẽ có cuộc sống tích cực hơn thay vì phụ thuộc điện thoại một cách vô ích.

Thạc sĩ Tâm lý học Nguyễn Thanh Trúc, có hơn 8 năm kinh nghiệm tham vấn & trị liệu tâm lý lâm sàng nhận thức – hành vi (CBT), hiện là cố vấn chuyên môn, quản lý các dự án nghiên cứu khoa học và đồng thời là chuyên gia kiểm duyệt nội dung cho PsyCareVN.

Bài viết cùng chủ đề

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *