Phương pháp đóng vai (role play) là một trong nhiều cách để học cách quản lý cảm xúc. Bài viết dưới đây sẽ khám phá giá trị của đóng vai (role play) như một kỹ thuật trị liệu tâm lý và giới thiệu một số kịch bản, bài tập, hoặc động và câu hỏi trợ giúp theo từng liệu pháp tiếp cận.
Mục lục
- 1. Giới thiệu phương pháp đóng vai trong trị liệu tâm lý là gì?
- 2. Phương pháp đóng vai đem lại hiệu quả trong trị liệu tâm lý như thế nào?
- 3. Gợi ý 4 ví dụ về phương pháp đóng vai trong một số tình huống trị liệu tâm lý
- 4. Phương pháp đóng vai trong trị liệu tâm lý có hiệu quả không?
- 5. Quy trình thực hiện phương pháp đóng vai trong trị liệu tâm lý
- 6. Gợi ý kịch bản nhập vai trong tham vấn – trị liệu tâm lý cơ bản theo kỹ thuật “Chiếc ghế trống” (Empty Chair)
- 7. Một số hoạt động, trò chơi và bài tập cho phương pháp đóng vai trong trị liệu tâm lý
- 8. Một số bài tập áp dụng phương pháp đóng vai trong trị liệu nhóm
1. Giới thiệu phương pháp đóng vai trong trị liệu tâm lý là gì?
Phương pháp đóng vai (role play) đem lại nhiều lợi ích trong trị liệu tâm lý nói riêng, sức khỏe tinh thần nói chung. Đây là một kỹ thuật trị liệu không yêu cầu người tham gia phải chuẩn bị trang phục, trang điểm; đồng thời là tài liệu sinh viên quý giá về sức khỏe tâm thần và liệu pháp tâm lý, vì nó là một công cụ mạnh mẽ trong việc trị liệu (Rønning & Bjørkly, 2019).
Phương pháp đóng vai điển hình bao gồm 2 hoặc nhiều người diễn lại một kịch bản có vấn đề cụ thể – dựa trên thực tế hoặc tưởng tượng, đủ chân thực để gợi lên phản ứng cảm xúc. Nhà trị liệu có thể đóng vai cha/ mẹ hoặc giáo viên và sử dụng từ ngữ, cách cư xử, phản ứng dựa trên thông tin thu thập được từ thân chủ để khám phá những vấn đề liên quan đến tình huống cụ thể (Hackett, 2011).
Các kịch bản đóng vai có thể phù hợp với những thân chủ chia sẻ ít về vấn đề của bản thân. Nó thay thế các kỹ thuật trị liệu tâm lý truyền thống bằng lời nói, giúp thân chủ dễ dàng bày tỏ vấn đề của bản thân mà không cảm thấy đề phòng hoặc nghi ngờ. Đây cũng là cách tiếp cận tương đối không gây nguy hiểm trong cả quá trình đánh giá và can thiệp, giúp thu hút thân chủ tham gia mối quan hệ trị liệu dễ dàng hơn, đặc biệt là trẻ em (Hackett, 2011).
Đóng vai thường được sử dụng trong trị liệu nhận thức hành vi (CBT) để hướng dẫn kỹ năng cho thân chủ. Thông qua phương pháp đóng vai, thân chủ thực hành và cải thiện các kỹ thuật quyết đoán, tương tác xã hội, đồng thời, học cách quản lý stress và kiểm soát nỗi lo lắng, cảm xúc hung hăng hoặc những khó khăn với các cá nhân khác (Hackett, 2011). Thân chủ có thể sử dụng các bài tập trị liệu như vậy để giải quyết cảm xúc và niềm tin phi lý của bản thân trong một tình huống tưởng tượng trong quá khứ, hiện tại hoặc tương lai.
2. Phương pháp đóng vai đem lại hiệu quả trong trị liệu tâm lý như thế nào?
Kỹ thuật đóng vai thường được áp dụng trong các nhóm giám sát để thúc đẩy sự phản ánh và hiểu biết sâu sắc cho sinh viên chuyên ngành Tâm lý học với vai trò là thân chủ và nhà trị liệu. Nó còn giúp những người quan sát các phiên trị liệu dễ dàng hơn (Rønning & Bjørkly, 2019, trang 415). Thật vậy, việc học tập và thực hành các kỹ thuật trong một môi trường an toàn, được giám sát như vậy có thể thúc đẩy các học viên có năng lực phát triển.
Đối với thân chủ, phương pháp đóng vai cung cấp sự thay thế cho một số khía cạnh của liệu pháp trò chuyện điển hình (Hackett, 2011). Theo Corey (2012), kỹ thuật nhập vai có các thành phần cảm xúc, nhận thức và hành vi giúp tạo ra những xáo trộn để thân chủ thay đổi cảm xúc tiêu cực thành cảm xúc tích cực hoặc phù hợp hơn. Khi tái hiện lại những phân cảnh trong cuộc sống của thân chủ, họ trở nên dễ dàng tham gia vào hơn là chỉ đơn thuần kể lại những câu chuyện của bản thân (Corey, 2012).
Là một kỹ thuật tâm lý trị liệu, đóng vai cung cấp cái nhìn sâu sắc và hữu ích về cách mà mỗi cá nhân nhìn nhận môi trường sống và hoạt động của họ giữa các cá nhân khác. Do đó, nó có thể đặc biệt hiệu quả trong việc trị liệu sang chấn, cho phép nhà trị liệu và thân chủ tái hiện lại trải nghiệm trước đó để giải quyết (Hackett, 2011).
Để thực hành kỹ thuật đóng vai, đôi khi, có thể di chuyển đồ đạc trong phòng trị liệu để dựng lại môi trường giống như tình huống trong kịch bản. Ví dụ như phòng khách nơi xảy ra mâu thuẫn của thân chủ với gia đình, hoặc khung cảnh làm việc nơi xảy ra bất đồng với sếp,…Điều này giúp cả thân chủ và nhà trị liệu nắm bắt tốt hơn cách mà thân chủ hiện đang phản ứng với tình huống ấy như thế nào (Nelson-Jones, 2014).
3. Gợi ý 4 ví dụ về phương pháp đóng vai trong một số tình huống trị liệu tâm lý
Dưới đây là 4 ví dụ thực tế về việc áp dụng phương pháp đóng vai trong trị liệu tâm lý:
- Bạn sinh viên A. muốn tự kiếm thêm thu nhập trang trải học phí phụ gia đình. A. dự định nộp đơn xin làm phục vụ part-time ở một quán cafe gần trường học, nhưng cảm thấy lo lắng và sợ bị từ chối. Kỹ thuật đóng vai sẽ giúp A. nhập vai vào một cuộc phỏng vấn tưởng tượng với người quản lý quán cafe để khám phá những niềm tin, nỗi lo lắng và suy nghĩ cụ thể của thân chủ. Qua đó, thực hành thách thức những suy nghĩ của thân chủ về việc “sợ bị chấp nhận” có ý nghĩa thế nào, mức độ phù hợp với thực tế và kỹ năng ứng phó.
- Anh B. thường tức giận quá mức khi con gái của anh đi chơi về muộn. Khi này, nhà trị liệu có thể đề nghị B. đóng vai một tình huống cụ thể ở thời điểm trước khi cơn tức giận xuất hiện, và sử dụng các kỹ năng đối phó với cảm xúc tiêu cực, cho phép khả năng mắc lỗi ở mức an toàn, và cải thiện khả năng xử lý tình huống tương tự trong tương lai (Nelson-Jones, 2014).
- Chị C. thường thể hiện kém trong các cuộc phỏng vấn cho vị trí quản lý, dù trước đây chị từng được cấp trên ở công ty cũ đánh giá cao với khả năng quản lý. Với trường hợp này, thân chủ C. sẽ được đề nghị đóng vai một cuộc phỏng vấn trong tương lai với nhà trị liệu là người phỏng vấn. Trong quá trình phỏng vấn, nhà trị liệu sẽ sử dụng bộ câu hỏi có thể gây khó khăn cho thân chủ. Cuộc phỏng vấn tưởng tượng có thể được quay video lại (với sự cho phép của thân chủ) để xem xét và đánh giá lại. Các kỹ năng sử dụng hình ảnh tưởng tượng có thể được áp dụng kèm để giúp chị C. luyện tập các kỹ năng mục tiêu trước những cuộc phỏng vấn tương tự trong tương lai (Nelson-Jones, 2014).
- Sinh viên D. gặp khó khăn trong giao tiếp và kém tự tin khi tiếp xúc với thầy/ cô hướng dẫn đề án tốt nghiệp của mình. Nhà trị liệu sẽ hướng dẫn D. kỹ năng quyết đoán, sau đó, đóng vai các cuộc gặp gỡ với giảng viên để thử các kỹ thuật mới học được. Việc thực hành này giúp thân chủ quản lý các nỗi sợ hãi và cải thiện mối quan hệ với giảng viên hướng dẫn tốt hơn (Corey, 2012).
4. Phương pháp đóng vai trong trị liệu tâm lý có hiệu quả không?
Kịch bản phương pháp đóng vai đem lại nhiều lợi ích tích cực đã được kiểm chứng để hỗ trợ cho quá trình điều trị và cải thiện khả năng của thân chủ. Những lợi ích tiềm năng của phương pháp nhập vai (Nelson-Jones, 2014; Hackett, 2011; Corey, 2012) bao gồm:
- Cung cấp cơ hội đánh giá để khám phá cách thân chủ suy nghĩ và hành động trong từng tình huống cụ thể.
- Mang đến cơ hội thực hành với các kỹ năng đã học trong quá trình điều trị.
- Tạo cơ hội cho nhà trị liệu và thân chủ làm việc cùng nhau và thử các phong cách, phương pháp tiếp cận để giao tiếp thông qua lời nói và giao tiếp không lời.
- Thực hành cách đối phó với một loạt phản ứng từ người khác.
- Thử nghiệm việc chuyển các kỹ năng đã học vào thực tế cuộc sống để nhận ra giá trị của chúng trong khi thực hành vượt qua các trở ngại.
- Đào tạo kỹ năng mang lại lợi ích bằng cách cung cấp cơ hội thực hành các kỹ năng xã hội, tính quyết đoán, cùng các kỹ năng khác liên quan đến giao tiếp và mối quan hệ với người khác.
- Tạo cơ hội để đóng vai các tình huống có vấn đề mà thân chủ gặp phải trong cuộc sống hàng ngày của mình.
- Giúp thân chủ học các chiến lược ứng phó để tránh hành vi mang tính bốc đồng, hung hăng, lo âu xã hội, sợ hãi khi kiểm tra, các vấn đề về ăn uống và lo lắng không ngừng khi nói trước đám đông.
5. Quy trình thực hiện phương pháp đóng vai trong trị liệu tâm lý
Nhập vai trong trị liệu tâm lý là một kỹ năng đòi hỏi sự luyện tập và tập trung để đảm bảo rằng thân chủ có thể thử các kỹ năng và cơ chế ứng phó mới của mình. Nhà trị liệu phải rõ ràng về kỳ vọng của thân chủ và hỗ trợ họ bằng nhiều cách (Nelson-Jones, 2014).
Cũng theo Nelson-Jones (2014), quy trình thực hiện phương pháp đóng vai trong tham vấn – trị liệu tâm lý bao gồm:
- Giải thích lý do nhập vai
- Thiết lập bối cảnh/ tình huống nhập vai
- Đánh giá các kỹ năng và hành vi giao tiếp hiện tại của thân chủ
- Hình thành các kỹ năng và hành vi giao tiếp mới hoặc đã thay đổi của thân chủ
- Diễn tập các kỹ năng và hành vi mới
- Khuyến khích thân chủ luyện tập các kỹ năng vừa học ở cả trong và ngoài các buổi trị liệu
6. Gợi ý kịch bản nhập vai trong tham vấn – trị liệu tâm lý cơ bản theo kỹ thuật “Chiếc ghế trống” (Empty Chair)
Các kịch bản phương pháp đóng vai tạo cơ hội cho thân chủ thực hành các hành vi mong muốn được nhà trị liệu quan sát để xem xét và đánh giá lại (Corey, 2012).
Thử nghiệm “Chiếc ghế trống” (Empty Chair) là một trong những phương pháp trị liệu tâm lý được sử dụng rộng rãi nhất trong liệu pháp tâm lý học Gestalt, nó cung cấp một chút thay đổi về ý tưởng nhập vai. Theo Joyce & Sills (2014), kỹ thuật “Chiếc ghế trống” giúp “mang lại tiếng nói cho trải nghiệm của thân chủ và là một cách để nhận ra và tái sở hữu những phẩm chất đã bị xa lánh” (Joyce & Sills, 2014, trang 100).
Thân chủ được yêu cầu tưởng tượng một người nào đó trong quá khứ hoặc hiện tại của họ, đang ngồi trên một chiếc ghế đối diện mình. Sau đó, họ nói chuyện cởi mở về việc họ cảm thấy như thế nào khi có người đó ở đó.
Một ví dụ về câu hướng dẫn mở đầu trong kịch bản phương pháp đóng vai “Chiếc ghế trống” có thể như sau:
Nhà trị liệu: “Nếu chồng bạn đang ở trong phòng ngay lúc này, anh ấy sẽ ngồi hay đứng gần/xa như thế nào?
Bây giờ, hãy nhắm mắt lại. Bạn hãy tưởng tượng anh ấy đang mặc gì? Anh ấy đang ngồi hay đứng như thế nào? Biểu cảm trên gương mặt anh ấy là gì?
[…]
Bây giờ, từ từ mở mắt, tưởng tượng bạn đang nhìn vào anh ấy đang ngồi (hoặc đứng – theo như mô tả trước đó của thân chủ) trước mặt bạn.
Bạn cảm thấy những cảm xúc nào – ngay lúc này?
Bạn muốn nói gì với anh ấy?“
Tại thời điểm này, nhà trị liệu có khả năng bắt đầu nắm bắt được những khó khăn mà thân chủ của mình gặp phải với người, tình huống, hoặc cảm xúc được dựng lại trong tình huống nhập vai. Ví dụ, thân chủ có thể nói: “Anh ấy trông rất nghiêm khắc và đang chỉ trích tôi.”
Nhà trị liệu có thể đưa ra tiếp những câu hỏi như: “Sẽ nguy hiểm đến mức nào/ Kết quả tệ nhất có thể là gì nếu bạn bảo anh ta dừng lại (điều anh ấy đang làm)?”
Phương pháp đóng vai theo kỹ thuật “Chiếc ghế trống” khuyến khích thân chủ suy nghĩ về cảm giác của mình đối với tình huống và con người; đồng thời, thử các cách ứng phó và cư xử thay thế theo hướng phù hợp hơn.
7. Một số hoạt động, trò chơi và bài tập cho phương pháp đóng vai trong trị liệu tâm lý
Các hoạt động và trò chơi có thể nâng cao hiệu quả của việc đóng vai, và cung cấp cơ hội mới để khám phá tư duy, cảm xúc, hành vi và các kỹ năng đã học của thân chủ (Mann, 2010).
7.1. Phương pháp đóng vai Top dog – underdog
Khi nhà trị liệu nhận thấy thân chủ đang có 2 quan điểm hoặc thái độ đối lập (và đôi khi là cực đoan), sẽ rất có ích nếu yêu cầu họ đóng vai từng người một. Thân chủ có thể được đóng vai “Top dog” (người có ưu thế) và yêu cầu mọi thứ được thực hiện theo cách của mình. Sau đó, họ được đóng vai “Underdog” (người yếu thế) – một người ngỗ ngược, nổi loạn, người không làm như đã nói.
Ví dụ (sửa đổi từ Mann, 2010):
Khi nhập vai Top dog, thân chủ có thể nói: “Tôi cần đi tập thể dục và lấy lại vóc dáng.” Khi nhập vai Underdog, thân chủ có thể nói: “Ai quan tâm đâu chứ! Tôi chỉ muốn lấy một chiếc bánh mì kẹp thịt và nằm dài cho hết ngày lười biếng!”.
7.2. Phương pháp nhập vai lý trí – tình cảm
Khi các kỹ thuật khác không thể giúp thân chủ vượt qua trở ngại của vấn đề hiện tại, bạn có thể cân nhắc áp dụng phương pháp đóng vai lý trí – tình cảm trong liệu pháp nhận thức hành vi (Beck, 2011).
Với phương pháp đóng vai này, thông qua một tình huống tái hiện lại hoặc tưởng tượng, thân chủ sẽ được yêu cầu đóng vai trò là Cảm xúc. Họ hành động và cư xử theo những niềm tin bị rối loạn hoặc vô ích của mình. Tiếp theo, họ tiếp cận cùng tình huống ấy nhưng lần này là với vai trò là Lý trí, họ sẽ cư xử theo cách họ nhận ra ý tưởng của mình là không phù hợp hoặc vô ích.
Ví dụ:
Cảm xúc: “Tôi thật vô dụng vì không đạt được điểm A trong tất cả các môn.”
Lý trí: “Đó là một bài kiểm tra khó, và đã không ai có điểm A trong mọi môn thi.“
7.3. Một số kỹ thuật và câu hỏi giúp thân chủ tự phản ánh trong phương pháp đóng vai
Thực hiện các bài tập đóng vai giúp tạo cơ hội cho thân chủ tự phản ánh. Sau khi quá trình nhập vai kết thúc, nhà trị liệu có thể dùng một số câu hỏi như dưới đây để khuyến khích thân chủ suy ngẫm sâu sắc hơn về những kỹ năng mình đã học được (Beck, 2011; Mann, 2010):
- Bạn đã học được gì từ bản thân?
- Bạn cảm thấy thế nào trong mỗi vai diễn trong phiên trị liệu mà mình đã nhập vai?
- Qua vai diễn đó, bạn khám phá ra điều gì?
- Bạn đã hiểu rõ hơn về cảm giác của bạn hay của người khác chưa? Nếu có, bạn hiểu như thế nào?
- Bạn nghĩ mình sẽ làm gì khác trong lần tới khi đối mặt với tình huống tương tự như thế này?
Trong quá trình đóng vai, sẽ rất có ích khi thân chủ nói ra những suy nghĩ của mình thành tiếng. Điều này giúp họ giải thích những suy nghĩ, niềm tin, cảm xúc, và lý do đằng sau hành vi của mình là gì (Baim et al, 2007).
7.4. Phương pháp đóng vai đảo ngược vai trò (role reversal)
Đóng vai đảo ngược vai trò (role reversal) có nghĩa là thân chủ nhập vai vào từng nhân vật trong tình huống của mình, “đi trong đôi giày của họ” và xem xét tình huống tương tự có thể trải qua theo những cách khác nhau như thế nào (Baim et al, 2007).
7.5. Kỹ thuật nhập vai quá khứ và tương lai
Bất kì nhân vật nào (còn sống hoặc đã mất) từ quá khứ có thật hoặc tương lai tưởng tượng đều có thể được đưa vào kịch bản đóng vai và làm việc qua nhiều lần nếu cần. Không có giới hạn, và một tình huống có thể được hiểu rõ hơn khi nó được xem xét lại.
8. Một số bài tập áp dụng phương pháp đóng vai trong trị liệu nhóm
Liệu pháp nhóm cung cấp nhiều trải nghiệm để phát triển bản thân, đặc biệt là sử dụng phương pháp nhập vai (Mann, 2010). Với trẻ em, phương pháp đóng vai có thể hữu ích với những đứa trẻ nào chưa có từ ngữ để mô tả cảm giác của mình hoặc đưa ra cơ chế ứng phó để xử lý những cảm xúc tiêu cực như khi trẻ tức giận (Snowden & Rebar, 2018).
Các phiên trị liệu nhóm có thể sử dụng một số trò chơi/ bài tập gợi ý dưới đây để khám phá, và tìm hiểu các tình huống khó khăn, và trải nghiệm những cảm xúc mạnh mẽ của thân chủ.
8.1. Bài tập quản lý cơn giận – tốt nhất và tệ nhất trong trị liệu nhóm
Tức giận có thể là một cảm xúc khó lường trước và khó quản lý. Trong môi trường nhóm, nhà trị liệu có thể yêu cầu thân chủ (trẻ em hoặc người lớn) đưa ra danh sách các tình huống thường khiến họ tức giận.
Sau đó, đề nghị 2 người làm tình nguyện viên đóng vai. Trong đó, một người đóng vai Tốt nhất, xử lý tốt một tình huống và kiềm chế cơn giận của họ; người còn lại đóng vai Tệ nhất, xử lý tình huống ấy theo cách kém nhất, và thể hiện mặt xấu nhất của họ. Sau cùng, hãy cùng suy ngẫm về cảm giác của người đó khi họ tức giận, và những người xung quanh có thể bị ảnh hưởng như thế nào.
8.2. Bài tập “Yêu cầu những gì tôi cần” trong phương pháp đóng vai trị liệu nhóm
Không phải lúc nào cũng dễ dàng yêu cầu những gì chúng ta mong muốn. Nhà trị liệu có thể yêu cầu nhóm nghĩ về một tình huống mà họ không thể nói ra (có thể là trong lớp học hoặc tại nơi làm việc,…), và cách họ đã phản ứng. Thảo luận trong nhóm về cảm xúc của họ.
Theo cặp, hãy đề nghị các thành viên trong nhóm thực hành bài tập “Yêu cầu những gì tôi muốn” trong tình huống đó, bằng cách sử dụng một số mệnh đề (sửa đổi từ Snowden & Rebar, 2018) gợi ý dưới đây:
- “Tôi đang cảm thấy …[ví dụ “khó chịu”] và tôi cần phải…[ví dụ “giải thích cảm giác của tôi cho bạn hiểu”]”
- “Thật khó để nói chuyện đó ngay bây giờ, nhưng tôi …[“ví dụ “cần chút thời gian”]. Chúng ta có thể nói về chuyện này sau không?”
- “Tôi cảm thấy …[ví dụ “thực sự tức giận”] và tôi không chắc mình cần/ muốn gì. Bạn có thể giúp tôi tìm ra nó không?”
Sau khi thực hiện bài tập trên theo cặp, hãy yêu cầu 2 người tình nguyện viên đóng vai khám phá và chia sẻ lại với cả nhóm xem điều gì đã giúp họ ứng phó hiệu quả.
Kỹ thuật nhập vai trong trị liệu có khả năng giúp đỡ những thân chủ đã từng thử nghiệm các liệu pháp khác trước đây nhưng không hiệu quả. Bằng cách tạo ra môi trường an toàn, phương pháp đóng vai (Role play) tạo ra nơi để thân chủ kiểm soát những tình huống nào trong quá khứ, hiện tại, và tương lai khiến họ cảm thấy khó chịu. Phương pháp nhập vai còn đặc biệt hữu ích khi giúp thân chủ thực hành các kỹ năng mới – xã hội hoặc giao tiếp – trong các tình huống khó khăn tiềm ẩn, để xác định cơ chế ứng phó phù hợp cho vấn đề của mình.
1 comment
Tôi rất tò mò về phương pháp trị liệu tâm lí theo chiếc ghế trống , tại sao không gọi một tên khác mà lại theo chiếc ghế trống