Rối loạn xử lý cảm giác (SPD): Hướng dẫn cách điều hòa giác quan cho trẻ

Thuật ngữ rối loạn xử lý cảm giác ra đời để chỉ các khó khăn của trẻ trong việc xử lý các thông tin cảm giác. “Tại sao con tôi lại phản ứng thái quá với tiếng máy xay sinh tố?“, “Tại sao con tôi lại ghét được ôm như thế?“,… Đã bao giờ bạn bắt gặp những đứa trẻ có biểu hiện như vậy chưa? Những biểu hiện này của trẻ không hề bất thường chút nào, rất có thể chúng đang gặp những khó khăn trong việc xử lý các cảm giác khiến chúng cảm thấy choáng ngợp và né tránh. Mời các bạn tiếp tục cùng PsyCareVN tìm hiểu xem rối loạn xử lý giác quan là gì và có những cách nào để điều hòa giác quan cho trẻ nhé!

Mục lục

1. Rối loạn xử lý cảm giác (Sensory Processing Disorder) là gì?

1.1. Rối loạn xử lý cảm giác (Sensory Processing Disorder) là gì?

Rối loạn xử lý cảm giác (Sensory Processing Disorder – SPD) hay còn gọi là rối loạn giác quan, là tình trạng não gặp khó khăn trong việc tiếp nhận và phản hồi thông tin đến từ các giác quan (Crasta et al, 2020). Trước đây, tình trạng này được gọi là rối loạn chức năng tích hợp cảm giác (sensory integration dysfunction).

Hiện tại, rối loạn này chưa được công nhận là một chẩn đoán y tế riêng biệt, kể cả DSM-5. Tuy nhiên, rối loạn này đã được công nhận là thực thể chẩn đoán riêng trong phiên bản mới nhất của Sổ tay chẩn đoán phân loại các rối loạn tâm thần và phát triển ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ (DC: 0-5, từ 0 đến 3).

Trẻ mắc rối loạn xử lý cảm giác có thể quá nhạy cảm với mọi thứ xung quanh. Những âm thanh bình thường có thể khiến trẻ cảm thấy choáng ngợp hay sự chạm nhẹ của áo sơ mi cũng có thể gây khó chịu, đau đớn cho trẻ.

Những trẻ mắc rối loạn xử lý giác quan có thể gặp khó khăn trong việc phối hợp vận động, kiểm soát cơ thể kém dẫn đến va vào mọi thứ, không nhận biết được vị trí cơ thể trong không gian, khó khăn trong việc giao tiếp xã hội,… Các vấn đề về xử lý cảm giác thường xuất hiện ở trẻ em, nhưng vẫn gây ảnh hưởng đến khi trưởng thành.

rối loạn xử lý cảm giác ở trẻ là gì
Trẻ mắc rối loạn xử lý cảm giác có thể quá nhạy cảm với mọi thứ xung quanh.

1.2. Giải thích các thông điệp của giác quan

Như đã đề cập ở trên, rối loạn xử lý cảm giác khiến não bộ của trẻ em (và người lớn) gặp khó khăn trong việc diễn giải các thông điệp cảm giác một cách hiệu quả. Rối loạn này gây ảnh hưởng hoặc làm gián đoạn các thông tin, dẫn đến hành vi phản ứng không mong đợi. Rối loạn xử lý cảm giác gây nên chứng phối hợp kém hoặc khó phối hợp các thông tin cảm giác. Do đó, thuật ngữ “Rối loạn tích hợp cảm giác” ra đời để mô tả khó khăn này.

1.3. Tại sao quá trình xử lý giác quan lại quan trọng?

Thông tin cảm giác mà cơ thể nhận được là cơ sở cho việc đưa ra phản ứng hành động. Nếu bộ não không xử lý thông tin này một cách chính xác thì rất khó để đưa ra phản ứng hành vi phù hợp như mong đợi. Cách thức hoạt động của bộ não tương tự một chiếc máy tính. Máy tính nhận thông tin từ chuột, bàn phím, sau đó hệ điều hành sẽ xử lý đầu vào và đưa ra kết quả. Nếu hệ điều hành không hoạt động tốt, máy tính không thể đưa ra kết quả mà chúng ta mong muốn.

Trong quá trình xử lý cảm giác, bộ não được xem như một hệ điều hành. Bộ não phải xử lý chính xác thông điệp nhận được và gửi thông điệp đến đúng nơi. Thông tin cảm giác không được gửi đến đúng nơi sẽ đưa ra hành vi không mong đợi.

Phản ứng này có thể gây nên những nguy hiểm, ví dụ băng qua một con đường đông đúc khi có tiếng ồn lớn, hay tạo nên những sai sót, như làm vỡ đồ chơi khi dùng quá nhiều lực. Khi quá trình xử lý cảm giác gặp vấn đề, các thông tin cảm giác không thể kết nối trơn tru dẫn đến những phản hồi không mong đợi.

1.4. Các vấn đề về xử lý cảm giác ảnh hưởng đến trẻ như thế nào?

Các giác quan của trẻ có rối loạn xử lý cảm giác vẫn nhận được các tín hiệu cảm giác nên chúng có thể sở hữu thị giác hoặc thính giác hoàn hảo. Tuy nhiên, não của chúng xử lý thông tin rất khác với những đứa trẻ không gặp rối loạn xử lý giác quan. Do đó, phản ứng của trẻ với thông tin giác quan nhận được không phải lúc nào cũng phù hợp với mong đợi của mọi người.

Trẻ gặp rối loạn xử lý giác quan tiếp nhận một số kích thích từ môi trường hay hoạt động sẽ khó khăn hơn. Trẻ cảm thấy một số thông tin cảm giác quá mãnh liệt khiến trẻ bị choáng ngợp. Hoặc những thông tin giác quan đó không đủ để tạo nên phản ứng, do đó trẻ tìm kiếm nhiều thông tin đầu vào từ giác quan hơn. Một số trẻ thậm chí không nhận thấy các thông tin giác quan xảy ra xung quanh chúng.

Một điều rất quan trọng đối với trẻ em (và người lớn) có rối loạn xử lý cảm giác thì trải nghiệm đó rất thực tế. Ở đây không có đúng hay sai, chỉ là do não bộ của họ xử lý các thông tin cảm giác khác với chúng ta mà thôi. Điều này thuộc về hệ thần kinh và nằm ngoài tầm kiếm soát của họ.

1.5. Các thành phần của rối loạn xử lý cảm giác là gì?

Lucy Miller (2014) đã xác định 3 phần của rối loạn xử lý cảm giác như sau.

Rối loạn điều chỉnh cảm giác

Rối loạn điều chỉnh cảm giác nói đến khả năng đưa ra hành vi, phản ứng phù hợp với tính chất và cường độ của thông tin cảm giác đầu vào. Trẻ em (người lớn) có rối loạn xử lý cảm giác thường có phản ứng hành vi không như mong đợi, không phù hợp với các thông tin cảm giác nhận được. Những khó khăn có thể xảy ra với một hoặc nhiều giác quan, bao gồm:

  • Phản ứng quá mức hoặc nhạy cảm quá mức với thông tin cảm giác đầu vào;
  • Phản ứng thấp hoặc không phản ứng với thông tin cảm giác đầu vào;
  • Thiếu và tìm kiếm nhiều hơn thông tin cảm giác đầu vào.

Rối loạn phân biệt cảm giác

Phân biệt cảm giác là khả năng nhận biết thông tin cảm giác đầu vào đó là gì, nó xảy ra ở đâu và cường độ như thế nào.

Lấy ví dụ, nếu bị vấp ngón chân, não của chúng ta sẽ dễ dàng nhận biết đó là ngón nào và cảm giác đau đó có cường độ mạnh như thế nào. Khi bạn cho tay vào túi để tìm chìa khóa, giác quan xúc giác sẽ giúp bạn phân biệt đâu là ví tiền, đâu là điện thoại và đâu mới chính là chìa khóa bạn đang tìm. Hay khi bạn cần mở nắp hộp sữa chua, hệ cảm thụ bản thể sẽ giúp bạn điều chỉnh lực phù hợp để mở nó mà không làm đổ sữa chua ra ngoài.

Xem thêm: Cảm thụ bản thể là gì? Các bài tập tăng cảm thụ bản thể

Rối loạn vận động liên quan đến cảm giác

Rối loạn vận động liên quan đến cảm giác gồm hai loại: rối loạn phối hợp vận động và rối loạn tư thế.

  • Rối loạn phối hợp vận động liên quan đến khả năng lập kế hoạch, tổ chức vận động. Từ “Praxis” ý chỉ một tập hợp các bước phối hợp phức tạp của não và cơ thể để hoàn thành một hành động nào đó. Và “Dypraxis” nghĩa là khó khăn trong việc hành động và lập kế hoạch hành động.
  • Rối loạn tư thế liên quan đến việc kiểm soát tư thế, sự cân bằng và ổn định tư thế.

1.6. Cơ chế hình thành rối loạn xử lý cảm giác ở trẻ

Cơ quan cảm thụ bản thể nằm ở các khớp và dây chằng giúp kiểm soát các vận động và tư thế. Hệ cảm thụ bản thể cho não biết vị trí của cơ thể trong mối liên hệ với các đối tượng khác ngoài môi trường, vị trí của cơ thể trong không gian, lực cũng như tốc độ di chuyển.

Những đứa trẻ thiếu và tìm kiếm các thông tin cảm giác đầu vào sẽ thường xuyên có các hoạt động như chạy, nhảy, va chạm và đâm vào mọi thứ, chúng thích các hoạt động tạo áp lực sâu lên cơ thể chúng hay những cái ôm thật chặt.

Ngược lại, nếu quá nhạy cảm với các thông tin cảm giác đầu vào, trẻ sẽ mơ hồ về vị trí và mối liên hệ của cơ thể với các đối tượng xung quanh. Chúng gặp khó khăn trong việc cảm nhận lực và tốc độ. Do đó, chúng dễ va vào đồ vật, biểu hiện sự vụng về, có thể làm rách giấy khi viết hay làm vỡ đồ vật.

Các cơ quan tiền đình nằm ở tai trong, cung cấp thông tin cho não biết về vị trí của cơ thể trong không gian qua các thông tin liên quan đến vị trí và chuyển động của đầu. Trẻ tìm kiếm thông tin cảm giác đầu vào thường di chuyển liên tục, thích các hoạt động chuyển động nhanh, xoay tròn với cường độ cao.

Ngoài ra, trẻ có thể thích các hoạt động nhảy trên không trung như nhún nhảy trên các đồ vật hay tấm bạt lò xo. Ngược lại, những trẻ nhạy cảm sẽ sợ và né tránh các hoạt động đòi hỏi khả năng thăng bằng tốt như leo trèo, đi xe đạp hay giữ thăng bằng trên một chân, đặc biệt là khi nhắm mắt.

2. Dấu hiệu, triệu chứng của rối loạn xử lý cảm giác ở trẻ

Trẻ có rối loạn xử lý cảm giác có những phản ứng không như mong đợi với các thông tim cảm giác nhận được. Trẻ thường có ba cách phản ứng sau:

  • Trẻ phản ứng quá mức (siêu phản ứng) với âm thanh lớn, ánh sáng chói đột ngột hoặc kéo dài (tiếng vo ve của máy xay hay chỉ là âm nhạc thông thường); cảm giác cọ xát từ vải của quần áo; thậm chí là những mùi hay vị nhất định. Trẻ cũng có thể khó chịu khi tiếp xúc thân thể với người khác, như cái ôm hay sờ chạm. Hay việc ở trong đám đông là một điều không thể với trẻ. Những khó chịu này sẽ khiến trẻ khó tham gia vào các hoạt động thường ngày và thích nghi với các tình huống mới. Phản ứng quá mức có thể khiến trẻ bị suy nhược, phải rời khỏi tình trạng đó ngay lập tức. Điều này dẫn đến hệ quả trẻ có rối loạn xử lý cảm giác sẽ khó hòa nhập với các trẻ khác.
  • Trẻ phản ứng thấp hoặc không có phản ứng với các thông tin cảm giác đầu vào. Trẻ có thể không phản ứng với cơn đau do đầu gối bị trầy xước hoặc không cảm thấy khó chịu khi tiếp xúc với vật quá lạnh/nóng. Bộ não của trẻ có thể xử lý không đầy đủ các tín hiệu từ cơ hoặc khớp, làm suy giảm kỹ năng vận động và tư thế của trẻ. Chúng hành động một cách vụng về hoặc “mềm yếu” đến nỗi dường như trẻ cần dựa vào tường khi đứng.
  • Trẻ tìm kiếm các thông tin đầu vào, trẻ liên tục tìm kiếm các kích thích từ môi trường. Nhu cầu “cảm nhận” mạnh mẽ đến mức trẻ luôn luôn trong trạng thái hoạt động để tìm kiếm cảm giác.

Một số trẻ có rối loạn xử lý cảm giác phải đối mặt với rối loạn lo âu hay mắc các rối loạn khác.

trẻ bịt tai quá nhạy cảm với âm thanh
Một số trẻ có phản ứng quá nhạy cảm đối với âm thanh lớn.

3. Nguyên nhân gây ra sự khác biệt trong xử lý cảm giác

Nguyên nhân cụ thể của rối loạn xử lý cảm giác vẫn chưa được xác định. Theo một số nghiên cứu từ Viện Xử lý cảm giác STAR cho thấy rối loạn xử lý cảm giác có thể do di truyền; các biến chứng trước khi sinh, khi sinh và một số yếu tố môi trường có thể liên quan.

Một số nghiên cứu đã xem xét mẫu hơn 1.000 cặp song sinh ở độ tuổi chập chững biết đi cho thấy sự quá nhạy cảm với âm thanh, ánh sáng có thể do yếu tố di truyền mạnh mẽ.

Ngoài ra, có các nghiên cứu cho thấy bộ não của trẻ gặp rối loạn xử lý cảm giác có thể được cấu trúc và hoạt động khác với những trẻ khác. Ví dụ, một nghiên cứu năm 2013 đã chỉ ra sự khác biệt về cấu trúc chất trắng trong não của trẻ gặp rối loạn xử lý cảm giác liên quan đến hành vi cảm giác không điển hình (Owen et al, 2013).

Năm 2014, một nghiên cứ khác đã kiểm tra sự kết nối thần kinh trong chất trắng của trẻ gặp rối loạn xử lý cảm giác, kết quả cho thấy có sự khác biệt rõ rệt ở các vùng não kiểm soát nhận thức và tích hợp giác quan (Chang, Owen, & Desai, 2014).

4. Danh mục kiểm tra hoạt động giác quan của trẻ

Để giúp phụ huynh xác định xem hành vi của con họ có phải là biểu hiện của các vấn đề về giác quan hay không, Peske và Biel đã tạo ra một danh sách kiểm tra hoạt động giác quan của trẻ. Danh sách trả lời các câu hỏi liên quan đến các thông tin đầu vào từ việc đi chân trần đến ngửi các đồ vật không phải thức ăn, các câu hỏi liên quan đến chức năng vận động tinh và vận động thô (chẳng hạn như sử dụng kéo hay bắt bóng).

Danh sách dành cho trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi liên quan đến phản ứng hành vi chống lại sự âu yếm đến mức cong người khi được bế. Nguyên nhân có thể do trẻ thực sự cảm thấy đau khi bị chạm vào cơ thể. Đối với trẻ mầm non, sự lo lắng quá mức có thể biểu hiện bằng cảm xúc, hành vi thể hiện sự giận dữ thường xuyên và kéo dài.

Xem thêm: Làm gì khi trẻ tức giận: 10 cách dạy trẻ kiềm chế cảm xúc

Học sinh tiểu học không cảm nhận được thông tin cảm giác đầu vào có thể thể hiện những hành vi tiêu cực như hiếu động thái quá, hoạt động liên tục, khó kiểm soát, thực tế chúng đang tìm kiếm các thông tin cảm giác. Ngược lại, những đứa trẻ quá nhạy cảm sẽ có biểu hiện né tránh mọi hoạt động kể cả việc rửa mặt hay đánh răng. Trường hợp phức tạp hơn, một số trẻ có thể vừa tìm kiếm lại vừa né tránh thông tin cảm giác, vừa gặp các vấn đề liên quan đến hệ tiền đình, hệ cảm thụ bản thể và năm giác quan quen thuộc.

5. Phương pháp điều trị rối loạn xử lý cảm giác ở trẻ

Mặc dù thiếu các tiêu chuẩn chẩn đoán, các nhà trị liệu vẫn luôn tìm kiếm các phương pháp để điều trị cho trẻ em và người lớn có rối loạn cảm giác. Việc điều trị phụ thuộc vào nhu cầu cá nhân của trẻ, nhưng nhìn chung điều trị hỗ trợ trẻ thực hiện tốt hơn những hoạt động gây khó khăn với trẻ và giúp chúng làm quen với những cảm giác chúng không thể chịu đựng được.

Một phương pháp được dùng để điều trị rối loạn xử lý cảm giác là liệu pháp tích hợp cảm giác. Mục tiêu của liệu pháp là thông qua các hoạt động vui vẻ giúp trẻ học cách phản ứng phù hợp với các thông tin cảm giác đầu vào.

Một phương pháp trị liệu khác được gọi là mô hình Phát triển, khác biệt cá nhân, dựa trên mối quan hệ (DIR). Liệu pháp này được phát triển bởi Stanley Greenspan và cộng sự. Ngoài ra, còn có phương pháp chơi đùa dưới sàn (Floortime). Phương pháp này bao gồm nhiều buổi chơi với trẻ và cha mẹ. Các buổi chơi kéo dài khoảng 20 phút.

Trong các phiên, phụ huynh được yêu cầu làm theo sự dẫn dắt của trẻ, ngay cả khi hành vi của trẻ không bình thường. Ví dụ, nếu trẻ liên tục lau đi lau lại một chỗ trên sàn nhà thì phụ huynh cũng sẽ làm theo như vậy. Bắt chước các hành vi của trẻ sẽ giúp cha mẹ “bước vào thế giới của trẻ”.

Sau khi trẻ đã chấp nhận sự có mặt của phụ huynh, cho phép phụ huynh tham gia hoạt động cùng, phụ huynh bắt đầu tạo những hoạt động chơi để thử thách trẻ. Những thử thách này kéo đứa trẻ vào thế giới mà Greenspan gọi là thế giới “chia sẻ” với cha mẹ. Và những thử thách tạo cơ hội cho trẻ thành thạo những kỹ năng quan trọng trong các lĩnh vực như:

  • Liên hệ, liên kết
  • Giao tiếp
  • Suy nghĩ

Các phiên được điều chỉnh theo nhu cầu của trẻ. Ví dụ, nếu trẻ có xu hướng phản ứng kém khi chạm vào đồ vật hay nghe âm thanh, cha mẹ cần phải năng lượng hơn để lôi kéo sự hứng thú hoạt động của trẻ. Ngược lại, nếu trẻ có xu hướng phản ứng nhạy cảm quá mức với các kích thích cha mẹ cần phải nhẹ nhàng hơn, nhịp độ hoạt động chậm hơn.

Những tương tác này sẽ giúp trẻ phát triển và các nhà trị liệu DIR tin rằng, nó cũng giúp giải quyết các vấn đề về giác quan. Ngoài ra, Liệu pháp nhận thức hành vi cũng có hiệu quả để giúp tăng dần khả năng chịu đựng những trải nghiệm cảm giác choáng ngợp ở trẻ.

Xem thêm: Trị liệu nhận thức hành vi (CBT): Tổng quan nội dung tiếp cận chính

5.1. Hướng dẫn cách điều hòa giác quan cho trẻ bằng liệu pháp tích hợp cảm giác (Trị liệu hoạt động)

Hiện nay, phương pháp được sử dụng phổ biến để điều trị rối loạn xử lý cảm giác ở trẻ là liệu pháp tích hợp cảm giác. Cách tiếp cận này lên một “thực đơn” các hoạt động cho trẻ để kích thích hoặc làm giảm bớt sự nhạy cảm ở trẻ tùy thuộc vào phản ứng của trẻ (quá mức, không phản ứng hay tìm kiếm).

Đối với trẻ quá nhạy cảm với các thông tin cảm giác, các hoạt động hỗ trợ có thể:

  • Đeo kính râm cho trẻ để giảm sự tác động từ ánh sáng mặt trời, giảm độ sáng của đèn điện.
  • Đeo nút tai cách âm hoặc tai nghe khi ở trong môi trường có nhiều tiếng ồn.
  • Tránh các sản phẩm có mùi thơm mạnh (nước hoa, xịt phòng,…).
  • Hạn chế lựa chọn thực phẩm có các kích thích cảm giác mạnh như quá cay, quá nóng/lạnh,…
  • Mặc quần áo tránh các kích thích khó chịu cho trẻ (quá chật, có thắt lưng,…)
  • Sử dụng bàn chải đánh răng mềm mại để tránh ma sát và làm đau trẻ.

Đối với những đứa trẻ ít phản ứng hoặc tìm kiếm các thông tin cảm giác, các hoạt đông sau có thể có hiệu quả:

  • Các đồ chơi kích thích giác quan.
  • Các vận động đu đưa, lắc lư và các hoạt động kích thích giác quan khác.
  • Thực phẩm có vị đậm như đồ uống nóng/lạnh.
  • Sắp xếp đồ đạc gọn gàng giúp hạn chế nguy cơ trẻ va vào các đồ vật nguy hiểm khi đang chơi.

5.2. Tăng cường chế độ ăn uống cải thiện cảm giác

“Chế độ ăn uống” cảm giác hợp lý sẽ hỗ trợ giúp các liệu pháp điều trị rối loạn xử lý cảm giác đạt được hiệu quả cao hơn. Chế độ ăn uống theo cảm giác là danh sách các hoạt động giác quan ở nhà và ở trường. Những hoạt động này được thiết kế hàng ngày giúp trẻ rèn luyện sự tập trung. Tương tự như liệu pháp tích hợp cảm giác, chế độ ăn theo cảm giác được điều chỉnh dựa trên nhu cầu của mỗi trẻ. Một chế độ ăn uống hợp lý ở trường có thể bao gồm:

  • Mỗi tiếng đi bộ 10 phút.
  • Hai lần một ngày, trẻ có thể đu đưa trong 10 phút.
  • Sử dụng tai nghe trong lớp để trẻ có thể nghe nhạc trong khi học tập.
  • Chơi các món đồ chơi Fidget – đồ chơi thư giãn.
  • Sử dụng giây Bungee gắn dưới bàn, ghế. Điều này giúp trẻ di chuyển chân khi ngồi trong lớp học.
đồ chơi Fidget tập cho bé điều hòa cảm giác
Các món đồ chơi Fidget có thể giúp bé thư giãn và tập điều hòa cảm giác.

6. Giải đáp các thắc mắc về rối loạn xử lý cảm giác

6.1. Rối loạn xử lý cảm giác có tồn tại như một chẩn đoán độc lập hay không?

Hiện nay đã có một lượng lớn các chuyên gia, nhà trị liệu đề cập đến các vấn đề liên quan đến rối loạn xử lý cảm giác. Thế nhưng, nó vẫn chưa được chính thức công nhận là một chẩn đoán độc lập. Không có sách chẩn đoán chính thức nào, kể DSM-V hay ICD 11 cũng không bao gồm rối loạn xử lý cảm giác. Mặc dù vậy, có nhiều nhóm nhà nghiên cứu đang nỗ lực để rối loạn xử lý cảm giác được công nhận là một chẩn đoán theo đúng nghĩa. Có thể lần sau khi sửa đổi sổ tay chẩn đoán sẽ có đủ bằng chứng để đưa nó vào.

6.2. Phân biệt giữa rối loạn xử lý giác quan và hội chứng tự kỷ/Asperger

Các chuyên gia, nhà trị liệu thừa nhận rằng trẻ tự kỷ gặp khó khăn trong việc xử lý thông tin giác quan, đặc biệt liên quan đến rối loạn điều chỉnh cảm giác. Tiêu chuẩn chẩn đoán rối loạn phổ tự kỷ theo DSM-V mô tả rằng “khả năng phản ứng quá mức hoặc giảm phản ứng đối với thông tin đầu vào thuộc giác quan hoặc những sở thích bất thường về các khía cạnh giác quan của môi trường”.

Ví dụ trẻ không nhận thấy cơn đau khi tiếp xúc với nhiệt độ cao hay có những phản ứng thái quá với âm thanh, thường xuyên ngửi hoặc chạm vào đồ vật, bị thu hút bởi ánh sáng và các chuyển động. Đây là lần đầu tiên vấn đề về giác quan ở trẻ tự kỷ đã được chính thức công nhận trong DSM-V. Ngoài ra còn các nhà nghiên cứu đang xem xét các vấn đề xử lý cảm giác trong ADHD, Hội chứng Down, Fragile X và các rối loạn khác.

6.3. Phân biệt rối loạn xử lý cảm giác với tích hợp cảm giác (Sensory Integration – SI)

Thuật ngữ rối loạn xử lý cảm giác và tích hợp cảm giác đề cập đến cùng một lý thuyết về cách não xử lý các thông điệp cảm giác. Chúng đôi khi được sử dụng thay thế cho nhau, tuy nhiên vẫn có những khác biệt. Thuật ngữ tích hợp cảm giác được Tiến sĩ A. Jean Ayres xuất bản trong cuốn sách cùng tên vào năm 1972. Về sau, Tiến sĩ Lucy Miller dựa trên lý thuyết tích hợp cảm giác ban đầu của Tiến sĩ A. Jean Ayres đưa ra thuật ngữ rối loạn xử lý cảm giác.

Trong quá trình làm việc, Tiến sĩ A. Jean Ayres nhận thấy nhiều đứa trẻ diễn giải các thông điệp giác quan khác với các trẻ cùng lứa, bà bắt đầu tập trung sự chú ý vào cảm giác chạm, tiền đình, cơ quan cảm thụ bản thể và thị giác. Nghiên cứu của bà chỉ ra rằng những đứa trẻ này không tích hợp hoặc kết hợp tốt các thông điệp từ các giác quan.

Tiến sĩ A. Jean Ayres cho rằng những khó khăn trong việc tích hợp cảm giác gây ra những khó khăn trong việc học tập của trẻ. Bà nhận thấy rằng nếu điều trị cho trẻ bằng phương pháp tích hợp cảm giác chúng sẽ tiến bộ hơn trong việc học tập. Đây được gọi là cách tiếp cận ‘từ dưới lên’ vì nó hoạt động nhằm cải thiện các khả năng nền tảng tác động tích cực đến các kỹ năng khác.

Chẳng hạn: Tiến sĩ Ayres cảm thấy rằng nghiên cứu về kiểm soát tư thế và phân biệt cảm giác sẽ cải thiện chữ viết tay của trẻ mà không cần nghiên cứu cụ thể về chữ viết tay.

Ngày nay, nhiều nhà trị liệu vẫn sử dụng phương pháp điều trị này. Về sau, Tiến sĩ Lucy Miller tiến hành nghiên cứu dựa trên lý thuyết này, mục đích chính của nghiên cứu là để rối loạn xử lý cảm giác được Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ xác định là một chẩn đoán độc lập trong sổ tay cập nhật DSM-V. Tiến sĩ Miller đã xác định ba phần của rối loạn xử lý cảm giác: điều chỉnh cảm giác; phân biệt cảm giác và rối loạn vận động dựa trên cảm giác.

Tóm lại, phương pháp trị liệu tích hợp cảm giác thuần túy sẽ được thực hiện bởi một nhà trị liệu đã được đào tạo trong không gian phòng khám chuyên khoa. Hoạt động do trẻ dẫn dắt. Nhà trị liệu liên tục tạo ra các cơ hội ở mức độ “vừa phải” giúp cải thiện khả năng tích hợp cảm giác ở trẻ. Mô hình của Miller sử dụng các yếu tố của phương pháp này, bổ sung thêm liệu pháp lắng nghe.

Ngoài ra, liệu pháp của Miller cần sự tham gia nhiều hơn của bố mẹ. Bên cạnh đó, các nhà trị liệu sẽ lập kế hoạch các hoạt động hỗ trợ giác quan cho trẻ ở nhà và ở trường học. Các hoạt động này có thể được sử dụng để bổ sung cho việc điều trị tích hợp cảm giác trực tiếp.

6.4. Bạn cần làm gì nếu bản thân hoặc con bạn có vấn đề về giác quan?

Nếu nghi ngờ trẻ có các biểu hiện liên quan đến rối loạn xử lý cảm giác, chúng ta cần đưa trẻ đến gặp các nhà trị liệu vật lý (occupational therapists – OT) đã được đào tạo về tích hợp cảm giác. Họ sẽ đánh giá triệu chứng rối loạn cảm giác ở trẻ và lên kế hoạch trị liệu phù hợp.

6.5. Có thể phòng ngừa rối loạn xử lý cảm giác được không?

Hiện nay, chúng ta không thể ngăn ngừa hoặc tránh các vấn đề về rối loạn xử lý cảm giác. Bởi vì các bác sĩ, các chuyên gia vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân gây ra rối loạn này. Một số chuyên gia tin rằng có thể có mối liên hệ giữa chứng tự kỷ và rối loạn xử lý cảm giác. Điều này có nghĩa là người lớn mắc chứng tự kỷ có nhiều khả năng sinh con mắc chứng rối loạn xử lý cảm giác hơn. Nhưng điều quan trọng cần lưu ý hầu hết những người mắc rối loạn xử lý cảm giác đều không mắc chứng tự kỷ.

Rối loạn xử lý cảm giác có thể là thách thức đối với trẻ em và cha mẹ, tuy nhiên không phải không có cách để chúng ta khắc phục điều đó. Phụ huynh cần phát hiện sớm các vấn đề liên quan đến rối loạn xử lý giác quan ở trẻ, từ đó lên kế hoạch can thiệp. Việc điều trị sớm sẽ giúp trẻ đáp ứng tốt với các liệu pháp và có sự tiến bộ cả về mặt thể chất lẫn tinh thần. Các triệu chứng SPD có thể biến mất hoặc dễ kiểm soát hơn khi các chiến lược đối phó được áp dụng thành công vào cuộc sống hàng ngày của trẻ.

Bài viết cùng chủ đề

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *