Tâm lý học thể thao: Tổng quan về tâm lý trong thi đấu thể thao

Tâm lý học thể thao là chuyên ngành với mục đích chính là nâng cao thành tính thể thao của một cá nhân thông qua các chiến lược và kỹ năng tinh thần giúp vận động viên tập trung tốt hơn. Đồng thời, giúp họ đối phó hiệu quả hơn với căng thẳng trong khi thi đấu. Trong bài viết dưới đây, PsycareVN sẽ cùng bạn tìm hiểu chi tiết về chuyên ngành tâm lý học này.

1. Tâm lý học thể thao là gì?

Tâm lý học thể thao là lĩnh vực nghiên cứu về cách mà các yếu tố tâm lý ảnh hưởng đến thể thao, thành tích thể thao, việc thực hành bài tập thể thao và hoạt động thể chất. Vai trò của nhà tâm lý học thể thao là sẽ tìm hiểu xem việc tham gia thể thao có thể cải thiện sức khỏe và cảm nhận hạnh phúc của vận động viên như thế nào.

Họ cũng giúp các vận động viên ứng dụng tâm lý học để cải thiện thành tích thể thao, cũng như chăm sóc sức khỏe tinh thần của bản thân. Không chỉ làm việc với các vận động viên chuyên nghiệp, nhà trị liệu trong lĩnh vực này còn giúp những người khác học cách tận dụng thể thao và làm thế nào để gắn bó với một chương trình tập thể dục lành mạnh.

2. Lịch sử phát triển của chuyên ngành nghiên cứu tâm lý trong thi đấu thể thao

Tâm lý học thể thao là một bộ môn tương đối trẻ trong tâm lý học nói chung. Phòng thí nghiệm nghiên cứu đầu tiên dành cho lĩnh vực này được mở vào năm 1925 tại Mỹ (University of Michigan, “History of Sport Psychology) và đóng cửa vào đầu những năm 1930. Mãi đến cuối những năm 1960, mối quan tâm về chủ đề này mới được hồi sinh.

Năm 1965, Hiệp hội Tâm lý Thể thao quốc tế (ISSP) được thành lập. Đến những năm 1970, tâm lý học thể thao được giới thiệu như một khóa học đại học được cung cấp tại các cơ sở giáo dục khắp Bắc Mỹ.

Tới những năm 1980, tâm lý học thể thao đã trở thành một chủ đề trọng tâm khoa học mang tính nghiêm ngặt hơn. Các nhà nghiên cứu bắt đầu khám phá cách mà tâm lý học có thể được sử dụng để cải thiện thành tích thể thao. Họ cũng xem xét cách tập thể dục và thể thao có thể được ứng dụng để cải thiện tâm trạng và giảm mức độ căng thẳng ra sao.

nguyên tắc hoạt động nhà tâm lý học thể thao
Tâm lý học thể thao ra đời nhằm cải thiện tâm trạng và thành tích thể thao của vận động viên. Ảnh: PsyCare

3. Phân loại nhà tâm lý học thể thao

Giống như phân loại các nhà tâm lý học khác nhau (như nhà tâm lý học lâm sàng, nhà tâm lý học phát triển, và nhà tâm lý học pháp y), cũng có nhiều loại nhà tâm lý học thể thao khác nhau.

3.1. Nhà tâm lý học thể thao giáo dục

Theo APA, một nhà tâm lý học thể thao giáo dục sẽ sử dụng các phương pháp tâm lý để giúp các vận động viên cải thiện thành tích thể thao. Để thực hiện điều này, nhà chuyên môn sẽ dạy các vận động viên cách sử dụng một số kỹ thuật như tưởng tượng hình ảnh, kỹ năng thiết lập mục tiêu hoặc tự nói chuyện để thể hiện tốt hơn trên sân thi đấu hoặc khán đài.

3.2. Nhà tâm lý học thể thao lâm sàng

Vai trò của nhà tâm lý học thể thao lâm sàng là làm việc với các vận động viên có tình trạng sức khỏe tâm thần, như trầm cảm hoặc lo âu. Công việc này liên quan đến việc sử dụng các chiến lược từ cả tâm lý học thể thao đến trị liệu tâm lý, nhằm giúp các vận động viên đồng thời cải thiện sức khỏe tinh thần và thành tích thể thao.

3.3. Nhà tâm lý học về thể dục

Vai trò của nhà chuyên môn này là làm việc với những thân chủ không phải là vận động viên hoặc những người tập thể dục hàng ngày để giúp họ học cách biến việc luyện tập trở thành thói quen lành mạnh. Công việc này có thể bao gồm một số kỹ thuật như thiết lập mục tiêu, thực hành chánh niệm, các kỹ thuật tạo động lực.

4. Lợi ích của việc ứng dụng tâm lý trong thi đấu thể thao là gì?

Tâm lý học thể thao đương đại là một lĩnh vực đa dạng và có một số chủ đề khác nhau được các nhà chuyên môn đặc biệt quan tâm.

4.1. Tập trung chú ý

Tập trung chú ý liên quan đến khả năng điều chỉnh những thứ gây xao nhãng (như đám đông người hâm mộ đang la hét) và tập trung vào nhiệm vụ trước mắt. Điều này cho phép các vận động viên quản lý sự tập trung tinh thần của họ, ngay cả khi đối mặt với những yếu tố khác đang tranh giành sự chú ý của họ.

Các chiến lược phổ biến thường được sử dụng cho mục đích này bao gồm hít thở sâu để tĩnh tâm, chú ý đến các tín hiệu và cảm giác của cơ thể, cũng như chánh niệm. Tất cả những điều này có thể giúp các vận động viên tập trung vào thời điểm hiện tại trong khi thi đấu thể thao.

Xem thêm: Học cách tĩnh tâm để giảm stress với 8 kỹ thuật hít thở

4.2. Tinh thần dẻo dai

Sự dẻo dai về tinh thần đã trở thành một lĩnh vực ngày càng được quan tâm trong tâm lý học thể thao. Thuật ngữ này đề cập đến các đặc điểm tâm lý quan trọng đối với một vận động viên đạt thành tích tối ưu (Liew et al, 2019).

Trong số những đặc điểm này, có niềm tin không thể lay chuyển vào bản thân, khả năng phục hồi sau những thất bại và khao khát thành công vô độ. Phản ứng tích cực với các tình huống, giữ bình tĩnh trước áp lực và giữ quyền kiểm soát là một số yếu tố góp phần tạo nên sự dẻo dai về tinh thần.

lợi ích trong tâm lý học thể thao
Tâm lý học thể thao hướng đến sự gia tăng sức dẻo dai tinh thần cho vận động viên. Ảnh: PsyCare

4.3. Trực quan hóa và thiết lập mục tiêu

Đặt mục tiêu rồi hình dung từng bước cần thiết để đạt được mục tiêu đó có thể giúp vận động viên chuẩn bị tinh thần cho việc tập luyện hoặc thi đấu. Giai đoạn hình dung này liên quan đến việc tạo ra một hình ảnh tinh thần về những gì bạn dự định sẽ xảy ra. Các vận động viên có thể sử dụng kỹ năng này để hình dung kết quả mà họ đang theo đuổi.

Ví dụ: Vận động viên có thể hình dung mình chiến thắng một sự kiện, một cuộc thi, hoặc trải qua các bước cần thiết để hoàn thành một động tác khó. Điều này tạo động lực tâm lý trước và trong khi thi đấu rất hiệu quả.

4.4. Tạo động lực và xây dựng tinh thần đồng đội

Một số nhà tâm lý học thể thao làm việc với các vận động viên và huấn luyện viên chuyên nghiệp để cải thiện thành tích bằng cách tăng động lực cho họ. Chủ đề này sẽ được xem xét ở cả động lực thúc đẩy bên ngoài và động lực bên trong.

Động lực bên ngoài là những phần thưởng bên ngoài, như cúp, tiền mặt, huy chương, hoặc sự công nhận xã hội. Động lực nội tại phát sinh từ bên trong như mong muốn cá nhân giành chiến thắng hoặc cảm giác tự hào từ việc thực hiện được một kỹ năng nào đó.

Xây dựng tinh thần đồng đội cũng là một chủ đề quan trọng trong lĩnh vực này. Các nhà tâm lý học thể thao có thể làm việc với cả đội ngũ để giúp phát triển tinh thần đồng đội, và hỗ trợ họ làm việc cùng nhau hiệu quả.

4.5. Giảm bớt lo lắng và sự kiệt sức

Các nhà tâm lý học thể thao chuyên nghiệp sẽ giúp vận động viên đối phó với áp lực căng thẳng do thi đấu. Chẳng hạn như tìm cách giảm bớt sự lo lắng quá nhiều về hiệu suất và ngăn ngừa tình trạng kiệt sức.

Xem thêm: Làm sao để ngừng lo lắng quá nhiều: 11 cách để hết lo lắng

Lo lắng là trạng thái tâm lý trước khi thi đấu thường gặp ở các vận động viên. Điều này có thể tác động tiêu cực đến hiệu suất thi đấu. Vì vậy, việc học các chiến thuật để giữ bình tĩnh là điều quan trọng để giúp các vận động viên thi đấu hết sức mình. Các kỹ thuật này có thể bao gồm: kỹ thuật thư giãn, cách thay đổi suy nghĩ tiêu cực, xây dựng sự tự tin, tìm ra những thứ giúp gây xao nhãng và giảm sự tập trung vào nỗi lo lắng thi đấu.

Xem thêm: Có mấy lối suy nghĩ tiêu cực thường gặp: 10 kiểu cần tránh

Kiệt sức cũng có thể xảy ra với những vận động viên thường xuyên gặp áp lực, lo lắng và lịch tập luyện căng thẳng. Do đó, để giúp vận động viên chống lại cảm giác kiệt sức, nhà trị liệu sẽ hướng dẫn họ học cách lấy lại cảm giác cân bằng, học cách thư giãn và duy trì động lực.

4.6. Phục hồi chức năng trong tâm lý học thể thao

Một trọng tâm khác của tâm lý học thể thao là giúp các vận động viên hồi phục và trở lại với môn thể thao của mình sau chấn thương. Chấn thương thể thao có thể dẫn đến các phản ứng cảm xúc khác, bao gồm cảm giác tức giận, sự thất vọng, tuyệt vọng và thậm chí sợ hãi.

Các nhà tâm lý học trong lĩnh vực này sẽ làm việc với các vận động viên để giúp họ ứng phó với quá trình hồi phục về mặt tinh thần, đồng thời, lấy lại sự tự tin khi họ sẵn sàng trở lại với môn thể thao của mình.

cải thiện tâm lý trong khi thi đấu của vận động viên
Tâm lý trong khi thi đấu của vận động viên cũng cần được quan tâm để thể hiện tốt nhất. Ảnh: PsyCare

5. Làm thế nào để trở thành một nhà tâm lý học thể thao?

Trở thành một nhà tâm lý học thể thao có thể là một lựa chọn nghề nghiệp thú vị cho nhiều sinh viên chuyên ngành Tâm lý học, đặc biệt là những người quan tâm nhiều đến thể thao và hoạt động thể chất.

Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ – APA (2012) đã mô tả chuyên ngành này là một “nghề hấp dẫn”, và gợi ý rằng những người làm việc trong các khoa thể thao của trường đại học có thể kiếm được khoảng 60.000 đến 80.000 đô la mỗi năm!

Nếu quan tâm đến học thuyết Tâm lý học này, bạn có thể bắt đầu tìm hiểu sâu hơn về các yêu cầu, nhiệm vụ công việc, kỹ năng cần có, tiền lương và những yếu tố khác liên quan nhé!

6. Hiệu quả của tâm lý học thể thao

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc sử dụng các kỹ thuật tâm lý thể thao khác nhau có thể giúp cải thiện thành tích của tất cả các vận động viên, từ vận động viên thể dục dụng cụ trẻ tuổi (8 – 13 tuổi) (Mehdinezhad & Rezaei, 2018) cho đến một số vận động viên Olympic hàng đầu. Điều này cũng có tác động mở rộng sang các lĩnh vực khác của sức khỏe.

Một số nhà khoa học cũng cho rằng tâm lý học thể thao có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc giảm béo phì, đặc biệt là ở trẻ em (Morelli & Davis, 2013). Bằng cách hướng dẫn trẻ em tăng cường hoạt động thể chất và sự thích thú với hoạt động này, nhà chuyên môn có thể giúp trẻ đạt được và duy trì cân nặng khỏe mạnh.

7. Một số kỹ thuật được sử dụng trong tâm lý học thể thao

7.1. Kỹ thuật thư giãn

Kỹ thuật thư giãn đem lại cho vận động viên nhiều lợi ích khác nhau. Trong đó, phổ biến nhất là giúp gia tăng sự tự tin, khả năng tập trung tốt hơn, làm giảm mức độ lo lắng và căng thẳng. Các yếu tố này từ đó phối hợp với nhau để cải thiện hiệu suất thi đấu (Parnabas et al, 2014).

Chiến lược thư giãn thường được các nhà tâm lý học thể thao áp dụng là thư giãn cơ dần dần. Với kỹ thuật này, họ sẽ vận động để làm căng một nhóm cơ và giữ trạng thái căng trong vài giây, sau đó, để chúng thư giãn ra từ từ.

7.2. Thôi miên trị liệu

Một số nhà trị liệu sử dụng thôi miên để giúp thân chủ từ bỏ hút thuốc lá, nhằm thể hiện tốt hơn trong môn thể thao mà mình chọn.

Nghiên cứu chỉ ra rằng, thôi miên (đưa ai đó vào trạng thái tập trung chú ý với khả năng gợi ý tăng dần) có thể được sử dụng để cải thiện thành tích cho các vận động viên thuộc nhiều môn thể thao khác nhau, từ bóng rổ cho đến bóng đá (Milling & Randazzo, 2016).

7.3. Phản hồi sinh học

Phản hồi sinh học (Biofeedback) liên quan đến việc sử dụng thông tin phản hồi do cơ thể cung cấp để nhận biết cảm giác sinh lý của cơ thể khi bị căng thẳng (như nhịp tim tăng cao, căng cơ,…). Thông tin này sau đó có thể được sử dụng để giúp kiểm soát các hiệu cứng này, mang lại phản ứng sinh học tích cực hơn.

Một nghiên cứu theo phương pháp đánh giá hệ thống lưu ý rằng, có hơn 85% các nghiên cứu cho thấy việc sử dụng phản hồi sinh học thay đổi nhịp tim đã cải thiện thành tích thể thao (Morgan & Mora, 2017). Tương tự, một báo cáo khác cũng ủng hộ việc sử dụng phản hồi sinh học có thể giúp giảm căng thẳng và lo lắng của vận động viên (Dziembowska et al, 2016).

phản hồi sinh học trong tâm lý học thể thao
Chiến lược phản hồi sinh học trong tâm lý học thể thao. Ảnh: PsyCare

7.4. Trị liệu nhận thức hành vi trong tâm lý học thể thao

Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT) được sử dụng để giúp chúng ta học cách xác định và thay đổi những suy nghĩ và hành vi tiêu cực.

Một nghiên cứu trường hợp báo cáo đã cho thấy CBT giúp làm giảm lo lắng về thành tích, đồng thời, cải thiện các hành vi cụ thể trong thể thao ở một nữ vận động viên trượt băng 17 tuổi (Gustafsson et al, 2016).

Một nghiên cứu khác liên quan đến 16 vận động viên NCAA Division I bị chấn thương nặng được can thiệp bằng CBT cho thấy liệu pháp tâm lý này đã cải thiện cảm xúc của họ trong quá trình hồi phục (Podlog et al, 2020).

Xem thêm:

Nếu bạn đam mê thể thao và tâm lý học, việc trở thành nhà tâm lý học thể thao có thể là một lựa chọn nghề nghiệp thích hợp. Đây là chuyên ngành sử dụng các kỹ thuật tâm lý trong tập luyện thể thao cho vận động viên và cho cả những người chỉ tập thể dục đơn thuần. Mong rằng những thông tin này của Tâm lý PsyCareVN sẽ giúp ích cho bạn chọn lĩnh vực tâm lý học mà mình quan tâm nhất trong tương lai.

Ernie Nguyễn
Ernie Nguyễn
Bài viết: 51