Thuyết phân tâm học của Sigmund Freud: Nội dung và ứng dụng

Thuyết Phân tâm học của Sigmund Freud giữ một vị thế quan trọng trong tâm lý học, đã đặt nền móng cho phần lớn tâm lý học hiện đại. Điều đó cũng giải thích lý do vì sao Phân tâm học đã thu hút sự tò mò của rất nhiều đối tượng muốn tìm hiểu về tâm lý học. Cùng Psycare.com.vn tìm hiểu về các nội dung cơ bản và ứng dụng của học thuyết Phân tâm học Sigmund Freud qua bài viết dưới đây nhé!

Mục lục

1. Lý thuyết phân tâm học của Sigmund Freud là gì?

1.1. Lý thuyết Tâm động học cổ điển

Thuyết Tâm động học bao gồm Phân tâm học của Sigmund Freud (1856 – 1939) và những người theo ông áp dụng để giải thích nguồn gốc hành vi con người, bao gồm Carl Jung (1912), Melanie Klein (1921), Alfred Adler (1927), Anna Freud (1936) và Erik Erikson (1950). Theo đó, tâm động học xem hành vi của con người được tạo nên từ sự tương tác của các động lực và sức mạnh bên trong, đặc biệt là vô thức và cấu trúc nhân cách.

Thuyết phân tâm học của Sigmund Freud là lý thuyết Tâm động học đầu tiên. Ông đã phát triển các lý thuyết làm nền tảng cho cách tiếp cận tâm động học đối với tâm lý học. Các lý thuyết của ông có nguồn gốc lâm sàng, dựa trên việc trò chuyện với thân chủ trong quá trình trị liệu. Nhà trị liệu tâm động học thường điều trị bệnh nhân trầm cảm hoặc rối loạn liên quan đến lo âu.

thuyết tâm động học sigmund freud
Thuyết phân tâm học của Sigmund Freud là lý thuyết Tâm động học đầu tiên.

1.2. Lý thuyết Phân tâm học của Sigmund Freud

Phân tâm học của Sigmund Freud là một chuỗi các hệ thống lý thuyết và phương pháp trị liệu dựa trên việc khám phá ý nghĩa của giấc mơ, ký ức thời thơ ấu. Phân tâm học tin rằng tất cả mọi người đều có những suy nghĩ, cảm xúc, ham muốn và ký ức vô thức. Mục đích của liệu pháp này là nhằm giải phóng những cảm xúc, suy nghĩ bị dồn nén, tìm ra nguyên nhân gốc rễ vấn đề và giải quyết.

  • Lý thuyết về tâm lý: Theo Freud, tâm trí của con người gồm hai thành phần chính: tâm trí có ý thức và vô thức. Tâm trí có ý thức là những điều con người nhận thức được hoặc dễ dàng nhận thức. Ngược lại, tâm trí vô thức là những gì nằm ngoài nhận thức nhưng ảnh hưởng đến hành vi của con người. Ngoài ra, lý thuyết của Freud còn chia nhân cách con người thành ba thành phần: bản năng, bản ngã và siêu ngã.
  • Lý thuyết phát triển tâm tính dục: Lý thuyết phân tâm học của Sigmund Freud cho rằng, khi trẻ phát triển, chúng sẽ trải qua một loạt các giai đoạn tâm lý tính dục. Ở mỗi giai đoạn, năng lượng tìm kiếm khoái cảm tập trung vào một bộ phận khác nhau của cơ thể. Việc hoàn thành các giai đoạn sẽ dẫn đến một nhân cách lành mạnh khi trưởng thành. Tuy nhiên, nếu xung đột vẫn chưa được giải quyết ở bất kỳ giai đoạn nào, cá nhân có thể bị mắc kẹt ở giai đoạn đó.
  • Lý thuyết phân tích giấc mơ: Tâm trí vô thức đóng vai trò quan trọng trong tất cả các lý thuyết của Freud. Ông coi giấc mơ là cách quan trọng để xem xét những gì nằm ngoài nhận thức, là “con đường hoàng kim dẫn đến vô thức“. Bằng cách xem xét những giấc mơ, ông biết được cách vô thức hoạt động và điều nó đang cố che giấu khỏi nhận thức có ý thức.

Xem thêm: Giải mã tất cả các giấc mơ thường gặp theo khoa học

  • Lý thuyết về cơ chế phòng vệ: Cơ chế phòng vệ xuất hiện như một phương pháp bảo vệ tâm trí khỏi những lo hãi. Khi ai đó không muốn đối diện với sự thật, họ có thể đang sử dụng cơ chế phòng vệ “né tránh”, tìm kiếm lý do cho hành vi sai trái của mình, cơ chế phòng vệ đang được sử dụng là “hợp lý hóa”. Ngoài ra còn có các cơ chế phòng vệ khác như: phủ nhận, đàn áp, thoái lui, chuyển dịch, phóng chiếu,…

Xem thêm: Trắc nghiệm Rorschach: Test phóng chiếu vết mực loang: Khái niệm và ứng dụng

2. Nội dung thuyết Phân tâm học của Sigmund Freud

2.1. 5 phát triển tâm lý theo thuyết phân tâm học của Sigmund Freud

Phân tâm học cho rằng những trải nghiệm trước 5 tuổi sẽ hình thành nhân cách con người. Có 5 giai đoạn phát triển tâm tính dục. Nếu các giai đoạn được hoàn thành tốt sẽ tạo nên một nhân cách lành mạnh, ngược lại, sự “cắm chốt” sẽ xuất hiện. Cắm chốt là việc cá nhân tập trung quá mức và bị “mắc kẹt” ở các giai đoạn.

2.1.1. Giai đoạn 1: Giai đoạn môi miệng (0 – 1 tuổi)

Vùng tập trung khoái cảm ở miệng và đây cũng là vùng tương tác chính yếu của trẻ. Trẻ tìm thấy khoái cảm từ các kích thích môi miệng, thông qua hoạt động như bú và mút (vú mẹ, ngón tay, ngón chân, đồ chơi,…). Hành động bú ở đây không chỉ đơn thuần là tìm đồ ăn mà còn là một khoái cảm, do đó bú còn gọi là tự kích thích bản thân để gây khoái cảm.

giai đoạn môi miệng sigmund freud
Giai đoạn môi miệng trong thuyết phân tâm học của Sigmund Freud được đặc trưng bởi sự tìm kiếm khoái cảm môi miệng thông qua hoạt động như bú và mút của trẻ.

Mâu thuẫn chính ở giai đoạn này nằm ở quá trình cai sữa, trẻ buộc phải giảm bớt sự phụ thuộc vào người chăm sóc. Nếu bị cắm chốt ở giai đoạn này, cá nhân có thể sẽ gặp những vấn đề liên quan đến phụ thuộc hoặc gây hấn. Các đặc điểm này cũng giống với giai đoạn Tin tưởng với Ngờ vực theo quan điểm của Erik Erikson. Theo Freud, các biểu hiện như hút thuốc, ăn uống, nhậu nhẹt, hay cắn móng tay,… có thể do cắm chốt ở giai đoạn môi miệng gây nên.

2.1.2. Giai đoạn 2: Giai đoạn hậu môn (1 – 3 tuổi)

Nếu ở giai đoạn môi miệng, trẻ thụ động tiếp nhận sữa hay thức ăn, thì ở giai đoạn hậu môn, trẻ được chủ động trong việc đi đại tiện. Ở giai đoạn này, bàng quan và trực tràng chính là vùng tập trung khoái cảm của trẻ. Trẻ tìm thấy khoái cảm thông qua việc giữ lại và cho phân ra ngoài. Mâu thuẫn chính trong giai đoạn này nằm ở quá trình luyện tập cho trẻ đi vệ sinh, đứa trẻ học cách kiểm soát nhu cầu cơ thể mình.

Theo Freud, sự phát triển thành công của trẻ ở giai đoạn này phụ thuộc vào cách phản ứng của cha mẹ khi cho trẻ đi vệ sinh. Cha mẹ sử dụng những lời khen, phần thưởng hợp lý khi trẻ đi đúng nơi vệ sinh, sạch sẽ sẽ khiến trẻ cảm thấy bản thân giỏi giang. Ngược lại, cha mẹ có phản ứng không phù hợp sẽ hình thành những nét tính cách tiêu cực ở trẻ.

Giai đoạn hậu môn Sigmund Freud
Giai đoạn hậu môn theo lý thuyết phân tâm học của Sigmund Freud Sigmund nhấn mạnh việc trẻ được chủ động trong việc tập luyện đi vệ sinh.

Nếu cha mẹ quá dễ dãi, đứa trẻ sẽ hình thành nhân cách hậu môn – xâm lấn. Theo đó, cá nhân có xu hướng sẽ bừa bộn, lãng phí hoặc phá hoại. Nếu cha mẹ quá nghiêm khắc, hoặc tập cho trẻ đi vệ sinh quá sớm, theo Freud, một nhân cách hậu môn – khu trữ sẽ hình thành, cá nhân sẽ cứng nhắc, quy củ và bảo thủ.

Khi trẻ cho phân ra ngoài là lúc trẻ cảm thấy thoải mái, hài lòng. Trái lại, nếu trẻ cảm thấy lo âu, bực bội khó chịu trẻ sẽ có xu hướng giữ phân lại (ỉa đùn, táo bón). Lúc này, tâm trí trẻ xuất hiện hai thái cực là thỏa mãnbực bội, đây cũng chính là hai cảm xúc tiêu biểu cho sự hình thành nhân cách của con người.

2.1.3. Giai đoạn 3: Giai đoạn dương vật tượng trưng (3 – 6 tuổi)

Ở giai đoạn này, trẻ cảm nhận khoái cảm thông qua bộ phận sinh dục. Trẻ bắt đầu có những tò mò, khám phá sự khác nhau giữa nam và nữ, xác định giới tính của mình.

Đây cũng là giai đoạn xuất hiện phức cảm Oedipus ở bé trai, trẻ trai bắt đầu xem cha mình như đối thủ giành lấy tình yêu thương từ mẹ, mong muốn được sở hữu mẹ, khát khao thay thế cha mình. Tuy nhiên, trước sức mạnh của cha, đứa trẻ lo lắng mình sẽ bị trừng phạt vì những suy nghĩ và cảm xúc đó. Nỗi sợ này được Freud gọi là lo hãi bị thiến.

Tương tự như những cảm xúc xuất hiện ở bé trai, ở bé gái được gọi là phức cảm Electra. Tuy nhiên, Sigmund Freud cho rằng trẻ gái trải qua cảm giác đố kỵ dương vật. Cuối cùng, đứa trẻ đồng nhất hóa với người cha/mẹ cùng giới với mình như một cách để đạt được đối tượng khác giới mà không có lo hãi.

Giai đoạn dương vật tượng trưng Sigmund Freud
Giai đoạn dương vật tượng trưng theo thuyết phân tâm học của Sigmund Freud nhấn mạnh sự khám phá đặc điểm khác nhau giữa nam và nữ, xác định giới tính của trẻ.

Tuy nhiên, Freud cho rằng, cảm giác đố kỵ dương vật ở bé gái còn mãi đến khi trưởng thành, rằng toàn bộ phụ nữ đều bị cắm chốt ở giai đoạn này. Điều này đã gây ra nhiều tranh cãi vì cho rằng ý kiến này đã hạ thấp giá trị của người phụ nữ. Về sau, Horney đã đưa ra quan điểm nam giới luôn trải qua những cảm xúc tự ti vì họ không thể sinh con. Khái niệm này đối lập với khái niệm đố kỵ dương vật của Freud, được gọi là sự đố kỵ tử cung.

2.1.4. Giai đoạn 4: Giai đoạn ẩn tàng (6 – 9 tuổi)

Giai đoạn này là thời kỳ chuyển đổi từ giai đoạn tính dục trẻ em sang giai đoạn sinh dục. Trong thời gian này, trẻ quan tâm đến thế giới bên ngoài qua việc học tập và vui chơi. Giai đoạn này không phải là không có hoạt động tính dục nào, mà ở giai đoạn này, không có tổ chức hoạt động tính dục mới nào xuất hiện.

Giai đoạn ẩn tàng theo thuyết phân tâm học của Sigmund Freud là khoảng thời gian dành cho sự khám phá, cái Siêu tôi tiếp tục phát triển, trong khi cái Ấy bị dồn nén. Trẻ em phát triển các kỹ năng xã hội, khám phá bản thân, sở thích và các hứng thú khác, hình thành sự tự tin.

giai đoạn ẩn tàng thuyết phân tâm học của freud
Ở giai đoạn ẩn tàng theo thuyết phân tâm học của Sigmund Freud, trẻ hướng ra thế giới bên ngoài thông qua hoạt động học tập và vui chơi.

2.1.5. Giai đoạn 5: Giai đoạn sinh dục (tuổi dậy thì trở đi)

Sự dậy thì khiến ham muốn tình dục (Libibo) thức tỉnh, cá nhân phát triển những hứng thú tình dục đối với người khác. Ở tuổi vị thành niên, vấn đề lựa chọn giới tính được đặt ra và buộc cá nhân phải xác định hành vi của mình. Freud cho rằng đời sống tình dục gồm 2 dòng: dòng tinh thần và dòng thể xác. Sự lựa chọn đối tượng tình dục phục thuộc vào cảm nhận của cá nhân trong mối quan hệ đó.

Ở các giai đoạn trước, sự phát triển chỉ tập trung vào nhu cầu của cá nhân. Nhưng đến giai đoạn này, cá nhân bắt đầu hướng sự quan tâm đến người khác. Nếu bản năng tính dục chi phối những hoạt động của trẻ ở giai đoạn trước thì đến giai đoạn này thanh thiếu niên có sự cân bằng giữa ham muốn bản năngyêu cầu xã hội. Mục đích của giai đoạn này là để hình thành sự cân bằng giữa các mặt khác nhau trong cuộc sống.

giai đoạn phát dục sigmund freud
Mục tiêu của giai đoạn phát dục trong thuyết phân tâm học của Sigmund Freud là hình thành sự cân bằng giữa các mặt khác nhau trong cuộc sống.

2.2. Ba tiểu luận về lý thuyết tính dục Sigmund Freud

2.2.1. Những sai lệch về tình dục

Freud gọi đối tượng mà ở đó cá nhân phát sinh sự thu hút tình dục là đối tượng tình dục và hành động hướng đến bản năng tình dục gọi là mục đích tình dục.

  • Những sai lệch về đối tượng tình dục:

Những người đàn ông có đối tượng tình dục là đàn ông và những người phụ nữ có đối tượng tình dục là phụ nữ được Freud mô tả có “cảm xúc tình dục trái ngược” hay “cảm xúc tình dục đảo ngược”. Những người có cảm xúc tình dục đảo ngược tuyệt đối bị thu hút tình dục bởi những đối tượng cùng giới, những người khác giới không gây được hứng thú tình dục cho họ, thậm chí sinh ra ác cảm tình dục.

Những người có cảm xúc tình dục lưỡng tính bị thu hút tình dục bởi cả đối tượng cùng giới và khác giới. Những người có cảm xúc tình dục nghịch đảo ngẫu nhiên, khi điều kiện môi trường xung quanh không thể tiếp cận được với bất kỳ một đối tượng tình dục khác giới nào, khả năng cao người đó sẽ coi đối tượng cùng giới là đối tượng tình dục và thỏa mãn khi quan hệ tình dục với đối tượng đó.

Theo thuyết phân tâm học của Sigmund Freud, sự đảo ngược tình dục có thể thay đổi theo thời gian, có thể xuất hiện từ rất sớm, cũng có thể tồn tại suốt cuộc đời, cũng có thể tạm thời biến mất và nó cũng có thể là một giai đoạn nhất định trên đoạn đường phát triển bình thường của con người. Ngoài ra ham muốn tình dục có thể chuyển sang đối tượng tình dục đảo ngược khi cá nhân có những trải nghiệm đau khổ với đối tượng khác giới.

  • Người và động vật chưa trưởng thành về mặt tình dục là đối tượng tình dục:

Những người chưa trưởng thành về mặt tình dục (trẻ em) được chọn làm đối tượng tình dục bởi đây là các đối tượng yếu thế, ít có quyền lực. Khi cá nhân cảm thấy bản thân hèn nhát hoặc bất lực sẽ chọn các đối tượng yếu thế này như đối tượng thay thế giúp cá nhân đó thỏa mãn nhu cầu về tình dục, cảm giác quyền lực và tính chiếm hữu. Trường hợp tương tự cũng xảy ra ở động vật, sự hấp dẫn tình dục dường như vượt qua các rào cản chủng loại.

  • Những sai lệch về mục đích tình dục:

Mục tiêu của bản năng tình dục chỉ dừng lại ở bộ phận sinh dục gọi là quá trình giao hợp dẫn đến sự thỏa mãn tình dục. Mục tiêu tình dục sai lệch khi nó mở rộng sang các bộ phận khác trên cơ thể, chẳng hạn như chạm hay nhìn vào nó với mục đích hướng đến sự giao hợp, ví dụ quan hệ bằng môi miệng, quan hệ bằng hậu môn,… Những hoạt động này mang tới khoái cảm, tăng cường sự kích thích cho đến khi đạt được mục đích tình dục cuối cùng.

2.2.2. Tính dục trẻ thơ

Bản năng tính dục của con người xuất hiện từ rất sớm trong thời thơ ấu, qua 5 giai đoạn phát triển tâm tính dục. Những trải nghiệm thời thơ ấu là những khởi đầu của đời sống tình dục. Thuyết phân tâm học của Sigmund Freud nhấn mạnh tầm quan trọng của thời thơ ấu để lý giải các hiện tượng liên quan đến đời sống tình dục và nhấn mạnh vai trò của yếu tố trẻ thơ trong tính dục.

2.2.3. Những chuyển biến tuổi dậy thì theo thuyết phân tâm học của Sigmund Freud

Sự xuất hiện của tuổi dậy thì dẫn đến những thay đổi nhằm mang lại hình dạng cuối cùng, bình thường cho đời sống tình dục của trẻ em. Trước đây, bản năng tình dục của trẻ em chủ yếu là tự ái, giờ đây, chúng bắt đầu quan tâm đến đối tượng tình dục. Một mục đích tình dục mới xuất hiện, vùng sinh dục phát triển, bản năng tình dục liên quan đến chức năng sinh sản.

2.3. Nguyên lý tảng băng trôi của Sigmund Freud

Freud dùng mô hình tảng băng trôi để mô tả cách thức hoạt động của tâm trí con người, chia tâm trí con người thành ba vùng:

  • Vùng ý thức (phần nổi ở phía trên mặt nước): Tập hợp những suy nghĩ, cảm xúc và nhận thức hiện tại của con người.
  • Vùng tiền ý thức hay còn gọi là tiềm thức (phần tiếp xúc với mặt nước): Là nơi chứa những suy nghĩ, cảm xúc mà con người hoàn toàn có thể nhớ lại khi nhắc đến.
  • Vô thức (phần chìm sâu dưới mặt nước): Ở cấp độ sâu nhất và cũng là vùng chiếm nhiều diện tích nhất trong tâm trí con người, là kho lưu trữ các quá trình thúc đẩy hành vi con người, bao gồm cả những ham muốn bản năng được xác định về mặt sinh học.
Nguyên lý tảng băng trôi Sigmund Freud
Nguyên lý tảng băng trôi theo thuyết phân tâm học của Sigmund Freud.

Về sau, Freud đề xuất một mô hình tâm trí có cấu trúc chặt chẽ hơn mô tả rõ những ý tưởng của ông về quá trình ý thức và vô thức:

  • Cái Ấy (Id): Hoạt động ở cấp độ vô thức, chịu sự chi phối của bản năng tính dục, bao gồm hai động cơ chính là xung năng sống và xung năng chết. Xung năng sống thúc đẩy chúng ta tham gia vào các hoạt động duy trì sự sống và xung năng chết thúc đẩy sự tàn phá, hung hãn và hành vi bạo lực.
  • Cái Tôi (Ego): Hoạt động như một bộ lọc của cái Ấy, có nhiệm vụ cân bằng giữa cái Ấy và cái Siêu tôi. Cái tôi đảm bảo cho nhu cầu của con người được đáp ứng và phù hợp với những mong đợi của xã hội. Nó được định hướng để điều hướng thực tế và bắt đầu phát triển từ khi còn nhỏ.
  • Cái Siêu tôi (Super Ego): Siêu tôi là thuật ngữ Freud đặt cho “lương tâm”. Đây là nơi cư trú của đạo đức và các nguyên tắc cao hơn, khuyến khích chúng ta hành động theo những cách được xã hội và đạo đức chấp nhận.

3. Ứng dụng thuyết phân tâm học của Sigmund Freud

3.1. Ứng dụng của thuyết phân tâm học trong tham vấn và trị liệu tâm lý

Nhiều nhà tâm lý học đương đại không tin vào những ý tưởng của Freud, nhưng lý thuyết của ông vẫn đóng vai trò rất quan trọng. Nhiều nghiên cứu đã xác nhận tính hiệu quả của phương pháp, tâm động học và thuyết phân tâm học của Sigmund Freud đã được chứng minh có hiệu quả trong việc điều trị rối loạn hoảng sợ (Milrod & Shear, 1991), cũng như cải thiện các vấn đề về rối loạn cảm xúc ở trẻ em (Target & Fonagy, 1994).

Freud tin rằng các vấn đề tâm thần có thể được giải quyết qua trò chuyện, điều này đã góp phần cách mạng hóa liệu pháp tâm lý. Freud cũng đã tạo nên một sự thay đổi lớn với cái nhìn về bệnh tâm thần, rằng không phải tất cả các vấn đề tâm lý đều do nguyên nhân sinh lý.

3.2. Ví dụ và ứng dụng thuyết Phân tâm học trong công tác xã hội

Phân tâm học giúp nhân viên công tác xã hội nói chuyện với thân chủ, giúp thân chủ nhận ra lý do của mọi hành vi, tìm ra gốc rễ của suy nghĩ, cảm xúc, từ đó đưa ra cách giải quyết các vấn đề. Thân chủ có cơ hội tìm hiểu thêm về bản thân, nhận ra những kiểu cảm xúc hoặc mối quan hệ có hại và thay đổi hành vi của mình.

3.3. Thuyết Phân tâm học của Sigmund Freud trong văn học

Một số kỹ thuật trong Phân tâm học có thể áp dụng vào việc giải thích các tác phẩm văn học. Văn bản văn học giống như những giấc mơ, thể hiện những mong muốn và lo lắng thầm kín trong vô thức của tác giả. Thông qua phân tích tâm lý nhân vật, chúng ta có thể hiểu biết được phần nào tâm lý của chính tác giả.

4. Ý nghĩa của thuyết Phân tâm học Sigmund Freud

Trong suốt đầu thế kỷ XX, ảnh hưởng của Phân tâm học ngày càng lớn. Mặc dù có những hạn chế nhưng không thể phủ nhận Phân tâm học đã đặt nền móng cho phần lớn tâm lý học hiện đại, nhiều lý thuyết khác nhau đã được hình thành dựa trên Phân tâm học. Phân tâm học đã và đang ảnh hưởng đến cách tiếp cận của chúng ta trong việc điều trị các tình trạng sức khỏe tâm thần và tiếp tục gây ảnh hưởng đến tâm lý học ngày nay. Đặc biệt, Freud đã thay đổi cách chúng ta suy nghĩ và điều trị các bệnh về tâm thần.

5. Đánh giá về thuyết Phân tâm học của Sigmund Freud

5.1. Ưu điểm của Phân tâm học

  • Mặc dù hầu hết các lý thuyết của Phân tâm học không dựa vào nghiên cứu thực nghiệm, nhưng các phương pháp và lý thuyết của Phân tâm học đã góp phần vào sự phát triển của Tâm lý học thực nghiệm.
  • Nhiều lý thuyết về tính cách được phát triển bởi các nhà tư tưởng tâm động học, chẳng hạn như lý thuyết về các giai đoạn tâm lý xã hội của Erikson và lý thuyết giai đoạn tâm lý tình dục của Freud, vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến lĩnh vực này cho đến ngày nay.
  • Phân tâm học đã mở ra một cái nhìn mới về bệnh tâm thần, đặc biệt là việc nói chuyện với chuyên gia Phân tâm học về các vấn đề, có thể giúp giảm bớt nỗi đau tâm lý của một người.

5.2. Hạn chế/Nhược điểm của thuyết Phân tâm học

  • Nhiều giả thuyết và giả định lý thuyết của Phân tâm học không thể được kiểm tra bằng thực nghiệm, khiến cho việc chứng minh nó gần như không thể.
  • Phân tâm học nhấn mạnh vai trò quan trọng của sinh học và vô thức, đồng thời bỏ qua những ảnh hưởng của môi trường lên tâm trí có ý thức.
  • Lý thuyết Phân tâm học đã ăn sâu vào tư tưởng phân biệt giới tính của Freud. Và, dấu vết của sự phân biệt giới tính vẫn còn tồn tại trong lý thuyết và thực tiễn ngày nay.
  • Thuyết Phân tâm học của Sigmund Freud được tiến hành nghiên cứu trên phạm vi không phổ quát rộng. Do đó, thuyết mang tính Châu Âu sâu sắc và không được hỗ trợ về mặt đa văn hóa và chỉ áp dụng cho thân chủ đến từ các nền văn hóa Do Thái – Cơ đốc giáo và thế tục ở Phương Tây.

Xem thêm:

6. Giới thiệu một số sách về Phân tâm học cực hay cho người mới bắt đầu

6.1. Sách Phân tâm học nhập môn

Phân tâm học nhập môn là một trong những cuốn sách nổi tiếng nhất của Freud, xuất bản năm 1917. Freud phác thảo lý thuyết Phân tâm học bao gồm tâm trí vô thức, ý tưởng về chứng loạn thần và giấc mơ. Phân tâm học nhập môn là cuốn sách tổng thể hay về cách tiếp cận Phân tâm học của Freud.

6.2. Thuyết Phân tâm học và tính cách dân tộc

Sách Phân tâm học và tính cách dân tộc của Đỗ Lai Thúy được xuất bản vào năm 2018. Đây là một cuốn sách có tính chuyên đề cao, cuốn sách phù hợp với độc giả thực sự muốn tìm hiểu về lĩnh vực vô thức, tiềm thức, cái “gen” văn hóa cộng đồng, dân tộc,… Biên soạn chuyên đề này, Đỗ Lai Thuý muốn giới thiệu những con đường nghiên cứu bản tính dân tộc dựa vào Phân tâm học từ mô hình lý thuyết và các nghiên cứu ứng dụng đến sáng tác nghệ thuật, từ tính cách tộc người đến tính cách dân tộc ở nhiều bộ tộc, dân tộc trên thế giới.

Sách đề cập đến mô hình lý thuyết nghiên cứu tính cách dân tộc thông qua tâm bệnh học tộc người của G. Devereux – nhà Phân tâm học và nhân loại học người Pháp nổi tiếng với những công trình nghiên cứu về tộc người da đỏ ở châu Mỹ. Đây cũng là người tiên phong trong việc hình thành lý thuyết và phác đồ điều trị tâm bệnh học tộc người dựa vào mối quan hệ giữa tâm lý và văn hoá.

6.3. Phân tâm học tình yêu của Đỗ Lai Thúy

Cuốn sách “Phân tâm học và tình yêu” do Đỗ Lai Thuý biên soạn, xuất bản năm 2003. “Phân tâm học và tình yêu” tập hợp bốn tiểu luận về vấn đề tình yêu và giới tính của bốn cây đại thụ lớn bao gồm hai nhà Phân tâm học Sigmund Freud và Enrich Fromm; cùng với hai triết gia siêu hình là Athur Schopenhauer và Vladimir Soloviev.

Sau khi đọc bốn tiểu luận lớn này, người đọc có thể xem xét cách GS Đỗ Lai Thúy ứng dụng lý thuyết Phân tâm học trong việc giải mã hiện tượng thơ Hoàng Cầm. Các tiểu luận trong sách: Ba tiểu luận về lý thuyết tính dục – Sigmund Freud, Phân tâm học tình yêu – Enrich Fromm, Siêu hình học tình yêu – Athur Schopenhauer, Siêu lý tình yêu – Vladimir Soloviev, Đi tìm ẩn ngữ trong thơ Hoàng Cầm – Đỗ Lai Thúy.

6.4. Phân tâm học và tôn giáo

Trong tác phẩm cô đọng và đặc sắc này, Erich Fromm phân tích những vấn đề nền tảng của đức tin và nghi thức tôn giáo trong tiến trình lịch sử, và những khám phá của Phân tâm học liên quan đến chủ đề này. Phân tâm học nghiên cứu bản chất con người đằng sau các biểu tượng tôn giáo và các biểu tượng phi tôn giáo, như Erich Fromm chứng minh, chỉ khi nào phân biệt được tôn giáo độc đoán và tôn giáo nhân bản, chúng ta mới có thể “chữa trị tâm hồn” con người.

Vấn đề tôn giáo không phải là vấn đề Thượng đế mà là vấn đề con người, từ đó, con người có thể thấu hiểu và khước từ các dạng sùng bái thần tượng, đồng thời tôn vinh và gìn giữ những di sản tinh thần quý báu của chính mình.

6.5. Thuyết Phân tâm học và văn hóa tâm linh

Cuốn sách “Phân tâm học và văn hóa tâm linh” giới thiệu với bạn đọc một số công trình nghiên cứu về tâm linh của các nhà Phân tâm học nổi tiếng Sigmund Freud, Carl Gustav Jung, Erich Fromm và Roberto Assagioli. Cuốn sách gồm 5 phần: S. Freud – Sự trở lại ấu thơ của tục tôtem, C. Jung – Thăm dò tiềm thức, E. Fromm – Phân tâm học và tôn giáo, E. Fromm – Phân tâm học và Thiền, R. Assagioli – Bông hồng tâm linh hay sự phát triển siêu cá nhân.

Con người là một thể đa chiều gồm ba kích thước cơ bản nhất là bản chất sinh học, bản chất xã hội và bản chất tâm linh. Một trong những ngả đường nghiên cứu tâm linh chính là Phân tâm học.

6.6. Giải mộng Sigmund Freud

Giải mộng Sigmund Freud được xuất bản năm 1899, là một trong những cuốn sách đầu tay của ông. Cuốn sách đáng chú ý vì giới thiệu nhiều ý tưởng nổi tiếng theo thuyết phân tâm học của Sigmund Freud, bao gồm khái niệm về vô thức và mối liên hệ của vô thức đến những giấc mơ. Nếu bạn muốn hiểu được nền tảng của Phân tâm học và tìm hiểu sâu về lý thuyết của Freud, thì đây là cuốn sách bạn nên đọc.

Trong bài viết trên đây, Psycare.com.vn đã tóm tắt những thông tin liên quan đến nội dung và ứng dụng thuyết Phân tâm học của Sigmund Freud. Mặc dù có những hạn chế, nhưng chúng ta không thể phủ nhận Phân tâm học đã đặt nền móng cho phần lớn tâm lý học hiện đại, mở ra hướng phát triển mới cho tâm lý học. Tâm lý PsycareVN mong rằng bài viết đã giúp bạn hiểu hơn về nội dung và ứng dụng của học thuyết tâm lý này, cũng như giúp bạn có những ứng dụng thực tế vào cuộc sống và công việc chuyên môn!

Bài viết cùng chủ đề

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *