Lý thuyết phát triển nhận thức của Piaget cho rằng trẻ em trải qua 4 giai đoạn học tập khác nhau. Học thuyết nhận thức Piaget không chỉ tập trung vào việc hiểu cách trẻ em tiếp thu kiến thức, mà còn tìm hiểu bản chất của trí thông minh. Jean Piaget là một nhà tâm lý học có ảnh hưởng của thế kỷ 20. Piaget đặc biệt quan tâm đến tâm lý học phát triển và nghiên cứu những cách khác nhau mà con người thu nhận, lưu giữ và phát triển kiến thức.
Mục lục
- 1. Giới thiệu về học thuyết nhận thức của Jean Piaget
- 2. Lịch sử hình thành học thuyết phát triển nhận thức của Piaget
- 3. Nội dung lý thuyết 4 giai đoạn phát triển nhận thức của Piaget
- 4. Một số khái niệm cơ bản trong lý thuyết phát triển nhận thức của Piaget
- 5. Vận dụng học thuyết phát triển nhận thức của Piaget trong dạy học
1. Giới thiệu về học thuyết nhận thức của Jean Piaget
Các giai đoạn phát triển nhận thức của trẻ em theo học thuyết của Jean Piaget bao gồm:
- Giai đoạn cảm giác (Sensorimotor stage): Từ sơ sinh đến 2 tuổi
- Giai đoạn tiền thao tác cụ thể (Preoperational stage): Từ 2 đến 7 tuổi
- Giai đoạn thao tác cụ thể (Concrete operational stage): Từ 7 đến 11 tuổi
- Giai đoạn tư duy logic (Formal operational stage): Trên 12 tuổi
Piaget tin rằng trẻ em đóng một vai trò tích cực trong quá trình học tập, hoạt động. Quá trình này có thể được ví như một nhà “khoa học nhí” đang trong giai đoạn thực hiện các thử nghiệm, quan sát và tìm hiểu về thế giới. Khi trẻ tương tác với thế giới xung quanh, trẻ liên tục bổ sung kiến thức mới. Đồng thời, dựa trên những kiến thức hiện có, trẻ xây dựng và điều chỉnh các ý tưởng đã nắm giữ trước đó để phù hợp với các thông tin mới.
2. Lịch sử hình thành học thuyết phát triển nhận thức của Piaget
Jean Piaget sinh ra ở Thụy Sĩ vào cuối những năm 1800. Ông là một học sinh xuất chúng khi mới 11 tuổi đã xuất bản bài báo khoa học đầu tiên của mình. Ông đã sớm tiếp xúc với ý tưởng nghiên cứu sự phát triển trí tuệ trẻ em khi có dịp làm trợ lý cho Alfred Binet và Theodore Simon khi 2 nhà khoa học này đang trong quá trình chuẩn hóa bài test IQ nổi tiếng của mình.
Phần lớn sự quan tâm của Piaget đến sự phát triển nhận thức của trẻ em được truyền cảm hứng từ những quan sát của ông về cháu trai và con gái của mình. Những quan sát này giúp củng cố giả thuyết mới chớm nở của ông rằng tâm trí trẻ em không chỉ đơn thuần là phiên bản nhỏ hơn của tâm trí người lớn.
Piaget đề xuất rằng trí thông minh phát triển qua một loạt các giai đoạn. Trẻ lớn không chỉ suy nghĩ nhanh hơn trẻ nhỏ, mà còn có sự khác biệt cả về định tính và định lượng giữa suy nghĩ của trẻ nhỏ so với trẻ ở độ tuổi lớn hơn. Dựa trên những quan sát của mình, ông kết luận rằng trẻ em không kém thông minh hơn người lớn – chúng chỉ đơn giản là nghĩ khác. Albert Einstein gọi khám phá của Piaget là “quá đơn giản mà chỉ một thiên tài mới có thể nghĩ ra.”
Lý thuyết phát triển nhận thức của Piaget đề cập đến những thay đổi trong quá trình và khả năng nhận thức. Theo quan điểm của Piaget, sự phát triển nhận thức ban đầu bao gồm các quá trình dựa trên các hành động và sau đó tiến triển đến những thay đổi trong hoạt động trí óc.
3. Nội dung lý thuyết 4 giai đoạn phát triển nhận thức của Piaget
Lý thuyết của Piaget mô tả sự phát triển nhận thức của trẻ em. Sự phát triển nhận thức liên quan đến những thay đổi trong quá trình và khả năng nhận thức. Quan điểm của Piaget cho rằng, sự phát triển nhận thức ban đầu bao gồm các quá trình dựa trên các hành động, và sau đó tiến triển đến những thay đổi trong hoạt động về trí óc.
3.1. Giai đoạn cảm giác (Sensorimotor stage) – thuyết phát triển nhận thức của Piaget
Trong giai đoạn phát triển nhận thức sớm nhất này, trẻ sơ sinh và trẻ tập đi sẽ tiếp thu kiến thức thông qua các trải nghiệm cảm giác và thao tác với đồ vật. Toàn bộ trải nghiệm của trẻ trong giai đoạn này xảy ra thông qua các phản xạ, giác quan, và phản ứng vận động cơ bản.
Các đặc điểm chính và những thay đổi phát triển trong giai đoạn sơ sinh – 2 tuổi:
- Biết thế giới thông qua các chuyển động và cảm giác
- Tìm hiểu về thế giới thông qua các hành động cơ bản. Chẳng hạn như mút, cầm, nhìn, và nghe.
- Tìm hiểu rằng, mọi thứ vẫn còn tồn tại ngay cả khi không thể nhìn thấy bằng mắt (tính hằng định đối tượng)
- Nhận ra rằng chính mình là những sinh vật riêng biệt với người và đồ vật xung quanh mình
- Nhận ra rằng hành động của mình có thể gây ra những thứ xuất hiện trong thế giới xung quanh mình
Trong giai đoạn vận động cảm giác, trẻ sẽ trải qua một giai đoạn phát triển và học hỏi đáng kể. Khi tương tác với môi trường của mình, trẻ liên tục có những khám phá mới về cách thế giới hoạt động.
Sự phát triển nhận thức xảy ra trong giai đoạn này diễn ra trong thời gian tương đối ngắn, và liên quan rất nhiều đến sự tăng trưởng. Trẻ không chỉ học cách thực hiện các hành động thể chất như bò, đi. Trẻ còn học được nhiều điều về ngôn ngữ từ những người mà trẻ thường tương tác. Thuyết phát triển nhận thức của Piaget cũng chia nhỏ giai đoạn này thành các tiến trình nhỏ.
Những suy nghĩ mang tính đại diện (representational thought) ban đầu mới xuất hiện ở cuối giai đoạn cảm giác. Piaget tin rằng việc phát triển tính hằng định đối tượng là một yếu tố quan trọng trong giai đoạn phát triển này. Bằng cách này, trẻ sau đó mới có thể bắt đầu gắn tên và từ với các đối tượng.
3.2. Giai đoạn tiền thao tác cụ thể (Preoperational stage) – Thuyết phát triển nhận thức của Piaget
Nền tảng của sự phát triển ngôn ngữ có thể đã được thiết lập trong giai đoạn trước đó. Nhưng phải đến giai đoạn tiền thao tác cụ thể, sự xuất hiện của ngôn ngữ mới thật sự là một trong những dấu ấn chính trong sự phát triển về nhận thức ở trẻ 2 – 7 tuổi.
Các đặc điểm và thay đổi phát triển chính trong giai đoạn này:
- Bắt đầu suy nghĩ theo hình tượng, và học cách sử dụng từ ngữ, hình ảnh để đại diện cho các đối tượng
- Có xu hướng duy kỉ (egocentric) và đấu tranh để nhìn mọi thứ từ quan điểm của người khác
- Có ngôn ngữ và tư duy tốt hơn, nhưng vẫn có xu hướng suy nghĩ theo những thuật ngữ thật cụ thể về thế giới xung quanh
Ở giai đoạn này, trẻ học thông qua chơi giả vờ (pretend play). Nhưng, trẻ vẫn đấu tranh với lập luận logic và quan điểm của người khác. Trẻ cũng thường tranh cãi về việc hiểu ý tưởng về sự không thay đổi.
Ví dụ: Bạn lấy một cục đất sét chia làm 2 mảnh bằng nhau. Bạn cán mỏng một mảnh đất sét cho phẳng ra, mảnh đất sét còn lại thì vo tròn như quả bóng. Bạn cho trẻ chọn mảnh đất sét nào lớn hơn để chơi. Bởi vì mảnh đất sét cán phẳng trông lớn hơn, nên trẻ đang ở giai đoạn tiền thao tác có khả năng chọn mảnh đó, mặc dù hai mảnh có cùng kích thước và khối lượng.
3.3. Giai đoạn thao tác cụ thể (Concrete operational stage)
Ở giai đoạn phát triển này, trẻ trở nên thành thạo hơn trong việc vận dụng tư duy logic. Chủ nghĩa duy kỉ ở giai đoạn trước bắt đầu biến mất. Vì khi này, trẻ bắt đầu suy nghĩ nhiều hơn về cách người khác nhìn nhận về tình huống.
Các đặc điểm chính và sự thay đổi ở giai đoạn 7 – 11 tuổi trong thuyết phát triển nhận thức của Piaget:
- Bắt đầu suy nghĩ logic về các sự kiện cụ thể
- Bắt đầu hiểu khái niệm về sự bảo tồn. Ví dụ như 2 lượng chất lỏng bằng nhau, dù đặt trong cốc ngắn, rộng bằng với lượng chất lỏng trong cốc cao, mỏng thì số lượng vẫn không thay đổi.
- Tư duy logic và có tổ chức hơn, nhưng vẫn rất cụ thể
- Bắt đầu sử dụng logic/ suy luận quy nạp từ thông tin cụ thể đến nguyên tắc chung
Trong một số hoạt động cụ thể, tư duy logic của trẻ vẫn có thể rất cứng nhắc. Trẻ trong giai đoạn phát triển này có xu hướng đấu tranh với các khái niệm trừu tượng và giả thuyết. Trẻ cũng ít tập trung vào bản thân hơn, và nghĩ về cách người khác suy nghĩ, cảm nhận nhiều hơn. Trẻ hiểu rằng suy nghĩ của mình là duy nhất đối với mình, không nhất thiết ai cũng phải chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc và ý kiến của bản thân.
3.4. Giai đoạn tư duy logic (Formal operational stage)
Giai đoạn cuối cùng trong thuyết phát triển nhận thức của Piaget liên quan đến sự gia tăng khả năng logic, suy luận và sử dụng sự hiểu biết về các ý tưởng trừu tượng của một đứa trẻ từ 12 tuổi trở lên (Scott KH, 2022). Ở giai đoạn thanh thiếu niên và thanh niên, trẻ có khả năng nhìn thấy nhiều giải pháp tiềm năng cho các vấn đề, và suy nghĩ khoa học hơn về thế giới xung quanh.
Những đặc điểm chính và sự thay đổi trong quá trình phát triển của lứa tuổi này bao gồm:
- Bắt đầu suy nghĩ trừu tượng và lập luận về các vấn đề giả định
- Bắt đầu suy nghĩ nhiều hơn về các vấn đề đạo đức, triết học, đạo đức, xã hội, và chính trị đòi hỏi lý luận và suy luận trừu tượng
- Bắt đầu sử dụng logic suy diễn hoặc suy luận từ nguyên tắc chung cho thông tin cụ thể
Khả năng suy nghĩ về các ý tưởng và tình huống trừu tượng là dấu hiệu quan trọng trong giai đoạn hoạt động chính thức của sự phát triển nhận thức. Khả năng lập kế hoạch một cách có hệ thống cho tương lai và suy luận về các tình huống giả định cũng là những khả năng quan trọng xuất hiện trong giai đoạn này.
4. Một số khái niệm cơ bản trong lý thuyết phát triển nhận thức của Piaget
Piaget không xem sự phát triển trí tuệ của trẻ em như một quá trình định lượng. Có nghĩa là, trẻ em không chỉ bổ sung thêm thông tin vào kiến thức hiện có của chúng khi chúng lớn hơn.
Thay vào đó, Piaget gợi ý rằng, có một sự thay đổi về chất trong cách suy nghĩ của trẻ khi chúng dần dần vượt qua 4 giai đoạn đã nêu trên (Fischer & Bullock, 1984). Ở độ tuổi lên 7, trẻ không chỉ có nhiều thông tin về thế giới hơn so với khi 2 tuổi, mà còn có sự thay đổi cơ bản trong cách trẻ nghĩ về thế giới. Dựa trên cơ sở đó, Piaget đã đề xuất một số yếu tố ảnh hưởng đến cách trẻ em học tập và phát triển như sau.
4.1. Lược đồ (Schemas)
Lược đồ (Schemas) là khái niệm mô tả cả hành động tinh thần và thể chất liên quan đến việc hiểu và biết. Lược đồ là những phạm trù kiến thức giúp chúng ta giải thích và hiểu được thế giới xung quanh mình.
Tiếp cận theo thuyết phát triển nhận thức của Piaget, một lược đồ bao gồm phạm trù kiến thức và quá trình đạt được kiến thức đó (Scott KH, 2022). Khi trải nghiệm một tình huống nào đó, thông tin mới sẽ được sử dụng để sửa đổi, thêm vào hoặc thay đổi các lược đồ đã có trước đó.
Ví dụ: Một đứa trẻ có thể có một lược đồ về loài động vật nào đó mình từng thấy, chẳng hạn như một con chó. Nếu trải nghiệm duy nhất của trẻ là với những con chó nhỏ, trẻ có thể tin rằng tất cả con chó đều nhỏ, nhiều lông và có 4 chân. Giả sử sau đó, đứa trẻ gặp một con chó khác to lớn hơn. Trẻ lúc ấy sẽ tiếp nhận thông tin mới này, sửa đổi lược đồ hiện có trước đó để bổ sung thêm những quan sát mới này.
4.2. Khái niệm đồng hóa (Assimilation) trong thuyết phát triển nhận thức của Piaget
Quá trình thu nhận thông tin mới vào các lược đồ đã tồn tại của chúng ta được gọi là quá trình đồng hóa (assimilation). Quá trình này có phần chủ quan, bởi vì chúng ta có xu hướng sửa đổi kinh nghiệm và thông tin một chút để phù hợp với niềm tin cốt lõi sẵn có của chúng ta.
Trong ví dụ về lược đồ đã miêu tả ở trên, việc nhìn thấy một con chó và gắn nhãn nó là “con chó” chính là trường hợp đồng hóa con vật đó vào lược đồ con chó đã có trước đó của đứa trẻ.
4.3. Khái niệm điều ứng (Accommodation)
Một phần khác của sự thích ứng là khả năng thay đổi các lược đồ hiện có theo thông tin mới. Quá trình này được gọi là điều ứng (accommodation) (Sobel et al, 2009). Các lược đồ mới cũng có thể được phát triển trong quá trình này.
4.4. Khái niệm cân bằng (Equilibration) trong học thuyết phát triển nhận thức của Piaget
Khi trẻ tiến bộ qua các giai đoạn phát triển nhận thức, điều quan trọng là phải duy trì sự cân bằng giữa việc áp dụng kiến thức trước đó (đồng hóa) và thay đổi hành vi để tính đến kiến thức mới (điều tiết).
Piaget tin rằng tất cả trẻ em cố gắng đạt được cơ chế cân bằng (equilibration) giữa sự đồng hóa và điều tiết. Sự cân bằng này giúp giải thích cách trẻ có thể chuyển từ giai đoạn suy nghĩ này sang giai đoạn tiếp theo như thế nào (Scott KH, 2022).
5. Vận dụng học thuyết phát triển nhận thức của Piaget trong dạy học
Ngày nay, nhiều giáo viên vẫn sử dụng lý thuyết nhận thức của Piaget để nâng cao giáo dục học sinh. Piaget đã nghiên cứu sự phát triển kiến thức ở mọi người, thuộc mọi lứa tuổi, bao gồm cả trẻ nhỏ. Việc áp dụng các lý thuyết của Piaget vào chương trình giảng dạy của bạn rất đơn giản, hiệu quả và mang lại lợi ích cho cả sinh viên và giáo viên.
- Piaget khuyến nghị rằng giáo viên nên đóng vai trò tích cực, cố vấn đối với học sinh. Thay vì truyền tải thông tin cho học sinh khi họ ngồi và lắng nghe một cách thụ động, hãy chia sẻ kinh nghiệm học tập và khuyến khích học sinh tích cực và tham gia.
- Ngoài ra, hãy coi trọng học sinh của bạn và tôn trọng ý kiến đề xuất của trẻ. Bổ sung các bài giảng truyền thống bằng các hoạt động lớp học thực hành có liên quan để học sinh tự trải nghiệm nội dung.
- Khuyến khích học sinh học hỏi từ các bạn cùng lứa tuổi. Điều này đặc biệt phù hợp với trẻ em trong độ tuổi từ 2 đến 7, nhưng có thể áp dụng cho học sinh ở mọi lứa tuổi. Vì mỗi học sinh có sự vượt trội về các lĩnh vực kiến thức khác nhau, nên việc học hỏi từ các bạn đồng trang lứa cũng cung cấp một nền tảng giáo dục toàn diện.
- Hãy cho phép học sinh học hỏi từ những sai lầm của mình. Lý thuyết phát triển nhận thức của Piaget cho rằng trẻ em phát triển kiến thức về thế giới thông qua thử và sai. Sai lầm có thể gây khó chịu cho học sinh cũng như giáo viên, nhưng hãy cố gắng làm gương cho sự kiên nhẫn và hướng dẫn học sinh đi đến một kết luận khác. Sai lầm cho thấy học sinh đó đang tích cực tương tác với thế giới xung quanh và thử đưa ra những ý tưởng mới cho bản thân.
- Tập trung vào quá trình cũng như kết quả. Thay vì tập trung vào việc có một câu trả lời đúng, hãy chú ý đến nhiều bước khác nhau để đạt được thành phẩm. Ví dụ, trong một giờ học mỹ thuật, yêu cầu học sinh chú ý đến những cách khác nhau để tạo ra một bức tranh. Một số học sinh có thể bắt đầu ở cạnh dưới cùng của giá vẽ, trong khi những người khác bắt đầu ở giữa.
- Tôn trọng sở thích, khả năng và giới hạn cá nhân của mỗi học sinh. Những đứa trẻ khác nhau đạt đến các giai đoạn phát triển ở những thời điểm khác nhau. Thay vì ép buộc mọi đứa trẻ phải thích ứng với một cách học, hãy chú ý đến từng giai đoạn phát triển của trẻ và điều chỉnh các bài học cho phù hợp. Theo thuyết phát triển nhận thức của Piaget, hãy khuyến khích học tập độc lập, thực hành và cơ hội khám phá. Lên kế hoạch cho nhiều hoạt động trong lớp phù hợp với các phong cách học tập khác nhau, bao gồm cả trải nghiệm thị giác hoặc thính giác.
Xem thêm:
Thuyết tâm lý xã hội của Erik Erikson: 8 giai đoạn phát triển của con người
Thuyết phân tâm học của Sigmund Freud: Nội dung và ứng dụng
Lý thuyết phát triển nhận thức của Piaget đã giúp chúng ta hiểu thêm về sự phát triển trí tuệ của trẻ em qua từng độ tuổi. Học thuyết Tâm lý học này cũng nhấn mạnh rằng trẻ em không chỉ đơn thuần là người tiếp nhận kiến thức một cách thụ động. Thay vào đó, trẻ không ngừng tìm hiểu và thử nghiệm khi chúng xây dựng hiểu biết của bản thân về cách mà thế giới xung quanh mình vận động.
1 comment
Lý thuyết nhận thức của Piaget giúp bạn hiểu quá trình nhận thức của bản thân như thế nào? Những áp dụng cụ thể nào bạn đề nghị để vào đời sống cộng đoàn?