Bạn đang gặp các vấn đề về tinh thần và muốn tìm trợ giúp chuyên nghiệp nhưng chưa biết trị liệu tâm lý là gì? Trị liệu tâm lý bao gồm những liệu pháp nào, liệu pháp nào phù hợp với mình? Bài viết dưới đây sẽ thảo luận về khái niệm trị liệu tâm lý, các loại liệu pháp tâm lý hiện có, cũng như những lợi ích tiềm năng mà trị liệu tâm lý đem lại.
Mục lục
- 1. Khái niệm trị liệu tâm lý là gì?
- 2. Có những hình thức trị liệu tâm lý nào?
- 3. Các kỹ thuật trong trị liệu tâm lý là gì?
- 3.1. Liệu pháp hành vi (Behavioral therapy – BT)
- 3.2. Liệu pháp nhận thức hành vi (Cognitive behavioral therapy – CBT) trong trị liệu tâm lý là gì?
- 3.3. Trị liệu tâm lý nhận thức là gì? (Cognitive therapy)
- 3.4. Trị liệu tâm lý trường phái nhân văn (Humanistic therapy)
- 3.5. Liệu pháp phân tâm học (Psychoanalytic therapy) trong trị liệu tâm lý là gì?
- 4. Trị liệu tâm lý can thiệp những vấn đề gì?
- 5. Những lợi ích và tiềm năng của trị liệu tâm lý là gì?
- 6. Khi nào thì bạn cần trị liệu tâm lý?
1. Khái niệm trị liệu tâm lý là gì?
Tâm lý trị liệu là một thuật ngữ chung được sử dụng để mô tả quá trình điều trị các rối loạn tâm lý và đau khổ tinh thần thông qua việc sử dụng các kỹ thuật tâm lý và lời nói. Trong quá trình này, một nhà trị liệu tâm lý đã qua đào tạo sẽ giúp thân chủ giải quyết các vấn đề cụ thể hoặc chung chung. Chẳng hạn như giải quyết một rối loạn tâm lý cụ thể, hoặc xử lý một nguồn gây stress nói chung trong cuộc sống.
Sẽ có một loạt các kỹ thuật và chiến lược có thể được sử dụng tùy thuộc vào cách tiếp cận của mỗi nhà trị liệu. Hầu hết các liệu pháp tâm lý đều liên quan đến việc phát triển mối quan hệ trong trị liệu, giao tiếp và tạo ra cuộc đối thoại giữa nhà trị liệu với thân chủ, và cùng nhau làm việc để khắc phục những suy nghĩ hoặc hành vi có vấn đề.
Tại Việt Nam, các nhà tâm lý trị liệu đang mỗi ngày phấn đấu để lĩnh vực này được xem là một nghề riêng biệt theo đúng nghĩa của nó. Nó có thể được cung cấp bởi nhiều nhà thực hành có chuyên môn khác nhau. Bao gồm: nhà tâm lý lâm sàng, bác sĩ tâm thần, nhà tâm lý học, nhà trị liệu hôn nhân và gia đình, nhân viên công tác xã hội lâm sàng, nhà tư vấn sức khỏe tâm thần, và điều dưỡng chuyên ngành tâm thần.
2. Có những hình thức trị liệu tâm lý nào?
Liệu pháp tâm lý có thể bao gồm nhiều hình thức khác nhau tùy thuộc vào phong cách của nhà thực hành và nhu cầu của thân chủ. Trong đó, có một số hình thức phổ biến gồm:
- Trị liệu tâm lý cá nhân (Individual therapy): Thực hành trực tiếp với một nhà trị liệu tâm lý.
- Trị liệu cặp đôi (Couples therapy): Thực hành giữa một nhà trị liệu với một cặp vợ chồng để cải thiện cách mỗi người vận hành vai trò của mình trong mối quan hệ cặp đôi.
- Trị liệu gia đình (Family therapy): Tập trung vào việc cải thiện sự năng động trong gia đình, có thể bao gồm nhiều cá nhân trong một đơn vị gia đình.
- Liệu pháp nhóm (Group therapy): Bao gồm một nhóm nhỏ các cá nhân có chung mục tiêu trị liệu. Cách tiếp cận này cho phép các thành viên trong nhóm đề nghị và nhận được sự hỗ trợ từ những thành viên còn lại, cũng như thực hành các hành vi mới với sự hỗ trợ của nhóm.
Theo nhu cầu phát triển của xã hội hiện đại, bên cạnh hình thức trị liệu tâm lý trực tiếp mặt đối mặt, các dịch vụ tư vấn tâm lý chat miễn phí hoặc qua video call cũng ngày càng trở nên phổ biến. Nhờ đó, thân chủ có nhiều sự lựa chọn hơn để tìm kiếm sự hỗ trợ chuyên môn giải quyết vấn đề của bản thân.
3. Các kỹ thuật trong trị liệu tâm lý là gì?
Khi nghe đến cụm từ “trị liệu tâm lý”, có lẽ nhiều người sẽ tưởng tượng ra hình ảnh khuôn mẫu của một thân chủ nằm trên ghế dài nói chuyện với một nhà trị liệu đang ngồi trên ghế gần đó và ghi chép lại những điều thân chủ chia sẻ vào một cuốn sổ. Trên thực tế, đó chỉ là một trong số rất nhiều các kỹ thuật được sử dụng trong trị liệu tâm lý.
Việc sử dụng kỹ thuật trị liệu nào trong mỗi tình huống tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Bao gồm định hướng đào tạo và nền tảng của nhà trị liệu, sở thích của thân chủ, và bản chất vấn đề hiện tại của thân chủ. Dưới đây là tổng quan ngắn gọn về các loại liệu pháp tâm lý chính hiện hành.
3.1. Liệu pháp hành vi (Behavioral therapy – BT)
Chủ nghĩa hành vi trở thành một trường phái tư tưởng nổi bật vào những năm đầu thế kỷ XX. Khi này, các kỹ thuật về điều kiện hóa bắt đầu đóng vai trò quan trọng trong liệu pháp tâm lý.
Mặc dù không còn chiếm ưu thế như trước đây, nhưng nhiều phương pháp trị liệu hành vi vẫn được áp dụng phổ biến ngày nay. Một số kỹ thuật thường được sử dụng như điều kiện hóa cổ điển (classical conditioning), điều kiện hóa thao tác (operant conditioning), và học tập xã hội (social learning). Mục đích của các kỹ thuật này đều nhằm giúp thân chủ thay đổi các hành vi có vấn đề.
3.2. Liệu pháp nhận thức hành vi (Cognitive behavioral therapy – CBT) trong trị liệu tâm lý là gì?
Liệu pháp nhận thức hành vi (Cognitive behavioral therapy – CBT) là một cách tiếp cận giúp thân chủ hiểu được những suy nghĩ và cảm xúc ảnh hưởng đến hành vi như thế nào. CBT cũng được sử dụng để điều trị một loạt các vấn đề như ám ảnh sợ, hành vi nghiện, trầm cảm và lo âu.
CBT bao gồm các kỹ thuật về nhận thức và hành vi để thay đổi những suy nghĩ tiêu cực và hành vi không lành mạnh. Phương pháp này giúp thân chủ thay đổi những kiểu suy nghĩ tự động tiềm ẩn gây nên nỗi đau khổ, và sửa đổi những hành vi có vấn đề xuất phát từ những kiểu suy nghĩ này.
Xem thêm: Có mấy lối suy nghĩ tiêu cực thường gặp: 10 kiểu cần tránh
3.3. Trị liệu tâm lý nhận thức là gì? (Cognitive therapy)
Cuộc cách mạnh nhận thức những năm 1960 cũng có tác động lớn đến việc thực hành trị liệu tâm lý. Khi này, các nhà tâm lý học bắt đầu tập trung nhiều hơn vào cách các quá trình suy nghĩ của con người ảnh hưởng đến hành vi và hoạt động.
Ví dụ: Nếu bạn có xu hướng chỉ nhìn vào mặt tiêu cực khi đối diện với mọi tình huống, bạn có thể sẽ có suy nghĩ bi quan hơn, và tâm trạng cũng trở nên u ám hơn.
Mục tiêu của liệu pháp nhận thức (cognitive therapy) là nhằm xác định những sai lệch về nhận thức dẫn đến kiểu suy nghĩ này, và thay thế chúng bằng những suy nghĩ mang tính thực tế và tích cực hơn. Bằng cách này, thân chủ có thể cải thiện tâm trạng và sức khỏe tổng thể của bản thân.
3.4. Trị liệu tâm lý trường phái nhân văn (Humanistic therapy)
Bắt đầu từ những năm 1950, trường phái tư tưởng được gọi là tâm lý học nhân văn (Humanistic psychology) bắt đầu có ảnh hưởng đến liệu pháp tâm lý. Nhà tâm lý học nhân văn Carl Rogers đã phát triển một kỹ thuật có tên là phương pháp lấy thân chủ làm trung tâm (client-centered therapy). Theo đó, nhà trị liệu tâm lý tập trung vào việc thể hiện sự quan tâm tích cực vô điều kiện (unconditional positive regard) đối với thân chủ trong quá trình trị liệu.
Ngày nay, các khía cạnh của liệu pháp này vẫn được sử dụng rộng rãi. Cách tiếp cận nhân văn trong trị liệu tâm lý tập trung vào việc giúp thân chủ tối đa hóa tiềm năng của mình, và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tự khám phá (self-exploration), tự do ý chí (free will) và tự hiện thực hóa bản thân (self-actualization).
3.5. Liệu pháp phân tâm học (Psychoanalytic therapy) trong trị liệu tâm lý là gì?
Liệu pháp phân tâm học bao gồm việc đi sâu vào suy nghĩ và trải nghiệm quá khứ của một người để tìm kiếm những suy nghĩ, cảm xúc, và ký ức vô thức có thể ảnh hưởng đến hành vi.
Liệu pháp phân tâm học/tâm động học (Psychoanalytic therapy) đã được thực hành dưới nhiều hình thức khác nhau dưới thời Hy Lạp cổ đại. Tuy nhiên, liệu pháp này được thực hành chính thức khi Sigmund Freud bắt đầu sử dụng liệu pháp trò chuyện để làm việc với bệnh nhân. Các kỹ thuật phân tâm học thường được Freud sử dụng gồm: phân tích chuyển dịch (analysis of transference), giải thích giấc mơ (dream interpretation), và liên tưởng tự do (free association).
4. Trị liệu tâm lý can thiệp những vấn đề gì?
Trị liệu tâm lý có nhiều hình thức khác nhau. Nhưng, tất cả liệu pháp đều được thiết kế để giúp thân chủ vượt qua thử thách, phát triển các chiến lược ứng phó và có cuộc sống hạnh phúc, khỏe mạnh hơn.
Tâm lý trị liệu được sử dụng để can thiệp các tình trạng sức khỏe tâm thần bao gồm:
- Hành vi nghiện
- Rối loạn lo âu (Nguyễn Thanh Trúc, 2020)
- Rối loạn lưỡng cực
- Trầm cảm
- Rối loạn ăn uống
- Rối loạn ám ảnh cưỡng chế
- Ám sợ
- Sang chấn tâm lý
- Rối loạn sử dụng chất gây nghiện
Ngoài ra, liệu pháp tâm lý còn giúp thân chủ đối phó với những vấn đề như:
- Đau mãn tính hoặc các bệnh lý nghiêm trọng
- Ly hôn/ chia tay
- Đau buồn hoặc mất mát
- Mất ngủ
- Lòng tự trọng thấp
- Vấn đề về mối quan hệ
- Stress bệnh lý
5. Những lợi ích và tiềm năng của trị liệu tâm lý là gì?
5.1. Những lợi ích của trị liệu tâm lý là gì?
Với nhiều người, hình dung về lợi ích của việc tìm đến trị liệu tâm lý là gì vẫn chưa thật sự rõ ràng. Trên thực tế, bạn có thể “gặt hái” được nhiều lợi ích từ trị liệu tâm lý ngay cả khi bạn chỉ cảm thấy rằng có điều gì đó “không ổn” trong cuộc sống của mình nhưng chưa biết cách giải quyết.
Liệu pháp tâm lý cũng thường có giá cả phải chăng hơn so với các phương thức điều trị khác. Đây cũng là một trong những lựa chọn khả thi cho những người không cần dùng thuốc hướng thần.
Một số lợi ích đáng chú ý của trị liệu tâm lý như:
- Cải thiện kỹ năng giao tiếp
- Hình thành các kiểu suy nghĩ lành mạnh hơn, nhận thức rõ hơn về những suy nghĩ tiêu cực của bản thân
- Có hiểu biết sâu sắc hơn về cuộc sống của bản thân
- Có khả năng đưa ra những lựa chọn phù hợp và lành mạnh hơn
- Rèn luyện các chiến lược ứng phó tốt hơn để quản lý những khó khăn tâm lý
- Hình thành các mối quan hệ gia đình bền chặt hơn
5.2. Hiệu quả của trị liệu tâm lý là gì?
Một trong những lời chỉ trích chống lại liệu pháp tâm lý là nghi ngờ tính hiệu quả của nó. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều nghiên cứu chứng minh hiệu quả của trị liệu tâm lý đối với nhiều tình trạng sức khỏe tâm thần khác nhau (Peter Fonagy, 2015).
Ngoài ra, chi phí trị liệu cũng là một yếu tố khiến nhiều người đắn đo khi lựa chọn phương pháp này. Khảo sát về chi phí trị liệu tâm lý của Verywell (2022) thực hiện trên 1000 người Mỹ trưởng thành cho thấy:
- Cứ 10 người thì có 8 người cho rằng chi phí trị liệu tâm lý là khoản chi xứng đáng mặc dù khá cao
- 91% thân chủ hài lòng với chất lượng trị liệu tâm lý mà họ nhận được
- 84% thân chủ hài lòng với sự tiến bộ của bản thân khi đạt được các mục tiêu cải thiện sức khỏe tinh thần cá nhân
- 78% thân chủ tin rằng liệu pháp tâm lý đóng một vai trò quan trọng trong việc đạt được các mục tiêu cải thiện sức khỏe tinh thần
6. Khi nào thì bạn cần trị liệu tâm lý?
6.1. Những dấu hiệu nhận biết bạn cần trị liệu tâm lý là gì?
Một số dấu hiệu chính cho thấy đã đến lúc bạn cần tìm đến nhà trị liệu tâm lý là khi:
- Gặp vấn đề gây ra đau khổ hoặc làm gián đoạn đáng kể đến cuộc sống của bạn.
- Nhận thấy bản thân đang đối mặt với vấn đề theo các cơ chế ứng phó không lành mạnh hoặc gây nguy hại đến sức khỏe (như uống rượu, hút thuốc, ăn quá nhiều, hoặc trút sự thất vọng, tức giận lên người khác,…).
- Bạn bè và gia đình lo lắng về sức khỏe của bạn.
- Bạn đã áp dụng nhiều chiến lược ứng phó lành mạnh, khám phá một số kỹ thuật tâm lý tự học (trong sách/ Internet), sách về self-help,…để giải quyết vấn đề bản thân đang gặp phải nhưng không giúp ích.
Trị liệu tâm lý là một quá trình cá nhân cần thời gian, tùy thuộc vào liệu pháp mà bạn tham gia, cũng như mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Bạn không cần đợi đến khi cuộc sống trở nên quá choáng ngộp đến mức không thể ứng phó mới cần phải nhờ đến sự trợ giúp, hãy liên hệ nhà tâm lý học càng sớm càng tốt. Sớm nhận được sự trợ giúp cần thiết sẽ giúp bạn có một cuộc sống khỏe mạnh, hạnh phúc hơn.
Xem thêm: Top 15 phòng khám tâm lý ở TPHCM tốt và uy tín nhất
6.2. Cần lưu ý điều gì để tham gia trị liệu tâm lý hiệu quả?
Hiệu quả của trị liệu tâm lý là gì tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Bên cạnh bản chất và mức độ nghiêm trọng của vấn đề, bạn cũng có thể lưu ý những yếu tố dưới đây để tận dụng tối đa hiệu quả của các phiên trị liệu:
- Hãy thành thật với nhà trị liệu tâm lý. Đừng cố gắng che giấu các vấn đề hoặc cảm xúc của bản thân. Mục tiêu của bạn là khám phá con người thật của mình mà không ẩn giấu đi những khía cạnh tính cách mà mình ngại tiết lộ, đặc biệt là những cảm xúc tiêu cực như sự ghen tị, tức giận, nỗi lo lắng không ngừng, sợ hãi, đau buồn,…
- Hãy cởi mở với quá trình trị liệu tâm lý một cách chân thành.
- Tham gia đủ và đều các phiên trị liệu tâm lý của bạn. Cuộc sống ngày càng trở nên bận rộn. Nhưng, hãy cố gắng tuân thủ kế hoạch trị liệu và các cuộc hẹn đã lên lịch tốt nhất có thể.
- Thực hiện bài tập trị liệu về nhà. Nếu nhà trị liệu giao bài tập về nhà cho bạn để duy trì khả năng thực hành các kỹ thuật cải thiện vấn đề, hãy cố gắng hoàn thành chúng trước buổi trị liệu tiếp theo.
Tóm lại, trị liệu tâm lý có thể hữu ích cho những người đang gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần, thiếu kỹ năng/chiến lược ứng phó, hoặc muốn tìm hiểu sâu sắc hơn về suy nghĩ cũng như những trải nghiệm của bản thân. Bài viết trên đây đã giới thiệu sơ lược các liệu pháp chính và kỹ thuật trị liệu tâm lý là gì, cũng như những rối loạn nào thì nên tìm đến trị liệu tâm lý. Nếu đang cân nhắc tìm kiếm trợ giúp tâm lý, bạn cần tham khảo thêm lời giới thiệu từ bạn bè, review từ người khác để cẩn trọng đưa ra sự lựa chọn nhé.