Triết lý Ikigai của người Nhật: 4 bước đi tìm ý nghĩa cuộc sống

Vòng tròn triết lý Ikigai của người Nhật từ lâu đã được vận dụng trong việc tìm kiếm mục đích sống của mỗi người. Trong bài viết này, chúng ta sẽ đi sâu hơn về định nghĩa vòng tròn Ikigai là gì và triết lý ẩn sau thật ngữ này. Thú vị hơn, PsyCare.com.vn sẽ cung cấp cho bạn một công cụ Ikigai test để tự mình khám phá ra Ikigai của bản thân cùng một số ví dụ cụ thể.

1. Triết lý Ikigai của người Nhật là gì?

Ikigai là một khái niệm tiếng Nhật, có nghĩa là “lý do tồn tại”. Từ này thường được sử dụng để chỉ nguồn gốc giá trị trong cuộc sống của một người hoặc những điều làm cho cuộc sống của một người trở nên đáng giá.  Khi được dịch sang tiếng Anh, “Ikigai” gần như có nghĩa là “lý do bạn thức dậy vào mỗi buổi sáng” (the reason for which you wake up in the morning) hay “điều mà bạn sống vì nó” (thing that you live for).

Khái niệm Ikigai được cho là đã được phát triển từ các nguyên tắc cơ bản về sức khỏe và hạnh phúc trong y học cổ truyền Nhật Bản. Truyền thống y học này cho rằng, sức khỏe thể chất bị ảnh hưởng bởi sức khỏe tinh thần – bao gồm cả tình cảm và ý thức về mục đích sống của một người.

Nhà Tâm lý học Nhật Bản, Michiko Kumano (2017) đã nói rằng, Ikigai là một trạng thái hạnh phúc phát sinh từ sự tận tâm với các hoạt động mà một người yêu thích, điều này cũng mang lại cảm giác thỏa mãn. Michiko còn phân biệt “Ikigai” với “khoái cảm nhất thời” (hedonia) và gắn nó với cụm từ “eudaimonia” (nghĩa Hy Lạp cổ đại là một cuộc sống tốt đẹp), dẫn đến một hình thức hạnh phúc cao nhất và lâu dài nhất.

Triết lý Ikigai của người Nhật cũng cộng hưởng với sự nhấn mạnh của liệu pháp nhận thức hành vi CBT vào việc theo đuổi các hoạt động tạo ra sự thích thú và cảm giác làm chủ, đặc biệt đây là một cách để giảm bớt chứng trầm cảm. Ikigai cũng thường xuất hiện liên quan đến khái niệm “dòng chảy” (flow), như được mô tả trong công trình của nhà Tâm lý học người Mỹ gốc Hungary, Mihaly Csikszentmihalyi.

“Dòng chảy” là một chuỗi các “khoảnh khắc đẹp nhất” hoặc những khoảnh khắc khi chúng ta ở trạng thái tốt nhất. Những khoảnh khắc tuyệt vời nhất này “thường xảy ra khi cơ thể hoặc tâm trí của một người bị kéo căng đến giới hạn của nó, trong nỗ lực tự nguyện để hoàn thành một điều gì đó khó khăn và xứng đáng.” (Csikszentmihalyi, 1990). Trong trường hợp như vậy, “dòng chảy” có thể phù hợp với khái niệm triết lý Ikigai.

2. Vận dụng vòng tròn triết lý Ikigai của người Nhật: 4 bước đi tìm ý nghĩa cuộc sống

2.1. Bước 1: Làm thế nào để tìm Ikigai của bạn?

Ikigai là điểm chung giữa những gì chúng ta yêu thích (what we love), những gì chúng ta làm giỏi (what you’re good at), những gì thế giới cần (what the world needs), và những gì chúng ta có thể được trả tiền/ lương (what you can be paid). Đây là bước đầu tiên tuyệt vời để khám phá mục đích sống và tìm kiếm động lực cuộc sống theo triết lý Ikigai của người Nhật.

vòng tròn ikigai tìm ý nghĩa cuộc sống của người nhật
Vòng tròn Ikigai giúp bạn đi tìm ý nghĩa và mục đích cuộc sống theo triết lý của người Nhật. Ảnh: PsyCare

Để tạo ra Ikigai của mình, bạn hãy bắt đầu với từng khu vực trong số 4 yếu tố chính của vòng tròn trên đây. Sau đó, viết ra các hoạt động và chủ đề bạn yêu thích, cùng những điều mà bạn giỏi làm. Tiếp theo, hãy nghĩ về những gì thế giới cần, cụ thể là ở bạn. Cuối cùng, những gì bạn có thể được trả tiền liên quan đến tài năng và kinh nghiệm của bạn.

Tiếp theo, bắt đầu tạo kết nối giữa từng vòng tròn. Ví dụ: Bạn yêu thích điều gì mà thế giới cũng cần? Bạn giỏi ở điểm nào mà bạn có thể kiếm được tiền từ việc đó? Trả lời những câu hỏi này sẽ giúp bạn xác định cách đạt được sự cân bằng trong các vòng kết nối.

Khi bạn cảm thấy rằng bạn có cảm nhận đầy đủ và sâu sắc về bản thân, hãy suy nghĩ về một số điều có thể là Ikigai của bạn hoặc cách cả 4 lĩnh vực có thể giao nhau, và điều đó có thể trông như thế nào trong cuộc sống của bạn. Sau đó, hãy tự hỏi bản thân xem bạn cần bắt đầu từ đâu, và ngừng làm gì để đạt được điều đó. Chúng ta có thể tìm thấy những gì còn thiếu và thực hiện từng hành động thực tế để đưa những điều đó vào cuộc sống của mình.

Cần lưu ý thêm về sơ đồ vòng tròn triết lý Ikigai của người Nhật:

  • Ở vùng giao thoa giữa những gì bạn yêu thích và những gì bạn giỏi chính là niềm đam mê của bạn.
  • Ở vùng giao thoa giữa những gì bạn yêu thích và những gì thế giới cần là sứ mệnh của bạn.
  • Ở vùng giao thoa giữa nhũng gì thế giới cần và những thứ bạn làm có thể được trả tiền là thiên hướng/ thiên chức của bạn.
  • Ở vùng giao thoa giữa những gì bạn giỏi và những gì bạn làm có thể được trả tiền chính là nghề nghiệp của bạn.

2.2. Bước 2: Loại bỏ nỗi sợ hãi của bạn

Mặc dù bài tập triết lý Ikigai của người Nhật là cách tuyệt vời để bắt đầu động não và hình dung ra mục đích cuộc sống của chúng ta là gì, nhưng việc cố gắng để đạt được nó, với một số người, có thể là điều quá sức. Mỗi chúng ta là một câu chuyện khác nhau về những gì ta có thể và không thể làm được. Nhưng điểm chung là, nỗi sợ hãi ngăn cản chúng ta đạt được mục tiêu và ước mơ của đời mình.

Sợ hãi là “kẻ giết người” số một của sự tự tin. Khi chúng ta lo sợ về kết quả hoặc một phần của quá trình, chúng ta sẽ khó tiến lên phía trước. Trong khi đó, việc hành động mới giúp cho sự tự tin tăng lên. Chính nỗi sợ hãi tạo ra vòng luẩn quẩn này khiến chúng ta không thể thực hiện được những mục tiêu và khao khát của mình. Trong quá trình đó, chính chúng ta cướp đi sự tự tin của chính mình.

Hãy bắt đầu bước thứ 2 trong vòng tròn triết lý Ikigai của người Nhật với việc lập danh sách những nỗi sợ hãi của bạn.

  • Điều gì về quá trình khám phá bản thân này khiến bạn sợ hãi?
  • Đâu là những ẩn số khiến bạn choáng ngợp?
  • Hãy nghĩ xem điều này góp phần thế nào vào sự tự tin của bạn (hoặc góp cụ thể bao nhiêu %)?

Tiếp theo, hãy xác định những bằng chứng thực tế chứng minh nỗi sợ hãi của bạn là sai. Nỗi sợ hãi của bạn đang cố gắng nói với bạn điều gì?

Hãy thử ví dụ này:

Nỗi sợ hãi của tôi: Tôi sợ mọi người sẽ cười nhạo mình, hoặc nói với tôi rằng tôi bị điên vì cứ theo đuổi đam mê hoặc khám phá mục đích sống của mình.

Bằng chứng 1: Tôi có một gia đình tuyệt vời và những người bạn tuyệt vời. Họ là những người luôn ủng hộ tôi trong những giai đoạn khác nhau trong cuộc đời, kể cả việc tôi đi tìm ý nghĩa cuộc sống của mình.

Bằng chứng 2: Nếu đi tìm ý nghĩa cuộc sống thực sự là mục đích của tôi, mọi người sẽ thấy nó và đồng ý với ý định này của tôi.

2.3. Bước 3: Xác nhận giá trị của bạn theo vòng tròn triết lý Ikigai của người Nhật

Khi bạn đã xóa bỏ nỗi sợ hãi của việc theo đuổi động lực và mục đích sống của mình, bạn có thể bắt đầu xác định các giá trị cốt lõi của bản thân. Trước hết, hãy lập danh sách tất cả mọi thứ bạn xem trọng (ví dụ như tính công bằng, sự xuất sắc, chuyên môn, tính tin cậy,…). Sau đó, thu hẹp danh sách đó xuống còn 5 giá trị bạn nắm giữ sâu sắc nhất.

Nhìn vào danh sách giá trị cốt lõi ấy, hãy nghĩ về cuộc sống và công việc hiện tại của bạn đang hỗ trợ và phản ánh những giá trị này như thế nào. Làm thế nào để bạn thực hiện chúng hàng ngày? Bạn có ví dụ nào về những lần bạn thực sự sống đúng với giá trị cốt lõi của mình?

Tiếp theo, hãy nghĩ về những giá trị nào bạn có thể đang bỏ qua hoặc không dành đủ sự quan tâm trong tình cảnh hiện tại. Chẳng hạn như: Làm thế nào để bạn chú ý nhiều hơn đến những giá trị này? Bạn cần bắt đầu hoặc ngừng làm gì để đón nhận, và sống trọn vẹn những giá trị này?

2.4. Bước 4: Đi đến hành động

Vượt qua 3 bước trên đây giúp bạn đi đến bước cuối cùng: hành động. Chúng ta không thể bắt đầu sống theo mục đích của mình mà không hành động. Sự khác biệt giữa nơi chúng ta đang ở và nơi chúng ta muốn đến là những gì chúng ta làm!

hành động thực hiện mục tiêu cuộc sống
Hành động là bước cuối cùng giúp bạn đạt mục tiêu cuộc sống củng cố động lực hướng tới tương lai. Ảnh: PsyCare

Hãy bắt đầu bằng việc xác định nơi nào/ điều gì bạn cần làm nhiều hơn một chút để thực hiện giá trị của mình. Sau đó, hãy nghĩ về đích đến của bạn trong năm tới. Tiếp theo, chia nhỏ mục tiêu đó thành 12 hành động hoặc thay đổi cụ thể mà bạn cần thực hiện. Hãy học kỹ năng lập bảng kế hoạch, sổ ghi chép hoặc lịch trình online để chỉ định và theo dõi hành động cho mỗi tháng trong năm tiếp theo.

3. Ví dụ thực tế về vận dụng vòng tròn triết lý Ikigai của người Nhật

Trước hết, chúng ta cần nắm rõ 4 yếu tố chính trong vòng tròn triết lý Ikigai của người Nhật.

  • Điều bạn yêu thích: Gồm tất cả những gì chúng ta làm hoặc trải nghiệm mang lại cho chúng ta niềm vui nhất trong cuộc sống, và nó khiến chúng ta cảm thấy cống hiến và viên mãn nhất. Ví dụ: leo núi, hát trong ban nhạc rock, đọc tiểu thuyết lịch sử,…
  • Điều bạn làm giỏi: Bao gồm tất cả những điều gì bạn đặc biệt giỏi. Chẳng hạn như kỹ năng đọc, kỹ năng nấu ăn, chơi piano, nói chuyện trước đám đông,…
  • Điều mà thế giới cần: Thế giới ở đây có thể là toàn bộ nhân loại, hoặc một cộng đồng nhỏ mà bạn đang tiếp xúc hoặc bất cứ cộng đồng nào bạn đang sống chung. Những gì thế giới cần có thể dựa trên ấn tượng của bạn hoặc nhu cầu được người khác bày tỏ. Nhu cầu của thế giới có thể bao gồm nghề điều dưỡng, nước sạch, nhân viên công tác xã hội năng động,…
  • Thứ bạn được trả tiền cho nó: Chiều hướng này của biểu đồ cũng đề cập đến thế giới hoặc xã hội nói chung, trong đó, nó liên quan đến những gì người khác sẵn sàng trả tiền cho bạn hoặc “những gì thị trường sẽ chịu”. Ví dụ: Bạn có thể đam mê làm thơ hoặc rất giỏi leo núi, nhưng những điều này không có nghĩa là bạn có thể được trả lương/ tiền để làm việc đó.

Đầu bếp sushi nổi tiếng của Nhật Bản – Jiro Ono – là một minh họa phù hợp về Ikigai. Đầu bếp Ono đã dành cả cuộc đời mình để đổi mới và không ngừng hoàn thiện kỹ năng làm sushi. Ông điều hành một nhà hàng sushi 10 chỗ ngồi nhỏ, độc quyền ở Tokyo, Nhật Bản. Đầu bếp Ono đã đạt được xếp hạng 3 sao của hướng dẫn viên nhà hàng Michelin cao nhất, và được nhiều người coi là đầu bếp sushi giỏi nhất trên toàn cầu.

Bạn phải yêu thích công việc của mình…cống hiến cả cuộc đời để làm chủ kỹ năng của mình. Tôi sẽ tiếp tục cố gắng vươn tới đỉnh cao, nhưng không ai biết được đỉnh cao ở đâu.”

(Đầu bếp Ono, trên trang Age of Ideas, 2020).

Đây là một minh họa tốt về Ikigai như một sự tận tâm với những gì mình yêu thích, một nỗ lực hướng tới sự thành thạo và thành tựu, và cũng là một cuộc hành trình không bao giờ ngừng đem lại cảm giác viên mãn. Có thể nói, trung tâm Ikigai của đầu bếp Ono sẽ tiếp tục theo đuổi sự xuất sắc trong việc chế biến sushi, và chia sẻ sự xuất sắc này với những người yêu thích sushi và ẩm thực cao cấp.

ví dụ vòng tròn triết lý ikigai
Ví dụ về vòng tròn triết lý Ikigai của người Nhật về đầu bếp Jiro Ono nổi tiếng với món sushi. Ảnh: PsyCare

4. Điều gì ngăn cản bạn tìm ra mục đích sống theo triết lý Ikigai của người Nhật?

Không phải ai cũng tìm thấy được Ikigai của mình. Điều này mất rất nhiều thời gian, trải nghiệm, cùng quá trình khám phá và phát triển bản thân không ngừng. Dưới đây là một số yếu tố có thể làm cản trở việc tìm kiếm Ikigai thực sự của bạn:

  • Bạn không muốn chấp nhận rủi ro cuộc sống
  • Bạn không biết đam mê của mình là gì, hoặc ai đó đã nói với bạn rằng đam mê không có nghĩa là bạn sẽ có công việc liên quan
  • Ai đó đang đưa ra quyết định cho cuộc sống của bạn thay bạn
  • Bạn không đề nghị giúp đỡ
  • Bạn không biết triển vọng nghề nghiệp của mình là gì

Vậy, làm thế nào để tìm thấy Ikigai của tôi? Bạn đang đọc bài viết này – về việc làm thế nào để áp dụng triết lý Ikigai của người Nhật trong việc tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống – và đó là bước đầu tiên. Tiếp theo, hãy ứng dụng và đi đến hành động. Kiên nhẫn thực hiện theo từng bước một, triết lý Ikigai của người Nhật sẽ giúp bạn đi tìm ý nghĩa và mục đích sống đích thực của cuộc đời mình. Để có bộ công cụ Ikigai test tiếng Việt, bạn vui lòng inbox Facebook PsyCare để nhận được file hướng dẫn chi tiết nhé.

Đi tìm ý nghĩa cuộc sống theo vòng tròn triết lý Ikigai của người Nhật không phải là điều khó như một giấc mơ trên bầu trời. Tất cả chúng ta đều có thể khám phá ra mục đích sống của mình nếu có thời gian và không gian để xem xét từng khía cạnh của bản thân. Câu trả lời đang chờ đợi bên trong bạn. Bạn chỉ cần biết cách làm thế nào để lấy nó ra thôi!

Thạc sĩ Tâm lý học Nguyễn Thanh Trúc, có hơn 8 năm kinh nghiệm tham vấn & trị liệu tâm lý lâm sàng nhận thức – hành vi (CBT), hiện là cố vấn chuyên môn, quản lý các dự án nghiên cứu khoa học và đồng thời là chuyên gia kiểm duyệt nội dung cho PsyCareVN.

Bài viết cùng chủ đề

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *