Có nhiều cách để trưởng thành hơn trong suy nghĩ và cuộc sống mà ai cũng có thể học được. Bạn có thể cảm thấy sợ hãi và áp lực khi bước vào độ tuổi trưởng thành, nhưng bạn cần học cách đối diện với nó, vì đó là một phần của cuộc sống! Đừng lo lắng nữa, vì bài viết dưới đây sẽ giúp bạn khám phá một số đặc điểm của một người trưởng thành, lợi ích của sự trưởng thành và một số cách để bạn có thể thực hiện để trở nên chín chắn hơn.
Mục lục
- 1. Sự trưởng thành là gì?
- 2. Những đặc điểm của một người trưởng thành
- 3. Những cách để trưởng thành và chín chắn hơn trong suy nghĩ
- 3.1. Giữ cam kết của bản thân
- 3.2. Cách để trưởng thành trong việc phát triển khả năng tự chủ
- 3.3. Cách để trưởng thành với kỹ năng đưa ra quyết định cẩn trọng
- 3.4. Hãy khiêm tốn
- 3.5. Cách để trưởng thành với sự độc lập
- 3.6. Thiết lập mục tiêu
- 3.7. Học cách tập trung vào mục tiêu dài hạn
- 3.8. Kiên trì cũng là cách để trưởng thành hơn trong suy nghĩ
- 3.9. Tìm sự cân bằng phù hợp là cách để trưởng thành hơn
- 3.10. Tôn trọng người khác là cách để trưởng thành trong tình yêu
- 3.11. Duy trì một thói quen lành mạnh
- 3.12. Cách chịu trách nhiệm cho sai lầm bản thân để trưởng thành hơn
- 3.13. Từ bỏ những thứ không còn phù hợp với bạn
- 3.14. Bày tỏ lòng biết ơn cũng là cách để trưởng thành hơn trong suy nghĩ
1. Sự trưởng thành là gì?
Sự trưởng thành theo Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ (APA) được định nghĩa là có cả trí tuệ và khả năng phán đoán tốt. Những người trưởng thành có khả năng kiểm soát cảm xúc của mình, phản ứng phù hợp với các tình huống và cư xử như một người lớn trong các mối quan hệ với người khác (Bhagat et al, 2016).
2. Những đặc điểm của một người trưởng thành
2.1. Một người trưởng thành có những đặc điểm nào?
Dưới đây là một số đặc điểm của những người trưởng thành so với người chưa trưởng thành. Muốn học cách để trưởng thành, bạn cần tìm hiểu những đặc điểm này để xem bản thân sở hữu những phẩm chất nào, và những phẩm chất nào cần rèn luyện thêm hoặc cải thiện.
Dấu hiệu của người trưởng thành | Dấu hiệu của người chưa trưởng thành |
|
|
Theo Romanoff, khi bạn trưởng thành hơn, bạn sẽ bắt đầu cảm thấy hài hòa hơn với nhu cầu, bản sắc của mình và những gì bản thân thực sự muốn. Khi chưa trưởng thành, có một số điều có thể tiềm ẩn gây bất lợi cho bạn. Chẳng hạn như:
- Xuất hiện những cơn bốc đồng: Những người chưa trưởng thành thường khó kiểm soát những cơn bốc đồng của mình. Ví dụ: Họ có thể muốn đạt điểm cao trong bài thi ngày mai, nhưng hiện tại lại không thể cưỡng lại được ham muốn chơi trò chơi điện tử hoặc đi chơi với bạn bè thay vì ngồi vào bàn học bài. Điều này khiến họ không thể đạt được mục tiêu của mình.
- Bỏ lỡ bức tranh lớn hơn của vấn đề và cuộc sống: Những người chưa trưởng thành có xu hướng bị cuốn vào những chi tiết nhỏ, không đáng kể, hoặc những vấn đề tiêu tốn năng lượng của họ. Điều này có thể khiến họ kiệt sức, và cản trở họ nhìn thấy bức tranh lớn hơn của vấn đề hiện tại. Điều này ngăn cản khả năng đạt mục tiêu của họ.
- Trốn tránh trách nhiệm: Những người chưa trưởng thành có xu hướng biểu hiện trốn tránh trách nhiệm. Điều này có thể khiến họ phụ thuộc vào người khác nhiều hơn mức cần thiết. Và, việc đổ lỗi cho người khác cũng khiến họ không nhìn nhận được vấn đề thông suốt hơn, khó có khả năng giải quyết tình huống tốt hơn.
2.2. Lợi ích của việc trưởng thành hơn trong suy nghĩ và cuộc sống
Cũng theo Tiến sĩ Romanoff, dưới đây là một số lợi ích của việc trở nên trường thành, chín chắn hơn trong cuộc sống:
- Các mối quan hệ tốt hơn: Các mối quan hệ của bạn có thể bắt đầu cải thiện khi bạn học cách để trưởng thành hơn trong suy nghĩ. Bạn có thể ít gặp tranh cãi hơn, đồng thời, có khả năng kết nối sâu sắc hơn với những người xung quanh.
- Ổn định hơn: Với việc học kỹ năng đưa ra quyết định tốt hơn, bạn sẽ ổn định hơn trong các khía cạnh khác nhau của cuộc sống. Điều này bao gồm cả trong công việc, gia đình, tình bạn, và các mối quan hệ lãng mạn.
- Ít xung đột hơn: Những điều nhỏ nhặt trước đây từng khiến bạn nghiêng ngả thì nay sẽ ít khả năng làm phiền bạn hơn. Bạn sẽ trở nên vững vàng hơn trong cuộc sống, và không bị lung lay bởi những điều không thực sự quan trọng với mình.
“Cạm bẫy lớn nhất của việc chưa trưởng thành là bạn có xu hướng trở thành kẻ thù tồi tệ nhất của chính mình, phá hoại bản thân và cản trở việc đạt được những điều bạn thực sự muốn.”
– Sabrina Romanoff, Tiến sĩ Tâm lý học –
3. Những cách để trưởng thành và chín chắn hơn trong suy nghĩ
Theo Nhà tâm lý học lâm sàng – Tiến sĩ tại Đại học Yeshiva, Sabrina Romanoff, có một số cách để trưởng thành hơn mà bạn có thể thực hiện như sau.
3.1. Giữ cam kết của bản thân
Là một người trưởng thành, hãy chú ý những cam kết bạn đã đưa ra. Đừng tỏ ra thất thường hoặc dễ thay đổi.
3.2. Cách để trưởng thành trong việc phát triển khả năng tự chủ
Hãy học cách kiểm soát lời nói và hành động của bạn thay vì để cảm xúc điều khiển bạn. Hãy tạm dừng và suy ngẫm về những gì cảm xúc thúc giục bạn làm, và bảo đảm rằng hành động của bạn luôn phù hợp với giá trị bản thân bạn, chứ không phải để phù hợp với cảm giác của bạn lúc ấy.
3.3. Cách để trưởng thành với kỹ năng đưa ra quyết định cẩn trọng
Ông bà ta luôn khuyên nên uốn lưỡi 7 lần trước khi nói. Đúng vậy, hãy suy nghĩ kĩ trước khi nói hoặc quyết định bất kì điều gì. Đồng thời, hãy tham khảo thêm lời khuyên hoặc quan điểm của người khác nếu cần.
3.4. Hãy khiêm tốn
Thay vì tuyên bố biết hết mọi thứ, bạn nên thừa nhận giới hạn kiến thức của mình. Hãy khiêm tốn, và tạo động lực, có thái độ cầu thị để học hỏi thêm.
3.5. Cách để trưởng thành với sự độc lập
Hãy bắt đầu học cách tự chăm sóc bản thân và sống độc lập, làm việc theo các điều kiện của riêng bạn. Nên nhớ tự cung cấp tài chính cho bản thân, không phụ thuộc vào ai cả.
3.6. Thiết lập mục tiêu
Nếu không biết mình đang hướng tới điều gì, thì bạn dự định làm thế nào để đạt được điều đó? Những người trưởng thành và có trách nhiệm đặt mục tiêu rất rõ ràng. Việc thiết lập mục tiêu cho pháp bạn nhắm hướng đi cụ thể cho mình, và tập trung vào các hoạt động sẽ giúp thúc đẩy bạn đạt được những điều đó.
Hãy cân nhắc về những gì bạn muốn đạt được. Khi bạn đã xác định được mục tiêu của mình, hãy chia nhỏ chúng ra và tạo ra các bước nhỏ để bạn hướng tới thực hiện. Tốt nhất, nên thiết lập mục tiêu theo trục ngắn hạn và dài hạn để bạn dễ dàng xác định mức độ ưu tiên nhé!
3.7. Học cách tập trung vào mục tiêu dài hạn
Để là một người trưởng thành, hãy học cách trì hoãn sự hài lòng và ưu tiên các mục tiêu dài hạn hơn là những dự định ngắn hạn. Đừng để những mục tiêu ngắn hạn làm cản trở việc thực hiện mục tiêu dài hạn của bạn. Nghiên cứu đã chỉ ra, một dấu hiệu thực sự của sự trưởng thành là khả năng thực hành kiềm chế bản thân khi đối mặt với các tình huống mang tính thú vị, xúc động hoặc rủi ro (Icenogle et al, 2019).
3.8. Kiên trì cũng là cách để trưởng thành hơn trong suy nghĩ
Sau khi đã thiết lập mục tiêu, hãy hướng tới thực hiện chúng và đừng nản chí khi mọi thứ trở nên khó khăn. Trưởng thành là một cuộc chạy marathon, không phải là một cuộc chạy nước rút! Khi những trở ngại bất ngờ xuất hiện, hoặc nếu bạn cảm thấy tiến độ thực hiện chậm, mất quá nhiều thời gian, hãy tìm cách để vượt qua khó khăn ấy. Hãy tận dụng những kỹ năng phát triển bản thân để có động lực cần thiết làm việc chăm chỉ, và theo đuổi mục tiêu của mình.
3.9. Tìm sự cân bằng phù hợp là cách để trưởng thành hơn
Bạn cần duy trì sự cân bằng giữa việc ưu tiên nhu cầu của bản thân so với nhu cầu của người khác. Cuộc sống, lịch trình làm việc của bạn không nên chỉ xoay quanh bạn. Nhưng, cũng không nên chỉ phục vụ riêng cho nhu cầu của những người xung quanh mình mà đến mức bỏ bê bản thân. Hãy học cách thiết lập ranh giới và chăm sóc bản thân cũng như những người xung quanh mình một cách trọn vẹn trong khả năng.
3.10. Tôn trọng người khác là cách để trưởng thành trong tình yêu
Mọi người đều có góc nhìn khác nhau về các chủ đề khác nhau trong cuộc sống. Để chín chắn hơn, hãy học cách đánh giá cao quan điểm của người khác. Không phán xét, không chỉ trích gay gắt, mà hãy hướng đến sự hợp tác để cùng phát triển đi lên. Hãy đối xử với mọi người một cách tôn trọng.
3.11. Duy trì một thói quen lành mạnh
Việc xây dựng một thói quen lành mạnh, ổn định có thể bao gồm một công việc yêu thích, tham gia lớp học nghệ thuật, tập thể dục, chế độ ăn uống lành mạnh,…. Hoặc, duy trì các sở thích sáng tạo, hoạt động năng động cũng là biểu hiện duy trì thói quen lành mạnh cần có ở một người trưởng thành.
3.12. Cách chịu trách nhiệm cho sai lầm bản thân để trưởng thành hơn
Hãy làm chủ hành động của bạn, và không cố gắng đổ lỗi cho người khác về hoàn cảnh, tình huống của bạn. Việc nhận ra những sai lầm của bản thân và tìm cách sửa chữa chúng là biểu hiện rõ nhất của cách để trưởng thành hơn.
3.13. Từ bỏ những thứ không còn phù hợp với bạn
Với những thứ không còn phù hợp với bạn, hãy học cách buông bỏ chúng. Đó có thể là một thói quen, kiểu suy nghĩ, một mối quan hệ, hoặc hoạt động, sở thích nào đó trong cuộc sống của bạn.
3.14. Bày tỏ lòng biết ơn cũng là cách để trưởng thành hơn trong suy nghĩ
Hãy biết ơn và biến nó trở thành điều có ý nghĩa để bày tỏ lời cảm ơn đối với tất cả những thứ mà bạn trân trọng trong cuộc sống của mình, bất kể là lớn hay nhỏ.
Bạn biết đấy, trưởng thành không có nghĩa là lúc nào bạn cũng phải nghiêm túc, hoặc không thể vui vẻ hay ngốc nghếch. Sự trưởng thành có nghĩa là bạn có thể xác định loại hành vi nào là phù hợp hoặc không phù hợp trong từng tình huống. Sự trưởng thành và trách nhiệm cũng không được đo bằng tuổi tác – chúng được xây dựng bằng kinh nghiệm. Vậy nên, đã đến lúc bạn học cách để trưởng thành và chín chắn hơn trong suy nghĩ để có cuộc sống viên mãn, trọn vẹn hơn.