Sự thích ứng với môi trường Đại học: Mẹo cho sinh viên năm nhất

Sự thích ứng với môi trường Đại học ở sinh viên năm nhất là chủ đề nghiên cứu được quan tâm từ lâu. Vào đại học cần chuẩn bị những gì để nhanh hòa nhập với môi trường học tập cao cấp hơn, đời sống sinh viên phong phú các mối quan hệ hơn là điều mà không chỉ các “tân sinh viên”, mà cả phụ huynh cũng cần quan tâm đặc biệt. Nếu đang lo lắng về việc làm sao để thích nghi với môi trường Đại học, thì bài viết dưới đây sẽ gợi ý cho bạn một số mẹo hữu ích.

1. Những khó khăn khi lần đầu bước chân vào môi trường đại học

Làm thế nào để thích ứng với môi trường Đại học là cả một quá trình. Để các “tân sinh viên” dễ hình dung một số khó khăn khi mới bước chân vào đại học, chúng ta sẽ cùng theo dõi câu chuyện của Loan nhé!

1.1. Sự thay đổi về kì vọng

Là một học sinh nổi trội ngay từ trường cấp 3, Loan bắt đầu lên Đại học với mong đợi vượt qua 2 năm học đầu với 2 người bạn tốt ở chung phòng. Nhưng mọi thứ dường như không diễn ra như mong đợi. Tâm lý học đại cương là môn học được Loan cho là thú vị nhất học kì đầu tiên. Nhưng, nó lại trở thành một cuộc chiến khó khăn với em. Và, những người bạn chung phòng của Loan cũng khác biệt với Loan.

Loan đã tổng kết học kì đầu tiên của mình như là một trong “những kì vọng đã bị thay đổi”. Một số thứ mà em từng nghĩ rằng chúng sẽ rất tuyệt, nhưng hóa ra lại là một con đường gập ghềnh, trong khi những thứ khác lại trở nên dễ dàng hơn.

su thay doi ky vong sinh vien nam nhat o moi truong dai hoc
Nhiều sinh viên năm nhất bỡ ngỡ khi lên Đại học vì không giống như kỳ vọng. Ảnh: PsyCare

Lời khuyên của Loan là gì?

Hãy cố gắng đừng đặt ra bất cứ kì vọng nào khi bước chân lên cánh cửa Đại học. Và, hãy luôn ở tư thế cởi mở để đón nhận những điều bất ngờ. Khi gỡ bỏ những căng thẳng khi bước vào Đại học, Loan nhận ra rằng những khó khăn mình từng mường tượng giờ đây lại trở thành những điều dễ giải quyết nhất.

1.2. Phải sống xa nhà khi đi học Đại học

Loan từng nghĩ rằng, sẽ rất chật vật khi phải sống xa nhà. Không chỉ về mặt thiếu vắng gia đình, mà Loan còn vật vã với những công việc thực tiễn hàng ngày như giặt giũ quần áo. Vì đã dự đoán được trước những vấn đề này nên Loan cảm thấy đỡ căng thẳng hơn.

Việc phải sống xa nhà có xu hướng là sự điều chỉnh khó khăn nhất đối với sinh viên năm nhất. Bạn từng có một vai trò rõ ràng trong khoảng thời gian dài sống cùng gia đình. Chẳng hạn, bạn từng là một “cây hài” trong nhà, một người hòa giải hoặc có thể là một người thông dịch giữa các thành viên. Những vai trò này giúp bạn cảm thấy như mình thuộc về một nơi nào đó.

Vì vậy, sẽ rất khó để điều chỉnh khi ở một nơi mới lạ và thích nghi theo cách thức cũng mới lạ. Đặc biệt là khi gia đình dường như vẫn đang rất ổn nếu không có bạn! Bạn có thể cảm thấy nhớ nhà trong vài tuần hoặc vài tháng đầu tiên. Bạn cần biết rằng, đây là một tình trạng rất phổ biến. Thực tế, mỗi người chỉ trải qua nỗi nhớ nhà trong một số thời điểm trong đời mình.

nỗi nhớ nhà sinh viên năm nhất học đại học
Nỗi nhớ nhà phổ biến ở tân sinh viên khi mới lên Đại học. Ảnh: PsyCare

1.3. Thích ứng với bạn cùng phòng kí túc xá ở môi trường Đại học

Những người bạn cùng phòng có thể là những người bạn thích hợp tuyệt vời. Vì cũng là sinh viên năm nhất nên có thể họ cũng đang trải qua những nỗi sợ hãi, lo lắng giống như bạn. Nhưng, nếu bạn không hòa hợp được với những người bạn cùng phòng của mình thì sao? Có vẻ như đây là vấn đề chung mà đa số “tân sinh viên” đều gặp phải.

1.4. Thích ứng với chế độ ăn uống ở môi trường Đại học

Bước vào Đại học là mở một cánh cửa đến thế giới mới không chỉ của tri thức. Bạn còn bước vào một thế giới ăn uống theo kiểu các món ăn tự chọn và có bánh chocolate 2 tầng không giới hạn. Nhiều trường đại học có những nhà hàng thức ăn nhanh nằm gần khu kí túc xá hoặc khu vực lớp học. Vậy tại sao lại không dùng bánh mì, thức ăn nhanh cho mọi bữa tối nhỉ?

Thêm nữa, bạn sẽ thấy việc ăn các thức ăn vặt như bánh mì phô mai, trà sữa cùng bạn bè vào 2h sáng là một hoạt động rất phổ biến sau một đêm đi chơi không về phòng. Hầu hết các sinh viên đều có xu hướng ăn nhiều hơn khi còn ở quê nhà. Họ nếm thử tất cả món và ăn vặt đêm khuya. Cuối cùng, nhiều sinh viên tăng cân.

1.5. Mối quan hệ giảng viên – sinh viên và sự thích ứng với nhiệm vụ học tập ở môi trường Đại học

Sinh viên năm nhất phải đối mặt với nhu cầu học tập gia tăng khi chuyển từ cấp 3 lên Đại học. Mối quan hệ tốt với giảng viên được xem như là một yếu tố qua trọng liên kết với hành vi thích ứng với việc học. Việc tăng cường mối quan hệ giữa giảng viên – sinh viên dường như là một con đường đầy hứa hẹn để tạo điều kiện thuận lợi cho sự thích nghi trong học tập ở “newbie” (Jian-Bin Li, 2022).

Điều này không khó, nhưng cũng không dễ. Vì nó đòi hỏi sinh viên phát huy kỹ năng giao tiếp và học tập độc lập của bản thân. Đồng thời, biết cách tìm kiếm sự hỗ trợ về kiến thức, chuyên môn khi cần. Kỹ năng này sẽ giúp các bạn có tâm thế sẵn sàng ứng phó với nhiều tình huống khác nhau của cuộc sống. Đặc biệt, trong giai đoạn dịch bệnh, sự kết nối người dạy – người học giúp sinh viên thích ứng với việc học trực tuyến tốt và hiệu quả cao hơn (Trúc & Thúy, 2022).

thích ứng với giảng viên ở môi trường đại học
Tăng cường tương tác với giáo viên Khoa, Bộ môn trên lớp để nhanh thích ứng với môi trường đại học. Ảnh: PsyCare

2. Làm thế nào để sinh viên năm nhất thích ứng nhanh với môi trường Đại học?

2.1. Đi học xa, nhớ nhà thì phải làm sao?

Việc vượt qua được nỗi nhớ nhà sẽ giúp tất cả chúng ta cảm thấy mạnh mẽ hơn. Đồng thời, xây dựng nên những kĩ năng cần thiết để đối đầu với khó khăn. Nỗi nhớ nhà có thể khiến bạn phải thử thách bản thân thực hiện những cách thức mới để gặp gỡ người khác. Thay vào đó, bạn có thể thử:

  • Tham gia vào phòng tập thể dục trong kí túc xá. Hoặc, dự các lớp tập thể dục, học bài ở những nơi công cộng như thư viện hoặc quán cà phê.
  • Cố gắng xác định những cảm xúc và nỗi sợ hãi của chính mình. Và, nói chuyện về những gì mình đang trải qua với ai đó bạn tin tưởng. Bạn cũng có thể viết nhật ký. Bạn càng giải quyết những vấn đề này sớm thì bạn sẽ càng cảm thấy tốt hơn.
  • Nếu bạn cảm thấy nhớ nhà, hãy gọi điện, viết thư, “chat” với cha mẹ, hoặc với các thành viên khác trong gia đình, bạn bè ở nhà. Điều này giúp họ biết được hiện tại bạn đang ra sao. Và, bạn cũng có thể nói rằng mình nhớ họ nhiều đến mức nào. Ngoài ra, bạn còn có thể nói chuyện với ai khác nữa? Để bắt đầu, người đó có thể là bạn chung phòng kí túc xá với bạn.

2.2. Làm thế nào để hòa hợp với bạn cùng phòng kí túc xá Đại học?

Trong một số trường hợp, nếu bạn và bạn cùng phòng không có nhiều điểm chung thì cũng có thể là một điều tốt. Việc có quan điểm khác nhau về mọi việc có thể là hữu ích. Thực tế, sẽ tốt hơn nếu bạn đừng mong đợi sẽ thân thiết được với các bạn cùng phòng, để tránh thất vọng.

Loan đã từng kì vọng như thế. Nhưng, qua thời gian, cô cảm thấy giống như 2 trong số các bạn cùng phòng đã biến cô trở thành người ngoài cuộc, là “kì đà cản mũi”. Với một đề nghị chuyển phòng và thay đổi thái độ về những gì mình mong đợi, cuối cùng Loan kết thúc được cơn bùng nổ cảm xúc của mình.

Dù vậy, không phải ai cũng có thể thay đổi được bạn cùng phòng. Vậy nên, bạn cần làm quen với ý nghĩ rằng dù có bất cứ chuyện gì xảy ra, bạn cũng cần tôn trọng những gì khác biệt với mình. Nếu vẫn không thể hòa hợp với bạn cùng phòng, bạn nên tìm người khác thực sự hiểu bạn. Điều này có lẽ là dễ dàng hơn khi sống trong kí túc xá với hơn ngàn người. Bạn cũng có thể nói chuyện với Trưởng nhà của ký túc xá để trình bày nguyện vọng điều chỉnh hoặc vấn đề với bạn cùng phòng.

bạn cùng phòng ở ký túc xá
Ký túc xá là thế giới “mini” hội tụ đầy đủ những gì thú vị, năng động, và cả “drama” của thời sinh viên. Ảnh: PsyCare

Ngoài ra, bạn cùng có thể tìm đến trung tâm tham vấn tâm lý trong trường hoặc ký túc xá. Các tham vấn viên biết rất rõ nỗi sợ hãi và lo lắng của sinh viên năm nhất. Họ sẽ nói chuyện với riêng bạn. Hoặc, nếu có một nhóm sinh viên đồng lứa cũng đang gặp vấn đề tương tự thì bạn có thể chọn tham gia vào nhóm đó. Việc nói chuyện với những người đang rơi vào hoàn cảnh giống mình có thể là một yếu tố động viên.

2.3. Cách thích ứng và làm quen bạn mới ở môi trường Đại học

Việc cho những sinh viên mới có cơ hội gặp gỡ nhau cũng là một ý tưởng ngầm định hướng sinh viên năm nhất. Và, có nhiều trường tổ chức các đêm hội gặp gỡ tân sinh viên. Đây là nơi mà tất cả các câu lạc bộ của trường sẽ tập hợp lại với nhau và phát huy các tổ chức của họ. Vì vậy, bạn có thể gặp gỡ những người có cùng sở thích với mình. Ngoài ra, bạn còn có thể gặp được tất cả thành viên trong lớp học hoặc trong ký túc xá của mình nữa.

2.4. Mẹo xây dựng lối sống lành mạnh khi bước chân vào môi trường Đại học

Một số sinh viên chuyển sang dùng rượu, tiệc tùng thâu đêm, ngủ quá nhiều, hút thuốc hoặc sử dụng chất gây nghiện để giải quyết những vấn đề khó khăn tâm lý của mình khi mới bước chân lên đại học. Bằng cách này, họ chỉ đang lãng phí hầu hết thời gian của mình. Thậm chí, có nguy cơ gặp nhiều rắc rối hơn. Chẳng hạn như ảnh hưởng đến việc theo kịp các bài tập, nhiệm vụ và các kì kiểm tra trên lớp, stress trong học tập,…

Trong trường hợp xấu nhất, nó có thể khiến các sinh viên gặp rắc rối với các cơ quan tư pháp trong trường đại học. Vậy, bạn cần lưu ý điều gì để xây dựng lối sống lành mạnh cho mình? Làm thế nào để Đại học không trở thành nỗi ám ảnh?

Giữ gìn sức khỏe khi sống xa nhà

Đau họng, bong gân mắt cá chân, mọc răng khôn, và nỗi nhớ nhà là những vấn đề có thể xuất hiện phổ biến ở những tân sinh viên Đại học. Bạn sẽ rất dễ bị lây bệnh, giống như cảm cúm vậy. Mọi người lúc nào cũng đi ra đi vào. Có thể trong số họ có người vừa hết bệnh. Và, ai mà có thời gian để về nhà đi khám bác sĩ khi bị bệnh đâu chứ!

Thấu hiểu tâm tư này của sinh viên, các trường đại học đã xây nên các trung tâm y tế với đội ngũ bác sĩ, y tá, nha sĩ. Thậm chí một số trường còn có các nhà tư vấn dinh dưỡng và tham vấn tâm lý. Tất cả đều sẵn sàng để đáp ứng nhu cầu của sinh viên. Hãy kiểm tra các sổ tay thông tin hướng dẫn tân sinh viên hoặc trang web chính thức của trường bạn để tìm thêm thông tin về các trung tâm y tế, đơn vị hỗ trợ tâm lý xem chúng nằm ở đâu để tìm đến khi cần.

tham vấn tâm lý sinh viên năm nhất
Sinh viên năm nhất gặp khó khăn thích ứng với việc học có thể tìm đến tham vấn tâm lý học đường. Ảnh: PsyCare

Nên mua bảo hiểm y tế

Một số trường yêu cầu tất cả sinh viên đều phải có bảo hiểm y tế. Trong những trường hợp thế này, nhà trường thường đưa ra phương án bảo hiểm chi phí thấp để có thể thanh toán ngay vào thời điểm đăng kí và được sử dụng rộng rãi. Những phương án này thường bao gồm cả dịch vụ chăm sóc sức khỏe y tế cơ bản và những chấn thương liên tục khi tham gia thể thao giữa các trường đại học với nhau hoặc cũng như trong câu lạc bộ thể thao.

Tuy nhiên, ở một số trường khác, bảo hiểm y tế là tự nguyện. Và, bạn cũng không cần thiết phải được điều trị tại trung tâm y tế trường. Nhưng, cũng có một khoản phí cho các dịch vụ y tế. Trước khi bạn đi học, hãy tìm hiểu xem liệu trường bạn có yêu cầu bảo hiểm y tế không. Rồi sau đó, hãy thảo luận với cha mẹ mình để biết được mình có đang sử dụng loại hình bảo hiểm y tế nào không.

Khi đi học, hãy xem Phòng y tế của trường có hoạt động 24/24 không. Nếu không, hãy ghi địa chỉ, số điện thoại Trung tâm Y tế địa phương, hoặc Đường dây y tế khẩn cấp, để học cách tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế khẩn cấp. Ngoài ra, bạn cũng nên tìm một nhà thuốc gần trường/ ký túc xá. Hãy chuẩn bị để luôn nhận được sự giúp đỡ khi cần!

bảo hiểm y tế cho sinh viên
Sinh viên năm nhất nên tham gia bảo hiểm y tế. Ảnh: PsyCare

Luôn chuẩn bị các biện pháp phòng ngừa để thích ứng với môi trường Đại học

Sẽ thật tuyệt nếu bạn chuẩn bị sẵn mọi thứ cho trường hợp bạn bị bệnh! Nhưng, quan trọng hơn là làm thế nào mà bạn có thể phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh ngay từ đầu? Các biện pháp thông thường như rửa tay thường xuyên cũng được áp dụng tại các trường Đại học, nhất là khi đại dịch COVID-19 vẫn kéo dài. Những lo lắng, sợ hãi liên quan đến COVID-19 có thể gây stress trong học tập và cuộc sống ở môi trường đại học (Tuyền & Trúc, 2021).

Lưu ý khi đến những phòng tắm công cộng, các thiết bị máy tính được chia sẻ dùng chung, và những khu nhà ở chật chội. Đây đều là yếu tố tạo môi trường thuận lợi cho vi trùng sinh sôi phát triển. Nếu bạn dành nhiều thời gian để học trong phòng máy tính của trường, bạn nên mang theo một số loại kem dưỡng da tay diệt khuẩn trong balo của mình.

Khi bạn cùng phòng của bạn nhiễm bệnh, hãy sử dụng một loại dung môi (cồn, nước xịt virus…) chống vi khuẩn để thỉnh thoảng lau sạch những thứ dùng chung. Chẳng hạn như nắm tay cửa phòng, điện thoại nội bộ, các bộ điều khiển từ xa.

Và, cũng đừng quên ăn uống đầy đủ, ngủ ngon giấc. Như lẽ thông thường, biện pháp phòng thủ tốt nhất là thế tấn công hoàn hảo nhất.

bảo vệ sức khỏe phòng ngừa bệnh ở môi trường đại học
Giữ sức khỏe tốt, chuẩn bị cho mình các phương án phòng ngừa. Ảnh: PsyCare

Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh ở sinh viên năm nhất

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng sinh viên có thể tăng cân đáng kể trong 2 năm đầu Đại học (Sareen S.Gropper et al, 2011). Các sinh viên nam và nữ đều còn tăng trưởng nhiều hơn nữa trong những năm đại học. Thế nên, việc tăng cân ở một số sinh viên là điều có thể hiểu được.

Nhưng, thừa cân và béo phì làm tăng nguy cơ phát triển các vấn đề sức khỏe khác. Chẳng hạn như huyết áp cao và bệnh tiểu đường. Và một số sinh viên cũng có thể tìm đến kế sách ăn kiêng quá độ, hoặc những hành vi ăn uống không lành mạnh khác, khi họ nhìn thấy số đo cân nặng mình cứ dần tăng lên, hoặc vì họ cảm thấy căng thẳng.

Để duy trì được cân nặng khỏe mạnh, hãy ăn uống bình thường và đều đặn theo chu kì. Thường, cứ 3 bữa ăn cân bằng thì có thể xen kẽ 1 hoặc 2 bữa ăn nhẹ lành mạnh. Kết hợp chế độ này vào cùng lịch trình mỗi ngày. Bằng cách đó, cơ thể bạn biết được nên chờ đợi điều gì.

Hãy chú ý đến những dấu hiệu bên trong của bạn. Hãy nhớ: Chỉ ăn khi bạn cảm thấy đói, dừng ăn khi đã no. Hãy tránh việc ăn vặt khi cảm thấy stress, nhai nhóp nhép vì bạn cùng phòng có món pizza hấp dẫn (dù bạn đã ăn tối rồi), hoặc ăn nhẹ đơn giản với chocolate vì cảm thấy căng thẳng. Vì điều này có thể dẫn đến việc ăn uống lộn xộn và tăng cân nhiều hơn.

chế độ ăn uống khoa học cho sinh viên
Xây dựng chế độ ăn uống khoa học để tránh thừa cân, béo phì. Ảnh: PsyCare

Hạn chế uống cà phê

Những người thường thức khuya sẽ dễ phụ thuộc vào sự hỗ trợ của cà phê. Nhưng nếu uống quá nhiều cà phê sẽ dẫn đến trạng thái lo âu, chóng mặt, đau đầu và hốt hoảng.

Cà phê cũng làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn. Và, bạn có thể sẽ trở nên phụ thuộc vào cà phê với ít nhất 100mg/ ngày. Điều này có nghĩa là bạn có nguy cơ trải qua những triệu chứng của quá trình cai nghiện. Chẳng hạn như các cơn đau đầu và khó chịu nếu bạn không khắc phục mỗi ngày.

Hầu hết mọi người đều biết là trong cà phê có chứa caffeine. Nhưng, cũng hãy cẩn thận vì loại chất này cũng có chứa trong các thức uống tăng lực, nước ngọt, trà đá, và những loại thuốc tự kê không theo toa.

Giữ vóc dáng cân đối

Việc giữ vóc dáng cân đối trong những năm đại học là dễ hơn bao giờ hết. Đây cũng là một điều tốt. Bởi vì các sinh viên cần đặt mục tiêu thực hiện các bài tập thể dục 60 phút mỗi ngày theo mức độ từ trung bình đến mạnh.

giữ vóc dáng khỏe mạnh ở môi trường đại học
Tập thể dục giúp giữ vóc dáng cân đối và khỏe mạnh, tốt cho việc học tập. Ảnh: PsyCare

Bạn có thể tham khảo một số gợi ý sau để duy trì vóc dáng cân đối và khỏe mạnh:

  • Hãy tham gia các môn, câu lạc bộ thể thao trong trường. Hoặc, trong ký túc xá cũng thường xuyên có các hội nhóm thể thao lành mạnh.
  • Hãy bắt đầu bằng cách tìm hiểu xem trung tâm vui chơi giải trí trong trường bạn có cung cấp các loại hình gì. Nhiều trung tâm thuê thiết bị và tổ chức các lớp từ thể dục nhịp điệu đến yoga. Hoặc, bạn có thể tham gia các lớp dạy kĩ năng phòng vệ.
  • Bạn cũng có thể đăng kí tham gia phòng tập thể dục của nhà trường. Ở đó, bao gồm cả các dụng cụ tập thể dục, hồ bơi, và nhiều thiết bị khác.

Nếu sắp vào Đại học, bạn có thể đã nghe hàng triệu sinh viên tốt nghiệp nói bâng quơ về việc họ yêu thích và hào hứng về trường của mình thế nào. Đúng vậy, Đại học rất tuyệt vời. Học cách thích ứng với môi trường Đại học giúp bạn có thêm nhiều trải nghiệm quý giá về cả học thuật lẫn cuộc sống. Do đó, hãy tận hưởng 4 năm Đại học và sống hết mình với tuổi trẻ đầy nhiệt huyết!

Bài viết được cố vấn chuyên môn bởi Ths. Tâm lý lâm sàng Nguyễn Thị Bích Tuyền.

Bài viết cùng chủ đề

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *