Tập thể dục thực tế ảo giúp làm giảm căng thẳng

Nghiên cứu cho thấy, việc hòa mình vào tập thể dục thực tế ảo (virtual exercise – VR) có thể giúp làm giảm mức độ căng thẳng. Tập thể dục VR cũng có lợi về mặt thể chất và sức khỏe. Đặc biệt, nó giúp tăng cường khả năng cân bằng cho bệnh nhân đột quỵ. Tuy nhiên, liệu phương pháp này có phù hợp với bạn? Hãy cùng Psycare.com.vn đi tìm câu trả lời qua bài viết sau nhé!

1. Lợi ích của tập thể dục thực tế ảo

Lợi ích của việc tập thể dục đã được biết đến từ lâu và có tầm ảnh hưởng sâu rộng. Tập luyện tại phòng tập thể dục, hoặc đi bộ nhanh, có thể giúp tinh thần duy trì sự nhạy bén. Đồng thời, nó còn giúp hình thành cơ bắp và giữ mức cân nặng hợp lý. Nhưng, nếu bạn không tập luyện thể chất, hoặc có vấn đề về khả năng vận động, bạn vẫn có thể tập thể dục theo cách khác. Đó là tập thể dục qua công nghệ thực tế ảo (Virtual Exercise – VR).

Các nhà nghiên cứu từ Trung tâm Nghiên cứu Lão hóa Thông minh của Đại học Tohoku đã phát hiện ra rằng, những người tham gia tập thể dục trong bối cảnh thực tế ảo nhập vai cũng nhận được kết quả cải thiện tương tự những người tập thể dục thể chất (Burin et al, 2022).

tập thể dục thực tế ảo giúp giảm stress
Tập thể dục thực tế ảo được chứng minh là có khả năng làm giảm stress và lo âu. Ảnh: PsyCare

Ryan Glatt là một huấn luyện viên thể dục cá nhân và huấn luyện sức khỏe não bộ cho Viện Khoa học Thần kinh Thái Bình Dương tại Trung tâm Sức khỏe Providence Saint John. Ông cho biết: “Trong nghiên cứu này, chủ thể vẫn ngồi trong thế giới thực, nhưng khi xem hình đại diện ảo thực hiện bài tập chạy thì có thể làm giảm nồng độ loại nước bọt sinh học có liên quan đến stress. Điều này giúp chủ thể đó ít lo lắng hơn.

Mặc dù không thực sự khiến cơ thể bạn chuyển động, nhưng tập thể dục thực tế ảo có thể là điều tốt nhất trong bối cảnh hiện đại. Điều này càng đặc biệt hơn khi thế giới vừa trải qua đại dịch COVID-19 đe dọa nguy cơ sức khỏe toàn cầu và hạn chế khả năng đi lại của người dân.

2. Nghiên cứu về hiệu quả của việc tập thể dục thực tế ảo

2.1. Mô tả nghiên cứu

Nghiên cứu mà Đại học Tohoku thực hiện có hơn 50 tình nguyện viên ở Nhật Bản tham gia. Trước mỗi đợt gồm 2 phiên tập luyện, nghiệm thể sẽ trả lời các câu hỏi khảo sát về mức độ căng thẳng và lo âu tự cảm nhận. Ngoài ra, họ cũng được thu thập các mẫu alpha – amylase nước bọt thông qua các dải giấy dùng một lần. Loại enzyme này là dấu ấn sinh học giúp xác định mức độ căng thẳng.

Sau đó, nghiệm thể tham gia vào khóa đào tạo các bài tập thể dục thực tế ảo nhập vai (Immersive Virtual Reality – IVR). IVR giúp người dùng cảm thấy như họ là một phần của trải nghiệm. Thông qua tai nghe tích hợp, họ gần như hòa nhập vào khung cảnh mà mình nhìn thấy.

Khi tham gia nghiên cứu, nghiệm thể sẽ đeo kính che mặt IVR. Đồng thời, họ sẽ xem ảnh ảo đại diện bản thân chạy trong 30 phút với tốc độ 6,4 km/giờ. Sau mỗi phiên bài tập, nghiệm thể sẽ hoàn thành một bảng hỏi khác để theo dõi lại mức độ căng thẳng của mình. Kết quả cho thấy, sau khi xem ảnh ảo đại diện chạy trong 30 phút, có sự giảm nồng độ của alpha – amylase nước bọt.

kính thực tế ảo
Nghiệm thể quan sát ảnh ảo bản thân tập thể dục qua kính thực tế ảo. Ảnh: PsyCare

2.2. Ý nghĩa của nghiên cứu về hiệu quả tập thể dục thực tế ảo

Theo Erin Bloodworth, Điều phối viên Sức khỏe cho Trung tâm Tài nguyên Ung thư LivingWell (một Bộ môn của Northwestern Medicine): “Các kết quả có liên quan là do tác động lâm sàng tiềm ẩn lên chúng.” Lo âu là một trong những triệu chứng thường xuyên được phát hiện trong cộng đồng. Sau khi xem bài tập thể dục thực hiện bởi hình đại diện của mình, mức độ căng thẳng và lo lắng của nghiệm thể giảm đi đáng kể.

Theo lý giải của các nhà nghiên cứu, dường như xuất hiện tâm lý muốn sở hữu một cơ thể ảo ở những người tham gia nghiên cứu. Thực nghiệm này có kích thước mẫu nghiên cứu nhỏ. Thế nhưng, đây là một cái nhìn đầy hứa hẹn về lợi ích tiềm năng khác của việc tham gia trải nghiệm tập thể dục qua công nghệ IVR.

3. Những lợi ích và hạn chế của thực tế ảo

3.1. Lợi ích của thực tế ảo

Thực tế ảo (VR) là một công nghệ đang phát triển ổn định. Có hơn 171 triệu người dùng VR trên toàn thế giới (Chris Kolmar, 2022). Hầu hết mọi người có thể đã quen với việc sử dụng VR cho trò chơi điện tử. Tuy nhiên, nó cũng được sử dụng trong lĩnh vực giáo dục, sản xuất, du lịch và chăm sóc sức khỏe.

Một nghiên cứu năm 2016 cho thấy VR giúp bệnh nhân đột quỵ cải thiện khả năng giữ thăng bằng (Zhen Li, 2016). Một báo cáo khoa học khác cũng đã cho thấy hiệu quả của một ứng dụng sức khỏe tâm thần VR trong trị liệu tâm lý (Valmaggia LR et al, 2016). Có ít nhất một nghiên cứu đã ứng dụng VR với kỹ thuật phơi nhiễm.

trị liệu tâm lý thực tế ảo VR
Trị liệu tâm lý thực tế ảo là xu hướng mới đang được nghiên cứu và thử nghiệm. Ảnh: PsyCare

Nghiên cứu của Đại học Tohoku cũng cho thấy, VR rất hữu ích trong lĩnh vực sức khỏe. Nó chỉ ra những lợi ích liên quan đến chuyển động mà không cần thiết phải vận động. Nó có thể mang lại lợi ích cho những người mà việc di chuyển là một thách thức. Chẳng hạn như những người bị suy giảm khả năng vận động, hoặc bị tê liệt, hay thậm chí là nhân viên văn phòng…Họ có thể cảm thấy tốt hơn mà không cần tập thể dục để cải thiện tâm trạng.

3.2. Một số hạn chế của tập thể dục thực tế ảo

Nhóm nghiên cứu lưu ý, cần có thêm nhiều thử nghiệm để xác định lợi ích thật sự của VR. Trên thực tế, vẫn còn một số mối bận tâm khác chưa được xem xét. Chẳng hạn như nguy cơ chuyển động ảo dẫn đến say tàu xe. Đeo tai nghe trong thời gian dài có thể gây chấn thương cổ. Thậm chí, nó có thể dẫn đến chấn thương cột sống. Các kỹ thuật thể dục VR chưa được xây dựng phù hợp với từng người (Electra Nanou, 2021). Chi phí VR cũng là một yếu tố khác cần được cân nhắc. Bởi vì công nghệ hiện đại này rất tốn kém.

3.3. Ứng dụng tập thể dục thực tế ảo hiện nay

Ngày nay, đã có một số phòng tập thể dục thực tế ảo được xây dựng. Để làm giảm hạn chế của việc tập thể dục VR, một số phòng tập khuyến khích người dùng thực hành theo bài tập mà mình nhìn thấy qua kính đeo. Các bài tập này được thiết kế phù hợp với từng người. Thậm chí, bạn còn có thể thay đổi bối cảnh nơi tập. Nếu bạn từng ao ước được một lần tập thể dục ở sa mạc Sahara, rừng rậm Amazon, hay thậm chí bên bờ sông Nin cổ đại, thì VR là công cụ tuyệt vời giúp bạn có cơ hội trải nghiệm điều này đấy!

Bạn đã nghe qua “du lịch online” chưa? Du lịch khám phá cũng được xem là một hình thức thể dục ngoài trời. Ở Việt Nam, hình thức du lịch này còn khá mới mẻ. Khi thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề nhiều năm trời vì đại dịch COVID-19, đây là cách “giải cứu” ngành du lịch. Theo đó, bạn chỉ cần ở một chỗ và có thể tham quan các địa điểm du lịch qua IR.

Ưu điểm của nó là dùng công nghệ thực tế ảo hiện đại, hình ảnh trực quan và sống động. Ngoài ra, chi phí cũng rẻ hơn so với du lịch trực tiếp. Du lịch VR đem lại trải nghiệm gần tương tự với du lịch thực tế. Điều này còn giúp bạn giảm stress liên quan đến đại dịch và các vấn đề trong cuộc sống. Do đó, ngày càng nhiều đơn vị lữ hành thử nghiệm hình thức du lịch độc đáo này.

du lịch thực tế ảo
Du lịch thực tế ảo mở ra kỷ nguyên mới của ngành du lịch. Ảnh: Milton Hershey School

4. Điều này có ý nghĩa gì đối với bạn?

Công nghệ IVR mang đến một khía cạnh thú vị để tập thể dục. Nó nghe có vẻ vui và thậm chí còn đem lại nhiều thuận lợi. Tuy nhiên, nó có dành cho bạn không? Nếu không thể đến phòng tập thể dục, liệu bạn có nên đeo tai nghe và bước vào một thế giới ảo và chìm đắm trong nó hay không? Đó sẽ là những câu hỏi mà bạn cần cân nhắc trước khi lựa chọn hình thức tập luyện mới mẻ này.

Tập thể dục thực tế ảo nhập vai là một cách hấp dẫn về mặt tinh thần để duy trì hoạt động. Nghiên cứu cũng đã chỉ ra, bạn vẫn có thể nhận được nhiều lợi ích về chăm sóc sức khỏe tinh thần, tương tự như những lợi ích mà bạn nhận được từ việc trực tiếp tập luyện thể chất. Mặc dù cần phải nghiên cứu thêm, nhưng hình thức tập luyện này là lựa chọn đáng để khám phá nếu bạn trong tình trạng mà việc vận động là một vấn đề trở ngại.

Bài viết được cố vấn chuyên môn bởi Ths. Tâm lý lâm sàng Nguyễn Thị Bích Tuyền.

Bài viết cùng chủ đề

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *