Trị liệu tâm lý thực tế ảo: Xu hướng triển vọng của tương lai

Trị liệu tâm lý thực tế ảo (Virtual Reality – VR) đang trở thành chủ đề được quan tâm nghiên cứu trong vài năm trở lại đây. Liệu pháp tâm lý hiện đại này tạo điều kiện cho thân chủ tham gia vào các phiên trị liệu tiện lợi hơn cả về thời gian lẫn không gian. Vậy, liệu pháp trị liệu tâm lý bằng VR này được thực hiện như thế nào? Nó đem lại hiệu quả ra sao? Cần lưu ý điều gì khi lựa chọn liệu pháp này? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn tìm hiểu những điều này dưới góc độ khoa học.

1. Liệu pháp trị liệu tâm lý thực tế ảo (VR) là gì?

Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đã mở ra tiềm năng phát triển cho trị liệu tâm lý thực tế ảo. Cho dù ở đâu, vào lúc nào, thân chủ cũng có thể tham gia vào phiên trị liệu của mình chỉ bằng một cú “click” chuột. Thế giới thực tế ảo (Virtual Reality – VR) mang đến một không gian còn phong phú hơn thế.

Thay vì tương tác trực tiếp với nhà trị liệu, thân chủ sẽ được tương tác trong môi trường thực tế ảo. Hình thức này được thực hiện thông qua một màn hình VR gắn trên đầu, trong không gian thực tế ảo. Ở đó, nhà trị liệu sẽ xuất hiện với ảnh ảo đại diện được mô phỏng giống với các chuyển động của người thật (như chuyển động cơ thể, cơ mặt).

Theo cách nào đó, kỹ thuật này đang thêm một người trung gian vào phiên trị liệu. Đối với một số người, điều này sẽ giúp quá trình trị liệu trở nên hấp dẫn hơn.

trị liệu tâm lý thực tế ảo VR là gì
Trị liệu tâm lý thực tế ảo là mô hình liệu pháp tương tác trong môi trường thực tế ảo với ảnh đại diện mô phỏng nhà trị liệu. Ảnh: PsyCare

2. Hiệu quả của liệu pháp trị liệu tâm lý thực tế ảo dưới góc độ khoa học

Game online, mô phỏng chuyến bay, du lịch thực tế ảo, tập thể dục thực tế ảo, dự báo thời tiết,… là những ứng dụng dùng công nghệ VR đã được phổ biến. Mới đây, một nghiên cứu từ nhóm các nhà khoa học tại Úc đã phát hiện ra rằng, thực tế ảo cũng có thể đem lại nhiều lợi ích trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tinh thần.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Frontiers in Virtual Reality. Kết quả tóm tắt cho thấy, có 30% người tham gia cho biết họ thích nói chuyện với ảnh ảo đại diện (avatar) hơn nói chuyện trực tiếp với nhà trị liệu (Rogers et al, 2022). Nhóm nghiên cứu cho rằng, phát hiện này có thể gợi mở một cách suy nghĩ mới về trải nghiệm trị liệu tâm lý. Đồng thời, tạo ra một phương pháp tiếp cận những thân chủ có xu hướng do dự khi nói chuyện với nhà trị liệu.

2.1. Mô tả nghiên cứu

Nghiên cứu của nhóm tác giả Rogers và cộng sự (2022) thực hiện trên 52 sinh viên Tâm lý học, tại trường Đại học Edith Cowan, Úc. Nhóm nghiệm thể này có độ tuổi từ 18 đến 53 tuổi. Bước đầu, họ sẽ được thu thập các thông tin về nhân khẩu học, đồng thời, mô tả về hai trải nghiệm tiêu cực và tích cực trong cuộc đời mình. Sau đó, họ được kết nối với một người phỏng vấn để trò chuyện, làm quen.

Ở giai đoạn tiếp theo, nghiệm thể được tham gia vào buổi phỏng vấn có cấu trúc theo 2 bối cảnh khác nhau. Trong đó: Bối cảnh 1 là trực tiếp mặt đối mặt; bối cảnh 2 là tham gia vào một phòng ảo cơ bản được tạo ra với các tương tác VR với hình đại diện chuyển động thực tế (realistic motion avatars) của người phỏng vấn, người tham gia sẽ ở phía cạnh bàn đối diện với người phỏng vấn. Ở cả 2 bối cảnh, người phỏng vấn (và ảnh ảo đại diện) đều là người đã trò chuyện với sinh viên trước buổi phỏng vấn.

Ở bối cảnh 2, người tham gia không có hình đại diện của mình. Còn ảnh ảo đại diện của người phỏng vấn được thực hiện bắt chước theo các chuyển động giống như của người đó trong thực tế. Đặc biệt, giọng nói của ảnh ảo được điều khiển bởi một người khác thông qua sử dụng tính năng chụp chuyển động khuôn mặt và cơ thể. Khi tham gia, sinh viên sẽ đeo một màn hình gắn trên đầu và nói chuyện với hình đại diện ấy.

mô tả phỏng vấn thực tế ảo VR trong nghiên cứu của Rogers (2022)
Mô tả buổi phỏng vấn thực tế ảo VR trong nghiên cứu của Rogers. Ảnh: Rogers và cộng sự (2022)

2.2. Đánh giá hiệu quả khoa học của liệu pháp trị liệu tâm lý thực tế ảo (VR)

Sau các buổi phỏng vấn, sinh viên sẽ đánh giá trải nghiệm phỏng vấn trực tiếp mặt đối mặt so với trải nghiệm nói chuyện với ảnh ảo đại diện. Họ cũng sẽ được đề nghị xếp hạng phương pháp nào là thú vị nhất, cách trò chuyện nào giúp họ cảm thấy thoải mái nhất, hình thức nào khiến họ khó xử hơn và với phương pháp nào thì họ dễ dàng là-chính-mình hơn. Kết quả cho thấy, hầu hết sinh viên đều xếp hạng trò chuyện mặt đối mặt là thú vị hơn. Tuy nhiên, cũng có nhiều sinh viên thích tương tác thực tế ảo hơn.

Đáng chú ý, có khoảng 30% sinh viên cho biết họ cảm thấy thoải mái hơn khi tiết lộ về những trải nghiệm tiêu cực của mình trong bối cảnh trò chuyện thực tế ảo. Điều này cho thấy tiềm năng rất lớn trong việc phổ biến loại công nghệ hiện đại này trong các cơ sở trị liệu trong tương lai.

Dù vậy, nghiên cứu vẫn tồn tại một số hạn chế. Trước hết, đây không phải là một buổi trị liệu thực tế, nên ít có tương tác phong phú hơn khi tham gia vào phiên trị liệu kéo dài với ảnh ảo đại diện. Cỡ mẫu nghiên cứu cũng nhỏ, đối tượng tham gia thiếu sự đa dạng và ít tính đại diện. Tuy nhiên, kết quả này có thể mang lại hy vọng cho những người không phù hợp với liệu pháp tâm lý mặt đối mặt trực tiếp. Chẳng hạn như những thân chủ mắc rối loạn lo âu xã hội.

3. Triển vọng của liệu pháp tâm lý thực tế ảo trong tương lai

Thực tế ảo một phương tiện đã được chứng minh hiệu quả nhất định trong một số ngành công nghiệp. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ này trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe vẫn là chủ đề khá mới. Sự phát triển cực kì nhanh chóng của các loại hình công nghệ, cùng nhu cầu tìm kiếm trợ giúp sức khỏe tinh thần ngày càng tăng, khiến trị liệu tâm lý thực tế ảo trở thành một lựa chọn đáng cân nhắc.

Nhưng, khi bộc lộ những cảm xúc sâu kín nhất của mình, nhiều người có xu hướng tìm kiếm sự kết nối riêng tư ở một buổi trị liệu truyền thống. Điều này có thể sẽ không có đủ ở một buổi trị liệu tâm lý thực tế ảo. Do đó, yếu tố này cần được xem xét kỹ lưỡng ở các nghiên cứu mở rộng trong tương lai.

Theo Tiến sĩ Rogers (chủ nhiệm nghiên cứu): “Tôi dự đoán trong vòng 5 – 10 năm tới, trị liệu tâm lý thực tế ảo sẽ trở thành một lựa chọn bổ sung phổ biến để cộng đồng tham gia như một giải pháp thay thế cho các hình thức trị liệu tương tác thông thường. Chẳng hạn như trị liệu mặt đối mặt, qua điện thoại, trị liệu tâm lý bằng tin nhắn hoặc video chat”. Ông cho rằng, tính linh hoạt của các cài đặt tùy chọn cùng tính năng phát triển, tạo nền (background) cho avatar (như bãi biển, vườn cây xanh) có thể làm cho hình thức trị liệu này trở nên hấp dẫn hơn.

trị liệu tâm lý thực tế ảo bối cảnh bãi biển
Tích hợp thêm tính năng tùy chọn bối cảnh trị liệu tâm lý thực tế ảo (như bãi biển) có thể giúp thân chủ có trải nghiệm thú vị và dễ chịu hơn. Ảnh: PsyCare

4. Bạn có phù hợp với liệu pháp trị liệu thực tế ảo hay không?

Liệu pháp tâm lý truyền thống mặt đối mặt có thể rất riêng tư và tạo ra bất tiện nhất định ở một số thân chủ. Đối với những người muốn nói chuyện với nhà tâm lý nhưng vẫn cảm thấy không ổn với khoảng cách mặt đối mặt trong hình thức trải nghiệm trực tiếp, thì trị liệu tâm lý thực tế ảo có thể là lựa chọn lý tưởng. Những ai từng gặp sang chấn tâm lý, hoặc lo âu với việc tiếp xúc gần (như rối loạn lo âu xã hội) cũng có thể cân nhắc sử dụng loại hình trị liệu tâm lý này.

Theo Tiến sĩ, Bác sĩ tâm thần David A. Merrill, Giám đốc Trung tâm Sức khỏe Não bộ Thái Bình Dương, Viện Khoa học Thần kinh Thái Bình Dương (thuộc Trung tâm Sức khỏe Providence Saint John): “Nếu một người có thể được ở trong nhà mình, chỉ cần đeo kính VR hoặc màn hình gắn trên đầu và di chuyển trong không gian thực tế ảo, thì có nhiều khả năng họ muốn tham gia vào liệu pháp trị liệu tâm lý VR hơn.”

cô gái đeo kính thực tế ảo VR nói chuyện với nhà tâm lý
Ưu điểm của trị liệu tâm lý thực tế ảo là thân chủ có thể ở trong nhà mình, chỉ cần đeo kính VR là có thể gặp ảnh ảo mô phỏng nhà trị liệu để trò chuyện. Ảnh: PsyCare

Ông còn đề cập đến sự thích thú với hình thức này ở các thanh thiếu niên, trẻ em thường xuyên chơi game. Điều quan trọng là cần phải có một người thiết kế hình đại diện nhà trị liệu phù hợp. Nó giúp thân chủ tương tác với phiên bản ảo của nhà trị liệu trong thế giới VR dễ dàng hơn.

Nghiên cứu của nhóm tác giả Rogers và cộng sự (2022) chỉ là nghiên cứu sơ bộ bước đầu. Nhưng kết quả từ nghiên cứu này đem lại hy vọng cho việc ứng dụng công nghệ thực tế ảo mới mẻ này trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tinh thần. Trị liệu tâm lý thực tế ảo có thể tạo ra một loại liệu pháp khác để thân chủ lựa chọn sao cho phù hợp với nhu cầu, điều kiện, và tính chất vấn đề của bản thân.

Bài viết được cố vấn chuyên môn bởi Ths. Tâm lý lâm sàng Nguyễn Thị Bích Tuyền.

Bài viết cùng chủ đề

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *