Triệu chứng rối loạn lo âu lan tỏa: Chẩn đoán theo DSM-5-TR

Các triệu chứng rối loạn lo âu lan tỏa (Generalized Anxiety Disorder – GAD) thường được chuyên gia sức khỏe tâm thần đánh giá bằng Sổ tay DSM-5-TR (phiên bản sửa đổi). Đây là dạng rối loạn lo âu phổ biến. Hầu hết chúng ta đều trải qua lo lắng và gặp nhiều tình huống gây chúng ta lo lắng. Vậy, làm thế nào để xác định xem liệu những lo lắng ấy có liên quan đến rối loạn lo âu lan tỏa hay không? Hãy tham khảo bộ tiêu chí chẩn đoán triệu chứng GAD trong DSM-5-TR nhé.

1. Đánh giá tiêu chí chẩn đoán các triệu chứng rối loạn lo âu lan tỏa

Các triệu chứng rối loạn lo âu lan tỏa (Generalized Anxiety Disorder – GAD) có thể là một thách thức trong việc chẩn đoán. Bởi vì, các cơn hoảng sợ thường là dấu hiệu của tất cả rối loạn lo âu. Thế nhưng, ở GAD khác ở chỗ không có cơn hoảng sợ nào liên quan đến tình trạng này (Bandelow et al, 2013). Do đó, nếu chưa từng trải qua các cơn hoảng sợ, một người có thể nghĩ rằng mình “chỉ đang lo lắng quá nhiều thôi!“. Những nỗi lo âu thường trực ấy sau đó có thể giảm đi hoặc biến mất. Vì thế mà họ thường không được chẩn đoán và điều trị đúng cách.

Bước đầu tiên để chẩn đoán GAD là đánh giá các tiêu chí triệu chứng. Trong Sổ tay chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần phiên bản thứ 5 đã sửa đổi, DSM-5-TR (Substance Abuse and Mental Health Services Administration, 2016), các chuyên gia sức khỏe tâm thần sẽ xem xét chủ thể có các yếu tố như lo lắng quá mức, gây cản trở kết hợp với nhiều triệu chứng thể chất hay không. Sau đó, sử dụng các công cụ đánh giá đã được kiểm định để đưa ra chẩn đoán và loại trừ các rối loạn khác.

dsm 5 tr chẩn đoán rối loạn lo âu lan tỏa gad
DSM-5-TR là công cụ chẩn đoán rối loạn lo âu lan tỏa được sử dụng phổ biến. Ảnh: PsyCare

2. Tiêu chí chẩn đoán các triệu chứng rối loạn lo âu lan tỏa theo DSM-5-TR

DSM-5-TR phác thảo các tiêu chí cụ thể giúp chuyên gia sức khỏe tâm thần chẩn đoán GAD. Theo đó, công cụ này tập hợp các triệu chứng tiêu chuẩn để chuyên gia sức khỏe tâm thần tham khảo để đánh giá tình trạng của thân chủ chính xác hơn. Trên cơ sở đó, tạo ra kế hoạch chăm sóc hiệu quả hơn.

2.1. Tiêu chí chẩn đoán rối loạn lo âu lan tỏa (GAD)

Khi đánh giá GAD, các chuyên gia lâm sàng sẽ dựa vào các tiêu chí sau:

1. Có hiện diện sự lo lắng, lo âu quá mức về nhiều chủ đề, sự kiện hoặc hoạt động khác nhau. Lo lắng đó có xảy ra thường xuyên hơn trong ít nhất 6 tháng không, có quá mức hay không.

2. Nỗi lo âu được cho là rất khó để kiểm soát. Sự lo lắng ở cả người lớn và trẻ em có thể dễ dàng chuyển từ chủ đề này sang chủ đề khác.

3. Lo âu và lo lắng đi kèm với ít nhất 3 trong số các triệu chứng cơ thể hoặc nhận thức sau đây (Ở trẻ em, chỉ cần có 01 trong những triệu chứng này là cần thiết để chẩn đoán GAD):

  • Bực dọc hoặc bồn chồn
  • Dễ mệt mỏi; mệt mỏi hơn bình thường
  • Suy giảm khả năng tập trung hoặc cảm giác như thể đầu óc trống rỗng
  • Dễ cảm ứng/ khó chịu (người khác có thể quan sát được hoặc không)
  • Tăng đau cơ hoặc đau nhức
  • Khó ngủ (do khó vào giấc hoặc trằn trọc, trằn trọc vào ban đêm hoặc ngủ không ngon giấc)

Lo lắng quá mức có nghĩa là lo lắng ngay cả khi không có mối đe dọa nào hiện diện, hoặc là phản ứng quá mức so với rủi ro thực tế (Hirsch & Mathews, 2012). Một người mắc GAD sẽ mất nhiều thời giờ để lo lắng về điều gì đó. Sự lo lắng có thể đi kèm với việc tìm kiếm sự trấn an từ người khác (Rector et al, 2011). Nhiều người mắc rối loạn lo âu lan tỏa cũng gặp một số triệu chứng như đổ mồ hôi, buồn nôn hoặc tiêu chảy (Bandelow et al, 2017).

triệu chứng rối loạn lo âu lan tỏa
Các triệu chứng rối loạn lo âu lan tỏa (GAD) điển hình. Ảnh: PsyCare

Để chẩn đoán GAD, các triệu chứng của nó không liên quan đến bất kì bệnh lý y khoa hay rối loạn tâm thần nào khác, hoặc không bị ảnh hưởng do việc sử dụng chất kích thích (bao gồm rượu, chất kích thích, hoặc thuốc theo toa) (Back & Brady, 2008).

2.2. Đánh giá biểu hiện rối loạn lo âu lan tỏa ở người lớn và trẻ em

Ở người lớn, lo lắng có thể là về trách nhiệm, hoặc hiệu suất công việc, sức khỏe của bản thân hoặc của các thành viên trong gia đình. Ngoài ra, còn có thể lo lắng về vấn đề tài chính, các tình huống khác nhau trong đời sống thường ngày. Ở trẻ em, đa số lo lắng về khả năng hoặc thành tích của bản thân. Chẳng hạn như lo lắng về thành tích học tập ở trường, lớp (Gale & Millichamp, 2016).

Sự hồi hộp, lo lắng và các triệu chứng khác liên quan khiến người mắc rối loạn lo âu lan tỏa khó thực hiện các hoạt động và trách nhiệm hàng ngày. Họ có thể gặp các vấn đề trong những mối quan hệ, trong công việc, hoặc trong các lĩnh vực quan trọng khác của cuộc sống.

2.3. Chẩn đoán và lượng giá triệu chứng rối loạn lo âu lan tỏa

Trong quá trình lượng giá, bác sĩ lâm sàng sẽ sử dụng các tiêu chuẩn chẩn đoán, công cụ đánh giá lâm sàng để đưa ra chẩn đoán. Thông thường, họ sẽ hỏi về các triệu chứng của bạn bằng các câu hỏi mở. Tuy nhiên, bạn cũng có thể được đề nghị thực hiện một số bảng hỏi tự đánh giá để giúp xác định chẩn đoán, cũng như mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng rối loạn lo âu lan tỏa. Chẳng hạn như Thang đo rối loạn lo âu lan tỏa (Generalized Anxiety Disorder Scale-7).

thang đo rối loạn lo âu lan tỏa
Thang đo rối loạn lo âu lan tỏa (GAD-7) hiện đã được chuẩn hóa phiên bản tiếng Việt. Ảnh: PsyCare

Ngoài ra, còn có một số bảng hỏi bán cấu trúc được sử dụng phổ biến để xác định chẩn đoán GAD. Bao gồm: Bảng phỏng vấn lâm sàng có cấu trúc cho các rối loạn DSM (SCID) và Bảng phỏng vấn về lo âu và các rối loạn liên quan theo DSM-5 (ADIS-5). ADIS cũng có phiên bản dành cho trẻ em. Trong đó, cả phụ huynh và trẻ đều được hỏi về các triệu chứng của trẻ. Các phiên phỏng vấn lâm sàng này cũng hỗ trợ đánh giá sự hiện diện của các tình trạng khác có liên quan, như trầm cảm.

3. Chẩn đoán phân biệt triệu chứng rối loạn lo âu lan tỏa với các rối loạn khác

Các triệu chứng lo âu cũng có thể xuất hiện trong nhiều vấn đề sức khỏe tâm thần được liệt kê trong DSM-5-TR. Chẳng hạn như rối loạn tâm trạng, rối loạn ăn uống, và rối loạn nhận thức. Trong danh mục “Rối loạn lo âu”, có nhiều triệu chứng sẽ trùng lặp. Và, các loại rối loạn lo âu đôi khi cũng có thể bị chẩn đoán nhầm lẫn với nhau.

Do đó, khi tìm đến bác sĩ tâm thần hoặc chuyên viên tâm lý, bạn cần thẳng thắn và trung thực về các dấu hiệu mình đang trải qua. Dựa vào đó, nhà lâm sàng sẽ có cơ sở chẩn đoán chính xác với tình trạng của bạn. Điều này còn giúp họ chẩn đoán phân biệt, loại trừ một số rối loạn khác có khả năng trùng lặp. Chẳng hạn như rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD), rối loạn hoảng sợ, rối loạn lo âu xã hội.

4. Khi nào thì cần tìm trợ giúp điều trị rối loạn lo âu lan tỏa?

Nhiều người có triệu chứng rối loạn lo âu lan tỏa trong thời gian dài mới tìm kiếm sự trợ giúp chuyên nghiệp. Khi này, việc tiếp cận chẩn đoán có thể gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là khi có cảm giác lo lắng liên tục và lan rộng.

Do đó, việc tìm đến các bệnh viện tâm thần, cơ sở chăm sóc sức khỏe tâm thần, hoặc nhà tâm lý học là một bước tiến can đảm. Điều này sẽ giúp bạn làm rõ những gì đang xảy ra. Từ đó, hướng đến việc tạo ra một kế hoạch trị liệu giúp bạn tìm thấy trạng thái khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần.

Khi quyết đình tìm kiếm sự trợ giúp, điều cần cân nhắc là bạn có cảm thấy bình tĩnh, thoải mái, và yên tâm hay không. Ngoài ra, hãy nhớ rằng, GAD khác với những rối loạn lo âu khác là thường không trải qua các cơn hoảng sợ. Nỗi lo âu có thể là mãn tính và đáng lo ngại. Vậy nên, đừng để những yếu tố nhầm lẫn này ngăn cản việc bạn tìm kiếm sự trợ giúp chuyên nghiệp.

Ngoài ra, hãy lưu ý các triệu chứng cơ thể đi kèm với nỗi lo lắng của bạn. Khi liên tục lo lắng, bạn có thể nhận thấy tần suất ngày càng nhiều các biểu hiện sinh lý như đau đầu, kém tiêu hóa, bồn chồn và mệt mỏi (Bandelow et al, 2013). Bên cạnh đó, có thể có những hành vi và triệu chứng khác xuất hiện cùng với sự lo lắng. Một số hành vi điển hình như trì hoãn, tự điều chỉnh kém,… có thể liên quan đến mức độ lo âu quá mức.

một người cầm bảng tìm kiếm trợ giúp tâm lý
Tìm kiếm trợ giúp từ nhà chuyên môn ngay khi phát hiện triệu chứng rối loạn lo âu lan tỏa để được chẩn đoán và can thiệp kịp thời. Ảnh: PsyCare

5. Rối loạn lo âu lan tỏa có chữa được không?

Có nhiều lựa chọn điều trị triệu chứng rối loạn lo âu lan tỏa. Phổ biến nhất là các liệu pháp trị liệu tâm lý, self-help, hoặc một số liệu pháp khác, sẽ dạy bạn nhiều kỹ thuật, chiến lược khác nhau để ứng phó với nỗi lo âu của mình. Trong đó, liệu pháp nhận thức hành vi (Cognitive Behavioral Therapy – CBT) là phương pháp được chứng minh tốt nhất cho các rối loạn lo âu. Ngoài ra, một số thuốc cũng có hiệu quả trong việc điều trị GAD (Bandelow et al, 2017).

Hãy nhớ rằng, rối loạn lo âu lan tỏa là có thể điều trị được. Bạn (hoặc con bạn) không cần phải lo lắng trong im lặng. Vậy nên, ngay khi nhận thấy các triệu chứng rối loạn lo âu lan tỏa, hãy liên hệ cơ sở chăm sóc sức khỏe tâm thần, bác sĩ tâm thần hoặc nhà tâm lý lâm sàng uy tín để được chẩn đoán và lên kế hoạch trị liệu phù hợp, kịp thời. Trong một số trường hợp, bạn có thể tham khảo dịch vụ tham vấn tâm lý qua tin nhắn nhé!

Trúc Nguyễn
Trúc Nguyễn

Bài viết được cố vấn chuyên môn bởi Ths. Tâm lý lâm sàng Nguyễn Thị Bích Tuyền.

Bài viết: 15