Những trải nghiệm bất lợi thời thơ ấu (Adverse childhood experiences – ACEs) có thể gây ra các tác động tiêu cực lâu dài đến sức khỏe, cơ hội và cảm nhận hạnh phúc của trẻ cho đến khi trưởng thành. Việc điều trị và quản lý ACE suốt đời giúp một người có cuộc sống trọn vẹn. Cùng PsyCareVN tìm hiểu tổng quan về khái niệm trải nghiệm tiêu cực thời thơ ấu này và các yếu tố liên quan nhé!
Mục lục
- 1. Trải nghiệm bất lợi thời thơ ấu (ACEs) là gì?
- 1.1. Khái niệm trải nghiệm bất lợi thời thơ ấu (ACEs)
- 1.2. Những nguyên nhân gây nên ACE
- 1.3. Những yếu tố liên quan đến trải nghiệm bất lợi thời thơ ấu (ACEs)
- 1.3.1. Trải nghiệm tuổi thơ tiêu cực và mặc cảm hình ảnh cơ thể
- 1.3.2. Hành vi nguy cơ sức khỏe và trải nghiệm tuổi thơ tiêu cực
- 1.3.3. Mối liên hệ giữa sức khỏe thể chất với trải nghiệm bất lợi thời thơ ấu
- 1.3.4. Mối tương quan giữa sức khỏe tâm thần và trải nghiệm tuổi thơ tiêu cực
- 1.3.5. Mối liên hệ giữa trải nghiệm bất lợi thời thơ ấu với nghèo đói và phân biệt chủng tộc
- 2. Dấu hiệu nhận biết trải nghiệm tiêu cực thời thơ ấu
- 3. Một số test bảng hỏi trải nghiệm bất lợi thời thơ ấu (ACEs)
- 4. Chăm sóc và điều trị những trải nghiệm bất lợi thời thơ ấu
- 5. Có thể phòng ngừa trải nghiệm bất lợi thời thơ ấu được không?
1. Trải nghiệm bất lợi thời thơ ấu (ACEs) là gì?
1.1. Khái niệm trải nghiệm bất lợi thời thơ ấu (ACEs)
Trải nghiệm bất lợi thời thơ ấu (Adverse childhood experiences – ACEs/ACE) đề cập đến những sự kiện căng thẳng hoặc sang chấn làm gián đoạn quá trình phát triển của trẻ trong độ tuổi từ 1 – 17, và có thể gây ra hậu quả lâu dài về mặt tinh thần. ACE liên quan đến “một số nguyên nhân hàng đầu gây ra gánh nặng bệnh tật toàn cầu” (Hughes et al., 2017, p. e365).
Bộ não của trẻ em giống như một miếng bọt biển vậy. Trẻ học hỏi từ những trải nghiệm của mình và hấp thụ kiến thức từ thế giới xung quanh. Ví dụ như khi trẻ học cách cầm thìa hoặc đi xe đạp. Nếu một trải nghiệm tiêu cực xảy ra, như ngã xe đạp, trẻ sẽ học hỏi từ trải nghiệm đó. Sau đó, trẻ có thể đi chậm hơn hoặc thực hiện các biện pháp phòng ngừa an toàn.
Đôi khi, những trải nghiệm tiêu cực nằm ngoài tầm kiểm soát của trẻ và chúng không thể chậm lại hoặc tự bảo vệ mình khỏi những tổn hại về tinh thần hoặc thể chất. Việc mất đi người thân yêu, bị lạm dụng tình dục và bị lạm dụng thể chất, trong số những trải nghiệm khác, là những trải nghiệm bất lợi của thời thơ ấu.
1.2. Những nguyên nhân gây nên ACE
Các nghiên cứu ban đầu về ACE đã xác định 7 loại nghịch cảnh: lạm dụng tâm lý, thể chất hoặc tình dục; người mẹ bị bạo lực, sống với các thành viên trong gia đình là người lạm dụng chất gây nghiện, mắc bệnh tâm thần hoặc có ý định tự tử, hoặc đã từng ở tù. Một số ACE này có tác hại trực tiếp đến trẻ em (ví dụ, lạm dụng) trong khi những ACE khác có tác động gián tiếp hơn (ví dụ, cha mẹ ở tù).
Hơn một nửa số người được khảo sát cho biết họ tiếp xúc với ít nhất một loại nghịch cảm và 1/4 cho biết họ tiếp xúc với 2 hoặc nhiều loại ACE. Ngoài ra, 6,2% người tham gia cho biết họ tiếp xúc với ít nhất 4 loại trải nghiệm bất lợi thời thơ ấu.
Làn sóng nghiên cứu thứ hai được tiến hành vào giữa năm 1997 đã bổ sung thêm một số câu hỏi liên quan đến sự bỏ bê về mặt tình cảm/thể chất, ly thân/ly hôn của ha mẹ. Có hơn 8000 người trả lời trong đợt thu thập dữ liệu này. Trong đó, có 2/3 người được khảo sát báo cáo rằng họ có ít nhất 1 ACE (Dong, Anda, et al., 2004). Theo cách này, thuật ngữ ‘ACE’ đã trở thành thước đo kết hợp của nghịch cảnh thời thơ ấu.
1.3. Những yếu tố liên quan đến trải nghiệm bất lợi thời thơ ấu (ACEs)
1.3.1. Trải nghiệm tuổi thơ tiêu cực và mặc cảm hình ảnh cơ thể
Những trải nghiệm bất lợi thời thơ ấu được coi là một yếu tố nguy cơ dẫn đến sự không hài lòng về cơ thể và rối loạn hình ảnh cơ thể ở tuổi vị thành niên (Longobardi, Badenes-Ribera, & Fabris, 2022). Đối với thanh thiếu niên, có khả năng là những trải nghiệm trong quá khứ về sự sỉ nhục và trêu chọc liên quan đến ngoại hình khiến họ phát triển tính nhạy cảm với sự từ chối dựa trên ngoại hình.
Sự nhạy cảm ấy có liên quan đến nỗi sợ rằng người khác có thể lặp lại những hành động này và rằng họ có thể bị đánh giá và từ chối tiêu cực, do đó dẫn đến việc đầu tư nhiều hơn vào hình ảnh cơ thể và tăng sự không hài lòng về cơ thể.
Xem thêm: Hội chứng mặc cảm ngoại hình (BDD): Cách vượt qua ám ảnh cơ thể
1.3.2. Hành vi nguy cơ sức khỏe và trải nghiệm tuổi thơ tiêu cực
Một phân tích hệ thống cho thấy những người có điểm ACE từ 4 trở lên có khả năng hút thuốc hoặc uống rượu nhiều gấp 2 lần, đồng thời có khả năng gặp vấn đề về uống rượu gấp 6 lần so với những người có điểm ACE là 0 (Hughes et al., 2017). Các hành vi nguy cơ như hút thuốc, ăn quá nhiều và ít vận động có thể xảy ra như một cách để mọi người đối phó với những căng thẳng mà họ đã trải qua (Dong, Giles, et al., 2004).
Sử dụng dữ liệu từ hơn 5000 phụ nữ, các nhà nghiên cứu đã nghiên cứu tác động của trải nghiệm bất lợi thời thơ ấu đối với hành vi nguy cơ tình dục ở phụ nữ. Họ phát hiện ra rằng mỗi loại nghịch cảnh đều “có liên quan đến việc tăng nguy cơ quan hệ tình dục sớm, nhiều bạn tình và nguy cơ tự nhận thức về AIDS” (Hillis et al., 2001, p. 210). Hơn nữa, khi điểm ACE của phụ nữ tăng lên, thì tỷ lệ hành vi nguy cơ tình dục cũng tăng theo.
1.3.3. Mối liên hệ giữa sức khỏe thể chất với trải nghiệm bất lợi thời thơ ấu
Người ta đã tìm thấy mối quan hệ về liều lượng – phản ứng giữa điểm số ACE và nguy cơ mắc nhiều vấn đề sức khỏe như ung thư, gãy xương, bệnh gan, bệnh tim thiếu máu cục bộ, đột quỵ và bệnh phổi mãn tính. Khi điểm số ACE tăng lên thì nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe này cũng tăng theo (Felitti et al., 1998).
Điều này thật đáng chú ý vì trong khi hầu hết mọi người đều hiểu được nguy cơ tổn hại về mặt cảm xúc và xã hội lâu dài do nghịch cảnh thời thơ ấu, thì ít người nhận ra mối liên hệ chặt chẽ giữa tuổi thơ khó khăn và sức khỏe thể chất kém.
1.3.4. Mối tương quan giữa sức khỏe tâm thần và trải nghiệm tuổi thơ tiêu cực
Trên toàn cầu, “gánh nặng bệnh tật liên quan đến bệnh tâm thần” đang gia tăng và giai đoạn ấu thơ là thời điểm quan trọng để đặt nền tảng cho sức khỏe tâm thần sau này (Bellis et al., 2019, p. e525).
Ví dụ, các nghiên cứu ACE phát hiện ra rằng nghịch cảnh thời thơ ấu có liên quan đến khả năng tăng cao mắc chứng ảo giác (Whitfield et al., 2005). Phát hiện này không liên quan đến bất kỳ tiền sử lạm dụng chất gây nghiện nào. Những người có điểm ACE từ 7 trở lên có khả năng báo cáo bị ảo giác cao gấp năm lần so với những người có điểm ACE từ 0 trở lên. Ngoài ra, những người tiếp xúc với 4 hoặc nhiều loại trải nghiệm bất lợi thời thơ ấu có nguy cơ mắc chứng trầm cảm, lạm dụng ma túy và nghiện rượu cao hơn (Felitti et al., 1998).
Phù hợp với điều này, các nghiên cứu sâu hơn đã phát hiện ra rằng việc tiếp xúc với ACE làm tăng khả năng mắc hầu hết các loại rối loạn tâm thần. Rối loạn tâm trạng, lo âu, phụ thuộc chất gây nghiện, rối loạn tâm thần, rối loạn nhân cách, rối loạn hành vi và hành vi tự tử đều có khả năng xảy ra cao hơn ở những người tiếp xúc với ACE (Jorm & Mulder, 2018). Tác động của ACE đối với sức khỏe tâm thần có thể được nhìn thấy trong suốt cuộc đời, cho đến tuổi già (Jorm & Mulder, 2018).
Nghiên cứu ACE ban đầu đã tìm thấy mối quan hệ chặt chẽ giữa điểm ACE và hành vi cố gắng tự tử, với nguy cơ tăng gấp 2 – 5 lần (Dube et al., 2001). Trải nghiệm bất lợi thời thơ ấu được phát hiện chiếm khoảng 2/3 số vụ cố gắng tự tử ở những người lớn được nghiên cứu, điều này cũng chỉ ra tác động lâu dài của những trải nghiệm thời thơ ấu này (Dube et al., 2001).
1.3.5. Mối liên hệ giữa trải nghiệm bất lợi thời thơ ấu với nghèo đói và phân biệt chủng tộc
ACE tương đối phổ biến và có thể xảy ra ở mọi nhóm kinh tế xã hội. Tuy nhiên, một số nhóm dân số, bao gồm cả những người lớn lên trong nghèo đói, có nhiều khả năng gặp phải nhiều nghịch cảnh hơn những người có gia đình đủ nguồn lực. Các yếu tố xã hội và cấu trúc ảnh hưởng đến việc tiếp xúc với ACE, từ đó làm trầm trọng thêm “bất bình đẳng về sức khỏe, kết quả xã hội và kinh tế qua nhiều thế hệ” (Lacey et al., 2020).
Trong khi các nghiên cứu về trải nghiệm bất lợi thời thơ ấu coi việc cha mẹ bị giam giữ là dấu hiệu của sự bất ổn trong gia đình, thì chủ nghĩa phân biệt chủng tộc ở cấp độ xã hội cũng đóng một vai trò trong mức độ giam giữ khác nhau đáng kể giữa những người thuộc các dân tộc khác nhau (Allen & Abresch, 2018). Ngày càng có nhiều lời kêu gọi nghiên cứu để xem xét tác động của các hệ thống chính trị xã hội và tác động của chúng đối với các gia đình (Witherspoon et al., 2020).
2. Dấu hiệu nhận biết trải nghiệm tiêu cực thời thơ ấu
Sau một trải nghiệm tiêu cực thời thơ ấu, trẻ có thể biểu hiện các dấu hiệu chấn thương bao gồm:
- Sợ người khác.
- Khó ngủ hoặc thường xuyên gặp ác mộng.
- Tè dầm.
- Thay đổi tâm trạng.
- Khó khăn trong việc thể hiện tình cảm với bạn bè hoặc gia đình.
- Tránh những tình huống hoặc sự kiện liên quan đến trải nghiệm đau thương.
- Khó khăn trong việc học tập ở trường.
Những dấu hiệu này có thể không xuất hiện ngay sau một sự kiện sang chấn. Chúng thường phát triển sau khi trẻ có thời gian để xử lý trải nghiệm. Trong một số trường hợp, một tác nhân kích hoạt, là thứ nhắc nhở một người về một sự kiện cụ thể, có thể khiến trẻ phản ứng.
Nghiên cứu cho thấy những người lớn có trải nghiệm bất lợi thời thơ ấu có thể có nhiều khả năng gia tăng các hành vi có nguy cơ cao, bao gồm:
- Hút thuốc lá.
- Sử dụng thuốc theo toa không đúng cách.
- Thử nghiệm với ma túy hoặc các chất gây nghiện cao.
- Tham gia vào các hành vi tình dục có nguy cơ cao.
- Cố gắng tự tử hoặc tự làm hại bản thân.
3. Một số test bảng hỏi trải nghiệm bất lợi thời thơ ấu (ACEs)
Theo Bethell và cộng sự (2017), hiện nay có khoảng 14 công cụ đánh giá trải nghiệm bất lợi thời thơ ấu đang được sử dụng trên toàn thế giới. Tuy nhiên, có 2 công cụ có chất lương tốt được sử dụng nhiều nhất là Bảng hỏi trải nghiệm thơ ấu tiêu cực của Dong và cộng sự (2004) và Bảng hỏi quốc tế về trải nghiệm thơ ấu tiêu cực của WHO (ACE-IQ).
Công cụ ACE-IQ ban đầu bao gồm 13 hạng mục: lạm dụng tình cảm; lạm dụng thể xác; lạm dụng tình dục; bạo lực đối với các thành viên trong gia đình; sống chung với các thành viên trong gia đình là người lạm dụng chất gây nghiện; sống chung với các thành viên trong gia đình bị cầm tù; lớn lên với một hoặc không có cha mẹ, cha mẹ ly thân/ly hôn; bị bỏ bê về mặt tình cảm; bắt nạt; bạo lực cộng đồng; bạo lực tập thể. Điểm tổng của thang đo trải nghiệm bất lợi thời thơ ấu ACE-IQ càng cao thì khách thể càng gặp nhiều hình thức nghịch cảnh trước 18 tuổi hơn.
4. Chăm sóc và điều trị những trải nghiệm bất lợi thời thơ ấu
Một số phương pháp điều trị sau đây có thể được đề xuất áp dụng cho những trải nghiệm tiêu cực thời thơ ấu:
- Thường xuyên gặp chuyên gia trị liệu sức khỏe tâm thần để được điều trị tâm lý (liệu pháp trò chuyện).
- Quản lý hoặc điều trị mọi tình trạng sức khỏe tiềm ẩn, thường bằng thuốc.
Các phương pháp điều trị y tế cho những trải nghiệm bất lợi thời thơ ấu khác nhau tùy theo nguyên nhân. Các tình trạng bệnh lý mãn tính kéo dài như bệnh tim và các tình trạng sức khỏe tâm thần như lo âu và trầm cảm sẽ cần được điều trị và quản lý suốt đời.
Xem thêm: Top 15 phòng khám tâm lý ở TPHCM tốt và uy tín nhất
5. Có thể phòng ngừa trải nghiệm bất lợi thời thơ ấu được không?
Những trải nghiệm tiêu cực thời thơ ấu có thể được ngăn ngừa. Để làm được điều này, trước hết, cần phải hiểu và giải quyết các yếu tố khiến mọi người có nguy cơ hoặc bảo vệ họ khỏi bạo lực.
Bốn mục tiêu chiến lược của CDC Hoa Kỳ về phòng ngừa và ứng phó với trải nghiệm bất lợi thời thơ ấu bao gồm:
- Hỗ trợ giám sát ACE và đổi mới dữ liệu.
- Mở rộng những gì chúng ta biết về biện pháp phòng ngừa ACE dựa trên bằng chứng và thúc đẩy trải nghiệm tích cực thời thơ ấu.
- Xây dựng năng lực cho các đối tác địa phương, tiểu bang, bộ lạc và đối tác chủ chốt.
- Tăng cường nhận thức và hiểu biết giữa các đối tác chính.
Việc tạo ra các mối quan hệ và môi trường an toàn, ổn định, nuôi dưỡng cho tất cả trẻ em sẽ ngăn ngừa ACE và giúp trẻ đạt được tiềm năng đầy đủ của mình. Những mối quan hệ và môi trường này rất cần thiết để tạo ra những trải nghiệm tích cực cho tuổi thơ.
Xem thêm:
Tại Việt Nam, các nghiên cứu về trải nghiệm bất lợi thời thơ ấu (ACEs) ngày càng nhiều, giúp nâng cao nhận thức về tác động có hại của nghịch cảnh đối với sức khỏe thể chất, tinh thần, lẫn chức năng xã hội, hành vi nguy cơ sức khỏe và tuổi thọ. Mặc dù một số trường hợp có thể phòng ngừa được, nhưng số khác thì không. Trẻ có thể phát triển thành người lớn thích nghi tốt với sự giúp đỡ của nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và/hoặc chuyên gia sức khỏe tâm thần.