Nói dối bệnh lý: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách đối phó

Một người thường xuyên nói dối quá nhiều có thể là biểu hiện của chứng nói dối bệnh lý (pathological liars/Mythomania). Nói dối không phải là một thói quen tốt, nhưng không phải ai nói dối cũng bị gắn nhãn “kẻ nói dối bệnh lý”. Hãy cùng PsyCare.com.vn tìm hiểu về hội chứng này qua bài viết dưới đây nhé!

1. Nói dối bệnh lý (pathological liars/Mythomania) là gì?

1.1. Lịch sử hình thành khái niệm nói dối bệnh lý

Nói dối bệnh lý là thuật ngữ xuất phát từ tiếng Anh “pathological liars”, hay còn gọi là Mythomania. Theo Aimee Daramus, Tiến sĩ Tâm lý học lâm sàng, trong khi hầu hết mọi người thỉnh thoảng nói dối, một số người lại nói dối thường xuyên hơn và thậm chí là vô thức. Cũng theo Daramus, kẻ nói dối bệnh lý là người không kiểm soát được lời nói dối của mình.

Nghiên cứu của Drew và cộng sự (2020) đã định nghĩa nói dối bệnh lý là “một kiểu hành vi nói dối quá mức, dai dẳng, lan rộng và thường mang tính cưỡng bức dẫn đến suy giảm đáng kể về mặt lâm sàng đối với chức năng trong các lĩnh vực xã hội, nghề ghiệp, hoặc các lĩnh vực khác; gây ra đau khổ rõ rệt; gây nguy hiểm cho bản thân và người khác; và xảy ra lâu hơn 6 tháng”. Nghiên cứu tương tự cho thấy có khoảng 8 – 13% dân số có vấn đề này.

1.2. Định nghĩa nói dối bệnh lý là gì?

Nói dối là một hành vi phổ biến của con người. Khi ai đó nói dối, họ thường có lý do rõ ràng. Nói dối đôi khi có thể được xem là một công cụ để đạt được mục đích nào đó. Nhưng, người có biểu hiện nói dối bệnh lý thường đưa ra những lời nói dối thường xuyên mà không có lý do, thậm chí bất chấp hậu quả (dẫn theo Drew et al, 2020).

Những lời nói dối này có nội dung, chủ đề rất rộng và phức tạp. Thậm chí, họ thường bịa ra những câu chuyện, ngay cả khi điều đó gây hại cho họ, như khiến họ mất việc và hủy hoại các mối quan hệ vì lời nói dối của mình (dẫn theo Drew et al, 2020). Họ có thể không quan tâm, miễn là nó phục vụ cho mục đích của họ.

dấu hiệu người nói dối bệnh lý myhomania
Kẻ nói dối thường bịa ra những câu chuyện, ngay cả khi điều đó gây hại cho họ.

Không rõ liệu những kẻ nói dối bệnh lý có nhận thức được những gì mình nói ra là không đúng sự thật hay không. Tuy nhiên, vẫn có nhiều người tin vào những điều họ nói, ngay cả khi những điều đó rõ ràng là sai sự thật. Và, kẻ nói dối sẽ chỉ thừa nhận rằng bản thân đang nói dối khi lời nói dối của mình được chứng minh là sai.

1.3. Những nguyên nhân vì sao chúng ta nói dối?

Có nhiều lý do khiến người ta nói dối. Một số động cơ phổ biến để nói dối bao gồm:

  • Để được coi trọng
  • Để bảo vệ cái tôi và hình ảnh bản thân
  • Để bù đắp cho sự nhạy cảm của bản thân đối với quyền lực
  • Để tránh việc đối mặt với hậu quả của việc nói thật

1.4. Những vấn đề liên quan đến tình trạng nói dối bệnh lý

Tình trạng “nói dối mãn tính” này thường bắt đầu ở độ tuổi thiếu niên và phát triển đến khi chủ thể trưởng thành. Ở một số người, họ có thể phát triển hành vi nói dối này mà không đi kèm vấn đề hay rối loạn nào cả.

1.4.1. Nói dối và rối loạn nhân cách

Hành vi này có thể là một phần biểu hiện điển hình của một số rối loạn nhân cách (Grant et al, 2019), như rối loạn nhân cách ranh giới (BPD), rối loạn nhân cách chống đối xã hội (ASPD), rối loạn nhân cách ái kỷ (NPD), hoặc rối loạn nhân cách kịch tính (HPD). Tuy nhiên, hành vi nói dối thường xuyên ở người mắc chứng BPD không được xem là bệnh lý.

Theo một nghiên cứu năm 2016 được công bố trên tạp chí Nature Neuroscience, nói dối là một chu kỳ tự duy trì (Garrett et al, 2016). Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra bộ não của những người tham gia để xác định điều gì xảy ra khi ai đó nói dối. Họ phát hiện ra rằng một người càng nói dối nhiều thì họ càng dễ nói dối, điều này khiến họ có nhiều khả năng nói dối hơn.

1.4.2. Nói dối liên quan đến hội chứng Munchausen

Những người mắc hội chứng Munchausen có thể nói dối thường xuyên. Kiểu nói dối bệnh lý này là nhằm một mục đích cụ thể liên quan đến rối loạn của họ, chẳng hạn như nói dối về việc bản thân bị bệnh hoặc về người mà họ chăm sóc (trẻ em hoặc bệnh nhân) bị ốm (Carnahan & Jha, 2023).

1.4.3. Sang chấn thời thơ ấu cũng có thể là nguyên nhân của chứng nói dối bệnh lý

Trong một số trường hợp, nói dối bệnh lý có thể là kết quả của chấn thương thời thơ ấu , chẳng hạn như bị bỏ rơi hoặc bị lạm dụng. Những người không được đáp ứng nhu cầu của mình khi còn nhỏ có thể bắt đầu nói dối như một cơ chế đối phó, nhằm cố gắng có được tình yêu và sự trấn an mà họ khao khát. Hoặc họ có thể sớm hiểu được thông điệp rằng họ không đủ tốt như hiện tại. Vì vậy, họ nói dối để che giấu những gì họ cho là khuyết điểm cá nhân không thể tha thứ khiến họ không xứng đáng với tình yêu của người khác.

1.4.4. Nói dối bệnh lý và mối liên hệ với lòng tự trọng thấp

Người có lòng tự trọng cao không hòa hợp được với sự thiếu trung thực, và do đó, sự không trung thực chỉ có thể phát triển khi lòng tự trọng thấp. Bởi vì người có lòng tự trọng cao luôn tuân thủ các yếu tố cơ bản về sự trung thực, nhằm duy trì sự giao tiếp cởi mở, chân thành với người khác và với chính bản thân.

Xem thêm: 11 dấu hiệu lòng tự trọng thấp và cách khắc phục

Mặt khác, người có lòng tự trọng thấp (low self-esteem) sẽ mời gọi và khuyến khích sự không trung thực (Grant et al, 2019). Khi lòng tự trọng bị hạ thấp, đôi khi chúng ta cảm thấy cần phải nói dối – với bản thân, người khác hoặc cả hai – để tránh những hậu quả đau đớn. Chẳng hạn như “tôi thà nói dối về cảm xúc của mình hơn là nói cho bạn biết quan điểm thực sự của tôi và mạo hiểm đối đầu với cảm xúc không thoải mái.”

Việc không thể coi mình là người trung thực và đáng tin cậy sẽ “đầu độc” quan điểm của chúng ta về bản thân, khiến chúng ta khó cảm thấy hài lòng với con người thật của mình. Do đó, giống như tất cả các yếu tố khác ảnh hưởng đến lòng tự trọng, sự thiếu trung thực vừa là kết quả, vừa là nguyên nhân của lòng tự trọng thấp.

mối liên hệ giữa nói dối và lòng tự trọng thấp
Người có lòng tự trọng thấp cũng có xu hướng nói dối nhiều hơn để tránh dối mặt với hậu quả.

Bất kể lý do nói dối là gì, việc bị nói dối có thể gây khó chịu. Nếu ai đó nói dối bạn nhiều lần, bạn có thể học cách nhận ra lời nói dối của họ. Bạn cũng có thể hỗ trợ nếu họ quyết định điều trị vấn đề của mình.

2. Những đặc điểm của người nói dối bệnh lý

2.1. Nói dối quá nhiều

Những kẻ nói dối bệnh lý thường bịa ra những câu chuyện nghe có vẻ thật đến mức khiến người khác tin vào chúng. Sau đó, họ thêm nhiều lời nói dối để chứng minh cho những lời nói dối ban đầu (Aldert Vrij, 2014). Tuy nhiên, những lời nói dối của họ nghe có thể khá kỳ quặc và dễ dàng bị bác bỏ. Ví dụ như họ có thể khai man rằng mình đã nhận được một giải thưởng nào đó, hoặc nói rằng thành viên trong gia đình đã qua đời (dù người đó còn sống).

2.2. Nói dối không có lý do chính đáng

Nhiều người nói dối lặt vặt để tránh những hậu quả khó chịu, chẳng hạn như nói rằng họ đi học muộn vì tắc đường thay vì thừa nhận rằng mình đã ngủ quên. Nhưng những kẻ nói dối bệnh lý không có động cơ rõ ràng. Họ kể những câu chuyện không mang lại lợi ích và thực sự có thể làm tổn thương chính họ khi sự thật lộ ra.

2.3. Kẻ nói dối bệnh lý thường mô tả mình là anh hùng hoặc nạn nhân

Kẻ nói dối thường có xu hướng coi mình là anh hùng hoặc nạn nhân trong những câu chuyện bịa đặt của bản thân. Mục đích của điều này là nhằm đạt được sự ngưỡng mộ, thông cảm hoặc chấp nhận của người khác.

2.4. Đôi khi, kẻ nói dối dường như tin vào những lời dối trá của bản thân

Kẻ nói dối sẽ kể những câu chuyện bịa đặt nằm ở ranh giới giữa lời nói dối có ý thức và sự ảo tưởng. Đôi khi, họ tin vào lời nói dối của chính mình. Một số người làm điều này thường xuyên đến mức các chuyên gia tin rằng, sau một thời gian, họ có thể không còn phân biệt được đâu là sự thật và hư cấu.

Những người thường xuyên nói dối cũng có xu hướng “biểu diễn” một cách tự nhiên. Họ có tài ăn nói và biết cách giao tiếp với người khác. Họ là những người sáng tạo (trong những câu chuyện của mình), suy nghĩ nhanh và thường không có dấu hiệu nói dối thông thường (như tạm dừng lâu hoặc tránh giao tiếp mắt). Khi được hỏi, họ có thể nói rất nhiều mà không trả lời cụ thể hoặc không trả lời câu hỏi.

2.5. Những dấu hiệu khác giúp bạn nhận biết kẻ nói dối bệnh lý

Nhiều người cũng đã “mô tả” lại lúc họ nói dối, bao gồm những tín hiệu khi họ không nói sự thật, bao gồm:

  • Kể những câu chuyện trái ngược nhau: Khi ai đó không nói thật, họ có thể gặp khó khăn trong việc giữ các chi tiết trong câu chuyện của mình một cách rõ ràng. Một người thường xuyên nói dối cuối cùng sẽ “mất dấu” những lời nói dối trước đó, và bắt đầu mâu thuẫn với chúng. Nếu bạn nhận thấy ai đó có dấu hiệu này, có thể họ đang nói dối.
  • Các chi tiết không thể kiểm chứng: Họ có thể thêm chi tiết để làm cho lời nói dối của họ có vẻ thực tế hơn. Các nghiên cứu cho thấy, đa số kẻ nói dối bệnh lý có xu hướng đưa ra những chi tiết không thể xác minh được.
  • Truyện quá kịch tính hoặc dài dòng: Những lời nói dối thường kịch tính và kéo dài hơn. Nếu ai đó thường kể những câu chuyện dài dòng, nhiều tập về các tình huống quá kịch tính hoặc căng thẳng thì có thể họ đang nói dối bạn đấy!

Tuy nhiên, không phải ai nói dối cũng có những dấu hiệu như trên. Do đó, nếu nghi ngờ ai đó có hành vi nói dối bệnh lý, bạn hãy đặc biệt chú ý đến người đó để đưa ra nhận định sáng suốt nhé!

3. Cách chẩn đoán nói dối bệnh lý

3.1. Người luôn nói dối có được chẩn đoán là rối loạn tâm thần?

Nói dối đôi khi không phải là một triệu chứng của rối loạn tâm thần khác. Tuy nhiên, một số kẻ nói dối bệnh lý có thể mắc các vấn đề về sức khỏe tâm thần như trầm cảm hoặc lo âu. Nhưng đó không phải là nguyên nhân khiến họ nói dối. Nói dối bệnh lý là một tình trạng, không phải là triệu chứng của điều gì khác.

Nói dối bệnh lý không xuất hiện trong DSM-5 hay bất kỳ sổ tay chẩn đoán sức khỏe tâm thần nào, nhưng đây là một khái niệm đã được thiết lập trong tâm lý học. Nói dối thường xuyên có liên quan đến kiểu suy nghĩ và niềm tin rối loạn.

Xem thêm: Có mấy lối suy nghĩ tiêu cực thường gặp: 10 kiểu cần tránh

3.2. Bảng hỏi khảo sát hành vi nói dối (Survey of Pathological Lying behaviors – SPL)

Các nhà nghiên cứu đã phát triển một bài kiểm tra bệnh lý nói dối cụ thể được gọi là Khảo sát hành vi nói dối bệnh lý (Survey of Pathological Lying behaviors – SPL). SPL là một bảng câu hỏi gồm 9 mục về hành vi nói dối, trong đó, người thực hiện có thể trả lời theo thang điểm từ 1 đến 7 (1 = rất không đồng ý, 7 = rất đồng ý). Tất nhiên, luôn có khả năng một kẻ nói dối sẽ trả lời không trung thực bảng khảo sát này!

3.3. Máy đo phát hiện nói dối

Với kẻ nói dối, máy đo nói dối không được sử dụng để phát hiện lời nói dối, mà là để xác định người đó có giỏi “đánh lừa” máy đo nói dối hay không. Nếu họ đang nói dối, nhưng máy đo lại không ghi lại điều đó, đây có thể là dấu hiệu cho thấy người đó đã phát triển kỹ năng nói dối cao, hoặc, họ nghĩ rằng bản thân đang nói thật.

máy đo nói dối
Máy đo nói dối cũng có thể được sử dụng để kiểm tra tần suất kẻ nói dối “đánh lừa” máy.

4. Nguy cơ về lâu dài của nói dối bệnh lý

Nói dối bệnh lý thường xảy ra trong nhiều năm và kéo dài vô tận, trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Sự không trung thực có thể là điều khiến người khác nhớ nhất về họ.

Tác động về sức khỏe tinh thần có lẽ là nguy cơ dễ nhận thấy nhất ở những người là nạn nhân của kẻ thường xuyên nói dối. Daramus lưu ý rằng, nếu bạn phải đối mặt với kẻ luôn nói dối, bạn sẽ luôn ở trong trạng thái không chắc chắn. Tình trạng này có thể trở nên mệt mỏi và căng thẳng, bởi vì bạn sẽ phải liên tục kiểm tra xem lời nói của họ có phù hợp với hành động của chính họ hay không.

Theo Daramus, việc bị nói dối có thể bạn cảm thấy rấ giống như bị châm chọc mặc dù họ không có ý định như vậy. Bởi vì hành động của kẻ nói dối bệnh lý đôi khi có thể có mục đích và phần lớn là ngẫu nhiên hơn.

5. Cách điều trị chứng nói dối bệnh lý

Việc điều trị hành vi nói dối này rất phức tạp. Không có thuốc nào có thể khắc phục được. Lựa chọn tốt nhất là trị liệu tâm lý, nhưng ngay cả điều này cũng có thể đặt ra nhiều thách thức. Bởi vì những kẻ nói dối bệnh lý cũng có thể nói dối nhà trị liệu thay vì giải quyết hành vi nói dối của mình.

Việc điều trị sẽ phụ thuộc vào những gì họ cần và cách họ phản ứng trong từng buổi trị liệu. Để kiểm soát tình trạng này, cần một nhà trị liệu có trình độ và kinh nghiệm lâu năm.

Xem thêm: 

6. Làm thế nào để đối phó với người luôn nói dối?

Việc sống chung với người thường xuyên nói dối có thể khiến bạn căng thẳng và khó chịu. Nếu bạn muốn duy trì mối quan hệ với họ, có thể tham khảo một số cách ứng phó dưới đây:

  • Giữ bình tĩnh: Những người nói dối nhiều thường sẽ phản ứng tiêu cực nếu bạn tỏ ra tức giận. Khi bạn chất vấn người đó về lời nói dối của họ, họ có thể phủ nhận điều đó hoặc đáp lại bằng nhiều lời nói dối khác. Nếu bạn tin rằng mình đang bị lừa dối, trước hết, hãy bình tĩnh.
  • Không tham gia, không “hùa” theo những lời nói dối: Nếu bạn biết rõ họ nói điều gì đó không đúng, thì bạn không có lý do gì để hành động theo như vậy. Việc ủng hộ lời nói dối của người khác sẽ chỉ củng cố hành vi của họ. Thay vào đó, hãy cho họ biết rằng, bạn biết họ đang nói dối và đồng thời dừng cuộc trò chuyện.
làm sao để ứng phó với người nói dối bệnh lý
Bạn nên vạch rõ ranh giới và không “hùa” theo những lời nói dối.
  • Đặt ra ranh giới: Để bảo vệ bản thân, hãy đặt ra ranh giới trong mối quan hệ giữa bạn và kẻ nói dối bệnh lý. Nếu họ không ý thức sâu sắc được về điều này hoặc không sẵn sàng thay đổi, bạn có thể phải tự thiết lập ranh giới cho bản thân về việc liệu bạn có nên tiếp tục giữ mối quan hệ ấy hay không.
  • Kết thúc mối quan hệ: Nếu không thể đối mặt với những lời nói dối từ người đó, bạn có thể chấm dứt mối quan hệ với bạn. Tuy nhiên, điều này không phải lúc nào cũng dễ thực hiện, nhất là khi người đó là đồng nghiệp hoặc là thành viên trong gia đình bạn.
  • Đề nghị họ điều trị tâm lý: Nếu người nói dối có vẻ đau khổ vì lời nói dối của họ, bạn có thể đề nghị họ nhờ chuyên gia tâm lý giúp đỡ. Trị liệu tâm lý có thể giúp họ đối mặt với gốc rễ của việc nói dối và dẫn đến thay đổi hành vi.

Bài viết trên đây đã cùng bạn tìm hiểu tất cả những thông tin về nói dối bệnh lý. Nếu nhận thấy ai đó thường xuyên nói dối bạn, hãy khuyến khích họ tìm kiếm sự trợ giúp chuyên môn cần thiết. Thông qua trị liệu, họ có thể nhận thức rõ hơn về cách thức và nguyên nhân vì sao mình nói dối. Ngoài ra, việc điều trị cũng có thể giúp họ giải quyết các rối loạn sức khỏe tâm thần tiềm ẩn, cùng những tổn thương thời thơ ấu có liên quan.

Ernie Nguyễn
Ernie Nguyễn
Bài viết: 51