Trắc nghiệm Rorschach – Test phóng chiếu vết mực loang: Khái niệm và ứng dụng

Trắc nghiệm Rorschach còn gọi là test phóng chiếu vết mực loang, là công cụ dùng để lượng giá tâm lý. Tâm lý con người là một chủ đề đã được quan tâm, nghiên cứu từ xa xưa. Các nhà nghiên cứu liên tục khám phá, tìm kiếm các phương pháp khác nhau để lượng giá tâm lý con người. Trong số các phát hiện độc đáo đó, bài kiểm tra tâm lý qua các vết mực loang đã nhận được nhiều sự quan tâm. Vậy bài test Rorschach – vết mực loang là gì? Nó được ứng dụng như thế nào? Mời các bạn cùng Psycare.com.vn tìm hiểu nhé!

1. Trắc nghiệm Rorschach – vết mực loang (Hermann Rorschach test) là gì?

Trắc nghiệm Rorschach – test vết mực loang là một bài kiểm tra phóng chiếu. Bài kiểm tra bao gồm 10 thẻ vết mực có hình ảnh đối xứng. Trong đó, có 5 vết mực màu đen xám; 2 vết mực màu đen, xám và đỏ; 3 vết mực có nhiều màu nhưng không có màu đen. Thân chủ được yêu cầu mô tả những gì họ nhìn thấy khi nhìn vào hình ảnh của những vết mực mơ hồ (Assaf Kron et al, 2006).

Bài kiểm tra được thiết kế để phát hiện các dạng rối loạn suy nghĩ của bệnh tâm thần phân liệt và mở rộng sang các lĩnh vực khác như tính cách, rối loạn cảm xúc và trí thông minh. Ngoài ra, bài kiểm tra giúp nhà trị liệu nhận biết suy nghĩ, cảm xúc, động cơ và mong muốn vô thức của thân chủ.

Test phóng chiếu Rorschach đã được tiêu chuẩn hóa bằng hệ thống Exner (được phát triển năm 1960) và có hiệu quả trong việc đo lường chứng trầm cảm, rối loạn tâm thần và rối loạn lo âu (Weiner, 2003).

10 thẻ mực loang test phóng chiếu Rorschach
Test phóng chiếu Rorschach gồm 10 thẻ mực loang đối xứng nhau. Ảnh: psychoticscrivener.com

2. Lịch sử phát triển của trắc nghiệm vết mực loang Hermann Rorschach

Bài kiểm tra Hermann Rorschach được phát triển vào năm 1921 bởi nhà tâm lý học người Thụy Sĩ cùng tên. Một trong những trò chơi yêu thích của Hermann Rorschach khi còn nhỏ là Klecksography – trò chơi liên quan đến việc tạo ra các vết mực, từ đó bịa ra những câu chuyện hoặc bài thơ về chúng. Ông thích trò chơi này đến nỗi các bạn trong lớp đặt biệt danh cho ông là “Klecks” (tiếng Đức có nghĩa là vết mực).

Mối quan tâm của ông đến các vết mực vẫn kéo dài cho đến tuổi trưởng thành. Những vết mực này không phải là những vết mực đơn giản, tùy tiện chấm lốm đốm trên một mảnh giấy được gấp đôi và mở ra. Đúng hơn, Rorschach đã sử dụng tài năng nghệ thuật của mình tạo hình mỗi vết mực đều có những đường viền nhằm gợi ý các đồ vật hoặc hình ảnh cụ thể nào đó mà hầu hết mọi người đều có thể nhận thấy.

Khi làm việc tại một bệnh viện tâm thần, ông đã thử nghiệm hơn 40 vết mực trên các bệnh nhân của mình từ năm 1917 đến năm 1920. Hermann Rorschach nhận thấy các bệnh nhân tâm thần phân liệt có những phản ứng rất khác biệt với những bệnh nhân khác khi được tiếp xúc với vết mực. Điều này khiến ông trăn trở, liệu các vết mực có thể được sử dụng để đánh giá, chẩn đoán cho các chứng rối loạn tâm thần khác hay không.

Có lẽ lấy cảm hứng từ trò chơi yêu thích thời thơ ấu và nghiên cứu về biểu tượng giấc mơ theo thuyết phân tâm học Sigmund Freud, Rorschach đã phát triển một cách tiếp cận có hệ thống để sử dụng vết mực làm công cụ đánh giá tâm lý. Ông đã chọn 15 vết mực tối ưu để xuất bản. Nhưng do chi phí in ấn và việc tìm kiếm nhà sản xuất để xuất bản đủ 15 vết mực thật sự khó khăn. Cuối cùng, năm 1921 ông đã làm lại bản thảo chỉ gồm 10 trong 15 vết mực để xuất bản.

Xem thêm:

lịch sử phát triển trắc nghiệm Hermann Rorschach
Hermann Rorschach phát triển trắc nghiệm Rorschach dựa trên trò chơi tuổi thơ về vết mực loang của mình.

Rorschach không phải là người đầu tiên cho rằng cách giải thích của một người về một khung cảnh mơ hồ có thể tiết lộ những khía cạnh tiềm ẩn trong tính cách của cá nhân đó. Alfred Binet cũng đã từng thử nghiệm ý tưởng sử dụng vết mực như một công cụ để kiểm tra khả năng sáng tạo và ban đầu dự định đưa vết mực vào bài kiểm tra trí thông minh của mình.

3. Ý nghĩa và công dụng của thang đánh giá nhân cách Rorschach vết mực loang

Theo APA, bài kiểm tra Rorschach được sử dụng trong tâm lý trị liệu và tham vấn, mặc dù không còn được phổ biến như trước đây.

Các nhà trị liệu sử dụng trắc nghiệm Rorschach để có được thông tin định tính ban đầu về thân chủ bao gồm tính cách, cảm xúc và các kiểu suy nghĩ của họ. Kết quả này sẽ là tiền đề để các nhà trị liệu tìm hiểu sâu hơn về các vấn đề có thể có ở thân chủ. Trên thực tế, các nhà Tâm lý học đã từng sử dụng Rorschach để đưa ra các chẩn đoán về tâm thần phân liệt.

Tương tự, nhiều tổ chức đã sử dụng bài kiểm tra để đo lường các thuộc tính khác như test tính cách, tính sáng tạo, trí thông minh. Ngoài ra, bài kiểm tra còn được sử dụng để tìm kiếm công việc phù hợp, đánh giá sự phù hợp của cá nhân với một vị trí nào đó trong tổ chức hay việc nhận con nuôi.

Xem thêm: Thuyết đa trí tuệ của Howard Gardner: Nội dung và ứng dụng

Trắc nghiệm Rorschach vết mực loang test là gì
Ngoài tâm lý trị liệu, test vết mực loang Rorschach ngày nay vẫn còn được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

4. Cách chấm điểm trắc nghiệm Hermann Rorschach test

4.1. Nội dung các hình ảnh vết mực loang trong trắc nghiệm Rorschach test

Nội dung được định nghĩa là tên của đối tượng mà thân chủ thường phản hồi khi nhìn vào vết mực. Theo đó, có một số đối tượng phổ biến bao gồm:

  • Toàn thể con người (H): Hình ảnh con người toàn diện;
  • Chi tiết của con người (Hd): Một hình người không hoàn chỉnh (người có một chân) hoặc hình dạng con người hoàn chỉnh nhưng thiếu bộ phận cơ thể (người không đầu);
  • Chi tiết của con người hư cấu/ thần thoại (Hd): Một nhân vật hư cấu hoặc thần thoại chưa hoàn chỉnh (ví dụ: đôi cánh của thiên thần,…);
  • Đặc điểm của động vật (Ad): Hình dạng động vật chưa hoàn chỉnh (ví dụ: đầu mèo, càng cua,…);
  • Giới tính (Sx): Bất cứ điều gì liên quan đến cơ quan sinh dục, hoạt động có tính chất tình dục hoặc sinh sản hữu tính (ví dụ: quan hệ, tình dục, vú,…);
  • Thiên nhiên (Na): Bất kỳ điều gì liên quan đến thiên văn hoặc thời tiết (ví dụ: mặt trời, hành tinh, nước, cầu vồng,…).

Một số câu trả lời của thân chủ khá phổ biến, nhiều thân chủ khác cũng trả lời như vậy. Tuy nhiên, cũng có một số câu trả lời rất đặc biệt. Những câu trả lời khác biệt này cần được chú ý, bởi vì rất có thể chúng thể hiện những rối loạn trong kiểu suy nghĩ của thân chủ.

4.2. Xác định vị trí phản hồi

Xác định vị trí vết mực mà thân chủ đưa ra phản hồi là một yếu tố cần được ghi điểm trong trắc nghiệm Rorschach. Vị trí đề cập đến lượng vết mực mà thân chủ đã sử dụng để phản hồi.

  • “W”: Toàn bộ vết mực được sử dụng để đưa ra phản hồi;
  • “D”: Phần được mô tả của vết mực được sử dụng;
  • “Dd”: Một chi tiết được dùng để mô tả không phổ biến hoặc bất thường;
  • “S”: Khoảng trắng ở nền được sử dụng.
quy trình tiến hành trắc nghiệm Rorschach
Xác định vị trí vết mực thông qua phản hồi của thân chủ là một yếu tố cần được ghi điểm trong trắc nghiệm Rorschach. Ảnh: https://krakeimages.com/Freepik

4.3. Yếu tố quyết định

Yếu tố quyết định là một trong những khía cạnh phức tạp nhất của việc chấm điểm bài kiểm tra vết mực loang Rorschach. Đây là lúc nhà trị liệu xem xét lý do vì sao thân chủ lại nhìn thấy những hình ảnh đó. Những tính chất nào của vết mực đã ảnh hưởng đến phản hồi của thân chủ.

Có 5 yếu tố của vết mực ảnh hưởng đến câu trả lời của thân chủ gồm:

  • Màu sắc
  • Hình thức
  • Sự chuyển động
  • Cặp và phản ánh
  • Bóng

Ví dụ: Nếu thân chủ trả lời nhìn thấy một bông hoa trong thẻ 8 vì có màu đỏ, nhà trị liệu sẽ mã hóa câu trả lời là màu sắc.

Mỗi danh mục được chia thành các danh mục con riêng và có thể có ít nhất 26 mã xác định. Có thể sử dụng nhiều hơn một yếu tố quyết định trong một câu trả lời.

5. Các bước thực hiện trắc nghiệm Hermann Rorschach test

Trong quá trình thực hiện bài test phóng chiếu Rorschach, nhà trị liệu sẽ ngồi cạnh thân chủ. Điều này giúp nhà trị liệu nhìn thấy những gì thân chủ đang thấy. Tiến hành kiểm tra bao gồm các bước sau:

  1. Trình bày: Nhà trị liệu cho thân chủ xem từng thẻ một và hỏi thân chủ “Đây có thể là gì?“.
  2. Trả lời: Thân chủ tự do giải thích hình ảnh theo cách thân chủ muốn. Không giới hạn thời gian và không giới hạn câu trả lời, tức là thân chủ có thể có nhiều câu trả lời cho cùng một hình ảnh. Thân chủ cũng có thể tùy chỉnh góc nhìn của vết mực (xoay ngang, lộn ngược, nghiêng,…).
  3. Ghi âm: Nhà trị liệu sẽ ghi âm lại tất cả những gì thân chủ nói, không bỏ sót bất kỳ chi tiết nào. Nhà trị liệu cũng sẽ ghi lại thời gian dành cho mỗi câu trả lời, cách cầm thẻ, biểu hiện cảm xúc của thân chủ,… trong quá trình trả lời.
  4. Xác nhận: Sau khi thân chủ xem qua từng vết mực một lần, nhà trị liệu tiếp tục cho thân chủ xem lại những vết mực đó lần thứ hai. Mục đích của việc này không phải là để có được thông tin mới mà là để nhà trị liệu xác nhận những gì thân chủ nhìn thấy ảnh hưởng đến câu trả lời của thân chủ. Nhà trị liệu yêu cầu thân chủ chỉ ra những đặc điểm nào đã làm thân chủ thấy giống đối tượng.

Trung bình, mất khoảng 1,5 giờ để thực hiện và chấm điểm bài kiểm tra.

cách thực hiện test phóng chiếu vết mực loang Hermann Rorschach
Thân chủ sẽ được khuyến khích mô tả những gì mình thấy được qua từng tấm thẻ khi thực hiện test phóng chiếu Rorschach.

6. Cách giải thích bài đánh giá nhân cách Rorschach test

Giải thích trắc nghiệm đánh giá nhân cách Rorschach là một quá trình phức tạp. Việc này đòi hỏi nhà tâm lý phải có kiến thức phong phú liên quan đến động lực nhân cách và cả kinh nghiệm đáng kể với bài kiểm tra này.

Ngoài điểm số chính thức, giải thích kết quả bài kiểm tra Rorschach còn dựa trên các hành vi, cảm xúc thân chủ thể hiện trong quá trình làm bài kiểm tra, mô hình điểm số của các câu trả lời, những chủ đề thân chủ thể hiện là độc đáo, mới lạ hay nhất quán, quen thuộc.

Thân chủ đưa ra phản hồi tương đối nhanh có thể cho thấy họ cảm thấy thoải mái với người khác và với các mối quan hệ xã hội. Ngược lại, việc thân chủ phản hồi chậm rất có thể thể hiện họ đang gặp khó khăn với các mối quan hệ xã hội.

7. Những tranh cãi về thang đánh giá Hermann Rorschach test

Bất chấp sự phổ biến của nó, trắc nghiệm Rorschach vẫn là một bài test gây nên nhiều tranh cãi. Nhiều lời chỉ trích tập trung vào cách chấm điểm của Rorschach và liệu kết quả có giá trị chẩn đoán hay không (Wood et al, 2010).

7.1. Có nhiều hệ thống tính điểm

Trước năm 1970, Rorschach có tới 5 hệ thống tính điểm khác nhau đại diện cho 5 phiên bản khác nhau của bài kiểm tra. Năm 1974, John Exner xuất bản một hệ thống tính điểm mới toàn diện kết hợp những yếu tố mạnh nhất của các hệ thống trước đó (John E. Exner, 1974).

Hệ thống tính điểm Exner hiện là phương pháp tiêu chuẩn được sử dụng trong việc quản lý, tính điểm và diễn giải trắc nghiệm Rorschach. Tuy nhiên, một số chuyên gia cảnh báo rằng do hệ thống tính điểm Exner có nhiều sai sót nên các bác sĩ lâm sàng có thể dễ đưa ra chẩn đoán quá mức các chứng rối loạn tâm thần (Mukherjee et al, 2019).

7.2. Trắc nghiệm Hermann Rorschach test thiếu độ tin cậy

Một lời chỉ trích quan trọng khác về Rorschach là thiếu độ tin cậy (Mukherjee et al, 2019). Độ tin cậy nghĩa là kết quả nhận được vẫn như nhau bất kể ai là người chấm điểm bài kiểm tra. Việc chấm điểm trắc nghiệm Rorschach phụ thuộc nhiều vào cách diễn giải của nhà tâm lý. Do đó, nếu có hai nhà tâm lý thực hiện thì có thể đưa ra kết quả khác nhau cho cùng một thân chủ.

7.3. Hiệu lực kém

Ngoài những lời chỉ trích ban đầu về hệ thống tính điểm không nhất quán, độ hiệu lực của bài kiểm tra Rorschach cũng nhận được không ít tranh cãi (Mukherjee et al, 2019). Trắc nghiệm Rorschach có đo lường được những gì tác giả tuyên bố không? Test phóng chiếu Rorschach có thể đánh giá chính xác cảm xúc và tính cách của một người hay không? Câu trả lời là không.

Có nghiên cứu cho thấy, Rorschach thường không thể chẩn đoán chính xác hầu hết các rối loạn tâm lý, bao gồm trầm cảm, lo âu hay rối loạn nhân cách (Weiner, 2003). Tuy nhiên, một số nghiên cứu khác lại cho thấy Rorschach có hiệu quả trong việc đánh giá các rối loạn về tư duy và các triệu chứng liên quan đến tâm thần phân liệt (Mihura et al, 2013).

Năm 1999, các lời chỉ trích này đã khiến một số nhà tâm lý học khuyến nghị tạm dừng sử dụng Rorschach cho mục đích lâm sàng, ít nhất là đến khi có những nghiên cứu sâu hơn xác định giá trị thực sự của nó (Garb H.N., 1999).

8. Ngày nay Hermann Rorschach test có còn được sử dụng hay không?

Một số nhà tâm lý học hiện đại coi Rorschach chỉ là một di tích của quá khứ tâm lý học, một thứ giả khoa học ngang hàng với não tướng học (giả khoa học liên quan đến việc đo các vết bướu trên hộp sọ để xác định đặc điểm tinh thần của con người). Mặc dù được xem là một công cụ không hoàn hảo nhưng trắc nghiệm Rorschach vẫn tiếp tục được sử dụng rộng rãi, đặc biệt là để chẩn đoán bệnh tâm thần phân liệt – vốn là mục đích ban đầu của Rorschach (Mihura et al, 2013).

Bất chấp những ý kiến trái chiều, chúng ta cũng không thể phủ nhận test phóng chiếu Rorschach đã tạo nên một hướng đi mới độc đáo trong việc khám phá tâm lý con người. Trắc nghiệm Rorschach đã chứng minh được hiệu quả của mình trong nhiều lĩnh vực.

Ngày nay, bài kiểm tra được sử dụng ở nhiều môi trường khác nhau như phòng tham vấn tâm lý, trường học, bệnh viện hay phòng xử án. Không thể phủ nhận hiệu quả của nó trong việc giúp các nhà tâm lý nhận biết động cơ hành vi và các vấn đề của thân chủ.

Nghệ sĩ người Úc, Ben Quilty, cũng đã sử dụng kỹ thuật Rorschach trong các bức tranh của mình. Ben đã tạo ra một tác phẩm nghệ thuật từ hình dạng được tạo ra bằng phương pháp này.

Cách chấm điểm bài kiểm tra trắc nghiệm Rorschach cũng được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội với nhiều cách thực hiện khác nhau. Tuy nhiên, việc tự thực hiện test và tự tính điểm như vậy không đảm bảo hiệu quả, có thể khiến bạn có những nhìn nhận sai lệch về tâm lý của chính mình. Do đó, để có được những kết quả có ý nghĩa, các bạn nên đến gặp các chuyên gia, các nhà tâm lý để được tiến hành kiểm tra chính xác nhé!

Tiểu Thiệp
Tiểu Thiệp
Bài viết: 14