Hội chứng sợ người lạ (Xenophobia): Dấu hiệu, nguyên nhân và điều trị

Thuật ngữ Hội chứng sợ người lạ ra đời để chỉ những suy nghĩ, tư tưởng sợ hãi và phân biệt đối với những người xa lạ hoặc khác biệt với mình. Hội chứng này biểu hiện rõ rệt hơn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Những nghi ngờ liên quan đến việc phát tán đại dịch đã là nguyên nhân gây nên phân biệt đối xử với những ai đến từ các khu vực Đông Á và Đông Nam Á. Vậy Hội chứng sợ người là gì? Tại sao nó lại gây nên những tác động tiêu cực đến như vậy? Mời các bạn tiếp tục cùng PsyCareVN tìm hiểu nhé!

1. Hội chứng sợ người lạ (Xenophobia) là gì?

Thuật ngữ hội chứng sợ người lạ hay còn gọi là bài ngoại bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp “xenos” có nghĩa là “người lạ” và “phobos” có nghĩa là “sợ hãi”.

Hội chứng sợ người lạ là thuật ngữ dùng để chỉ nỗi sợ đối với những người lạ, những người khác biệt với mình.

Hội chứng sợ người lạ thường bị nhầm lẫn với phân biệt chủng tộc, định kiến xã hội hay kỳ thị đồng tính. Tuy nhiên, chúng có những khác biệt quan trọng. Những định kiến xã hội và các hình thức phân biệt đối xử khác dựa trên các đặc điểm cụ thể như dân số, chủng tộc, màu da, tôn giáo,…

Ví dụ, phân biệt chủng tộc dựa trên niềm tin rằng chủng tộc này ưu việt hơn chủng tộc khác. Còn hội chứng sợ người lạ là một tình trạng tâm lý, bắt nguồn từ nhận thức rằng các cá nhân hay tập thể khác khác biệt với nhóm có hội chứng này. Cảm giác ưu việt hơn người khác có nguyên nhân từ sự căm ghét dựa trên nỗi sợ hãi.

Việc nhận biết và điều trị hội chứng sợ người lạ là rất quan trọng. Bởi vì nó có thể gây ra những tác động có hại cho cả cá nhân và xã hội.

hội chứng sợ người lạ là gì
Xenophobia là chứng sợ hãi đối với những người lạ, có khác biệt với mình.

2. Dấu hiệu nhận biết hội chứng sợ người lạ

2.1. Những dấu hiệu của chứng sợ người lạ

Mặc dù hội chứng sợ người lạ có thể được biểu hiện theo nhiều cách khác nhau, tuy nhiên có các dấu hiệu điển hình có thể kể đến như:

  • Cảm thấy không thoải mái khi ở cạnh những người thuộc nhóm, tổ chức khác.
  • Cố gắng né tránh các địa điểm hay tình huống cụ thể.
  • Từ chối làm quen, kết bạn với người khác với các lý do như màu da, cách ăn mặc hoặc các yếu tố bên ngoài khác.
  • Không tôn trọng người giám sát/quản lý hay làm việc hợp tác với các nhóm không thuộc cùng chủng tộc, văn hóa hoặc tôn giáo.

Mặc dù nhìn những biểu hiện bên ngoài, có thể đoán hội chứng sợ người lạ có những nỗi ám ảnh thực sự, nhưng thực tế hội chứng này không bắt nguồn từ nỗi ám ảnh cụ thể nào. Thuật ngữ này thường được dùng để mô tả những người phân biệt đối xử với người nước ngoài và người nhập cư.

Những người mắc chứng sợ người lạ tin rằng văn hóa hoặc quốc gia của họ ưu việt hơn, họ muốn loại người nhập cư ra khỏi cộng đồng và thậm chí tham gia vào các hành động để gây bất lợi cho những người bị coi là người ngoài.

2.2. Hội chứng sợ người lạ có phải là một rối loạn tâm thần hay không?

Hội chứng sợ người lạ không được công nhận là một rối loạn tâm thần trong Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần (DSM-5). Nó được xem là một nỗi ám ảnh thuộc rối loạn lo âu.

Một số nhà tâm lý và bác sĩ tâm thần cho rằng hội chứng sợ người lạ nên được đưa ra tiêu chí chẩn đoán riêng hay là một loại phụ của một tình trạng rối loạn khác. Poussaint (2002) cho rằng hội chứng sợ người lạ nên được coi là một rối loạn ảo tưởng.

Nguyên nhân đằng sau ý kiến này là do những hành vi bạo lực cực độ từ những người thuộc hội chứng sợ người lạ gây nên nếu không được xem là tình trạng bệnh lý, có nguy cơ bình thường hóa các hành vi cực đoan này, gây ảnh hưởng tiêu cực cho các cá nhân và xã hội. Do đó, các nhà nghiên cứu đề xuất có một loại “định kiến” theo tiêu chí của chứng rối loạn ảo tưởng, có thể giải thích cho thái độ và hành vi cực đoan của hội chứng sợ người lạ.

Ngược lại, cũng có một số ý kiến cho rằng không nên coi hội chứng sợ người lạ là một tình trạng sức khỏe tâm thần, họ cho rằng đây là vấn đề xã hội hơn là vấn đề sức khỏe tâm thần (Bell, 2004).

Mặc dù hội chứng sợ người lạ có nhắc đến “ám ảnh” – một tình trạng sức khỏe có thể chẩn đoán được, nhưng sự ám ảnh này không cụ thể như những ám ảnh lâm sàng khác như chứng sợ khoảng trống hay sợ bị vây kín. Những cá nhân mắc hội chứng này sẽ sợ tất cả những người khác mình, kể cả những người cùng chủng tộc, dân tộc và văn hóa với họ.

Những người có hội chứng sợ người lạ sẽ trải qua các triệu chứng lo lắng ngay cả khi chỉ nghĩ đến người lạ. Họ sẽ cố gắng tránh xa những người lạ càng nhiều càng tốt, điều này có thể gây khó khăn cho cuộc sống của họ.

Mặc dù hội chứng sợ người lạ không phải là một tình trạng sức khỏe tâm thần có thể chẩn đoán được nhưng nó có thể được xem là triệu chứng của các tình trạng sức khỏe tâm thần khác. Ví dụ, phân biệt chủng tộc cực đoan xuất phát từ hội chứng sợ người lạ có thể là triệu chứng của rối loạn tâm thần phân liệt.

Mặt khác, hội chứng sợ người lạ cũng có thể do rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD) gây nên. Một cá nhân phát triển PTSD sau khi trải qua những khủng bố và bạo lực ở một quốc gia khác, có thể xuất hiện hội chứng sợ người lạ sau trải nghiệm đó.

3. Phân loại chứng sợ người lạ (Xenophobia)

3.1. Chứng sợ người lạ

Hội chứng sợ người lạ được phân chia làm hai loại:

  • Hội chứng sợ người lạ do sự khác biệt về văn hóa: Loại này liên quan đến việc từ chối các đồ vật hoặc biểu tượng gắn liền với một nhóm hay quốc tịch khác, bao gồm ngôn ngữ, quần áo, màu da, âm nhạc hay các truyền thống gắn liền với văn hóa khác.
  • Hội chứng sợ người lạ do sự khác biệt của con người về nhóm/ tổ chức/người nhập cư: Loại này liên quan đến việc từ chối những người mà cá nhân tin rằng không thuộc về nhóm xã hội của họ, bao gồm từ chối những người thuộc các tôn giáo, quốc tịch khác và có thể dẫn đến sự đán áp, thù địch, bạo lực, thậm chí diệt chủng.

Mong muốn được thuộc về một nhóm/tổ chức nào đó là một mong muốn thuộc bản năng và có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên, nó cũng có thể dẫn đến sự nghi ngờ với các đối tượng được cho là không thuộc nhóm của mình. Việc bảo vệ lợi ích của nhóm bằng cách loại bỏ các mối đe dọa là điều tự nhiên.

Thật không may, khả năng bảo vệ tự nhiên này có thể khiến các thành viên trong nhóm xa lánh, thậm chí tấn công những người được cho là khác biệt, ngay cả khi họ thật sự không gây ra bất kỳ mối đe dọa đáng kể nào.

3.2. Hội chứng sợ người lạ/Bài ngoại khác với phân biệt chủng tộc như thế nào?

Hội chứng sợ người lạ và phân biệt chủng tộc giống nhau ở chỗ chúng đều liên quan đến thành kiến và phân biệt đối xử, nhưng giữa chúng vẫn có những khác biệt quan trọng.

Phân biệt chủng tộc với niềm tin rằng các đặc điểm bên ngoài như màu da, giọng nói, kiểu tóc,…quyết định giá trị tổng thể của một người nào đó. Những người có những đặc điểm chủng tộc “mong muốn” được coi là vượt trội hơn những người thiếu những đặc điểm đó. Như một thực tế, phân biệt chủng tộc cũng liên quan đến sự áp bức có hệ thống đối với những nhóm được coi là thấp kém.

Ở Mỹ, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và tư tưởng chủ nghĩa thượng đẳng của người da trắng đã nâng người Mỹ da trắng lên vị trí “cấp trên”. Những cá nhân thuộc các nhóm khác như người Mỹ da đen, người Mỹ bản địa, người Mỹ gốc Tây Ban Nha, người Mỹ gốc Á và những người dân thuộc đảo Thái Bình Dương, cùng với những người chưa có Quốc tịch Mỹ đều được coi là những người thuộc tầng lớp thấp kém, không có tiếng nói, thậm chí là hạ nhân.

Hội chứng sợ người lạ không tập trung vào bất kỳ đặc điểm bên ngoài nào của cá nhân, mà chỉ xuất phát từ nguyên nhân đơn giản là cá nhân đó khác với những cá nhân mắc chứng sợ người lạ. Tư duy bài ngoại chia con người thành hai nhóm: “người trong cuộc” và “người ngoài cuộc”. Người trong cuộc sợ hãi và né tránh tất cả những người ngoài cuộc.

Các tiêu chí phân biệt người ngoài cuộc có thể khác nhau, tùy thuộc vào các nhóm và những tiêu chí này không phải lúc nào cũng tập trung vào sự khác biệt về chủng tộc. Một người có thể vừa có hội chứng sợ người lạ vừa có phân biệt chủng tộc.

4. Nguyên nhân gây nên hội chứng sợ người lạ (Xenophobia)

Có một số yếu tố khác nhau được cho là nguyên nhân gây nên hội chứng sợ người lạ:

  • Bất an xã hội và kinh tế: Người ta thường tìm ai đó để đổ lỗi cho những lúc kinh tế gặp khó khăn hoặc những biến động xã hội. Những người nhập cư và các nhóm thiểu số thường bị coi là nguyên nhân gây ra những tệ nạn xã hội.
  • Thiếu thông tin, thiếu liên hệ: Những người có ít hoặc không có liên hệ với những người đến từ các nền văn hóa hoặc hoàn cảnh khác thường có nhiều khả năng sợ hãi hoặc không tin tưởng họ.
  • Truyền thông: Cách người nhập cư và dân tộc thiểu số được miêu tả trên các phương tiện truyền thông cũng có thể ảnh hưởng đến thái độ của mọi người đối với họ. Nếu họ chỉ được miêu tả dưới góc độ tiêu cực, có thể củng cố thêm định kiến ​​của người khác về họ.
  • Sợ người lạ: Nhìn chung, mọi người thường sợ những thứ xa lạ. Điều này có thể áp dụng cho cả ngoại hình và sự khác biệt về văn hóa.
  • Bài ngoại là một phản ứng học được: Nếu bạn lớn lên và tiếp thu tư tưởng bài ngoại từ cha mẹ, bạn bè và những người khác, thì bạn có nhiều khả năng sẽ đồng tình với những niềm tin này. Thái độ bài ngoại cũng có thể phát triển sau sang chấn hoặc khủng hoảng, bao gồm trộm cắp, hành động khủng bố, bạo lực hoặc đại dịch toàn cầu như Covid-19 (Sylvia Chou & Gaysynsky, 2021).

5. Chứng sợ người lạ có ảnh hưởng như thế nào đến chất lượng cuộc sống?

Hội chứng sợ người lạ không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân mà còn ảnh hưởng đến toàn bộ xã hội, bao gồm quan điểm văn hóa, kinh tế, chính trị và lịch sử. Ví dụ, tư tưởng bài ngoại ở Hoa Kỳ không chỉ gây nên các hành vi phân biệt đối xử mà còn cả hành vi bạo lực đối với những người nhập cư từ Latinx, Mexico và Trung Đông.

Hội chứng sợ người lạ có thể dẫn đến:

  • Sự thù địch đối với những người có nguồn gốc khác.
  • Suy giảm cả về mặt kinh tế và xã hội.
  • Luôn có thành kiến ngầm đối với các cá nhân thuộc nhóm ngoài.
  • Chủ nghĩa biệt lập.
  • Phân biệt đối xử.
  • Sự thù địch tạo nên các hành vi phạm tội.
  • Tranh giành chính trị.
  • Chiến tranh và diệt chủng.
  • Chính sách đối nội và đối ngoại gây tranh cãi.

Không phải tất cả những người có hội chứng sợ người lạ đều bắt đầu chiến tranh hay phạm tội vì thù hận. Nhưng hội chứng này ít nhiều sẽ gây nên những tác động tiêu cực cho cá nhân và xã hội. Điều này sẽ gây khó khăn cho những ai thuộc nhóm “khác” trong xã hội để tiếp cận các dịch vụ công cộng, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, tìm kiếm việc làm hay nhà ở,…

Việc biến một đặc điểm tích cực (hòa hợp và bảo vệ nhóm khỏi các mối đe dọa) thành một đặc điểm tiêu cực (liên kết bè phái và loại trừ những đối tượng được cho là mối đe dọa khi chúng thậm chí không gây ra bất kỳ nguy hiểm nào) đã dẫn đến hàng loạt những hành vi phạm tội, đàn áp, chiến tranh và nghi ngờ lẫn nhau. Hội chứng sợ người lạ có nguy cơ cao gây nguy hiểm cho những người khác hơn là bản thân mình.

6. Chẩn đoán hội chứng sợ người lạ

Mặc dù hội chứng sợ người lạ chưa được công nhận là một chứng rối loạn tâm thần, nhưng nó được xem là một loại rối loạn lo âu và có một số tiêu chí có thể chẩn đoán như:

  • Sợ tất cả người lạ, kể cả những người cùng chủng tộc, dân tộc và văn hóa với họ.
  • Trải qua nỗi sợ hãi, lo lắng khi chỉ nghĩ đến những người lạ.
  • Có hành vi và thái độ phân biệt đối xử với những người được cho là khác biệt.
  • Không thoải mái khi có mặt những người thuộc nhóm khác và hạn chế tiếp xúc với họ.
  • Không tôn trọng những cá nhân thuộc nhóm ngoài.
  • Có những hành vi tiêu cực nhằm mục đích loại bỏ các cá nhân khác ra khỏi nhóm của họ.

7. Điều trị hội chứng sợ người lạ

7.1. Liệu pháp nhận thức hành vi

Trị liệu hành vi nhận thức sử dụng các phương pháp để thách thức những suy nghĩ và niềm tin sai lệch, vô ích, điều chỉnh chúng thành những suy nghĩ, niềm tin thực tế và hữu ích hơn.

Điều này có thể có hiệu quả đối với những người có hội chứng sợ người lạ cảm thấy lo lắng, sợ hãi với những người khác một cách phi lý.

Xem thêm: Trị liệu nhận thức hành vi (CBT): Tổng quan nội dung tiếp cận chính

7.2. Kỹ thuật quản lý cơn giận dữ

Quản lý cơn giận cũng là một cách hữu ích đối với những người dễ bộc phát bạo lực hoặc đe dọa, tấn công những người không thuộc nhóm của họ. Các cá nhân học được kỹ năng quản lý cảm xúc tiêu cực như sợ hãi, lo lắng và học cách vượt qua chúng.

Xem thêm:

7.3. Mở rộng trải nghiệm bản thân

Việc mở rộng trải nghiệm cá nhân có ích cho những người nhận ra và muốn thay đổi nỗi sợ hãi đối với người lạ. Họ có thể đi du lịch đến các vùng đất khác của đất nước hoặc các quốc gia khác có nền văn hóa và ngôn ngữ khác, từ đó họ có thêm hiểu biết và có lòng khoan dung hơn với những người được cho là khác biệt với họ.

Phương pháp này tương tự như liệu pháp tiếp xúc – một phương pháp được áp dụng phổ biến với những người mắc chứng ám ảnh sợ hãi.

mở rộng trải nghiệm bản thân vượt qua nỗi sợ người lạ
Mở rộng trải nghiệm bản thân và giao lưu nhiều hơn là cách tốt nhất vượt qua nỗi sợ người lạ.

7.4. Tăng cường tự giáo dục bản thân

Cá nhân cũng có thể tự giáo dục bản thân theo nhiều cách khác nhau, sự hiểu biết sẽ giúp chúng ta nhìn thấy nhiều điểm chung của các nền văn hóa, thấu hiểu, đồng cảm và chấp nhận nhau. Cá nhân có thể tự giáo dục thông qua việc đọc sách, xem phim, tham dự các buổi gặp mặt, nói chuyện về các nền văn hóa, sắc tộc khác nhau.

7.5. Xem xét những quan điểm của người lạ/người có nền văn hóa khác biệt

Việc nói chuyện với những cá nhân được cho là khác biệt sẽ làm tăng mối quan hệ giữa họ. Cá nhân có hội chứng sợ người lạ sẽ nhận ra nhiều điểm tương đồng giữa con người với nhau, học hỏi những điều bổ ích, hiểu cách suy nghĩ của người khác và từ đó không còn xem “người khác” là người lạ nữa. Càng ít người được cho là người lạ thì cá nhân càng cảm thấy thoải mái hơn khi ở gần họ.

Hội chứng sợ người lạ đã đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình lịch sử loài người hơn hàng nghìn năm. Người Hy Lạp và La Mã cổ đại đã sử dụng niềm tin rằng nền văn hóa của họ vượt trội hơn để biện minh cho việc nô dịch người khác. Nhiều quốc gia trên thế giới có thái độ bài ngoại đối với người nước ngoài và người nhập cư. Các ví dụ gần đây như Đại dịch COVID-19 cũng dẫn đến các báo cáo về chủ nghĩa bài ngoại nhắm vào người gốc Đông Á và Đông Nam Á ở các quốc gia trên khắp thế giới.

Xem thêm: 

Như vậy hội chứng sợ người lạ hay tư tưởng bài ngoại đã, đang và sẽ gây ra nhiều các tác động tiêu cực đến cả đời sống kinh tế lẫn xã hội của con người trên toàn thế giới. Do đó, chúng ta cần nhận diện và đưa ra các biện pháp xử lý, việc ý thức của mỗi cá nhân là rất quan trọng trong việc xóa bỏ tư tưởng bài ngoại này. Xóa bỏ tư tưởng bài ngoại không chỉ dẫn đến một đời sống xã hội văn minh, đoàn kết, thấu hiểu mà còn hướng đến một thế giới hạnh phúc, phát triển.

Tiểu Thiệp
Tiểu Thiệp
Bài viết: 14