Làm gì khi trẻ tức giận là câu hỏi làm đau đầu các bậc phụ huynh mỗi khi thấy con mình bùng nổ cơn thịnh nộ. Mặc dù giận dữ là một cảm xúc bình thường, nó giúp trẻ biết khi nào thì mọi việc trở nên công bằng hoặc không đúng. Nhưng, cảm xúc này sẽ trở nên tiêu cực nếu hành vi tức giận của các con trở nên mất kiểm soát hoặc mang tính hung hăng. Để giải quyết điều này, hãy cùng con học cách kiềm chế cảm xúc để trở nên bớt nóng tính hơn với 10 kỹ năng gợi ý dưới đây nhé!
Mục lục
- 1. Tại sao con bạn lại tức giận như vậy?
- 2. Làm gì khi trẻ tức giận? Gợi ý 10 cách dạy trẻ kiềm chế cảm xúc và bớt nóng tính
- 2.1. Dạy trẻ về các loại cảm xúc
- 2.2. Cùng con giải quyết cơn tức giận
- 2.3. Làm gì khi trẻ tức giận? Hãy cùng trẻ tạo Nhiệt kế đo cảm xúc!
- 2.4. Cùng trẻ xây dựng kế hoạch bình tĩnh
- 2.5. Trau dồi kỹ năng quản lý cơn giận dữ
- 2.6. Không nhượng bộ những cơn thịnh nộ
- 2.7. Kỷ luật nhất quán
- 2.8. Hạn chế các chương trình, trò chơi có tính bạo lực
- 2.9. Khuyến khích trẻ chơi lành mạnh và tập thể dục thường xuyên
- 2.10. Khen ngợi tích cực
- 3. Khi nào cần tìm kiếm trợ giúp tâm lý để giải tỏa cơn giận dữ ở trẻ?
1. Tại sao con bạn lại tức giận như vậy?
Có rất nhiều lý do khiến con bạn có vẻ tức giận hơn những đứa trẻ khác. Một số nguyên nhân có thể là:
- Trẻ chứng kiến các thành viên trong gia đình tranh cãi hoặc giận dữ với nhau
- Trẻ gặp các vấn đề về bạn bè đồng lứa
- Trẻ bị bắt nạt
- Trẻ đang gặp khó khăn hoặc quá tải với bài tập ở trường, nội dung thi cử
- Trẻ đang cảm thấy rất căng thẳng, lo lắng, hoặc sợ hãi điều gì đó
- Trẻ đang trải qua những biến đổi về hormone trong giai đoạn dậy thì
- Một số vấn đề sức khỏe tâm thần như: trầm cảm trẻ em, rối loạn lo âu, rối loạn chống đối, hoặc rối loạn tăng động kém chú ý (ADHD),…
Đôi khi, chính trẻ cũng không biết rõ lý do vì sao mình cảm thấy tức giận như vậy. Điều quan trọng là bạn cần đồng hành cùng con tìm hiểu xem điều gì đã gây nên cơn tức giận ấy.
2. Làm gì khi trẻ tức giận? Gợi ý 10 cách dạy trẻ kiềm chế cảm xúc và bớt nóng tính
Việc xử lý cơn tức giận ở trẻ có thể gây khó khăn cho chính đứa trẻ lẫn cha mẹ của chúng. Một số trẻ sẽ dễ nản lòng, và có thể làm nổ tung những sự việc tưởng chừng như nhỏ nhặt, hoặc thậm chí còn la hét và trở nên hung dữ hơn.
Khi trẻ bộc phát cơn tức giận, và cơn giận này làm ảnh hưởng đến các mối quan hệ cũng như chất lượng cuộc sống của chúng, cha mẹ hãy kiên nhẫn và dạy con những kỹ năng cần thiết để đối phó với cảm xúc tiêu cực một cách lành mạnh.
2.1. Dạy trẻ về các loại cảm xúc
Trẻ em có nhiều khả năng nổi giận khi chúng không hiểu cảm xúc của mình hoặc không thể nói thành lời. Việc thể hiện mình đang tức giận bằng hành vi đả kích thì dễ dàng hơn là bằng cách nói “Con tức rồi đó!“. Bởi vì trẻ chưa thể nhận thức, hoặc chưa thể giải thích được rằng mình có hành vi sai trái để thu hút sự chú ý từ cha mẹ chỉ vì mình đang buồn bực.
Vậy nên, điều quan trọng đầu tiên là bạn cần giúp con bạn học cách xác định và gắn nhãn cảm xúc của mình. Hãy bắt đầu bằng việc dạy con tên gọi của các cảm xúc cơ bản. Bao gồm: buồn, vui, sợ hãi, tức giận, hồi hộp,…Hãy gọi tên cảm xúc của con bằng cách nói “Có vẻ như bây giờ con đang rất tức giận.” Theo thời gian, trẻ sẽ học được cách phân biệt cảm xúc của chính mình.
Khi trẻ đã hiểu rõ hơn về cảm xúc của mình và mô tả được chúng, hãy tiếp tục dạy con về các loại cảm xúc phức tạp hơn. Chẳng hạn như sự thất vọng, lo lắng, cô đơn,…Với trẻ ở độ tuổi lớn hơn, bạn thậm chí có thể giúp con nhận biết cảm xúc tiêu cực và thế nào là cảm xúc tích cực.
2.2. Cùng con giải quyết cơn tức giận
Hãy hợp tác với con để giúp trẻ giải quyết cơn giận của mình. Bằng cách này, bạn cho con biết rằng cơn giận mới là vấn đề chứ không phải do lỗi của trẻ. Bạn có thể cùng con đặt tên cho sự tức giận và thử vẽ nó ra giấy. Chẳng hạn như trẻ có thể vẽ cơn tức giận của mình trông giống như một núi lửa đang phun trào. Với trẻ nhỏ, điều này có thể đem lại niềm vui và cũng là một cách để sáng tạo, giải tỏa những khó chịu trong lòng.
Cách bạn phản ứng với cơn tức giận cũng có thể ảnh hưởng đến cách con bạn phản ứng với cơn tức giận. Do đó, khi cùng con giải quyết vấn đề của mình, thì đây cũng là cách để giúp chính bạn.
2.3. Làm gì khi trẻ tức giận? Hãy cùng trẻ tạo Nhiệt kế đo cảm xúc!
Nhiệt kế cảm xúc là một công cụ giúp trẻ nhận biết các dấu hiệu cho thấy cơn giận của mình đang tăng lên, hoặc khi nào thì cơn giận dữ diễn ra. Hãy cùng con vẽ một nhiệt kế lớn trên một mảnh giấy trắng. Ở dưới cùng của nhiệt kế, bạn đánh số 0. Từ số 0, hãy chia khoảng 10 vạch đều nhau và lần lượt đánh số theo thứ tự từ 0 cho đến 10 sao cho số 10 nằm ở vạch trên cùng của nhiệt kế.
Trên nhiệt kế đo cơn giận, số 0 có nghĩa là “không tức giận gì cả“. Số 5 nghĩa là “mức độ giận dữ trung bình“, và số 10 có nghĩa là “cơn giận dữ dội nhất từ trước đến nay“.
Hãy chọn thời điểm con bạn có cảm xúc ổn định để cùng nói về những biểu hiện trong cơ thể trẻ mỗi khi trẻ có cảm xúc tức giận tương ứng với mức độ được đánh số trên nhiệt kế. Chẳng hạn: Trẻ mỉm cười khi ở cấp độ 0. Khi lên mức độ 2, trẻ có thể cảm thấy mặt bắt đầu nóng lên. Đến mức độ 5, trẻ có vẻ mặt giận dữ, đến mức 7 thì có thể nắm chặt tay lại. Khi lên đến mức 10, trẻ có thể cảm thấy mình giống như một “con quái vật” đang giận dữ, thậm chí la hét.
2.4. Cùng trẻ xây dựng kế hoạch bình tĩnh
Hãy dạy trẻ biết nên làm gì khi chúng bắt đầu cảm thấy tức giận. Ví dụ: Thay vì ném đồ chơi khi đang bực bội, trẻ có thể đi về phòng mình hoặc đứng vào một “góc yên tĩnh” đã được quy định từ trước. Hoặc, bạn cũng có thể khuyến khích trẻ tô màu, đọc quyển sách mình yêu thích, hoặc tham gia vào một hoạt động, bài tập giúp tĩnh tâm cho đến khi trẻ cảm thấy tốt hơn.
2.5. Trau dồi kỹ năng quản lý cơn giận dữ
Một trong những cách tốt nhất để giúp một đứa trẻ đang tức giận là dạy chúng những kỹ thuật quản lý cơn giận cụ thể (Neslihan et al, 2017). Chẳng hạn như:
- Cùng con đếm đến 10 và lặp lại cho đến khi dần lấy lại bình tĩnh
- Tránh xa tình huống gây tức giận
- Thở chậm và sâu
- Nắm chặt rồi thả tay ra để giảm bớt căng thẳng
- Nói chuyện với một người đáng tin cậy
- Đi đến một nơi riêng tư nào đó để lấy lại sự bình tĩnh
Ngoài ra, một số cách khác như kỹ năng kỷ luật bản thân cũng có thể giúp ích. Một số trẻ sẽ cần được thực hành nhiều hơn để hình thành thói quen phản ứng lành mạnh mỗi khi trẻ cảm thấy khó chịu hoặc sắp bùng nổ cơn tức giận.
2.6. Không nhượng bộ những cơn thịnh nộ
Đôi khi, trẻ học được rằng, việc bộc phát sự tức giận cũng là một cách hiệu quả để mình được đáp ứng nhu cầu. Ví dụ: Một đứa trẻ nổi cơn thịnh nộ và cha mẹ liền đưa chúng một món đồ chơi để giữ im lặng. Lâu dần, đứa trẻ sẽ phát hiện ra rằng cơn giận dữ là có hiệu quả. Chúng có thể tiếp tục bùng nổ như vậy mỗi khi muốn có/ được đáp ứng điều gì đó.
Vậy nên, nguyên tắc quan trọng nhất khi xử lý cơn tức giận ở trẻ là cha mẹ/ người chăm sóc không được nhượng bộ. Sự nhượng bộ có vẻ dễ dàng và có hiệu quả, nhưng chỉ trong ngắn hạn. Về lâu dài, nhượng bộ sẽ chỉ khiến các vấn đề về hành vi và sự hung hăng ở trẻ trở nên tồi tệ hơn. Thay vào đó, hãy kết nối với con để trẻ hiểu rằng nhu cầu của mình sẽ được đáp ứng theo cách hợp lý hơn là thể hiện sự tức giận.
2.7. Kỷ luật nhất quán
Nếu đang băn khoăn nên làm gì khi trẻ tức giận, thì một trong những điều bạn có thể nghĩ đến là đưa ra hình thức kỷ luật (hình phạt) phù hợp và nhất quán. Điều này là cần thiết để giúp trẻ hiểu rằng hành vi gây hấn hoặc thiếu tôn trọng của mình là không thể chấp nhận được. Nếu con bạn vi phạm các quy tắc, hãy xử lý mỗi hành vi vi phạm là một hình phạt. Đồng thời, giải thích rõ với trẻ lý do vì sao trẻ bị phạt.
Bạn có thể áp dụng hình thức kỷ luật Time-out hoặc tước bỏ các quyền của trẻ. Ví dụ: Nếu trẻ có thói quen quăng đồ chơi khi tức giận, hãy yêu cầu trẻ nhặt lại món đồ đã quăng hoặc làm việc nhà để quyên góp tiền sửa đồ chơi bị hư do quăng mạnh.
2.8. Hạn chế các chương trình, trò chơi có tính bạo lực
Nếu trẻ có biểu hiện hung hăng, việc cho trẻ xem các chương trình truyền hình hoặc trò chơi điện tử bạo lực có thể làm trầm trọng thêm vấn đề (Wiedeman et al, 2015). Thay vào đó, hãy hướng sự tập trung của trẻ vào sách, trò chơi, hoặc chương trình có thể hiện những kỹ năng giải quyết xung đột một cách lành mạnh. Qua đó, trẻ sẽ học cách ứng phó với cơn tức giận của mình hiệu quả hơn.
2.9. Khuyến khích trẻ chơi lành mạnh và tập thể dục thường xuyên
Duy trì hoạt động thể chất là một cách để giảm bớt hoặc chấm dứt các cơn tức giận. Nó cũng có thể là một cách để làm giảm stress và lo lắng hoặc trầm cảm. Một số hoạt động đơn giản phù hợp với trẻ nhỏ như:
- Đi bộ gần
- Chạy bộ ngắn
- Đi xe đạp
- Các bài tập aerobic
- Tập yoga cho trẻ em
2.10. Khen ngợi tích cực
Phản hồi tích cực là kỹ năng làm cha mẹ rất quan trọng. Hãy khen ngợi những nỗ lực của con bạn và của chính bạn, dù nhỏ đến mức nào. Điều này sẽ giúp xây dựng lòng tin của trẻ vào khả năng quản lý cơn giận của bản thân. Nó cũng giúp trẻ cảm thấy rằng mình đang được cha mẹ ủng hộ và động viên, đồng hành.
3. Khi nào cần tìm kiếm trợ giúp tâm lý để giải tỏa cơn giận dữ ở trẻ?
Nếu vẫn không thể cải thiện khả năng kiểm soát cơn giận dữ của con, hoặc lo ngại sự tức giận của con sẽ có hại cho trẻ và những người xung quanh, bạn hãy tìm đến bác sĩ nhi khoa, nhà tâm lý học trẻ em để được trợ giúp. Ngoài ra, bạn cũng cần lưu ý một số dấu hiệu cảnh báo dưới đây để tìm kiếm trợ giúp chuyên môn cho con mình:
- Trẻ gặp khó khăn trong các mối quan hệ: Trẻ đánh anh/ chị/ em, hoặc khó duy trì tình bạn vì hay bộc phát cơn tức giận.
- Trẻ trở nên hiếu chiến và hung hăng hơn.
- Trẻ có hành vi chưa trưởng thành (Ví dụ: Một đứa trẻ 2 tuổi lăn ra sàn nhà ăn vạ khi tức giận là điều bình thương, nhưng sẽ là không bình thường nếu hành vi này xuất hiện ở một đứa trẻ 8 tuổi. Điều này cho thấy trẻ đang gặp khó khăn trong việc điều chỉnh cảm xúc của mình.)
Xem thêm:
Top 15 phòng khám tâm lý ở TPHCM tốt và uy tín nhất
10 cách điều chỉnh cảm xúc của bản thân để cân bằng cuộc sống
Trên thực tế, chính đứa trẻ cũng không thích cảm giác tức giận hay sự bộc phát cơn tức giận của mình. Trẻ cũng có thể cảm thấy thất vọng vì bản thân không có khả năng quản lý những cảm xúc khó chịu ở cường độ cao. Việc kiên nhẫn giúp con học cách phản ứng thích hợp với cơn tức giận và điều tiết những cảm xúc tiêu cực sẽ giúp bạn giải tỏa nỗi lo làm gì khi trẻ tức giận và nóng tính. Nếu trẻ gặp những khó khăn tâm lý phức tạp hơn, hãy liên hệ bác sĩ nhi khoa hoặc nhà tâm lý học đường để trẻ nhận được sự giúp đỡ kịp thời.