Trị liệu nhóm là gì và hoạt động theo nguyên tắc nào?

Trị liệu nhóm là gì và hoạt động với nguyên tắc nào? Cách thức vận hành một phiên liệu pháp nhóm ra sao, bao gồm những hoạt động gì? Những ai nên thực hành liệu pháp tâm lý nhóm? Ngoài các kiến thức cơ bản này, bài viết dưới đây cũng sẽ giới thiệu đến bạn một số lợi ích, hiệu quả của trị liệu nhóm dựa trên kết quả nghiên cứu khoa học, cũng như vai trò của nhà trị liệu trong nhóm can thiệp.

1. Trị liệu nhóm là gì?

1.1. Giới thiệu trị liệu nhóm là gì?

Trị liệu nhóm (Group therapy), hay liệu pháp nhóm, là một hình thức trị liệu tâm lý – xã hội được thực hành giữa một hoặc nhiều nhà trị liệu làm việc với nhiều thân chủ cùng lúc. Liệu pháp này được phổ biến rộng rãi tại các cơ sở trị liệu tư nhân, bệnh viện, phòng khám sức khỏe tâm thần và trung tâm thực hành cộng đồng. Liệu pháp nhóm thường được áp dụng độc lập. Đôi khi, nó cũng được tích hợp vào một kế hoạch trị liệu toàn diện bao gồm nhiều liệu pháp riêng lẻ với nhau.

1.2. Tóm tắt lịch sử liệu pháp nhóm

Joseph Hersey Pratt là “cha đẻ” của liệu pháp nhóm. Năm 1905, ông bắt đầu công việc của mình với một nhóm gồm 8 bệnh nhân mắc bệnh lao phổi ở Greater Boston.

Vào thời điểm ấy, ông tham gia tổ chức các lớp hướng dẫn chăm sóc tổng quát cho bệnh nhân lao mới xuất viện. Ông nhận thấy những trải nghiệm nhóm có tác động đến trạng thái cảm xúc của từng người tham gia và cho phép họ thảo luận về những vấn đề chung của mình. Pratt đã báo cáo những kết quả rất khả quan từ phương pháp điều trị mới này (Joseph Pratt, 1955). Đây được biết đến là nhóm trị liệu được tổ chức chính thức đầu tiên trong y văn.

liệu pháp nhóm hiệu quả không
Trị liệu nhóm là hình thức trị liệu tâm lý gồm một/ nhiều nhà trị liệu làm việc với nhiều thân chủ cùng lúc. Ảnh: PsyCare

Năm 1936, liệu pháp nhóm được áp dụng giữa các tù nhân và bệnh nhân xuất viện trong các bệnh viện tâm thần. Mô hình này được tiên phong bởi Paul Schilder và Louis Wender. Sau đó, nó được mở rộng thực hành cho những người mắc rối loạn thần kinh, nghiện rượu và trẻ rối nhiễu tâm lý. Trong Thế chiến II, trị liệu nhóm được áp dụng cho những nạn nhân chiến tranh mắc rối loạn cảm xúc.

2. Các loại trị liệu nhóm

Liệu pháp nhóm có thể được chia thành nhiều loại khác nhau, tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe tâm thần mà hình thức trị liệu này hướng tới, cũng như phương pháp lâm sàng được sử dụng trong quá trình trị liệu. Các loại liệu pháp nhóm được sử dụng phổ biến nhất bao gồm một số dạng dưới đây.

  • Liệu pháp nhóm nhận thức – hành vi: Tập trung vào việc xác định và thay đổi các kiểu suy nghĩ, phản ứng cảm xúc, và hành vi không phù hợp hoặc bị bóp méo.
  • Trị liệu nhóm liên cá nhân: Tập trung vào các mối quan hệ giữa các cá nhân và tương tác xã hội. Bao gồm mức độ hỗ trợ từ những người xung quanh, và tác động của các mối quan hệ này đối với sức khỏe tâm thần.
  • Trị liệu nhóm giáo dục tâm lý: Tập trung vào việc tăng cường hiểu biết của thân chủ về các rối loạn và cách ứng phó dựa trên các nguyên tắc của liệu pháp nhận thức – hành vi (CBT).
  • Liệu pháp nhóm phát triển kỹ năng: Tập trung vào việc cải thiện kỹ năng xã hội ở những người có rối loạn tâm thần hoặc khuyết tật phát triển.
  • Các nhóm hỗ trợ: Cung cấp nhiều trợ giúp cho những người có vấn đề về sức khỏe tâm thần và người thân của họ.

Các nhóm trị liệu có thể gồm từ 2 đến 15 người, nhưng số lượng tối ưu là 8 – 12 người. Nhóm trị liệu thường gặp nhau một hoặc hai lần mỗi tuần (hoặc hơn), trong một – hai giờ tùy thuộc vào nhu cầu của các thành viên trong nhóm và điều kiện lâm sàng. Thời gian trị liệu nhóm có thể kéo dài tối đa 25 buổi, hoặc trong tối đa 6 tháng. Độ tuổi của các thành viên có thể tương đối giống nhau, không nên có sự chênh lệch quá lớn về tuổi tác giữa các thành viên (Ezhumalai et al, 2018).

sắp xếp ghế trong phòng trị liệu nhóm
Nhóm trị liệu lý tưởng có khoảng 8 – 12 người, ngồi xung quanh vòng tròn để có thể quan sát rõ từng thành viên. Ảnh: PsyCare

3. Nguyên tắc tiến hành trị liệu nhóm là gì?

3.1. Nguyên tắc tiến hành trị liệu nhóm

Một buổi trị liệu nhóm điển hình sẽ diễn ra như thế nào? Trong nhiều trường hợp, cả nhóm sẽ gặp nhau trong một căn phòng đã được bày sẵn những chiếc ghế xếp thành vòng tròn lớn để các thành viên có thể nhìn thấy những người còn lại trong nhóm.

Trong một phiên trị liệu nhóm, phần bắt đầu có thể diễn ra bằng cách các thành viên trong nhóm tự giới thiệu về bản thân. Sau đó, họ sẽ chia sẻ lý do vì sao mình tham gia liệu pháp nhóm. Họ cũng có thể chia sẻ về kinh nghiệm và sự tiến bộ của bản thân kể từ phiên trị liệu nhóm trước đó.

Cách thức mỗi phiên trị liệu nhóm được tiến hành và các hoạt động trị liệu trong nhóm tùy thuộc phần lớn vào mục tiêu của nhóm, cũng như phong cách của nhà trị liệu. Một số nhà trị liệu có thể khuyến khích phong cách đối thoại tự do, trong đó, mỗi thành viên tham gia khi họ thấy phù hợp. Một số nhà trị liệu khác có thể đưa ra một kế hoạch cụ thể cho mỗi phiên trị liệu, bao gồm cả việc để người tham gia thực hành các kỹ năng mới với các thành viên còn lại trong nhóm.

3.2. Các hoạt động trị liệu nhóm bao gồm những gì?

Các hoạt động trị liệu nhóm phổ biến có thể bao gồm:

  • Các hoạt động làm quen (Icebreaker activities): Giúp các thành viên trong nhóm làm quen với nhau.
  • Các hoạt động tri ân (Gratitude activities): Chẳng hạn như lập sơ đồ các khía cạnh khác nhau trong cuộc sống mà mình cảm thấy biết ơn.
  • Các hoạt động chia sẻ (Sharing activities): Tạo điều kiện cho các thành viên trong nhóm đặt câu hỏi cho nhau.
  • Hoạt động viết ra tâm tình (Expressive writing): Giúp từng thành viên khám phá những trải nghiệm và cảm xúc liên quan đến sự kiện đó.
  • Các hoạt động trực quan hóa mục tiêu (Goal visualization activities): Giúp mỗi người tự đặt mục tiêu và lập kế hoạch để hoàn thành chúng.

3.3. Các nguyên tắc chính trong trị liệu nhóm là gì?

Irvin D. Yalom và Molyn Leszcz (2008) đã phác thảo các nguyên tắc trị liệu chính của liệu pháp nhóm trong quyển sách có tựa đề “The Theory and Practice of Group Psychotherapy”. Bao gồm:

  • Lòng vị tha (Altruism): Các thành viên trong nhóm có thể chia sẻ điểm mạnh của mình và giúp đỡ những người khác trong nhóm. Điều này có thể thúc đẩy lòng tự trọng và sự tự tin.
  • Thanh tẩy/ Giải phóng cảm xúc (Catharsis): Chia sẻ cảm xúc và kinh nghiệm với một nhóm người có thể giúp làm giảm sự đau buồn, cảm giác tội lỗi hoặc căng thẳng.
  • Sự gợi nhớ mang tính hiệu chỉnh về gia đình (The corrective recapitulation of the primary family group): Nhóm trị liệu giống như một gia đình xét về một số khía cạnh. Trong nhóm, mỗi thành viên có thể khám phá những trải nghiệm thời thơ ấu đã góp phần hình thành nên nhân cách và hành vi như thế nào. Họ cũng có thể học cách làm giảm những hành vi tiêu cực hoặc vô ích trong đời sống hàng ngày của mình.
  • Phát triển các kỹ năng xã hội hóa (Development of socialization techniques): Nhóm trị liệu là nơi tuyệt vời để thực hành các hành vi mới. Bối cảnh an toàn và mang tính hỗ trợ này cho phép các thành viên trong nhóm thử nghiệm mà không sợ thất bại hay bị đánh giá tiêu cực.
  • Các yếu tố về hiện sinh (Existential factors): Trong quá trình trị liệu và hỗ trợ lẫn nhau trong liệu pháp nhóm, mỗi thành viên nhận ra rằng mình phải chịu trách nhiệm về cuộc sống, hành động, cũng như lựa chọn của chính mình.
  • Tính gắn kết của nhóm (Group cohesiveness): Dưới sự hoạt động thống nhất hướng đến một mục tiêu chung, các thành viên sẽ có cảm giác thân thuộc và được chấp nhận.
  • Truyền đạt thông tin (Imparting information): Chia sẻ thông tin là một trong những cách mà các thành viên trong nhóm hỗ trợ nhau.
  • Hành vi bắt chước (Imitative behavior): Các thành viên có thể thực hiện hành vi mẫu cho nhau, hoặc họ quan sát và bắt chước hành vi của nhà trị liệu.
  • Khơi nguồn hy vọng (Instills hope): Trị liệu nhóm bao gồm các thành viên ở những giai đoạn khác nhau của quá trình điều trị. Do đó, việc chứng kiến người khác trong nhóm đang ứng phó và hồi phục sức bật tinh thần cũng sẽ mang lại hy vọng cho những thành viên mới bắt đầu quá trình.
  • Học tập lẫn nhau giữa các cá nhân (Interpersonal learning): Mỗi thành viên hiểu rõ hơn về bản thân thông qua tương tác, nhận phản hồi từ các thành viên khác và nhà trị liệu.
  • Tính phổ quát (Universality): Những người có cùng trải nghiệm sẽ nhận thấy những gì mình đang trải qua là phổ biến. Nghĩa là, họ không đơn độc.
nguyên tắc liệu pháp nhóm
Nhóm trị liệu là nơi gắn kết, học tập lẫn nhau để đạt mục tiêu chung. Ảnh: PsyCare

4. Liệu pháp nhóm phù hợp với những ai?

Liệu pháp nhóm được sử dụng cho nhiều rối loạn tâm lý, cũng như vấn đề sức khỏe tâm thần khác nhau, bao gồm:

  • Rối loạn tăng động – kém chú ý (ADHD)
  • Trầm cảm (McDermut et al, 2001)
  • Rối loạn ăn uống
  • Rối loạn lo âu lan tỏa
  • Rối loạn hoảng sợ
  • Ám ảnh
  • Rối loạn stress sau sang chấn (PTSD) (Diane et al, 2012)
  • Rối loạn sử dụng chất (Lo Coco et al, 2019)

Ngoài ra, trị liệu nhóm dựa trên liệu pháp nhận thức – hành vi (CBT) còn cho thấy hiệu quả trong việc giúp thân chủ:

  • Quản lý cơn tức giận
  • Đau mãn tính
  • Bệnh mãn tính
  • Căng thẳng kinh niên (Nick Kanas, 2015)
  • Ly hôn
  • Bạo lực gia đình
  • Đau buồn và mất mát
  • Quản lý cân nặng

5. Lợi ích của trị liệu nhóm là gì, có hiệu quả không?

Một số lợi ích của liệu pháp nhóm:

  • Cung cấp sự hỗ trợ, an toàn, và khuyến khích
  • Xây dựng mô hình vai trò (thông qua việc làm hình mẫu cho thành viên khác quan sát và bắt chước để hướng đến sự tiến bộ)
  • Giúp thành viên hiểu biết sâu sắc về các kỹ năng xã hội
  • Phù hợp với khả năng chi trả của thành viên (liệu pháp nhóm thường có chi phí rất hợp lý)

Qua nhiều kết quả nghiên cứu và báo cáo, trị liệu nhóm đem lại hiệu quả cải thiện tích cực cho thân chủ gặp các vấn đề như:

  • Trầm cảm: Nghiên cứu của Thimm và Antonsen (2014) cho thấy có 44% bệnh nhân trầm cảm sau khi tham gia liệu pháp nhận thức – hành vi (CBT) nhóm đã có những biểu hiện cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, tỷ lệ bỏ điều trị theo nhóm khá cao, đến khoảng gần 20% (Thimm & Antonsen, 2014).
  • Rối loạn lưỡng cực, rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD), rối loạn hoảng sợ, ám ảnh sợ xã hội, rối loạn sử dụng chất cũng là một số vấn đề có thể được cải thiện thông qua trị liệu nhóm (Amy Paturel, 2012).

Xem thêm: Top 15 phòng khám tâm lý ở TPHCM tốt và uy tín nhất

trị liệu nhóm trầm cảm
Nghiên cứu cho thấy trị liệu nhóm đem lại hiệu quả cải thiện cao cho người mắc trầm cảm. Ảnh: PsyCare

6. Vai trò của nhà trị liệu trong trị liệu nhóm là gì?

Các kỹ năng, phẩm chất của nhà trị liệu trong can thiệp nhóm cần có gồm:

  • Cách tiếp cận chỉ đạo: Nhà trị liệu phải tạo điều kiện cho các thành viên tham gia vào quá trình can thiệp của nhóm.
  • Mở rộng: Khi một khía cạnh cụ thể xuất hiện, nhà trị liệu cần mở rộng cuộc thảo luận nếu nó phù hợp và cần thiết.
  • Diễn giải: Nhà trị liệu cần có khả năng nhìn nhận sâu sắc và diễn giải (không vội vã) về sự tiến bộ của từng thành viên của nhóm.
  • Nhà trị liệu cần hoạt động với vai trò như một “người trợ giúp” (Enabler) và “người chỉ huy” (Leader).
  • Nhà trị liệu có trách nhiệm chia sẻ kiến thức/ thông tin phù hợp trong nhóm.
  • Nhà trị liệu giúp hình thành, phát triển, tham gia để nhóm trị liệu đạt được các mục tiêu.
  • Nhà trị liệu cần lắng nghe quan điểm của các thành viên.
  • Nhà trị liệu cần xử lý hiệu quả lịch trình các buổi trị liệu nhóm.
vai trò của nhà trị liệu nhóm là gì
Nhà trị liệu nhóm cần hoạt động với vai trò vừa hỗ trợ, vừa chỉ huy. Ảnh: PsyCare

Tóm lại, liệu pháp nhóm được coi là một trong những phương thức trị liệu tâm lý – xã hội đầy hứa hẹn trong bối cảnh lâm sàng cho những người có vấn đề về cảm xúc hoặc sức khỏe tâm thần. Bài viết trên đây đã tổng hợp những kiến thức cơ bản về trị liệu nhóm là gì, hoạt động với nguyên tắc nào, cũng như hiệu quả của liệu pháp nhóm dưới góc độ khoa học. Nếu đang cân nhắc tham gia hình thức trị liệu tâm lý này, hãy thảo luận với bác sĩ/ nhà trị liệu của bạn để cùng quyết định xem phương pháp can thiệp nào phù hợp với nhu cầu của bạn.

Trúc Nguyễn
Trúc Nguyễn

Bài viết được cố vấn chuyên môn bởi Ths. Tâm lý lâm sàng Nguyễn Thị Bích Tuyền.

Bài viết: 15