Học cách kiểm soát cảm xúc tiêu cực hiệu quả giúp bạn tránh những nguy cơ về các vấn đề sức khỏe tâm thần nghiêm trọng, và hướng tới sự cân bằng cuộc sống. Mọi người thỉnh thoảng cảm thấy những cảm xúc tiêu cực xuất hiện, nhưng trong một số trường hợp, những cảm giác này có thể là dấu hiệu của tình trạng sức khỏe tâm thần như trầm cảm hoặc rối loạn lo âu. Bài viết này sẽ giúp chúng ta khám phá những kỹ năng quản lý cảm xúc tiêu cực của bản thân một cách lành mạnh nhất.
Mục lục
1. Có những loại cảm xúc tiêu cực nào?
Không có cảm xúc nào, kể cả cảm xúc tiêu cực, là xấu. Hoàn toàn bình thường để cảm nhận những điều này trong những bối cảnh hoặc tình huống nhất định. Tuy nhiên, những cảm xúc này sẽ thực sự trở thành vấn đề khi chúng kéo dài, kiềm hãm các hoạt động hàng ngày và cản trở khả năng hoàn thành mục tiêu của bạn. Do đó, cần học cách kiểm soát cảm xúc tiêu cực để làm giảm tác động không tốt của chúng đến cuộc sống của chúng ta.
Cảm xúc tiêu cực thường được định nghĩa bằng một loạt cảm xúc khác nhau. Mặc dù những cảm giác như vậy thường là phản ứng bình thường đối với một số trải nghiệm hoặc sự kiện mà chúng ta gặp phải, nhưng chúng có xu hướng gây đau khổ và khó chịu cho người sở hữu. Một số loại cảm xúc tiêu cực phổ biến được kể đến như:
- Sự tức giận
- Lo lắng hoặc sợ hãi
- Sự thờ ơ
- Khinh thường, ghét bỏ hoặc ghê tởm
- Lòng ghen tị
- Không an toàn
- Hối hận hoặc tội lỗi
- Buồn bã, hoặc cô đơn
- Xấu hổ
2. Nguyên nhân dẫn đến cảm xúc tiêu cực
Cảm xúc tiêu cực có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Đôi khi chúng là kết quả của những trải nghiệm hoặc sự kiện cụ thể. Ví dụ: bạn có thể cảm thấy buồn vì bài kiểm tra giữa kỳ không đạt được kỳ vọng mặc dù bạn đã bỏ rất nhiều công sức để ôn luyện.
Cảm xúc tiêu cực cũng có thể phát sinh từ:
- Xung đột giữa các mối quan hệ: Các vấn đề nảy sinh từ mối quan hệ giữa các cá nhân là nguyên nhân phổ biến của cảm xúc tiêu cực. Những thách thức như vậy có thể nảy sinh trong tất cả mối quan hệ với bạn bè, gia đình, đồng nghiệp hoặc đối tượng hẹn hò.
- Nhu cầu không được đáp ứng: Khi nhu cầu của bạn không được đáp ứng – cho dù những nhu cầu này là về vật chất, cảm xúc, xã hội, tâm lý hay tinh thần – thì việc xuất hiện nỗi buồn, tức giận, cô đơn, ghen tị và những cảm xúc đau khổ khác là điều hoàn toàn có thể xảy đến.
- Kỹ năng quản lý cảm xúc không tốt: Căng thẳng hàng ngày có thể dẫn đến nhiều loại cảm giác khó chịu. Nhưng, nếu bạn thiếu cách kiểm soát cảm xúc tiêu cực thì cuộc sống của bạn sẽ bị ảnh hưởng khá nhiều, hoặc tệ hơn là những vấn đề khó khăn mới sẽ liên tiếp xuất hiện.
Tóm lại, cảm xúc tiêu cực có thể là phản ứng ngắn hạn khi bản thân chúng ta gặp phải những trải nghiệm khó khăn hoặc chúng có thể xuất phát từ các vấn đề cơ bản khác – bao gồm nhu cầu không được đáp ứng, các vấn đề trong mối quan hệ chưa được giải quyết hoặc kỹ năng điều chỉnh cảm xúc của bản thân chưa tốt.
3. Những cách kiểm soát cảm xúc tiêu cực kém lành mạnh
Trên thực tế, nhiều người thường sử dụng những phương pháp không hiệu quả hoặc thậm chí hủy hoại bản thân để đối phó với những cảm xúc tiêu cực. Mặc dù những cách này có thể giúp giảm nhẹ tạm thời, nhưng chúng thường làm cho các vấn đề trở nên tồi tệ hơn về lâu dài. Do đó, chúng ta cần lưu ý tránh sử dụng những phương pháp được liệt kê dưới đây.
3.1. Bộc lộ cảm xúc mạnh mẽ
Bộc lộ cảm xúc mãnh liệt (nghĩa như “trút giận”) không phải là cách lành mạnh nhất để đối phó với cảm xúc tiêu cực. Nói chung, phương pháp này không làm chúng biến mất, mà thay vào đó có thể khiến chúng bộc lộ một cách tiêu cực (Ví dụ: Thay vì chia sẻ những khó khăn công việc bạn lại bộc lộ sự tức giận đối với đối tượng hẹn hò – vốn là người ở bên cạnh và quan tâm bạn nhiều nhất).
Cảm xúc tiêu cực báo hiệu rằng những gì bạn đang làm trong cuộc sống của bạn không hiệu quả. Vì vậy, khi bạn phớt lờ chúng, bạn không thể tạo ra bất kỳ thay đổi nào. Và, đương nhiên, bạn tiếp tục trải qua những cảm giác tiêu cực nêu trên.
3.2. Suy ngẫm về cảm xúc
Sự suy ngẫm ở đây liên quan đến việc đắm chìm trong sự tức giận, phẫn uất và những cảm giác khó chịu bạn gặp phải. Điều này làm khuếch đại những cảm xúc tiêu cực và nó cũng mang lại những hậu quả không tốt cho sức khỏe. Vì vậy, điều cần thiết là phải lắng nghe cảm xúc của bạn và sau đó thực hiện các bước để cải thiện chúng.
3.3. Né tránh những cảm xúc tiêu cực
Khi có điều gì đó khiến bạn lo lắng, bạn có thể cố gắng tránh nó để không phải trải qua những cảm xúc khó chịu. Chẳng hạn, nếu một người hoặc một tình huống nào đó khiến bạn lo lắng, bạn có thể thực hiện các bước để tránh những tác nhân đó. Vấn đề là việc né tránh đối phó chỉ làm cho cảm xúc tiêu cực trở nên tồi tệ hơn về lâu dài.
3.4. Tự huỷ hoại bản thân
Nếu bạn không đối phó với những cảm xúc mà bạn đang cảm thấy, chúng có thể gây ra các vấn đề không tốt về thể chất lẫn tinh thần. Điều này đặc biệt đúng nếu bạn dựa vào việc sử dụng chất kích thích hoặc tự làm hại bản thân (self-harm) để đối phó với những cảm xúc đau buồn.
Tóm lại, cảm giác giận dữ hoặc thất vọng có thể là một tín hiệu cho thấy điều gì đó cần phải thay đổi. Nếu bạn không thay đổi các tình huống hoặc kiểu suy nghĩ đang gây ra những cảm xúc khó chịu này, bạn sẽ tiếp tục bị kích hoạt bởi chúng.
4. Gợi ý 4 cách kiểm soát cảm xúc tiêu cực lành mạnh và hiệu quả nhất
May mắn rằng, có nhiều cách hữu ích để đối phó với những cảm xúc tiêu cực. Những phương pháp này có thể giúp bạn xử lý, đồng thời cải thiện khả năng điều chỉnh cảm xúc của bạn.
4.1. Hiểu cảm xúc của bạn
Hãy cảm nhận từ bên trong bạn và xác định vì sao tình huống đó tạo ra căng thẳng và cảm xúc tiêu cực? Đồng thời, xem xét nguồn gốc của cảm xúc và phản ứng của bạn để thu thập những thông tin có giá trị.
Cảm xúc tiêu cực có thể đến từ một sự kiện khởi nguồn, chẳng hạn như khối lượng công việc quá tải. Suy nghĩ của bạn xung quanh một sự kiện cũng đóng một vai trò nhất định. Cách bạn giải thích những gì đã xảy ra có thể thay đổi cách bạn trải nghiệm sự kiện và liệu nó có gây ra căng thẳng hay không. Mục đích chính của cảm xúc là giúp bạn nhìn ra vấn đề để bạn có thể thực hiện những thay đổi cần thiết.
4.2. Cách kiểm soát cảm xúc tiêu cực thông qua việc tìm kiếm niềm vui
Thực hiện những thay đổi nhỏ trong cuộc sống của bạn có thể làm giảm những cảm xúc tiêu cực. Tuy nhiên, nó sẽ không loại bỏ trực tiếp những tác nhân gây căng thẳng cho bạn. Nhưng đừng quên, khi bạn thực hiện những thay đổi nhỏ này cũng chính là lúc bạn tìm ra những lối thoát lành mạnh để đối phó với những cảm xúc tiêu cực của bản thân.
- Tập thể dục thường xuyên có thể giúp cải thiện cảm xúc và điều này chính lối thoát cho những cảm xúc tiêu cực.
- Thiền có thể giúp bạn hiểu bên trong bản thân mình và không bị choáng ngợp bởi những cảm xúc không tốt.
- Tìm kiếm cơ hội để vui vẻ và đừng quên tạo ra nhiều tiếng cười hơn trong cuộc sống cũng có thể thay đổi suy nghĩ của bạn nhằm giảm bớt căng thẳng.
Hãy nhớ rằng nhu cầu và khả năng của mỗi người là khác nhau. Bạn nên thử một vài cách kiểm soát suy nghĩ tiêu cực để tìm ra chìa khoá phù hợp với bản thân. Một khi bạn đã tìm thấy phương pháp phù hợp với mình, bạn sẽ ít cảm thấy bị choáng ngợp hơn khi cảm xúc tiêu cực xuất hiện.
4.3. Cách kiểm soát cảm xúc tiêu cực thông qua sự thay đổi những gì có thể
Khi bạn hiểu rõ hơn về cảm xúc của mình và nguyên nhân gây ra chúng, bạn có thể bắt đầu thực hiện các bước để giải quyết vấn đề. Việc làm giảm hoặc loại bỏ một số tác nhân gây căng thẳng có thể khiến bạn ít cảm thấy tiêu cực hơn.
Một số cách mà bạn có thể thực hiện điều này bao gồm:
- Giảm căng thẳng trong công việc, thường bằng cách giao nhiệm vụ, xây dựng ranh giới và tìm kiếm sự hỗ trợ khi cần thiết
- Học các phương pháp giao tiếp quyết đoán để quản lý xung đột mối quan hệ
Không phải mọi nguồn gốc của căng thẳng đều có thể được thay đổi hoặc loại bỏ. Điều cần thiết là tránh suy ngẫm về những gì bạn không thể thay đổi và tập trung vào những gì trong tầm kiểm soát của bạn.
4.4. Chấp nhận cảm xúc của bạn
Học cách chấp nhận những cảm xúc tiêu cực cũng là một cách hiệu quả để quản lý những cảm giác khó khăn này. Chấp nhận có nghĩa là thừa nhận rằng chúng ta đang cảm thấy sợ hãi, tức giận, buồn bã hoặc thất vọng. Thay vì cố gắng trốn tránh hoặc kìm nén những cảm giác này, bạn cho phép chúng tồn tại mà không phải ở trong chúng.
Ngay cả khi bạn là một con người tích cực, những cảm xúc tiêu cực đều có thể xảy ra. Hãy học cách quản lý, điều chỉnh suy nghĩ của bản thân giúp bạn cảm thấy tốt hơn khi đối mặt. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng các phương pháp như kìm nén cảm xúc không hiệu quả và thậm chí có thể gây hại. Vì vậy, thay vì cố gắng phớt lờ cảm xúc của mình, bạn hãy tìm cách hiểu, chấp nhận và xử lý chúng một cách tốt nhất.
Cảm xúc tiêu cực là điều hoàn toàn bình thường và thậm chí chúng được mong đợi sẽ xảy ra trong cuộc sống. Mục đích của chúng ta không phải là loại bỏ những cảm xúc này mà là tìm ra những phương pháp lành mạnh để điều chỉnh chúng. Xây dựng những cách kiểm soát cảm xúc tiêu cực của bản thân là điều cần thiết để giúp bạn cân bằng cảm xúc, ổn định cuộc sống ở hiện tại và tương lai.
Nguồn: https://www.verywellmind.com/how-should-i-deal-with-negative-emotions-3144603