Người hướng nội là gì? Khám phá thế giới và tính cách người hướng nội

Người hướng nội là gì và có gì khác so với người hướng ngoại? Những dấu hiệu nào để nhận biết người hướng nội? Hướng nội có phải là người nhút nhát, trầm cảm? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn khám phá thế giới và tính cách người hướng nội.

1. Người hướng nội là gì?

1.1. Khái niệm người hướng nội là gì?

Hướng nội (Introvert) là một đặc điểm tính cách được đặc trưng bởi sự tập trung vào cảm giác bên trong hơn là các nguồn kích thích bên ngoài. Người hướng nội và người hướng ngoại thường được nhìn nhận theo hai khía cạnh cực kì đối lập, nhưng sự thật là hầu hết mọi người đều nằm đâu đó ở giữa 2 khía cạnh tính cách này.

Người hướng nội chiếm khoảng 25 – 40% dân số, dù vậy, vẫn còn nhiều người quan niệm sai lầm về kiểu tính cách này. Cũng cần lưu ý rằng, là một người hướng nội không có nghĩa là bạn có xu hướng lo âu hay nhút nhát về mặt xã hội.

Thuật ngữ hướng nội (introvert) mô tả một người có xu hướng hướng vào bên trong, có nghĩa là họ tập trung vào những suy nghĩ, cảm xúc, và tâm trạng bên trong hơn là tìm kiếm sự kích thích từ bên ngoài. Hướng nội thường được xem là tồn tại như một phần của chuỗi liên tục cùng với hướng ngoại. Hướng nội biểu thị một đầu của thang đo, trong khi hướng ngoại đại diện cho đầu bên kia.

thế giới người hướng nội
Người hướng nội có xu hướng tập trung vào thế giới bên trong của mình. Ảnh: PsyCare

1.2. Định nghĩa người hướng nội trong các lý thuyết nhân cách là gì?

Các thuật ngữ hướng nội và hướng ngoại đã được phổ biến qua công trình của Carl Jung và sau đó trở thành yếu tố trung tâm của các lý thuyết nổi bật khác, bao gồm cả lý thuyết tâm lý học về 5 nhân cách Big Five Factor. Chiều kích hướng nội – hướng ngoại cũng là một trong bốn lĩnh vực được xác định trong trắc nghiệm tính cách Myers-Briggs Type Indicator (MBTI).

Theo nhiều lý thuyết về tính cách, mọi người đều có cả xu hướng hướng nội và hướng ngoại ở mức độ nhất định. Tuy nhiên, mỗi cá nhân thường sẽ nghiêng về một xu hướng tính cách hơn so với xu hướng còn lại. Vậy, sự khác nhau cơ bản giữa người hướng ngoại và người hướng nội là gì? Người hướng nội có xu hướng trầm lặng, dè dặt và sống nội tâm hơn. Trong khi đó, người hướng ngoại tiêu hao năng lượng trong các tình huống xã hội hơn.

Ví dụ: Sau khi tham dự một bữa tiệc hoặc cuộc gặp gỡ đông người, những người hướng nội thường cảm thấy cần phải “nạp năng lượng” bằng cách dành nhiều thời gian ở một mình hơn (Dossey, 2016).

2. Nguyên nhân của tính cách hướng nội theo Hans Eysenck

Bạn thắc mắc liệu nguyên nhân của tính cách người hướng nội là gì? Bạn sinh ra đã là người hướng nội hay đó là xu hướng tính cách được hình thành theo thời gian? Sự thật là, người hướng nội có thể phát triển do sự kết hợp của cả bản chất và sự nuôi dưỡng. Cách cơ thể phản ứng sinh lý với môi trường bên ngoài đóng vai trò quan trọng trong việc xác định mức độ hướng ngoại và hướng nội của bạn.

Ở cấp độ sinh lý, một mạng lưới các tế bào thần kinh nằm trong thân não được gọi là hệ thống kích hoạt lưới (reticular activating system – RAS) chịu trách nhiệm điều chỉnh mức độ kích thước bao gồm trạng thái thứcchuyển đổi giữa ngủ và thức (Garcial-Rill et al, 2016).

RAS cũng đóng vai trò trong việc kiểm soát lượng thông tin bạn tiếp nhận trong khi thức. Khi đối mặt với các mối đe dọa tiềm ẩn trong môi trường, RAS làm tăng mức độ kích thích để bạn có thể cảnh giác và sẵn sàng đối phó với nguy hiểm.

Mỗi người có một điểm thiết lập cơ bản về mức độ kích thích (ngưỡng kích thích). Một số người có xu hướng tự nhiên có ngưỡng kích thích cao hơn, trong khi số khác lại thấp hơn. Nhà tâm lý học Hans Eysenck gợi ý rằng, những mức độ kích thích này có thể được coi là một chuỗi liên tục.

Vậy, lý thuyết của Eysenck về nguyên nhân tính cách người hướng nội là gì? Theo đó, có những mức độ cần lưu ý:

  • 15% số người có điểm thiết lập mức độ kích thích tối thiểu, nghĩa là họ tự nhiên có ngưỡng kích thích thấp.
  • 15% số người có điểm thiết lập cao, nghĩa là có xu hướng bị kích động nhiều hơn một cách tự nhiên.
  • 70% mọi người nằm đâu đó giữa chuỗi liên tục.

Cũng theo lý thuyết của Eysenck, những người hướng nội có mức độ hưng phấn tự nhiên cao. Do ngưỡng kích thích cao này, người hướng nội có xu hướng tìm kiếm các hoạt động và môi trường nơi họ có thể thoát khỏi sự kích thích quá mức. Thời gian ở một mình cho họ cơ hội để xử lý và suy ngẫm về những gì mình đã học được.

đặc điểm tính cách người hướng nội
Người hướng nội thường có xu hướng dành thời gian cho bản thân để suy ngẫm. Ảnh: PsyCare

3. Những dấu hiệu của người hướng nội là gì?

Nhiều người trong chúng ta thường tự hỏi liệu mình có phải là người hướng nội hay không. Hoặc, làm thế nào để nhận biết ai đó là người hướng nội hay hướng ngoại?

Bạn có nghĩ về người hướng nội giống như một bông hoa tường vi nhút nhát, thích ở nhà một mình thay vì giao tiếp xã hội. Nhưng, người hướng nội cũng có nhiều loại, với nhiều đặc điểm khác nhau. Một số loại điển hình phổ biến như:

  • Người hướng nội xã hội: Là kiểu người hướng nội thích những nhóm người nhỏ hơn nhóm đông, thích một đêm yên tĩnh ở nhà hơn đi chơi đêm.
  • Người hướng nội suy tư: Là kiểu người hướng nội có xu hướng dành nhiều thời gian để suy nghĩ. Họ sống nội tâm và sáng tạo.
  • Người hướng nội lo âu: Là kiểu người hướng nội thường cảm thấy bất an hoặc lo lắng quá nhiều khi mọi người xung quanh đang trong quá trình giao tiếp xã hội.
  • Người hướng nội bị ức chế (kém linh hoạt): Là kiểu người hướng nội có xu hướng suy nghĩ quá nhiều, dành một khoảng thời gian đáng kể để cân nhắc quyết định trước khi làm bất cứ điều gì.

Tuy nhiên, nhiều người hướng nội có sự pha trộn của các phẩm chất trong số bốn kiểu nêu trên. Nhiều người hướng nội cũng thể hiện những phẩm chất không phải là đặc trưng cho kiểu tính cách của mình.

Ví dụ: Có nhiều người hướng nội thích giao lưu. Bạn thậm chí có thể ngạc nhiên khi biết rằng nhiều người mà bạn cho là “con sáo xã hội” lại thực sự có thể khá hướng nội.

Dưới đây là một số dấu hiệu điển hình cho thấy bạn hoặc ai đó có thể là một người hướng nội hoặc không.

3.1. Ở gần nhiều người làm tiêu hao năng lượng của bạn

Bạn có bao giờ cảm thấy kiệt sức sau khi dành thời gian cho nhiều người? Sau một ngày tiếp xúc với người khác, bạn có thường tìm về một nơi yên tĩnh và dành nhiều thời gian cho bản thân hơn không? Đây là một trong những đặc điểm chính để nhận biết kiểu tính cách người hướng nội là gì. Trong khi người hướng nội thường thấy tiêu hao năng lượng trong các tình huống xã hội, người hướng ngoại lại thu được năng lượng từ những tương tác như vậy (Fishman et al, 2011).

Nhưng, trên thực tế, người hướng nội không thể tránh hoàn toàn các tương tác xã hội được. Nhiều người hướng nội thực sự thích dành thời gian ở bên người khác, nhưng họ có xu hướng thích bầu bạn với những người bạn thân hoặc người có chung sở thích.

3.2. Người hướng nội thích tận hưởng sự cô đơn

Một người hướng nội thường sẽ thích ý tưởng về việc dành ra khoảng thời gian thích hợp (như một buổi chiều) để yên tĩnh với bản thân và tận hưởng những thú vui, sở thích của mình. Chẳng hạn như các hoạt động: đọc sách, đi dạo giữa thiên nhiên yên bình hoặc xem chương trình truyền hình yêu thích…Tất cả hoạt động này đều giúp bạn cảm thấy như được “sạc pin” và tràn đầy năng lượng.

Nhưng, điều này không có nghĩa là người hướng nội luôn thích ở một mình mọi lúc. Nhiều người hướng nội thích dành thời gian cho bạn bè và tương tác với những người thân quen trong các tình huống xã hội. Điều quan trọng ở đây là, sau một ngày dài hoạt động xã hội, một người hướng nội có thể sẽ muốn lui về một nơi yên tĩnh để suy nghĩ, nghiệm lại và nạp năng lượng.

3.3. Bạn có nhóm nhỏ bạn thân

Một quan niệm sai lầm về người hướng nội là họ không thích mọi người. Mặc dù thường không thích giao lưu nhiều nhưng họ lại thích có nhóm nhỏ bạn bè đặc biệt thân thiết. Họ cũng có xu hướng lựa chọn bạn bè cẩn thận hơn nhiều.

Không cần có một vòng kết nối xã hội rộng lớn, họ thường chỉ thích gắn bó với những mối quan hệ lâu dài và sâu sắc được đánh dấu bằng rất nhiều sự gần gũi và thân mật. Đây cũng là một trong những câu trả lời phù hợp nhất nếu bạn tự hỏi điểm mạnh của người hướng nội là gì. Nghiên cứu cho thấy, ở những người hướng nội trưởng thành, người nào có mối quan hệ xã hội mạnh mẽ và kỹ năng điều tiết cảm xúc tốt thì có cảm nhận hạnh phúc cao hơn những người không có kỹ năng đó (Cabello & Fernandez-Berrocal, 2015).

3.4. Mọi người có thể cảm thấy khó khăn khi muốn tìm hiểu bạn

Người hướng nội thường được mô tả là trầm lặng, dè dặt và dịu dàng, đôi khi bị nhầm là nhút nhát. Trong nhiều trường hợp, những người có tính cách hướng nội chỉ đơn giản là thích lựa chọn lời nói của mình một cách cẩn trọng và không lãng phí thời gian hoặc năng lượng vào những cuộc tán gẫu không cần thiết. Nếu bạn thuộc tuýp người như vậy, có thể bạn là người xu hướng hướng nội.

3.5. Kích thích quá nhiều khiến bạn cảm thấy mất tập trung

Khi phải dành thời gian cho các hoạt động hoặc môi trường bận rộn, người hướng nội có thể cảm thấy không tập trung và quá tải. Nghiên cứu cho thấy, người hướng nội có xu hướng dễ bị phân tâm hơn người hướng ngoại, đó là một phần lý do vì sao người hướng nội thường thích không gian yên tĩnh và ít ồn ào hơn (Belojevic et al, 2003). Nếu nhận thấy mình có đặc điểm tính cách này, có khả năng bạn là người hướng nội.

3.6. Bạn tự nhận thức tốt

Khả năng tự nhận thức tốt là một trong những cách nhận biết dấu hiệu người hướng nội là gì. Người hướng nội có xu hướng dành nhiều thời gian để kiểm tra những trải nghiệm bên trong của bản thân. Nếu bạn cảm thấy mình có kiến thức và cái nhìn sâu sắc về bản thân, về động lực sống và cảm xúc của mình, bạn có xu hướng là người hướng nội.

Người hướng nội cũng có xu hướng thích suy nghĩ và xem xét mọi thứ trong tâm trí của mình. Khả năng tự nhận thức và hiểu rõ bản thân là điều quan trọng đối với người hướng nội. Vì vậy, họ thường dành nhiều thời gian để tìm hiểu sâu sắc về bản thân.

3.7. Bạn thích học hỏi bằng cách quan sát

Trong khi người hướng ngoại có xu hướng thích nhảy ngay vào và học hỏi thông qua kinh nghiệm thực tế, thì người hướng nội thường thích học hỏi thông qua quan sát. Người hướng ngoại học hỏi thông qua thử và sai, còn người hướng nội thích quan sát trước khi thử một điều gì đó mới.

Họ thích xem một người khác thực hiện nhiệm vụ, thường là lặp đi lặp lại, cho đến khi họ cảm thấy mình có thể tự lặp lại các hành động đó. Khi học hỏi từ kinh nghiệm cá nhân, người hướng nội thích luyện tập ở một nơi nào đó riêng tư hơn. Ở đó, họ có thể xây dựng kỹ năng và khả năng của mình mà không cần phải “biểu diễn” cho người khác xem! Nếu bạn thích tìm hiểu thông qua quan sát hơn là thực hành ngay, có khả năng bạn là người có tính cách hướng nội hơn.

3.8. Bạn bị thu hút bởi những công việc liên quan đến sự độc lập

Bạn có thể tưởng tượng, những công việc đòi hỏi nhiều tương tác xã hội thường ít thu hút người có xu hướng tính cách hướng nội. Mặt khác, những nghề nghiệp liên quan đến làm việc độc lập thường là lựa chọn tuyệt vời cho những người có kiểu tính cách này. Ví dụ như nhà văn, kế toán, lập trình viên máy tính, nhà thiết kế đồ họa, dược sĩ hoặc nghệ sĩ.

dấu hiệu người hướng nội là gì
Một số dấu hiệu đặc trưng nhận biết một người có xu hướng tính cách hướng nội. Ảnh: PsyCare

4. Dấu hiệu phân biệt sự nhút nhát, trầm cảm với người hướng nội là gì?

4.1. Sự khác nhau giữa nhút nhát và người hướng nội là gì?

Người hướng nội không nhất thiết phải có biểu hiện nhút nhát. Theo Louis Schmidt và Arnold Buss (2010), tính dễ gần (Sociability) đề cập đến động cơ, dù mạnh hay yếu, muốn ở bên người khác; trong khi đó, nhút nhát đề cập đến hành vi khi ở với người khác – bị ức chế hoặc không bị cấm đoán – cũng như cảm giác căng thẳng và khó chịu.

Sự nhút nhát biểu thị sự sợ hãi trước người khác hoặc trong các tình huống xã hội. Còn người hướng nội chỉ đơn giản là không thích dành nhiều thời gian để tương tác với người khác. Họ đánh giá cao việc ở bên những người mà mình thân thiết. Họ cảm thấy việc tham gia vào những cuộc nói chuyện, tán gẫu không cần thiết là tẻ nhạt, và thích những đối thoại sâu sắc, có ý nghĩa hơn.

Người hướng nội cũng có xu hướng suy nghĩ kĩ trước khi nói. Họ muốn hiểu đầy đủ về một khái niệm trước khi đưa ra ý kiến hoặc cố gắng đưa ra lời giải thích.

4.2. Sự khác nhau giữa trầm cảm và người hướng nội là gì?

Nhiều người dễ nhầm lẫn người hướng nội là biểu hiện của trầm cảm. Trên thực tế, ai cũng có thể mắc chứng trầm cảm, kể cả là người hướng nội hay hướng ngoại. Dấu hiệu đặc trưng của trầm cảm là rút lui khỏi các tình huống hoặc hoạt động xã hội đến mức chủ thể cảm thấy buồn bã, lo lắng, lo âu hoặc chán nản. Một số nghiên cứu cho rằng hướng nội có thể làm tăng nguy cơ phát triển sự cô đơn, trầm cảm và mức độ lo âu (Wei, 2020).

4.3. Sự khác nhau giữa tính chống đối xã hội và người hướng nội là gì?

Sự khác biệt chính giữa người hướng nội và tính chống đối xã hội (antisocial) là người hướng nội tham gia vào xã hội theo cách mà họ cảm thấy thoải mái, còn người có xu hướng chống đối xã hội lại không thích như vậy (Tuovinen et al, 2020). Người chống đối xã hội thường thấy khó khăn khi sống trong một xã hội mà mình được cho là sẽ có những tương tác xã hội dù nhỏ hoặc phải cư xử theo cách được xã hội chấp nhận.

Bằng cách hiểu rõ về tính cách của mình, bạn có thể tìm hiểu sâu sắc và phát huy những thế mạnh của bản thân một cách phù hợp. Tuy nhiên, nếu đang gặp khó khăn với những đặc điểm tính cách người hướng nội, bạn có thể tìm đến chuyên gia sức khỏe tâm thần, nhà tâm lý học để được giúp đỡ.

cách phân biệt người hướng nội với trầm cảm, nhút nhát
Người hướng nội có đặc điểm thể hiện khác với trầm cảm, nhút nhát, và chống đối xã hội. Ảnh: PsyCare

Chẳng hạn: Một nhà trị liệu nhận thức hành vi có thể hướng dẫn bạn các cơ chế ứng phó lành mạnh khi đối diện với cảm xúc tiêu cực hoặc khó chịu. Nhà trị liệu tâm lý cũng có thể dạy bạn những cách kiểm soát các kiểu suy nghĩ tiêu cực có thể đang kìm hãm bạn (Gratzer & Khalid-Khan, 2016).

Mong rằng bài viết trên đây của PsyCare.com.vn đã giúp bạn hiểu và nhận biết dấu hiệu người hướng nội là gì và khác biệt thế nào so với những vấn đề tâm lý có biểu hiện tương tự. Dù bạn có xu hướng tính cách thế nào, hãy nhớ rằng kiểu nào cũng có những ưu và nhược điểm riêng tùy thuộc vào tình huống. Nếu xác định mình là người hướng nội, hãy tận dụng tối đa điểm mạnh bằng cách nuôi dưỡng các mối quan hệ thân thiết để thúc đẩy các tương tác xã hội bền chặt và phát triển sự hiểu biết tình cảm vững chắc.

Bài viết cùng chủ đề

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *