Liệu pháp hành vi biện chứng: Tổng quan DBT là gì?

Liệu pháp hành vi biện chứng (Dialectical behavior therapy – DBT) được phát triển vào cuối những năm 1980 bởi Tiến sĩ Marsha Linehan và các đồng nghiệp khi họ phát hiện ra rằng liệu pháp nhận thức hành vi (CBT) đơn thuần không hoạt động tốt như mong đợi ở những thân chủ mắc rối loạn nhân cách ranh giới (BPD). Tiến sĩ Linehan và cộng sự đã bổ sung một số kỹ thuật và phát triển một phương pháp điều trị nhằm đáp ứng nhu cầu riêng của những chủ thể mắc rối loạn này, mà cho đến ngày nay chúng ta vẫn còn áp dụng.

1. Liệu pháp hành vi biện chứng DBT là gì?

Liệu pháp hành vi biện chứng tên gốc tiếng Anh là Dialectical behavior therapy (DBT). Đây là một phương pháp trị liệu tâm lý được điều chỉnh từ liệu pháp nhận thức hành vi (CBT). Mục tiêu chính của DBT là dạy mọi người cách sống trong thời điểm hiện tại và học phát triển cách ứng phó lành mạnh với căng thẳng, đồng thời, học chiến lược điều chỉnh cảm xúc và cải thiện các mối quan hệ của bản thân với những người khác.

Liệu pháp hành vi biện chứng ban đầu được dự định để can thiệp rối loạn nhân cách ranh giới (BPD), nhưng nó đã được điều chỉnh để điều trị các tình trạng sức khỏe tâm thần khác. Ngoài ra, nó còn phù hợp cho những ai gặp khó khăn trong việc điều chỉnh cảm xúc, hoặc đang có các hành vi tự hủy hoại bản thân (self-harm) (chẳng hạn như rối loạn ăn uống và rối loạn sử dụng chất gây nghiện). DBT đôi khi cũng được sử dụng để điều trị rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD).

mục tiêu liệu pháp hành vi biện chứng
Một trong những mục tiêu của DBT là giúp chủ thể học cách sống trọn vẹn trong thời điểm hiện tại. Ảnh: PsyCare

2. Các hình thức áp dụng liệu pháp hành vi biện chứng DBT

DBT đã được phát triển để trở thành một phương pháp trị liệu tâm lý dựa trên bằng chứng được sử dụng cho nhiều vấn đề về tâm lý. Các bối cảnh mà DBT thường được sử dụng bao gồm:

  • Liệu pháp nhóm: Thân chủ được dạy các kỹ năng hành vi trong môi trường nhóm.
  • Liệu pháp cá nhân: Với một nhà trị liệu, các kỹ năng hành vi đã học của thân chủ sẽ được điều chỉnh phù hợp với những thách thức trong cuộc sống cá nhân của họ.
  • Tham vấn tâm lý qua điện thoại: Thân chủ có thể gọi điện cho nhà trị liệu ngoài các phiên trị liệu để nhận được sự hướng dẫn về cách ứng phó với tình huống khó khăn mà mình đang gặp phải.

3. Các kỹ thuật chính của liệu pháp hành vi biện chứng DBT là gì?

Một số chiến lược và kỹ thuật được sử dụng trong liệu pháp hành vi biện chứng DBT được giới thiệu ngắn gọn sau đây.

3.1. Chánh niệm (mindfulness)

Một lợi ích quan trọng của DBT là phát triển các kỹ năng chánh niệm (hay tỉnh thức). Kỹ thuật này giúp bạn tập trung vào hiện tại, hay nói cách khác là “sống trong khoảnh khắc này”, nó giúp bạn chú ý đến những gì đang xảy ra bên trong (suy nghĩ, cảm xúc, cảm giác và những xung năng của bạn). Đồng thời, chánh niệm còn hướng dẫn bạn sử dụng các giác quan để điều chỉnh những gì đang xảy ra xung quanh mình (những gì bạn nhìn thấy, nghe, ngửi và chạm) một cách không phán xét.

Kỹ thuật chánh niệm giúp bạn sống chậm lại và tập trung vào việc sử dụng các kỹ năng ứng phó lành mạnh khi bạn đang ở giữa nỗi đau về tình cảm. Chiến lược này cũng có thể giúp bạn bình tĩnh và tránh tham gia vào các kiểu suy nghĩ tự động tiêu cực và hành vi thiếu suy nghĩ.

Bài tập chánh niệm mẫu: Kỹ năng quan sát tư duy

Hãy chú ý đến hơi thở của bạn. Ghi nhận cảm giác mỗi khi hít vào và thở ra, đồng thời, quan sát bụng của bạn tăng và giảm khi thở.

3.2. Kỹ năng chịu đựng nỗi đau (Distress Tolerance)

Kỹ năng chịu đựng nỗi đau (Distress Tolerance) giúp bạn chấp nhận bản thân và hoàn cảnh hiện tại. Kỹ thuật này của liệu pháp hành vi biện chứng DBT hướng dẫn thân chủ một số kỹ năng để xử lý khủng hoảng, bao gồm:

  • Đánh lạc hướng (Distraction)
  • Cải thiện thời điểm (Improving the moment)
  • Làm dịu bản thân (Self-soothing)
  • Suy nghĩ về ưu và nhược điểm của việc không chịu được sự đau khổ

Kỹ thuật chịu đựng nỗi đau giúp chuẩn bị cho bạn những cảm xúc mãnh liệt, qua đó, giúp bạn ứng phó với chúng bằng một quan điểm dài hạn tích cực hơn.

Bài tập mẫu: Đặt trách nhiệm lên cơ thể của bạn

Hãy chạy lên và xuống cầu thang. Nếu bạn đang ở trong nhà, hãy đi ra ngoài. Nếu đang ngồi, hãy đứng dậy và đi bộ xung quanh. Mục đích của bài tập này là đánh lạc hướng bản thân (self distraction) bằng cách cho phép cảm xúc theo dõi cơ thể.

3.3. Kỹ năng giao tiếp hiệu quả (Interpersonal Effectiveness)

Kỹ năng giao tiếp hiệu quả (Interpersonal Effectiveness) giúp bạn trở nên quyết đoán hơn trong các mối quan hệ nhưng vẫn giữ mối quan hệ ấy lành mạnh và tích cực. Ví dụ, khi bày tỏ nhu cầu của bản thân, bạn biết khi nào cần nói “có” và khi nào nên từ chối. Bạn sẽ học được cách lắng nghe và giao tiếp hiệu quả hơn. Từ đó, ứng phó tốt hơn với những người tiêu cực, bạn trở nên tôn trọng bản thân và những người xung quanh mình hơn.

Bài tập mẫu: GIVE 

Sử dụng kỹ thuật GIVE để cải thiện các mối quan hệ và giao tiếp tích cực hơn như sau:

  • G – Gentle: Không tấn công, đe dọa hoặc phán xét người khác.
  • I – Interest: Tôi quan tâm (có hứng thú). Thể hiện sự quan tâm bằng kỹ năng lắng nghe tích cực (không ngắt lời người khác nói).
  • V – Validate: Thừa nhận suy nghĩ và cảm xúc của đối phương.
  • E – Easy: Cố gắng có một thái độ thoải mái (mỉm cười thường xuyên và nhẹ nhàng).
kỹ thuật giao tiếp hiệu quả trong DBT
Kỹ thuật GIVE giúp giao tiếp hiệu quả giữa các cá nhân. Ảnh: PsyCare

3.4. Điều tiết cảm xúc trong liệu pháp hành vi biện chứng DBT là gì?

Điều chỉnh cảm xúc cho phép bạn điều hướng những cảm xúc mạnh mẽ theo cách hiệu quả hơn. Các kỹ năng học được sẽ giúp bạn xác định, gọi tên, và thay đổi cảm xúc của mình (Goodman et al, 2014). Khi bạn có thể nhận ra và kiểm soát những cảm xúc tiêu cực dữ dội (như tức giận), điều đó sẽ giúp làm giảm nguy cơ bị tổn thương về mặt cảm xúc. Qua đó, giúp bạn có những trải nghiệm cảm xúc tích cực hơn.

Bài tập mẫu: Hành động đối lập (Opposite Action)

Hãy thử xác định cảm xúc của bạn và làm điều ngược lại. Nếu bạn đang cảm thấy buồn và muốn rút lui khỏi bạn bè, gia đình, hãy lập kế hoạch để gặp những người thân yêu của bạn.

4. Các giai đoạn trị liệu của liệu pháp hành vi biện chứng DBT

Liệu pháp hành vi biện chứng cũng được chia thành 4 giai đoạn can thiệp. Bao gồm:

  • Giai đoạn 1: Trong thời gian bắt đầu can thiệp, các hành vi nghiêm trọng nhất và tự hủy hoại bản thân là những vấn đề đầu tiên cần giải quyết. Các hành vi này bao gồm cả các vấn đề như hành vi tự gây thương tích hoặc tự sát.
  • Giai đoạn 2: Tiếp theo, quá trình điều trị chuyển sang giải quyết các vấn đề ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của thân chủ. Chẳng hạn như: hiệu quả giao tiếp giữa các cá nhân, kỹ năng điều chỉnh cảm xúc, khả năng chịu đựng sự đau khổ.
  • Giai đoạn 3: Bước tiếp theo là tập trung vào các vấn đề liên quan đến lòng tự trọng và mối quan hệ giữa các cá nhân.
  • Giai đoạn 4: Ở giai đoạn này, việc điều trị tập trung vào mục đích giúp thân chủ tận dụng tối đa cuộc sống của họ, bao gồm việc tìm cách để cảm thấy hạnh phúc hơn, củng cố các mối quan hệ và theo đuổi mục tiêu trong cuộc sống của mình.
4 giai đoạn quy trình liệu pháp hành vi biện chứng
4 giai đoạn thực hiện quy trình liệu pháp hành vi biện chứng. Ảnh: PsyCare

5. DBT phù hợp với những vấn đề nào?

Mặc dù được phát triển với trọng tâm dành cho người mắc rối loạn nhân cách ranh giới (BPD), liệu pháp hành vi biện chứng cũng có thể là một phương pháp điều trị tâm lý hiệu quả cho các vấn đề khác. Bao gồm:

  • Rối loạn tăng động kém chú ý (ADHD)
  • Rối loạn lưỡng cực
  • Rối loạn ăn uống (như chán ăn tâm lý, rối loạn ăn uống vô độ và chứng cuồng ăn)
  • Rối loạn lo âu tổng quát (GAD)
  • Rối loạn trầm cảm nặng (bao gồm trầm cảm nặng kháng trị và trầm cảm mãn tính)
  • Tự gây thương tích không tự sát
  • Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD)
  • Rối loạn stress sau sang chấn (PTSD)
  • Rối loạn sử dụng chất gây nghiện (Stotts & Northrup, 2014)
  • Hành vi tự sát

6. Liệu pháp hành vi biện chứng DBT có hiệu quả không?

Cách tiếp cận trị liệu tâm lý này có thể giúp mọi người cải thiện thành công các kỹ năng đối phó của họ, đồng thời, phát triển những phương pháp hiệu quả để quản lý và thể hiện cảm xúc mạnh mẽ. Nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng rằng DBT đem lại hiệu quả bất kể tuổi tác, giới tính, bản dạng giới, khuynh hướng tình dục, và chủng tộc/ dân tộc của chủ thể (Van Dijk et al, 2012).

Các nghiên cứu cũng đã phát hiện ra rằng DBT có hiệu quả trong việc điều trị rối loạn nhân cách ranh giới (BPD) và giảm nguy cơ tự tử ở những người mắc BPD (Stiglmayr et al, 2014), cũng như các hành vi tự sát khác (Linehan et al, 2015). Nghiên cứu của Perepletchikova và cộng sự (2017) cũng cho thấy liệu pháp hành vi biện chứng cũng có thể hữu ích trong việc điều trị trẻ em mắc rối loạn điều hòa tâm trạng (Perepletchikova et al, 2017).

Xem chi tiết: Top 15 phòng khám tâm lý ở TPHCM tốt và uy tín nhất

7. Những điều bạn cần lưu ý trước khi lựa chọn liệu pháp hành vi biện chứng DBT

DBT yêu cầu một cam kết đáng kể về thời gian tham gia trị liệu. Ngoài các buổi trị liệu thông thường, thân chủ còn được yêu cầu làm “bài tập về nhà” để rèn luyện các kỹ năng ngoài bối cảnh lâm sàng. Điều này có thể đặt ra một thách thức cho những người gặp khó khăn trong việc sắp xếp thời gian để hoàn thành các bài tập trị liệu này.

Việc thực hành một số kỹ năng cũng có thể khiến một số người gặp khó khăn. Ở các giai đoạn điều trị khác nhau, mọi người khám phá những trải nghiệm đau thương và nỗi đau tinh thần khác nhau, và chúng có thể làm bạn khó chịu. Do đó, bạn cần cần nhắc kỹ điều này trước khi lựa chọn phương pháp trị liệu tâm lý này nhé.

nhà trị liệu hành vi biện chứng DBT
Tốt nhất nên tìm nhà trị liệu chuyên về DBT để được hướng dẫn kỹ thuật thực hành bài bản và hiệu quả. Ảnh: PsyCare

Về cơ bản, liệu pháp hành vi biện chứng rất phức tạp, và thường không phải là thứ mà mọi người có thể tự thực hành mà không có sự hướng dẫn của nhà trị liệu tâm lý. Tuy nhiên, có một số kỹ năng bạn có thể tự làm để phát triển khả năng ứng phó của bản thân. Chẳng hạn như chánh niệm, các bài tập thở, thư giãn cơ bắp liên tục, chịu đựng nỗi đau khổ,…

Liệu pháp hành vi biện chứng (DBT) là một phương pháp trị liệu ban đầu được phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu trị liệu của những người mắc BPD. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh DBT rõ ràng đem lại hiệu quả và ngày càng được áp dụng sâu rộng trên thực tế. Bản chất đa thành phần của DBT cho phép chính nó được “tháo gỡ” trong bối cảnh lâm sàng và có thể mở rộng can thiệp cho nhiều vấn đề sức khỏe tâm thần ngoài BPD. Nếu bạn đang trải qua những khó khăn tâm lý này, tốt nhất, hãy tìm đến sự giúp đỡ của một nhà trị liệu được đào tạo bài bản nhé!

Ernie Nguyễn
Ernie Nguyễn
Bài viết: 49