Thuyết tâm lý xã hội của Erik Erikson: 8 giai đoạn phát triển của con người

Lý thuyết tâm lý xã hội của Erik Erikson là nền tảng cung cấp kiến thức tổng quan về 8 giai đoạn phát triển nhân cách của con người. Erik Erikson là một nhà Tâm lý học người Đức. Ông là người đã đưa ra giả thuyết về các xung đột tâm lý cụ thể diễn ra qua 8 giai đoạn của cuộc đời một người. Ông tin rằng những xung đột này sẽ góp phần hình thành nhân cách của mỗi chúng ta trong suốt quá trình phát triển từ khi sinh ra đến tuổi già. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ về học thuyết phát triển tâm lý xã hội của Erikson.

1. Nhà tâm lý học Erik Erikson là ai?

Thuyết tâm lý xã hội của Erik Erikson là một trong những lý thuyết phổ biến và có ảnh hưởng nhất về sự phát triển nhân cách của con người. Erik Homburger Erikson (1902 – 1994), sinh ra tại Đức, là một nhà Tâm lý học nghiên cứu về cái Tôi. Các lý thuyết của Erikson có sự ảnh hưởng bởi các công trình nghiên cứu của nhà Phân tâm học Sigmund Freud. Ông được chính tay Anna Freud (con gái của Sigmund Freud) cấp chứng chỉ giáo dục.

Giống như Sigmund Freud, Erikson tin rằng nhân cách của một con người được phát triển theo một loạt các giai đoạn. Tuy nhiên, học thuyết tâm lý xã hội của Erik Erikson tập trung vào các quá trình phát triển về mặt tâm lý xã hội hơn là sự phát triển tâm tính dục.

Xem thêm: Thuyết phân tâm học của Sigmund Freud: Nội dung và ứng dụng

tiểu sử erik erikson
Erik Erikson là nhà Tâm lý học nổi tiếng với các lý thuyết nghiên cứu về cái Tôi. Ảnh: PsyCare

Bây giờ, chúng ta hãy cùng xem xét kỹ hơn nền tảng và các giai đoạn khác nhau tạo nên lý thuyết tâm lý xã hội của Erik Erikson nhé.

2. Tổng quan học thuyết tâm lý xã hội của Erik Erikson về 8 giai đoạn phát triển của con người

Lý thuyết của Erikson mô tả tác động của trải nghiệm xã hội trong toàn bộ cuộc đời của một người. Erikson cũng quan tâm đến việc các tương tác xã hội và mối quan hệ đóng vai trò như thế nào đối với sự phát triển và trưởng thành của từng chủ thể.

Lý thuyết tâm lý xã hội của Erik Erikson dựa trên nguyên lý biểu sinh (epigenetic principle). Theo nguyên lý này, con người phát triển theo một trình tự xảy ra theo thời gian, và trong bối cảnh của một cộng đồng rộng lớn hơn.

Trong học thuyết của Erik Erikson, “cái tôi” (ego) được coi là trung tâm của quá trình phát triển bản dạng cá nhân. Erikson cho rằng cái tôi không chỉ là cơ chế bảo vệ tâm lý mà còn là một thực thể năng động. Qua đó, giúp con người xây dựng và duy trì cảm giác về bản thân qua các giai đoạn phát triển khác nhau.

2.1. Xung đột trong mỗi giai đoạn thuyết tâm lý xã hội của Erik Erikson

Mỗi giai đoạn trong lý thuyết của Erik Erikson được xây dựng dựa trên các giai đoạn trước đó, và mở đường cho các giai đoạn phát triển tiếp theo. Trong mỗi giai đoạn, Erikson tin rằng mọi người đều trải qua xung đột. Và, những xung đột này đóng vai trò là bước ngoặt của sự phát triển (Malone JC et al, 2016).

Các xung đột này tập trung vào việc một người có phát triển những phẩm chất tâm lý đặc trưng của giai đoạn đó hay không. Mỗi chủ thể có tiềm năng cao trong việc đạt được những phẩm chất tâm lý này. Tuy nhiên, cũng có khả năng thất bại.

Nếu một người giải quyết thành công xung đột, họ sẽ vượt qua được giai đoạn phát triển đó với sức mạnh tâm lý giúp họ sống tốt trong suốt quãng thời gian còn lại. Ngược lại, nếu không giải quyết hiệu quả những xung đột này, họ có thể không phát triển các kỹ năng cần thiết để có ý thức mạnh mẽ về bản thân.

Các giai đoạn hình thành lý thuyết tâm lý xã hội của Erik Erikson:

  • Giai đoạn 1: Tin tưởng >< Ngờ vực
  • Giai đoạn 2: Tự chủ >< Xấu hổ, nghi ngờ bản thân
  • Giai đoạn 3: Tự khởi xướng >< Mặc cảm tội lỗi
  • Giai đoạn 4: Sự chăm chỉ, cần cù >< Thiếu tự tin, cảm giác kém cỏi
  • Giai đoạn 5: Khẳng định bản thân (Bản sắc cá nhân) >< Nhầm lẫn vai trò
  • Giai đoạn 6: Gắn bó >< Cô lập
  • Giai đoạn 7: Sáng tạo >< Trì trệ
  • Giai đoạn 8: Tính toàn vẹn >< Thất vọng

2.2. Quyền tự chủ dẫn dắt sức mạnh bản ngã

Erikson cũng tin rằng cảm nhận về năng lực bản thân giúp thúc đẩy các hành vi và hành động của mỗi người. Mỗi giai đoạn trong lý thuyết tâm lý xã hội của Erik Erikson đều liên quan đến việc trở nên có năng lực về một lĩnh vực nào đó trong cuộc sống.

Nếu cảm nhận về năng lực bản thân trong từng giai đoạn được xử lý tốt, người đó sẽ có cảm giác làm chủ. Khái niệm này đôi khi còn được gọi là sức mạnh bản ngã (ego strength), hoặc phẩm chất bản ngã (ego quality). Ngược lại, người đó sẽ rời khỏi giai đoạn phát triển đó với cảm giác kém cỏi.

3. Nội dung 8 giai đoạn phát triển tâm lý xã hội và nhân cách con người theo lý thuyết Erik Erikson

3.1. Tin tưởng với Ngờ vực (Trẻ sơ sinh – 18 tháng tuổi)

Giai đoạn đầu tiên trong lý thuyết tâm lý xã hội của Erik Erikson diễn ra từ khi trẻ mới sinh đến 1 tuổi. Đây là giai đoạn cơ bản nhất trong cuộc đời mỗi người. Trẻ sơ sinh hoàn toàn phụ thuộc vào người chăm sóc về mọi thứ trẻ cần để tồn tại, bao gồm cho ăn, tình yêu thương, sự ấm áp, sự an toàn và sự nuôi dưỡng.

Xung đột: Sự tin tưởng của trẻ đối với người chăm sóc được phát triển dựa trên cảm giác tin cậy và chất lượng của người chăm sóc. Nếu người chăm sóc không cung cấp đủ sự quan tâm và tình yêu thương, đứa trẻ sẽ cảm thấy rằng mình không thể tin tưởng hoặc phụ thuộc vào người này trong cuộc sống của mình.

Nếu một đứa trẻ phát triển sự tin tưởng, trẻ sẽ cảm thấy an toàn và yên tâm trong thế giới xung quanh. Người chăm sóc không nhất quán, không có tình cảm, hoặc từ chối chăm sóc, sẽ góp phần gây nên cảm giác không tin tưởng ở trẻ. Điều này sẽ dẫn đến nỗi sợ hại, cùng niềm tin rằng thế giới này không nhất quán và không thể đoán trước được.

Không đứa trẻ nào phát triển cảm giác tin tưởng 100% hoặc ngờ vực 100%. Erikson tin rằng sự phát triển thành công là nhờ sự cân bằng giữa 2 mặt đối lập. Khi đó, trẻ sẽ hình thành niềm hy vọng. Thuyết tâm lý xã hội của Erik Erikson mô tả điều này như là một sự cởi mở để trải nghiệm nhưng vẫn cảnh giác các nguy hiểm có thể hiện diện. Công trình nghiên cứu sau đó của John Bowlby và Mary Ainsworth đã chứng minh tầm quan trọng của sự tin tưởng trong việc hình thành sự gắn bó lành mạnh trong suốt thời thơ ấu và trưởng thành của một người.

giai đoạn 1 thuyết tâm lý xã hội của erik erikson
Trẻ trong 18 tháng tuổi đầu đời phát triển gắn bó tin tưởng hoặc ngờ vực với người chăm sóc. Ảnh: PsyCare

3.2. Tự chủ với Xấu hổ và nghi ngờ bản thân (18 tháng – 3 tuổi)

Giai đoạn thứ 2 trong học thuyết tâm lý xã hội của Erik Erikson tập trung vào việc trẻ phát triển ý thức kiểm soát cá nhân tốt hơn.

Xung đột: Trẻ học cách tự lập như tự ăn, mặc đồ, tự đi vệ sinh,…Trẻ hoàn thành tốt giai đoạn này sẽ cảm thấy yên tâm và tự tin, dẫn đến cảm giác tự chủ. Ngược lại, trẻ sẽ cảm thấy xấu hổ, hụt hẫng và nghi ngờ bản thân.

Vai trò của sự độc lập, tự chủ

Ở thời điểm phát triển này, trẻ mới bắt đầu có một chút độc lập. Trẻ bắt đầu tự mình thực hiện các hành động cơ bản, và đưa ra những quyết định đơn giản về những gì mình thích. Bằng cách cho phép trẻ đưa ra lựa chọn và giành quyền kiểm soát, cha mẹ và người chăm sóc có thể giúp trẻ phát triển cảm giác tự chủ.

Tập kỹ năng ngồi bô

Chủ đề trọng tâm của giai đoạn này là trẻ cần phát triển cảm giác kiểm soát cá nhân đối với các kỹ năng thể chất và ý thức độc lập. Việc tập ngồi bô đóng vai trò quan trọng trong việc giúp trẻ phát triển ý thức tự chủ này.

Giống như Freud, Erikson tin rằng việc tập kỹ năng đi vệ sinh là một phần quan trọng của quá trình trẻ từ 1 – 3 tuổi. Tuy nhiên, lý giải của ông khác với Freud. Ông tin rằng, việc học cách kiểm soát các chức năng cơ thể sẽ dẫn đến cảm giác kiểm soát và cảm nhận về sự độc lập. Một số sự kiện quan trọng khác cũng góp phần hình thành cảm giác tự chủ này như: trẻ được tự chọn thức ăn, đồ chơi, quần áo…

Thuyết tâm lý xã hội của Erik Erikson cho rằng, việc đạt được sự cân bằng giữa tự chủ, xấu hổ và nghi ngờ sẽ hình thành nên ý chí. Với đức tính này, trẻ có thể hành động có chủ đích trong phạm vi của lý trí và và những giới hạn cho phép.

giai đoạn 2 thuyết nhận thức erik erikson
Giai đoạn 2 tập trung vào việc trẻ phát triển ý thức kiểm soát cá nhân. Ảnh: PsyCare

3.3. Tự khởi xướng với Mặc cảm tội lỗi (3 – 5 tuổi)

Giai đoạn thứ 3 của các giai đoạn phát triển tâm lý xã hội diễn ra trong độ tuổi mầm non. Ở giai đoạn này, trẻ cố đóng vai người lớn. Trẻ bắt đầu khẳng định quyền lực và quyền kiểm soát của mình đối với thế giới xung quanh, thông qua việc chỉ đạo chơi và các tương tác xã hội khác.

Xung đột: Những đứa trẻ thành công trong giai đoạn này sẽ cảm thấy mình có khả năng và có thể lãnh đạo người khác. Ngược lại, trẻ sẽ có cảm giác tội lỗi, thiếu tự tin và thiếu chủ động.

Khi đạt được sự cân bằng lý tưởng giữa việc tự khởi xướng với sự sẵn lòng làm việc với người khác, một phẩm chất bản ngã được gọi là mục đích xuất hiện.

giai đoạn 3 các giai đoạn phát triển tâm lý xã hội của con người
Trẻ 3 – 5 tuổi cố gắng đón nhận những trách nhiệm vượt quá khả năng (tập làm người lớn). Ảnh: PsyCare

3.4. Sự chăm chỉ, cần cù với Thiếu tự tin, cảm giác kém cỏi (6 – 11 tuổi)

Thông qua các tương tác xã hội, trẻ ở giai đoạn 5 – 11 tuổi bắt đầu phát triển cảm giác tự hào về thành tích và khả năng của mình. Trẻ cần phải đương đầu với những nhu cầu mới của xã hội và việc học tập.

Xung đột: Những trẻ thành công trong giai đoạn này giúp trẻ hình thành cảm nhận về năng lực bản thân. Ngược lại, có thể dẫn đến cảm giác thất bại, kém cỏi.

Kết quả: Trẻ được cha mẹ và giáo viên khuyến khích, khen ngợi sẽ phát triển cảm nhận về năng lực bản thân, và tin tưởng vào các kỹ năng của mình. Thiếu những điều này sẽ khiến trẻ nghi ngờ về khả năng thành công, cũng như khả năng giải quyết các nhiệm vụ đặt ra trước mắt của bản thân.

giai đoạn 4 lý thuyết tâm lý xã hội của erik erikson
Trẻ 6 – 11 tuổi nỗ lực chăm chỉ đạt thành tích để khẳng định khả năng. Ảnh: PsyCare

3.5. Khẳng định bản thân với Nhầm lẫn vai trò (12 – 18 tuổi)

Giai đoạn thứ 5 trong thuyết tâm lý xã hội của Erik Erikson diễn ra vào những năm thiếu niên đầy biến động của con người. Đây là giai đoạn đóng vai trò thiết yếu trong việc phát triển ý thức về bản sắc cá nhân.

Xung đột: Thành công trong giai đoạn phát triển này dẫn đến khả năng sống thật với chính mình. Ngược lại, có thể dẫn đến sự nhầm lẫn về vai trò và cảm giác yếu kém về bản thân.

Trong thời kì thanh thiếu niên, trẻ khám phá sự độc lập của mình và phát triển ý thức về bản thân. Trẻ thường tự hỏi: “Mình là ai? Mình có năng khiếu gì? Có đặc điểm gì nổi trội?

Nếu nhận được sự khuyến khích và củng cố thích hợp thông qua khám phá cá nhân, trẻ sẽ vượt qua giai đoạn này với ý thức mạnh mẽ về bản thân mình cùng cảm giác độc lập, có khả năng kiểm soát. Những trẻ không chắc chắn về niềm tin, ước muốn của mình sẽ cảm thấy bất an, bối rối về bản thân và tương lai. Thuyết tâm lý xã hội của Erik Erikson cũng cho rằng, thành công trong giai đoạn này dẫn đến sự chung thủy, là khả năng sống theo tiêu chuẩn và kỳ vọng của xã hội.

giai đoạn 5 trong 8 giai đoạn phát triển của con người
Trẻ 12 – 18 tuổi khám phá sự độc lập của mình và phát triển ý thức về bản thân. Ảnh: PsyCare

Theo Erikson, bản sắc bản ngã liên tục thay đổi do những trải nghiệm và thông tin mới mà chúng ta tiếp nhận trong các tương tác hàng ngày với người khác. Khi có những trải nghiệm mới, chúng ta phải đương đầu với những thách thức mà có thể giúp ích hoặc cản trở đến sự phát triển của bản sắc. Bản sắc cá nhân đem lại cảm giác hòa nhập và gắn kết về bản thân tồn tại trong suốt cuộc đời của chúng ta. Và, cũng chính bản sắc này giúp định hướng hành động, niềm tin và hành vi của chúng ta khi già đi.

3.6. Gắn bó với Cô lập (18 – 40 tuổi)

Giai đoạn này bao gồm giai đoạn trưởng thành sớm khi mọi người khám phá các mối quan hệ cá nhân. Theo lý thuyết tâm lý xã hội của Erik Erikson, mọi người phải phát triển mối quan hệ thân thiết, gắn bó với những người khác ở giai đoạn này.

Xung đột: Thành công trong giai đoạn này sẽ giúp hình thành các mối quan hệ lâu dài, bền chặt và an toàn, hay còn gọi là tình yêu. Ngược lại, sẽ dẫn đến sự cô đơn và cô lập.

Được xây dựng dựa trên các kỹ năng đã học ở các giai đoạn phát triển trước đó, ý thức cá nhân mạnh mẽ rất quan trọng để một người phát triển các mối quan hệ thân thiết ở giai đoạn này. Nghiên cứu đã chứng minh, những người có lòng tự trọng thấp thường có ít mối quan hệ cam kết hơn và có nhiều khả năng trải qua cảm xúc cô lập, cô đơn và trầm cảm.

Xem thêm: 11 dấu hiệu lòng tự trọng thấp và cách khắc phục

giai đoạn 6 lý thuyết sự phát triển nhân cách erikson
Giai đoạn 6 trong sự phát triển tâm lý xã hội của con người chú trọng vào việc thiết lập các mối quan hệ thân mật. Ảnh: PsyCare

3.7. Sáng tạo với Trì trệ (40 – 65 tuổi)

Những người ở độ tuổi này cần tạo ra hoặc nuôi dưỡng những thứ sẽ tồn tại lâu hơn họ, thường là bằng cách có con hoặc tạo nên sự thay đổi tích cực có lợi cho người khác.

Xung đột: Thành công ở giai đoạn này dẫn đến cảm giác mình có ích và mãn nguyện. Ngược lại, sẽ dẫn đến cảm giác cuộc đời lắng đọng, trì trệ, và có mối liên kết mờ nhạt với thế giới.

Ở giai đoạn trưởng thành này, chúng ta tiếp tục xây dựng cuộc sống của mình. Trong đó, chú trọng tập trung vào sự nghiệp và gia đình. Những người thành công trong giai đoạn này sẽ cảm thấy mình đang đóng góp cho thế giới bằng cách đóng vai trò tích cực trong gia đình và cộng đồng của mình. Ngược lại, nếu không đạt được kỹ năng này, chủ thể sẽ cảm thấy mình không hữu ích và thiếu gắn kết với thế giới.

Cẩn thận là đức tính đạt được khi giai đoạn phát triển này được xử lý thành công. Tự hào về thành tích bản thân, quan sát con cái trưởng thành, và có cảm giác hợp nhất với người bạn đời là những thành tựu quan trọng trong giai đoạn phát triển này.

giai đoạn 7 học thuyết tâm lý xã hội của erik erikson
Người ở giai đoạn 40 – 65 tuổi tập trung vào thành tựu trong sự nghiệp và gia đình. Ảnh: PsyCare

3.8. Tính toàn vẹn với Thất vọng (Từ 65 tuổi trở lên)

Giai đoạn cuối cùng trong thuyết tâm lý xã hội của Erik Erikson diễn ra ở giai đoạn tuổi già. Trọng tâm của giai đoạn này là tập trung vào việc phản ánh lại cuộc sống. Chủ thể nhìn lại các sự kiện của cuộc đời mình, và xác định xem liệu họ có hài lòng với cuộc sống của mình hay không. Hoặc, họ tự hỏi liệu mình có nuối tiếc về những điều mình đã làm hoặc không.

Xung đột: Mãn nguyện, dễ dàng chấp nhận những giảm sút về sức khỏe, thu nhập và vị thế xã hội, không day dứt khi cận kề với cái chết. Ngược lại, họ thường kém thích nghi với những thay đổi, quá trình lão hóa ở họ diễn ra nhanh hơn. Điều này khiến họ thường hối tiếc về quá khứ.

giai đoạn 8 phát triển tâm lý xã hội của con người erikson
Ở tuổi già, mỗi người chú trọng vào việc suy ngẫm lại cuộc đời của mình. Ảnh: PsyCare

4. Đánh giá thuyết tâm lý xã hội của Erik Erikson về 8 giai đoạn phát triển của con người

Lý thuyết của Erikson khác với nhiều lý thuyết khác vì nó đề cập đến sự phát triển trong suốt cuộc đời. Quá trình này bao gồm cả tuổi già. Những người lớn tuổi cần có cảm giác mãn nguyện khi nhìn lại cuộc đời mình.

Khi đạt được điều này, họ sẽ vượt qua giai đoạn tuổi già với sự tinh thông/khôn ngoan. Từ đó, họ sẵn sàng đối mặt với cuối đời với cảm giác bình yên. Ngược lại, thiếu điều đó khiến họ cảm thấy hối tiếc, cay đắng và tuyệt vọng, lo sợ rằng cuộc đời mình sẽ kết thúc mà không đạt được những điều mà đáng lẽ mình cần phải có. Họ cũng có thể cảm thấy cuộc đời mình đã bị lãng phí và có nhiều hối tiếc.

4.1. Hạn chế của lý thuyết tâm lý xã hội của Erik Erikson về 8 giai đoạn phát triển

Lý thuyết về 8 giai đoạn phát triển tâm lý xã hội của Erik Erikson cũng có những hạn chế cùng một số lời phê bình xác đáng. Chẳng hạn như: Những trải nghiệm nào là cần thiết để vượt qua thành công mỗi giai đoạn? Làm thế nào để một người chuyển từ giai đoạn này sang giai đoạn tiếp theo?

Đây chính là điểm yếu lớn nhất trong lý thuyết tâm lý xã hội của Erik Erikson. Theo đó, các cơ chế giải quyết xung đột của mỗi giai đoạn phát triển chưa được đề cập. Đặc biệt, sự chuyển tiếp từ giai đoạn này sang giai đoạn tiếp theo cũng không được mô tả rõ ràng.

4.2. Những đóng góp từ học thuyết tâm lý xã hội của Erik Erikson

Mặc dù tồn tại một số hạn chế, nhưng không thể phủ nhận ý nghĩa to lớn của lý thuyết về 8 giai đoạn phát triển này. Một trong những điểm mạnh của lý thuyết tâm lý xã hội của Erik Erikson là nó cung cấp một khuôn khổ rộng để xem xét sự phát triển của một chủ thể trong toàn bộ cuộc đời, không chỉ trong thời thơ ấu. Nó cũng cho phép chúng ta nhấn mạnh bản chất xã hội của con người. Đồng thời, lý thuyết này còn giúp mở rộng hiểu biết về ảnh hưởng của các mối quan hệ xã hội đối với sự phát triển con người.

Ý tưởng về bản sắc cá nhân của Erikson cũng được nhiều nhà nghiên cứu ủng hộ (Meeus W. et al, 2012). Dựa trên lý thuyết tâm lý xã hội của Erik Erikson, các nhà nghiên cứu đã xác định thêm các giai đoạn phụ khác nhau của quá trình hình thành bản sắc.

Xem thêm:

8 giai đoạn phát triển tâm lý xã hội của con người
Học thuyết tâm lý xã hội của Erik Erikson tạo nên khuôn khổ rộng xem xét sự phát triển của cuộc đời một người từ khi sinh ra đến lúc già đi. Ảnh: PsyCare

5. Vận dụng lý thuyết tâm lý xã hội của Erik Erikson vào cuộc sống

Thuyết tâm lý xã hội của Erik Erikson giúp chúng ta hiểu biết về đặc điểm tâm sinh lý của con người ở mỗi giai đoạn phát triển. Qua đó, có thể vận dụng vào các khía cạnh khác nhau trong cuộc sống và giáo dục. Chẳng hạn như:

  • Trẻ ở giai đoạn 12 – 18 tuổi thường dễ nhầm lẫn vai trò. Chúng ta có thể phần nào giúp các em ở độ tuổi này định hướng vai trò của mình. Từ đó, hướng đến khám phá sở thích, sở trường của bản thân, giúp trẻ hoàn thiện bản thân tốt hơn, lựa chọn con đường tương lai phù hợp hơn.
  • Ở độ tuổi 18 – 40 tuổi, chú trọng vào việc việc kết bạn, củng cố tình bạn, tình đồng nghiệp. Ngoài ra, cũng cần phát triển kỹ năng nghề nghiệp. Ở giai đoạn này, cần phát huy những điểm mạnh, cải thiện những khiếm khuyết. Từ đó, tạo cho mình môi trường và kỹ năng nghề nghiệp tốt.

Học thuyết về 8 giai đoạn phát triển của con người là một lý thuyết về sự phát triển nhân cách. Không phải mọi khía cạnh trong lý t của Erik Erikson đều có bằng chứng hỗ trợ. Thế nhưng, đây là một học thuyết hữu ích giúp chúng ta tìm hiểu về những xung đột và thách thức mà một người có thể phải đối mặt ở mỗi giai đoạn khác nhau trong cuộc đời.

Lý thuyết tâm lý xã hội của Erik Erikosn cung cấp cái nhìn sâu sắc về những gì chúng ta có thể đối mặt từ khi sinh ra đến lúc già đi. Nó cũng giúp chúng ta suy ngẫm về những điều có thể đã xảy ra trong quá khứ, và giúp chúng ta tìm ra cách để cải thiện bản thân, phát triển những chiến lược ứng phó với khó khăn ở thời điểm hiện tại. Hãy vận dụng hiểu biết của mình về đặc điểm tâm – sinh lý của từng giai đoạn phát triển để từ đó, hướng đến sự an yên và nuôi dưỡng sức khỏe tinh thần khỏe mạnh nhé!

Bài viết được cố vấn chuyên môn bởi Ths. Tâm lý lâm sàng Nguyễn Thị Bích Tuyền.

Bài viết cùng chủ đề

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *