Tiểu sử Alfred Adler là ai và lý thuyết về nhân cách con người

Tiểu sử Alfred Adler là ai là chủ đề được nhiều người quan tâm, nhất là sinh viên chuyên ngành tâm lý học. Bởi vì đây là một bác sĩ tâm thần, nhà tâm lý lỗi lạc đã thành lập trường phái tâm lý học cá nhân (individual psychology). Cùng Psycare.com.vn tìm hiểu về sự nghiệp, cuộc đời, lý thuyết và quan điểm về nhân cách của Alfred Adler nhé!

1. Tiểu sử Alfred Adler

1.1. Nhà tâm lý học Alfred Adler là ai?

Tiểu sử Alfred Adler là một bác sĩ tâm thần người Áo đã thành lập nên trường phái tư tưởng tâm lý học cá nhân (individual psychology). Ông cũng được nhớ đến với những khái niệm về cảm giác kém cỏi (inferiority feeling) và phức cảm tự ti (inferiority complex), chúng đóng vai trò quan trọng trong lý thuyết hình thành nhân cách của Adler.

Adler được biết đến với những quan điểm và lý thuyết trong lĩnh vực tâm lý học, trong đó, nổi bật nhất là:

  • Cơ sở tâm lý học cá nhân
  • Khái niệm về mặc cảm tự ti
  • Là thành viên sáng lập và chủ tịch của Hiệp hội Phân tâm học Vienna (tên được đổi sau này vào năm 1910)

Alfred Adler ban đầu là đồng nghiệp của Sigmund Freud và giúp thành lập ngành Phân tâm học. Lý thuyết của ông xem xét trên toàn bộ cá nhân nên ông gọi tiếp cận của mình là tâm lý học cá nhân.

Trong ghi chép về tiểu sử Alfred Adler, ông sau đó đã tách khỏi nhóm Phân tâm học của Sigmund Freud nhưng tiếp tục có tác động to lớn đến sự phát triển của tâm lý trị liệu. Ông cũng có ảnh hưởng quan trọng đến nhiều nhà tư tưởng vĩ đại khác, bao gồm cả Abraham Maslow và Albert Ellis (DJ Ellis, 2017).

Xem thêm: Thuyết phân tâm học của Sigmund Freud: Nội dung và ứng dụng

Tiểu sử Alfred Adler - nhà tâm lý học, cha đẻ của thuyết tâm lý học cá nhân.

1.2. Cuộc đời và sự nghiệp của nhà tâm lý học Alfred Adler

Để hiểu rõ tiểu sử Alfred Adler là ai và có đóng góp như thế nào vào lý thuyết phát triển nhân cách, mời bạn cùng Tâm lý PsyCareVN tìm hiểu cuộc đời và sự nghiệp của ông nhé!

1.2.1. Tiểu sử Alfred Adler: Giai đoạn ấu thơ đầu đời

Alfred Adler sinh ra ở Vienna, Áo, vào ngày 07/02/1870. Chứng còi xương lúc nhỏ khiến ông không thể đi lại cho đến sau 2 tuổi. Sau đó, ông bị viêm phổi khi mới 4 tuổi. Do những vấn đề về sức khỏe khi còn nhỏ, Adler quyết định sẽ trở thành một bác sĩ. Sau khi tốt nghiệp Đại học Vienna năm 1895 với tấm bằng y khoa, ông bắt đầu sự nghiệp với tư cách là bác sĩ nhãn khoa và sau đó chuyển sang bác sĩ đa khoa.

1.2.2. Tiểu sử Alfred Adler: Giai đoạn trưởng thành

Ở tuổi trung niên, Alder hướng sở thích của mình sang lĩnh vực tâm thần học. Năm 1902, Sigmund Freud mời ông tham gia một nhóm thảo luận về phân tâm học. Nhóm này gặp nhau vào thứ Tư hàng tuần tại nhà của Freud, và cuối cùng phát triển thành Hội Phân tâm học Vienna.

Sau một thời gian làm Chủ tịch của Hội, Adler rời nhóm một phần vì bất đồng với một số lý thuyết của Freud. Nói về tiểu sử của Alfred Adler trong lĩnh vực chuyên ngành, ông đã đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của phân tâm học, và cũng là một trong những nhân vật quan trọng đầu tiên ly khai để thành lập trường phái tư tưởng của riêng mình.

Mặc dù từng là đồng nghiệp của Freud, nhưng ông ấy hoàn toàn không phải là “môn đệ” của nhà phân tâm học nổi tiếng người Áo. Năm 1912, Alfred Adler thành lập Hiệp hội Tâm lý học Cá nhân (Society of Individual Psychology).

1.2.3. Tiểu sử Alfred Adler: Giai đoạn trung niên

Mặc dù Adler đã cải đạo sang Cơ đốc giáo (Frederick Walborn, 2014), nhưng Đức Quốc xã vẫn đóng cửa các phòng khám của ông trong những năm 1930 vì còn “di sản của Do Thái giáo”. Do đó, Adler di cư sang Mỹ để đảm nhận vị trí giáo sư tại Đại học Y khoa Long Island. Năm 1937, Adler đi diễn thuyết và bị một cơn đau tim gây tử vong ở Aberdeen, Scotland vào ngày 28/05/1937.

Tuy nhiên, sau khi ông qua đời, gia đình Adler đã mất dấu vết về hài cốt hỏa táng của ông. Tro cốt của Adler được cho là đã thất lạc trước khi được phát hiện vào năm 2007 tại một lò hỏa táng ở Edinburgh, Scotland. Năm 2011, 74 năm sau khi ông qua đời, tro cốt của Adler đã được đưa trở lại Vienna, Áo.

Trong một cuộc phỏng vấn về tiểu sử Alfred Adler do Tạp chí The Guardian thực hiện, cháu gái của ông, Margot Adler, giải thích: “Vienna về cơ bản là nhà của Adler, quê hương của ông ấy. Và, có một mối quan hệ tam giác mà ai cũng cảm nhận được giữa Adler, Jung và Freud. Vì vậy, khá hợp lý khi ông ấy trở lại đó. Tôi thấy điều đó thật tuyệt vời!” (Severin Carrell, 2011).

Tiểu sử Alfred Adler gắn liền với tên tuổi 2 nhà phân tâm học nổi tiếng là Sigmund Freud và Carl Jung.

1.3. Sách của nhà tâm lý học Alfred Adler

Một số sách tâm lý học chuyên ngành của Alfred Adler bao gồm:

  • Sách “The Practice and Theory of Individual Psychology” xuất bản năm 1925 bởi nhà xuất bản London: Routledge.
  • Sách “What Life Should Mean to You” xuất bản lần đầu năm 1932, tái bản năm 2010, nhà xuất bản Capricorn Books, G.P. Putnam’s Sons.
  • Sách “The Case of Miss R: The Interpretation of a Life Story” xuất bản năm 1929, bởi nhà xuất bản Literary Licensing, LLC.
  • Sách “Understanding Human Nature” xuất bản năm 1965, bởi nhà xuất bản Fawcett Premier Books, Fawcett World Library.
  • Sách “Superiority and Social Interest: A Collection of Later Writings” phát hành năm 1965 bởi nhà xuất bản Routledge & Kegan Paul.
  • Sách “The Science of Living” phát hành năm 1930 bởi nhà xuất bản Routledge & Kegan Paul.
  • Sách “The Education of Children” phát hành năm 1930 bởi nhà xuất bản Routledge & Kegan Paul.
  • Sách “Co-Operation Between the Sexes: Writings on Women, Love and Marriage, Sexuality, and Its Disorders” phát hành năm 1978 bởi nhà xuất bản Anchor Books.
  • Sách “Study of Organ Inferiority and Its Psychical Compensation” (dịch ngữ bởi S. E. Jelliffe) bởi Alfred Adler và Smith Ely Jelliffe, xuất bản năm 1917 bởi nhà xuất bản Nervous and Mental Disease Publishing Co.

Một số sách hay về tiểu sử Alfred Adler bao gồm:

  • Sách “The Individual Psychology of Alfred Adler” xuất bản năm 1956 bởi H. L. Ansbacher and R. R. Ansbacher (Eds.), nhà xuất bản New York: Harper Torchbooks.
  • Tuyển tập “The Collected Clinical Works of Alfred Adler: Journal articles: 1927-1931” phát hành năm 2002 bởi nhà xuất bản Alfred Adler Institute.

2. Lý thuyết của nhà tâm lý học Alfred Adler

2.1. Quan điểm của Alfred Adler về nhân cách

Adler cho rằng có 4 kiểu tính cách dựa trên lối sống của một người:

  • Kiểu có ích cho xã hội (socially useful type): có xu hướng hướng ngoại, xã hội và năng động. Những kiểu người này thường cố gắng cải thiện thế giới xung quanh họ.
  • Kiểu cầm quyền (ruling type): những người luôn tìm kiếm quyền lực cai trị/thống trị và sẵn sàng thao túng mọi người để có được nó. Kiểu tính cách này có xu hướng tham gia vào hành vi chống đối xã hội.
  • Kiểu tính cách thích được nhận/dựa dẫm (getting) hoặc học theo (learning type): những người sẵn sàng vui vẻ lấy của người khác mà không trả lại bất cứ thứ gì. Kiểu tính cách này có tương quan với mức độ hoạt động thấp.
  • Kiểu lảng tránh (avoiding type): những người có xu hướng trốn tránh, coi thường thất bại và thua cuộc, do dự khi chấp nhận rủi ro. Kiểu tính cách này cũng có ít mối quan hệ xã hội.

Trong số các kiểu tính cách trên, 3 kiểu sau có xu hướng gặp nhiều vấn đề về sức khỏe tâm thần hơn. Từ đó, cũng có thể lập luận rằng, mục tiêu trọng tâm của trường phái tâm lý học Adlerian là biến 3 kiểu tính cách cầm quyền, thích được nhận/dựa dẫm, và lảng tránh trở thành kiểu có ích cho xã hội. Quan điểm này đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến các nhà tâm lý học sau này như Abraham Maslow, Carl Rogers, Erich Fromm và Albert Ellis.

4 kiểu tính cách con người theo nhà tâm lý học Alfred Adler.
4 kiểu tính cách con người theo nhà tâm lý học Alfred Adler.

2.2. Lý thuyết về nhân cách trong tâm lý học cá nhân của Alfred Adler

Theo lý thuyết về nhân cách của Adler, mỗi cá nhân là một sinh vật toàn vẹn. Do đó, tính cách của họ được hình thành dựa trên một số khái niệm chính bao gồm:

  • Hứng thú xã hội (Social interest): ý thức về cộng đồng và thái độ của mỗi người đối với người khác.
  • Nam tính phản kháng (Masculine protest): mong muốn trở thành “đàn ông đích thực”, vượt trội và hoàn hảo.
  • Lối sống (Lifestyle): một mô hình phản ứng với các tình huống.
  • Hành vi có mục đích và định hướng theo mục tiêu (Goal-directed and purposeful behavior): tất cả các hành vi đều là kết quả của mục tiêu chúng ta.
  • Cảm giác mặc cảm, tự ti (Feelings of inferiority): phụ thuộc hoàn toàn vào người khác trong giai đoạn đầu đời khiến chúng ta cảm thấy bản thân thấp kém.
  • Phấn đấu để vượt trội (Striving for superiority): một nỗ lực để vượt qua cảm giác tự ti.
  • Chủ nghĩa hướng đích hư cấu (Fictional finalism): một lý tưởng không có cơ sở trong thực tế, do đó, không thể kiểm tra được, cũng như không thể xác nhận. Nghĩa là, trung thực là chính sách tốt nhất.
  • Các mô thức gia đình (Family constellation): vị trí và thành phần của một người trong gia đình.
  • Thứ tự sinh (Birth order): thứ tự chúng ra được sinh ra ảnh hưởng đến các mối quan hệ gia đình, tương tác và cảm giác thấp kém của chúng ta.

3. Những đóng góp khác của Alfred Adler cho tâm lý học và giáo dục

3.1. Tiểu sử Alfred Adler: Đóng góp cho tâm lý học

Các lý thuyết của Alfred Adler đã đóng một vai trò thiết yếu trong nhiều lĩnh vực tâm lý học, bao gồm trị liệu và phát triển trẻ em. Ý tưởng của Alder cũng ảnh hưởng đến các nhà tâm lý học và phân tâm học quan trọng khác như Abraham Maslow, Carl Rogers, Karen Horney, Rollo May, Erich Fromm, và Albert Ellis. Ngày nay, những ý tưởng và khái niệm của ông thường được gọi là trường phái tâm lý học Adlerian.

Trường phái tâm lý học cá nhân của Alfred Adler đã tạo nên một sự cách biệt lớn trong lĩnh vực tâm lý học nói chung, vốn đã bị Phân tâm học của Freud thống trị thời bấy giờ. Trong khi Freud chỉ tập trung vào các quá trình bên trong của chủ thể, mà chủ yếu là xung đột tính dục (sexual conflicts), ảnh hưởng đến tâm lý của một người, thì Adler kiên quyết rằng để hiểu đầy đủ về một người, nhà tâm lý cũng cần phải xem xét các yếu tố bên trong khác cũng như yếu tố bên ngoài.

Đó là lý do vì sao ông đặt tên cho trường phái tâm lý học của mình là cá nhân. Từ này nhằm gợi lên ý nghĩa không thể chia cắt, bắt nguồn từ thuật ngữ Latin “individuum” (Mosak et al, 1999, p. 6).

3.2. Tiểu sử Alfred Adler: Đóng góp cho ngành giáo dục

Alfred Adler là một trong những bác sĩ tâm thần đầu tiên đưa sức khỏe tâm thần vào lĩnh vực giáo dục. Ông ủng hộ các chiến lược phòng ngừa được thiết kế nhằm tránh các nguy cơ mắc rối loạn tâm thần và các kỹ năng ứng phó không phù hợp. Xét về mặt này, ông đã đóng góp rất nhiều cho lĩnh vực công tác xã hội.

Khi làm việc trong các trường học, Adler đã hỗ trợ các chuyên gia trong việc điều trị và tư vấn cho học sinh. Trong thời gian đó, Adler đã tiến hành một buổi trị liệu tâm lý thân mật trước một nhóm nhỏ bao gòm phụ huynh, học sinh và giáo viên. Phiên trị liệu ngẫu hứng này là một trong những ghi chép sớm nhất trong tiểu sử Alfred Adler về liệu pháp gia đình hoặc cộng đồng.

Adler tiếp tục thay đổi “bộ mặt” của tâm lý học bằng cách đổi mới việc sử dụng liệu pháp trị liệu cho nhiều thành phần cộng đồng vốn không quan tâm nhiều đến lĩnh vực này. Các phương pháp của ông đã trở thành một phần không thể thiếu trong trị liệu tội phạm, công tác xã hội, phát triển trẻ em và giáo dục.

Adler đã kết hợp tâm động học (psychodynamics) và thuyết mục đích luận (teleology) trong tác phẩm của mình. Thuyết mục đích (teleology) của Adler là nghiên cứu về những nguyên nhân cuối cùng và cách thức mà mọi thứ được thiết kế hướng tới các nguyên nhân này. Ông nhấn mạnh rằng, các quá trình tâm lý được dẫn dắt bởi một lực định hướng mục tiêu chưa biết.

thuyết mục đích alfred adler
Sự kết hợp giữa lý thuyết tâm động học và thuyết mục đích là một trong những đóng góp chính khi nói về tiểu sử Alfred Adler.

4. Những câu nói hay của Alfred Adler

Trong suốt tiểu sử Alfred Adler, ông đã có những câu nói hay còn truyền cảm hứng cho đến ngày nay, là động lực cho các sinh viên chuyên ngành cố gắng theo đuổi mục tiêu nghề nghiệp của mình.

  • “Vượt khó dẫn đến sự dũng cảm, tự trọng và biết mình.” (Overcoming difficulties leads to courage, self-respect, and knowing yourself.).
  • “Chúng ta không bị quyết định bởi kinh nghiệm của mình, mà tự quyết định bởi ý nghĩa mà chúng ta gán cho chúng; và khi chúng ta lấy những kinh nghiệm cụ thể làm nền tảng cho cuộc sống tương lai của mình, chúng ta gần như chắc chắn sẽ bị lầm lạc ở một mức độ nào đó. Ý nghĩa không được xác định bởi các tình huống. Chúng ta xác định bản thân theo ý nghĩa mà chúng ta gán cho các tình huống.”
    (We are not determined by our experiences, but are self-determined by the meaning we give to them; and when we take particular experiences as the basis for our future life, we are almost certain to be misguided to some degree. Meanings are not determined by situations. We determine ourselves by the meanings we ascribe to situations.).
  • “Hãy làm theo trái tim của bạn nhưng cũng nhớ mang theo bộ não nhé!” (Follow your heart but take your brain with you.)
  • “Người thiên tài được ngưỡng mộ, người giàu có được ghen tị, người có quyền lực được kính sợ, nhưng chỉ có người có nhân cách mới được tin tưởng.” (Men of genius are admired, men of wealth are envied, men of power are feared, but only men of character are trusted.).
  • “Bạn có thể được chữa lành chứng trầm cảm nếu bạn bắt đầu việc đầu tiên của mỗi ngày là cân nhắc xem mình sẽ mang lại niềm vui thực sự cho người khác như thế nào.” (You can be healed of depression if every day you begin the first thing in the morning to consider how you will bring real joy to someone else.).
  • “Rõ ràng là chúng ta không bị ảnh hưởng bởi “sự thật” mà là bởi cách giải thích của chúng ta về sự thật.” (It is very obvious that we are not influenced by “facts” but by our interpretation of the facts.)
  • “Bạn làm gì vào lần đầu tiên học bơi? Bạn phạm phải sai lầm, đúng không? Và những gì sẽ xảy ra (sau đó)? Bạn phạm phải những sai lầm khác, và khi bạn đã mắc tất cả những sai lầm mà không bị chết đuối, và các sai lầm cứ lặp đi lặp lại – thì bạn nhận thấy điều gì? Đó là bạn có thể bơi? Chà… Cuộc sống này cũng giống như học bơi! Đừng sợ phạm sai lầm, vì không có cách nào khác là học cách sống!
    (What do you first do when you learn to swim? You make mistakes, do you not? And what happens? You make other mistakes, and when you have made all the mistakes you possibly can without drowning – and some of them many times over – what do you find? That you can swim? Well – life is just the same as learning to swim! Do not be afraid of making mistakes, for there is no other way of learning how to live!).
  • “Ý nghĩa không được xác định bởi các tình huống, nhưng chúng ta xác định chính mình bởi các ý nghĩa mà chúng ta đưa ra cho tình huống.” (Meanings are not determined by situations, but we determine ourselves by the meanings we give to situations.)
  • “Một nguyên tắc đơn giản khi đối phó với những người khó gần là hãy nhớ rằng, người này đang cố gắng khẳng định ưu thế của mình, và bạn phải ứng phó với họ từ góc độ đó.” (A simple rule in dealing with those who are hard to get along with is to remember that this person is striving to assert his superiority, and you must deal with him from that point of view.)
  • “Can đảm không phải là một khả năng mà một người có hay không có. Can đảm là sự sẵn sàng tham gia vào một hành vi chấp nhận rủi ro bất kể không biết hậu quả là gì hoặc nó bất lợi thế nào. Chúng ta có khả năng hình thành hành vi dũng cảm miễn là chúng ta dám thực hiện nó.” (Courage is not an ability one either possesses or lacks. Courage is the willingness to engage in a risk-taking behavior regardless of whether the consequences are unknown or possibly adverse. We are capable of courageous behavior provided we are willing to engage in it.)
  • “Hãy chỉ tin tưởng vào chuyển động. Cuộc sống diễn ra ở cấp độ các sự kiện chứ không phải ở lời nói. Hãy tin tưởng vào hành động.” (Trust only movement. Life happens at the level of events, not of words. Trust movement.)
  • “Hãy nhìn bằng đôi mắt của người khác, nghe bằng đôi tai của người khác, cảm nhận bằng trái tim của người khác. Hiện tại, đối với tôi, đây dường như là một định nghĩa có thể chấp nhận được về cái mà chúng ta gọi là cảm giác xã hội.” (To see with the eyes of another, to hear with the ears of another, to feel with the heart of another. For the time being, this seems to me an admissible definition of what we call social feeling.)
  • “Nhạy cảm thái quá là biểu hiện của cảm giác tự ti.” (Exaggerated sensitiveness is an expression of the feeling of inferiority.).
  • “Mọi đứa trẻ được nuông chiều đều trở thành đứa trẻ bị ghét bỏ… Không có tội ác nào lớn hơn sự nuông chiều con cái.” (Every pampered child becomes a hated child… There is no greater evil than the pampering of children.).
  • “Nhiệm vụ quan trọng nhất của một nhà giáo dục, và là nghĩa vụ thiêng liêng, là đảm bảo rằng không có đứa trẻ nào nản lòng ở trường, và đứa trẻ khi đến trường vốn đã chán nản sẽ lấy lại được sự tự tin nhờ trường học và giáo viên của nó. Điều này luôn song hành với thiên chức của nhà giáo dục, vì giáo dục chỉ có thể thực hiện được với những đứa trẻ biết nhìn vào tương lai một cách đầy hy vọng và hân hoan.
    (An educator’s most important task, one might say his holy duty, is to see to it that no child is discouraged at school and that a child who enters school already discouraged regains his self-confidence through his school and his teacher. This goes hand in hand with the vocation of the educator, for education is possible only with children who look hopefully and joyfully upon the future.).
  • “Mục tiêu của tâm hồn con người là chinh phục, hoàn hảo, an toàn và ưu việt.” (The goal of the human soul is conquest, perfection, security, and superiority.).
Những câu nói hay trong tiểu sử nhà tâm lý học Alfred Adler
Những câu nói hay trong tiểu sử Alfred Adler còn truyền cảm hứng cho sinh viên tâm lý học ngày nay.
  • “Chính cá nhân nào không quan tâm đến đồng loại của mình mới là người gặp khó khăn lớn nhất trong cuộc sống, và gây tổn thương lớn nhất cho người khác. Chính từ những cá nhân như vậy mà mọi thất bại của con người nảy sinh.” (It is the individual who is not interested in his fellow men who has the greatest difficulties in life and provides the greatest injury to others. It is from among such individuals that all human failures spring.).
  • “Ai không tin mình thì không bao giờ tin người khác.” (It is well known that those who do not trust themselves never trust others.)
  • “Sự tồn tại can đảm của hạnh phúc song hành với sự can đảm của đau khổ.” (There is a courage of happiness as well as a courage of sorrow.)
  • “Đấu tranh cho các nguyên tắc của một người luôn dễ dàng hơn là sống theo chúng.” (It is always easier to fight for one’s principles than to live up to them.)
  • “Cảm giác thấp kém chi phối đời sống tinh thần và có thể được nhận biết rõ ràng thông qua cảm giác không trọn vẹn và không thỏa mãn, và trong cả cuộc đấu tranh không ngừng của cá nhân lẫn nhân loại.” (The feeling of inferiority rules the mental life and can be clearly recognized in the sense of incompleteness and unfulfillment, and in the uninterrupted struggle both of individuals and humanity.)
  • “Một lời nói dối sẽ vô nghĩa trừ khi sự thật bị coi là nguy hiểm.” (A lie would have no sense unless the truth were felt as dangerous.).

Bài viết trên đây đã cung cấp những thông tin về tiểu sử Alfred Adler là ai cũng như sự nghiệp, cuộc đời, và lý thuyết về sự phát triển nhân cách con người của ông. Mặc dù vẫn còn một số hạn chế, nhưng lý thuyết tâm lý học cá nhân của Alfred Adler đã có những đóng góp quan trọng cho tâm lý học nói chung, tâm lý trị liệu nói riêng. Mong rằng bài viết sẽ giúp bạn hiểu biết sâu sắc hơn về quan điểm của nhà tâm lý học Alfred Adler, để từ đó, ứng dụng trong việc thực hành chuyên môn hiệu quả hơn!

Thạc sĩ Tâm lý học Nguyễn Thanh Trúc, có hơn 8 năm kinh nghiệm tham vấn & trị liệu tâm lý lâm sàng nhận thức – hành vi (CBT), hiện là cố vấn chuyên môn, quản lý các dự án nghiên cứu khoa học và đồng thời là chuyên gia kiểm duyệt nội dung cho PsyCareVN.

Bài viết cùng chủ đề

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *