Vùng phát triển gần của Vygotsky: Nội dung lý thuyết và vận dụng

Vùng phát triển gần của Vygotsky là một khái niệm quan trọng trong lý thuyết xã hội văn hóa được ông nghiên cứu và xây dựng. Mặc dù lý thuyết này chỉ được công nhận sau khi ông qua đời, nhưng định nghĩa về vùng phát triển gần nhất vẫn được vận dụng cho đến ngày nay, đặc biệt là trong giáo dục. Hãy cùng PsyCareVN tìm hiểu chi tiết hơn về học thuyết phát triển nhận thức này của Lev Vygotsky nhé!

1. Vùng phát triển gần của Vygotsky là gì?

Vùng phát triển gần của Vygotsky là khái niệm có ảnh hưởng lớn trong tâm lý học và giáo dục học. Thuật ngữ này lần đầu tiên được giới thiệu vào những năm 1930.

1.1. Quan điểm giáo dục của Vygotsky

Lev Vygotsky là một nhà tâm lý học người Nga nổi tiếng với lý thuyết xã hội văn hóa (sociocultural theory). Theo lý thuyết này, ông cho rằng các tương tác xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc học của trẻ em – một quá trình liên tục chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi bản sắc văn hóa. Trong đó, nổi bật nhất trong học thuyết này là các hình thái học tập bắt chước (Imitation), học có hướng dẫn (guided learning)học tập hợp tác (collaborative learning).

Lev Vygotsky là một người quan tâm đến giáo dục và quá trình học tập. Ông cảm thấy rằng các bài kiểm tra chuẩn hóa là thước đo không đầy đủ về mức độ sẵn sàng của trẻ em đối với việc học tập ở các cấp độ tiếp theo cao hơn. Theo Vygotsky, những bài kiểm tra này chỉ đo lường kiến thức độc lập hiện tại của học sinh và bỏ qua khả năng tiềm tàng của các em trong việc học tập các khái niệm mới.

Lev Vygotsky nhà tâm lý học người Nga
Lev Vygotsky là nhà tâm lý học người Nga nổi tiếng với học thuyết về văn hóa xã hội.

Giống với quan điểm của Piaget, Vygotsky tin rằng trẻ em là những người học tích cực trong quá trình phát triển của riêng mình. Cả hai đều cho rằng sự phát triển ở người học sẽ suy giảm khi họ lớn lên, và độc thoại nội tâm đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển nhận thức nhưng theo những cách khác nhau. Tuy nhiên, Piaget tin rằng trẻ em xây dựng kiến ​​thức theo cách cá nhân hóa. Ngược lại, Vygotsky tin rằng trẻ em phát triển kiến ​​thức thông qua các hoàn cảnh xã hội và văn hóa tương ứng.

Độc thoại nội tâm (Inner Speech) là khi trẻ tự nói chuyện với chính mình trong khi chơi, tương tác với môi trường xung quanh hoặc tham gia vào một số hoạt động khác.

1.2. Định nghĩa vùng phát triển gần của Vygotsky là gì?

Một trong những khái niệm nổi tiếng của Vygotsky là vùng phát triển gần nhất (zone of proximal development – ZPD). Ông định nghĩa vùng phát triển gần nhất (ZPD) là vùng phát triển tiềm năng (zone of potential development), đề cập đến phạm vi khả năng mà một cá nhân có thể thực hiện với sự hướng dẫn của chuyên gia, nhưng vẫn chưa thể tự mình thực hiện.

Theo Vygotsky, vùng phát triển gần nhất là “khoảng cách giữa mức độ phát triển thực tế được xác định bằng cách giải quyết vấn đề độc lập và mức độ phát triển tiềm năng được xác định thông qua việc giải quyết vấn đề dưới sự hướng dẫn của người lớn hoặc hợp tác với những người bạn có năng lực hơn” (Vygotsky, 1978, p. 86).

Lý thuyết học tập này của Vygotsky có thể được quan sát trong môi trường lớp học hoặc bất kì nơi nào khác mà cá nhân có cơ hội phát triển những kỹ năng mới (Eun, 2017).

Về cơ bản, lý thuyết về vùng phát triển gần của Vygotsky bao gồm tất cả kiến thức và kỹ năng mà một người chưa thể hiểu hoặc thực hiện một cách độc lập, nhưng có thể học được dưới sự hướng dẫn. Nói cách khác, đây là vùng khoảng cách giữa những gì trẻ biết và những gì trẻ không biết. Việc tiếp thu thông tin còn thiếu đòi hỏi những kỹ năng mà trẻ chưa có hoặc không thể sử dụng độc lập, nhưng có thể sử dụng với sự giúp đỡ của “người có hiểu biết hơn”.

Vygotsky lưu ý rằng kiến thức hiện tại của trẻ không tương đương với vùng phát triển gần nhất của trẻ. Ví dụ: Hai đứa trẻ có thể nhận được số điểm bằng nhau trong một bài kiểm tra về kiến thức, nhưng điểm trong bài kiểm tra khả năng giải quyết vấn đề thì nhiều khả năng sẽ không như nhau (cả khi có hay không có sự trợ giúp của người lớn).

Nếu việc học diễn ra trong vùng phát triển gần nhất, trẻ chỉ cần một chút hỗ trợ. Còn nếu nhận được sự trợ giúp quá nhiều, trẻ có thể chỉ học theo giáo viên chứ không tự mình nắm vững khái niệm.

1.3. Các giai đoạn của vùng phát triển gần nhất

Để việc học diễn ra, người hướng dẫn/chuyên gia/giáo viên phải hiểu giai đoạn ZPD cụ thể của người học. Theo đó, vùng phát triển gần của Vygotsky bao gồm 3 giai đoạn:

  • Những nhiệm vụ mà người học không thể hoàn thành dù có sự hỗ trợ: Các nhiệm vụ nằm ngoài ZPD của người học là những nhiệm vụ không thể hoàn thành ngay cả khi có sự trợ giúp của giáo viên. Nếu nhiệm vụ không nằm trong vùng phát triển gần nhất của người học, giáo viên có thể tìm cách giảm độ khó; đồng thời, tìm nhiệm vụ khác phù hợp hơn với trình độ kỹ năng của người học (Lake, 2012).
  • Những nhiệm vụ mà người học có thể hoàn thành với sự hỗ trợ: Khi người học sắp thành thạo một kỹ năng cần thiết để hoàn thành một nhiệm vụ những vẫn cần sự hướng dẫn của giáo viên để thực hiện, thì đây được coi là vùng phát triển gần nhất. Trong tình huống này, giáo viên có thể sử dụng nhiều kỹ thuật khác nhau giúp người học hiểu rõ hơn các khái niệm và kỹ năng cần thiết để tự mình thực hiện nhiệm vụ (Lake, 2012).
  • Những nhiệm vụ mà người học có thể tự hoàn thành mà không cần sự trợ giúp: Trong giai đoạn này, người học có thể hoàn thành nhiệm vụ một cách độc lập. Người đó cũng đã thành thạo bộ kỹ năng cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ này mà không cần sự trợ giúp của giáo viên. Khi đạt đến giai đoạn này, giáo viên có thể tăng độ khó của nhiệm vụ để tìm vùng phát triển gần tiếp theo của người học và khuyến khích họ học tập thêm.
các giai đoạn vùng phát triển gần nhất của trẻ
Các giai đoạn vùng phát triển gần nhất của trẻ theo học thuyết của Vygotsky.

2. Các thành phần chính trong vùng phát triển gần của Vygotsky

Một số khái niệm cốt lõi trong học thuyết vùng phát triển gần của Vygotsky đã được những nhà khoa học ủng hộ quan điểm của ông mở rộng thêm, giúp hoàn thiện lý thuyết học tập này. Sự thành công của quá trình học tập này bao gồm những thành phần chính sau đây:

  • Sự hiện diện của một người có kiến thức và kỹ năng để hướng dẫn người học (chuyên gia/”người có hiểu biết hơn”);
  • Các hoạt động hỗ trợ (hay có thể gọi là giáo án) do chuyên gia/giáo viên cung cấp để hướng dẫn người học (Scaffolding);
  • Tương tác xã hội cho phép người học rèn luyện kỹ năng và khả năng của mình.

2.1. “Người có hiểu biết hơn” – giáo viên

“Người có hiểu biết hơn” là người có trình độ hiểu biết cao hơn người học và có khả năng hướng dẫn họ trong quá trình học tập. Với trẻ em, mặc dù trẻ chưa có khả năng tự mình làm một việc gì đó, nhưng chúng có thể thực hiện nhiệm vụ đó với sự hỗ trợ của người hướng dẫn có kỹ năng cho việc đó. Người này có thể là cha mẹ, giáo viên, một người lớn khác hoặc thậm chí là bạn bè.

2.2. Kỹ thuật Scaffolding trong lý thuyết vùng phát triển gần của Vygotsky

Khi trẻ ở trong vùng phát triển gần nhất, một chuyên gia sẽ cung cấp sự hỗ trợ phù hợp để giúp trẻ hoàn thành nhiệm vụ hoặc kỹ năng mới. Các hoạt động, sự hướng dẫn, công cụ và tài nguyên được sử dụng để hỗ trợ quá trình học tập này được gọi là kỹ thuật Scaffolding, hay có thể xem là giáo án.

Sau cùng, chuyên gia sẽ ngưng các câu hỏi hướng dẫn (loại bỏ Scaffolding) để người học có thể hoàn thành nhiệm vụ một cách độc lập. Các ví dụ cụ thể về kỹ thuật này sẽ được đề cập ở phần dưới của bài viết.

2.3. Khái niệm tương tác xã hội trong vùng phát triển gần của Vygotsky

Lý thuyết của Vygotsky nhấn mạnh tầm quan trọng của tương tác xã hội đối với việc học của học sinh. Mặc dù chuyên gia có thể là người lớn, Vygotsky cũng đề cập đến sức mạnh của việc học tập ngang hàng với bạn cùng lứa.

Ví dụ: Khi học một khái niệm mới, một số trẻ có thể nắm bắt được khái niệm tốt hơn, trong khi những trẻ khác vẫn đang trong giai đoạn ZPD. Vì vậy, thông qua tương tác bạn bè, họp nhóm, trẻ sẽ có môi trường học tập thuận lợi và toàn diện.

3. Ví dụ vùng phát triển gần nhất của trẻ

Trong vùng phát triển gần của Vygotsky, người học sắp phát triển được kỹ năng hoặc kiến thức mới, nhưng họ cần được hỗ trợ và khuyến khích. Ví dụ: Hãy tưởng tượng một học sinh vừa thành thạo phép cộng cơ bản. Lúc này, bài học về phép trừ có thể đi vào vùng phát triển gần nhất của đứa trẻ đó, nghĩa là trẻ có khả năng học tiếp qua phép trừ và có thể thành thạo nó nếu được giáo viên hướng dẫn và trợ giúp.

Tuy nhiên, vẫn theo ví dụ trên, môn đại số có lẽ chưa nằm trong vùng phát triển gần của học sinh này. Bởi vì việc thành thạo đại số đòi hỏi phải hiểu nhiều khái niệm khác. Theo Vygotsky, vùng phát triển gần mang đến cho người học cơ hội tốt nhất để thành thạo các kỹ năng và kiến thức mới. Vì thế, học sinh chỉ nên được dạy phép trừ, không phải toàn bộ môn đại số, sau khi đã thành thạo phép cộng.

Học đi xe đạp là một ví dụ dễ hiểu về kỹ thuật Scaffolding. Đầu tiên, trẻ sẽ đi xe đạp có bánh phụ để đảm bảo giữ thang bằng cho xe đứng thẳng. Tiếp theo, bánh phụ sẽ được tháo ra, và cha mẹ/người lớn khác có thể chạy bên cạnh xe đạp để giúp trẻ lái và giữ thăng bằng. Cuối cùng, người hỗ trợ sẽ buông tay, chỉ đứng cạnh bên khi trẻ có thể tự lái xe.

ví dụ vận dụng vùng phát triển gần nhất Scaffolding
Học đi xe đạp và ví dụ điển hình cho việc vận dụng kỹ thuật Scaffolding vào vùng phát triển gần của Vygotsky.

4. Vận dụng lý thuyết vùng phát triển gần nhất trong giáo dục

4.1. Học thuyết vùng phát triển gần của Vygotsky được áp dụng như thế nào trong lớp học?

Vấn đề được quan tâm hàng đầu là học thuyết vùng phát triển gần nhất của L.X. Vygotsky được áp dụng như thế nào trong lớp học, hay giáo viên làm gì để hỗ trợ đứa trẻ vào vùng phát triển gần.

Dưới đây là những gợi ý về giáo án (Scaffolding) mà giáo viên có thể áp dụng theo vùng phát triển gần của Vygotsky:

  • Sau mỗi bài học, đặt câu hỏi cho học sinh suy nghĩ xem nên làm gì tiếp theo? Học sinh suy nghĩ về điều này như thế nào? Liệu có cách nào khác để giải quyết vấn đề hay không?
  • Mô hình hóa cách giải quyết một vấn đề tương tự hoặc hoàn thành một nhiệm vụ tương tự;
  • Chia học sinh thành các nhóm nhỏ, yêu cầu các em thảo luận về một khái niệm mới trước khi được giảng về khái niệm đó;
  • Sử dụng các phương tiện trực quan để giúp học sinh hình dung ra nhiệm vụ trước khi thực hiện;
  • Yêu cầu học sinh sử dụng kiến thức trước đó để hiểu rõ hơn các chủ đề phức tạp ở bài sau;
  • Sử dụng các công cụ trực tuyến siêu nhận thức giúp học sinh học các khái niệm, như tự đánh giá tài liệu và tự sửa lỗi.

Ngoài ra, vùng phát triển gần của Vygotsky còn được áp dụng vào dạy học đối ứng/dạy học qua lại (reciprocal teaching), một hình thức hướng dẫn kỹ năng đọc. Trong phương pháp này, giáo viên hướng dẫn học sinh 4 kỹ năng khi đọc một đoạn văn bản: tóm tắt, đặt câu hỏi, làm rõ và dự đoán. Dần dần, học sinh có thể tự sử dụng các kỹ năng này. Lúc này, giáo viên sẽ giảm sự hỗ trợ theo thời gian và chỉ hướng dẫn khi cần thiết.

4.2. Một số khó khăn tiềm ẩn khi vận dụng vùng phát triển gần của Vygotsky

Có nhiều phương pháp hỗ trợ hữu ích cho học sinh khi học một khái niệm hoặc kỹ năng mới. Tuy nhiên, nếu giáo viên không hiểu biết về vùng phát triển gần nhất của từng học sinh thì các kỹ thuật học tập này có thể không hiệu quả.

Theo nghiên cứu của Bardack và Obradović (2019), một số khó khăn mà các nhà giáo dục có thể gặp phải như là:

  • Không đủ thời gian và/hoặc nguồn lực để hiểu vùng phát triển gần của từng học sinh;
  • Có quá nhiều học sinh để có thể hiểu đúng về vùng phát triển gần luôn thay đổi của từng em;
  • Không hiểu đầy đủ khái niệm về vùng phát triển gần của Vygotsky và/hoặc kỹ thuật Scaffolding;
  • Không thể duy trì đủ sự linh hoạt và nhận thức để thực hiện quá trình xây dựng khung giáo án Scaffolding;
  • Không đủ khả năng tổ chức để thực hiện theo giáo án Scaffolding.

Xem thêm:

Lý thuyết vùng phát triển gần của Vygotsky (ZPD) là một khái niệm quan trọng trong cả lĩnh vực giáo dục và tâm lý học. Bằng cách hiểu cách vận dụng vùng phát triển gần nhất của trẻ em, các nhà giáo dục và chuyên gia có thể chuẩn bị tốt hơn để tạo ra các chương trình hướng dẫn và học tập tối đa hóa các công cụ cũng như nguồn lực có sẵn cho học sinh.

Ernie Nguyễn
Ernie Nguyễn
Bài viết: 46