Thuyết gắn bó của John Bowlby: Nội dung và ứng dụng

Học thuyết gắn bó của John Bowlby được xây dựng dựa trên sự kết hợp giữa thuyết tiến hóa và hành vi học, khoa học điều chỉnh và khoa học nhận thức, cũng như thuyết quan hệ đối tượng trong phân tâm học. Sự gắn bó mô tả mối liên kết sâu sắc, lâu dài hình thành giữa hai người. Kể từ khi được giới thiệu lần đầu, thuyết gắn bó đã trở thành một trong những lý thuyết nổi tiếng và có ảnh hưởng nhất trong lĩnh vực tâm lý học.

Mục lục

1. Thuyết gắn bó của John Bowlby là gì?

1.1. Thuyết gắn bó mẹ con là gì?

Lý thuyết gắn bó của John Bowlby (Attachment Theory) tập trung vào các mối quan hệ và sự ràng buộc về mặt tình cảm giữa con người với nhau, bao gồm cả mối quan hệ giữa mẹ và con cái. Lý thuyết này cho rằng con người sinh ra đã có nhu cầu tạo dựng mối liên kết với người chăm sóc khi còn nhỏ. Những mối liên kết ban đầu này có thể tiếp tục ảnh hưởng đến sự gắn bó trong suốt cuộc đời.

Trong khi các bà mẹ thường được gắn với vai trò như người chăm sóc chính và là người gắn bó, Bowlby tin rằng trẻ sơ sinh có thể hình thành mối liên kết như vậy với những người khác nữa. Sự hình thành mối liên kết gắn bó (attachment bond) mang lại sự thoải mái, an toàn và được nuôi dưỡng.

Tuy nhiên, ông lưu ý rằng việc cho ăn không phải là cơ sở hoặc mục đích chính của sự gắn bó này. Đây là cơ sở cho phép trẻ hình thành mối liên kết với cha và những người chăm sóc quan trọng khác.

1.2. Vài nét về thuyết gắn bó của John Bowlby

Lý thuyết tâm lý về sự gắn bó được mô tả lần đầu tiên bởi John Bowlby, một bác sĩ tâm thần nhi khoa và nhà phân tâm học người Anh. Ông đã nghiên cứu về tác động của việc tách biệt giữa trẻ sơ sinh và cha mẹ (Fraley, 2010).

Bowlby (1969, 1988) chịu ảnh hưởng lớn từ lý thuyết về tập tính học, nhưng đặc biệt là nghiên cứu về dấu ấn của nhà sinh lý học Lorenz (1935). Lorenz đã chỉ ra rằng sự gắn bó là bẩm sinh (ở vịt con) và do đó có giá trị sống còn.

thuyết gắn bó là gì
John Bowlby tin rằng các hành vi gắn bó (như tìm kiếm sự gần gũi) là bản năng của đứa trẻ ngay từ khi sinh ra.

Trong quá trình tiến hóa của loài người, những đứa trẻ ở gần mẹ sẽ là những đứa trẻ sống sót để sinh con. Bowlby đưa ra giả thuyết rằng cả trẻ sơ sinh và mẹ đều đã tiến hóa nhu cầu sinh học là phải giữ liên lạc với nhau.

Bowlby (1969) tin rằng các hành vi gắn bó (như tìm kiếm sự gần gũi) là bản năng và sẽ được kích hoạt bởi bất kỳ điều kiện nào có vẻ đe dọa đến việc đạt được sự gần gũi, chẳng hạn như sự xa cách, bất an và sợ hãi. Bowlby cũng đưa ra giả thuyết rằng nỗi sợ người lạ là một cơ chế sinh tồn quan trọng, có sẵn trong tự nhiên (Bowlby, 1982).

Trẻ sơ sinh được sinh ra với xu hướng thể hiện một số hành vi bẩm sinh nhất định (gọi là giải phóng xã hội), giúp đảm bảo sự gần gũi và tiếp xúc với mẹ hoặc người gắn bó (ví dụ: khóc, cười, bò,…) – đây là những hành vi đặc trưng của từng loài.

1.3. Lịch sử phát triển thuyết gắn bó của John Bowlby

John Bowlby là nhà tâm lý học người Anh, nhà phát triển lý thuyết gắn bó đầu tiên. Ông mô tả sự gắn bó là “mối liên hệ tâm lý lâu dài giữa con người với nhau“. Bowlby quan tâm đến việc tìm hiểu sự lo lắng và đau khổ mà trẻ em trải qua khi xa người chăm sóc chính.

Những nhà tư tưởng như Freud cho rằng trẻ sơ sinh trở nên gắn bó với nguồn khoái cảm. Trẻ sơ sinh, đang trong giai đoạn phát triển bằng miệng, trở nên gắn bó với mẹ vì mẹ đáp ứng nhu cầu bằng miệng của chúng.

Một số lý thuyết hành vi sớm nhất cho rằng sự gắn bó chỉ đơn giản là một hành vi học được. Những lý thuyết này đề xuất rằng sự gắn bó chỉ đơn thuần là kết quả của mối quan hệ nuôi dưỡng giữa trẻ và người chăm sóc. Vì người chăm sóc nuôi dưỡng trẻ và cung cấp dinh dưỡng, trẻ trở nên gắn bó.

Bowlby nhận thấy rằng việc cho ăn không làm giảm lo lắng khi xa cách. Thay vào đó, ông thấy rằng sự gắn bó được đặc trưng bởi các kiểu hành vi và động lực rõ ràng. Khi trẻ em sợ hãi, chúng tìm kiếm sự gần gũi từ người chăm sóc chính của mình để nhận được cả sự an ủi và chăm sóc.

2. Nội dung chính trong thuyết gắn bó của John Bowlby (attachment theory)

2.1. Các giai đoạn của sự gắn bó mẹ con

Bowlby cũng cho rằng sự gắn bó được hình hành theo một loạt các giai đoạn như sau.

2.1.1. Giai đoạn đầu của tiền gắn bó (pre-attachment phase, 0 – 3 tháng tuổi)

Ngay từ khi mới sinh ra, trẻ sơ sinh đã thể hiện sở thích nhìn khuôn mặt và lắng nghe giọng nói của người khác. Trong 2 – 3 tháng tuổi đầu đời, trẻ phản ứng với mọi người nhưng chưa phân biệt được họ. Đến khoảng 6 tuần tuổi, khi nhìn thấy khuôn mặt người khác, trẻ bắt đầu có nụ cười xã giao và giao tiếp bằng mắt.

Theo thuyết gắn bó của John Bowlby, trẻ ở khoảng 3 tháng tuổi có thể nhận ra người chăm sóc chính của mình nhưng vẫn chưa có sự gắn bó. Lúc này, trẻ có thể quấy khóc để dùng tiếng khóc thu hút sự chú ý và chăm sóc của cha mẹ. Trẻ cũng tăng cường sự gắn bó với người chăm sóc thông qua các hành vi như bi bô, khóc, chụp nắm và mút. Mỗi hành vi này giúp trẻ tiếp xúc gần hơn với người chăm sóc và gắn kết về mặt cảm xúc.

2.1.2. Giai đoạn gắn bó không phân biệt (indiscriminate attachment phase, 3 – 6 tháng tuổi)

Theo thuyết gắn bó của John Bowlby, trẻ trong khoảng 2 – 3 tháng tuổi có thể phân biệt giữa người chăm sóc chính và những người khác. Trẻ bắt đầu dành hành vi gắn bó của mình cho người mà chúng yêu thích.

Với những người mà trẻ nhận ra, trẻ sẽ mỉm cười và bập bẹ nói. Trong khi đó, với người lạ, chúng sẽ không làm gì hơn là nhìn chằm chằm vào họ! Trẻ cũng có thể dùng tiếng quấy khóc để được những người mình yêu thích đến an ủi.

Sở thích của trẻ chỉ giới hạn ở 2 – 3 người và trẻ thường thích một người cụ thể. Theo thuyết gắn bó của John Bowlby và các nhà tâm lý học khác, người này thường sẽ là mẹ của trẻ, nhưng cũng có thể là bất kì ai có phản ứng và tương tác tích cực nhất với trẻ.

2.1.3. Giai đoạn gắn bó phân biệt (discriminate attachment period, 6 tháng – 3 tuổi)

Theo thuyết gắn bó của John Bowlby, vào khoảng 6 tháng tuổi, sở thích của trẻ sơ sinh đối với một người cụ thể trở nên mãnh liệt hơn. Khi người đó rời khỏi phòng, trẻ sẽ xuất hiện nỗi lo âu xa cách. Đến giai đoạn biết bò, trẻ cũng sẽ cố gắng chủ động đi theo người mà chúng yêu thích. Khi người đó quay trở lại sau một thời gian vắng mặt, trẻ sẽ nhiệt tình chào đón họ.

Bắt đầu từ khoảng 7 – 8 tháng tuổi, trẻ cũng sẽ bắt đầu sợ người lạ. Điều này có thể biểu hiện dưới bất kì hình thức nào, từ việc thận trọng hơn một chút khi ở gần người lạ cho đến khóc thét khi nhìn thấy người lạ, đặc biệt là trong một tình huống/bối cảnh cũng xa lạ.

2.1.4. Giai đoạn gắn bó kết hợp (multiple attachment phases, 3 tuổi trở lên)

Lý thuyết gắn bó của John Bowlby không đề cập nhiều đến giai đoạn thứ tư của sự gắn bó hoặc cách thức sự gắn bó tiếp tục tác động đến con người sau thời thơ ấu. Tuy nhiên, dựa vào những quan sát của mình, ông cũng đã đề cập đến một số đặc điểm tâm lý của trẻ trong giai đoạn này.

Vào khoảng 3 tuổi, trẻ em bắt đầu hiểu rằng người chăm sóc chúng có mục tiêu và kế hoạch riêng. Do đó, trẻ ít lo lắng hơn khi người chăm sóc rời đi trong một khoảng thời gian. Trẻ cũng có thể bắt đầu phát triển sự gắn bó mạnh mẽ với những người khác ngoài người chăm sóc chính của mình.

các giai đoạn thuyết gắn bó của john bowlby
Các giai đoạn gắn bó trong thuyết gắn bó của John Bowlby.

2.2. Các kiểu gắn bó

Không phải thức ăn hay dinh dưỡng quyết định sự gắn bó. Thay vào đó, chính sự phản ứng của người chăm sóc và sự quan tâm, nuôi dưỡng mà trẻ nhận được mới quyết định kiểu gắn bó của chúng.

Thuyết gắn bó của John Bowlby cho rằng những hành vi cực đoan mà trẻ sơ sinh thực hiện để tránh xa cha mẹ hoặc khi kết nối lại với cha mẹ đã xa cách về mặt thể chất (như khóc, la hét và bám víu) là những cơ chế tiến hóa. Bowlby cũng tin rằng những hành vi này có thể đã được củng cố thông qua quá trình chọn lọc tự nhiên và tăng cơ hội sống sót của trẻ.

Những hành vi này tạo nên cái mà Bowlby gọi là “hệ thống hành vi gắn bó” (attachment behavioral system). Chúng hướng dẫn chúng ta trong các khuôn mẫu và thói quen hình thành, duy trì các mối quan hệ (Fraley, 2010).

Nghiên cứu về lý thuyết gắn bó của Bowlby cho thấy trẻ sơ sinh bị đặt vào tình huống xa lạ và bị tách khỏi cha mẹ thường sẽ phản ứng theo một trong những cách sau khi đoàn tụ với cha mẹ.

2.2.1. Sự gắn bó an toàn (Secure attachment)

Những trẻ sơ sinh phát triển kiểu gắn bó an toàn tỏ ra đau khổ khi bị tách khỏi bố mẹ nhưng lại tìm kiếm sự an ủi và dễ dàng được an ủi khi bố mẹ trở về. Trẻ có thể xem người khác là nguồn hỗ trợ hữu ích và bản thân mình là người có năng lực, đáng được tôn trọng.

Trẻ gắn bó an toàn có mối quan hệ tích cực với người khác và bộc lộ khả năng phục hồi, tham gia vào các trò chơi phức tạp, dễ thành công trong lớp học và trong các tương tác với những đứa trẻ khác. Trẻ cũng giỏi hơn trong việc tiếp nhận quan điểm của người khác và tin tưởng họ.

2.2.2. Kiểu gắn bó lo âu (Anxious attachment)

Một tỷ lệ nhỏ trẻ sơ sinh trải qua mức độ đau khổ lớn hơn khi xa rời cha mẹ. Khi đoàn tụ với họ, trẻ dường như vừa tìm kiếm sự an ủi vừa cố gắng “trừng phạt” cha mẹ vì đã bỏ đi.

Theo thuyết gắn bó của John Bowlby, những đứa trẻ có phong cách gắn bó lo âu có thể thiếu tự tin và bám chặt vào ngươi chăm sóc chính của mình. Trẻ thể hiện những phản ứng cảm xúc thái quá và giữ khoảng cách với bạn bè, dẫn đến sự cô lập xã hội.

2.2.3. Gắn bó tránh né (Avoidant attachment)

Trẻ phát triển kiểu gắn bó né tránh thường không hề căng thẳng hoặc căng thẳng rất ít khi bị tách khỏi cha mẹ, và/hoặc phớt lờ cha mẹ khi đoàn tụ hoặc chủ động tránh mặt cha mẹ (Fraley, 2010).

Những đứa trẻ này thường kém hiệu quả hơn trong việc quản lý các tình huống căng thẳng. Trẻ có xu hướng thu mình lại và chống đối việc tìm kiếm sự giúp đỡ, khiến chúng không thể hình thành các mối quan hệ hài hòa với người khác. Trẻ thể hiện nhiều hành vi hung hăng và chống đối xã hội hơn, như nói dối và bắt nạt. Trẻ cũng có xu hướng xa lánh người khác để giảm căng thẳng về mặt cảm xúc.

2.2.4. Kiểu gắn bó vô tổ chức (disorganized-disoriented attachment)

Trong những năm sau đó, các nhà nghiên cứu đã bổ sung thêm một phong cách gắn bó thứ tư: phong cách gắn bó mất tổ chức – mất phương hướng (disorganized-disoriented attachment), dùng để chỉ những trẻ em không có mô hình hành vi gắn bó có thể dự đoán được (Kennedy & Kennedy, 2004).

Trẻ em có kiểu gắn bó này thường không phát triển được chiến lược có tổ chức để ứng phó với sự đau khổ khi xa cách, và có xu hướng thể hiện sự hung hăng, hành vi phá hoại và cô lập xã hội. Trẻ có thể coi người khác là mối đe dọa hơn là nguồn hỗ trợ, và do đó có thể chuyển đổi giữa sự thu mình xã hội và hành vi hung hăng phòng thủ (Kennedy & Kennedy, 2004).

Từ những mô tả về hành vi và cách điều hòa cảm xúc trên đây, có thể dễ dàng nhận thấy cách thức gắn bó ở thời thơ ấu có thể dẫn đến các vấn đề về mối quan hệ khi trưởng thành.

các kiểu gắn bó john bowlby
Các kiểu gắn bó dựa theo thuyết gắn bó của John Bowlby.

2.3. Sự gắn bó ảnh hưởng đến quá trình phát triển như thế nào?

John Bowlby tin rằng sự gắn bó sớm nhất của trẻ với người chăm sóc đã tạo ra một dấu ấn cho mọi mối quan hệ trong tương lai. Những kiểu gắn bó sớm này đóng vai trò như một khuôn khổ giúp trẻ hiểu bản thân, người khác và mối quan hệ của trẻ đối với thế giới.

Tho thuyết gắn bó của John Bowlby, việc thiếu vắng người mẹ đã làm gián đoạn quá trình gắn bó. Từ đó, có thể dẫn đến các vấn đề về cảm xúc, xã hội và nhận thức về sau. Cách tiếp cận này được gọi là monotropy, xem sự gắn bó như một mối liên kết giữa đứa trẻ và một hình mẫu gắn bó duy nhất.

Theo quan điểm của nhà tâm lý học John Bowlby, hình mẫu gắn bó ấy chủ yếu là người mẹ. Ông cho rằng các vấn đề về sự gắn bó dẫn đến những vấn đề lâu dài hơn, bao gồm vấn đề về sức khỏe tâm thần, trí thông minh kém, tính hung hăng cao, các mối quan hệ kém và thiếu sự đồng cảm với người khác.

Bowlby tin rằng mối quan hệ mẹ con là quan trọng nhất đối với sự phát triển. Tuy nhiên, nghiên cứu sau này đã bác bỏ giả thuyết về sự thiếu thốn của mẹ của Bowlby. Các nghiên cứu đương đại đã chỉ ra rằng trẻ em phát triển nhiều mối gắn bó với những người chăm sóc khác ngoài mẹ. Bowlby cũng tin rằng việc tách khỏi người chăm sóc chính (mẹ) sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển, các nhà lý thuyết hiện đại lại cho rằng chất lượng quan trọng hơn số lượng.

3. Ứng dụng của thuyết gắn bó mẹ con trong cuộc sống và tình yêu

3.1. Lý thuyết gắn bó của John Bowlby trong tình yêu và các mối quan hệ

Các kiểu gắn bó chủ yếu được thảo luận trong bối cảnh thời thơ ấu và quá trình nuôi dạy của chúng ta.

Trong giai đoạn đầu phát triển, trẻ hình thành các phong cách gắn bó khác nhau với cha mẹ hoặc người chăm sóc. Các kiểu gắn bó này có thể dự đoán được cách đứa trẻ lớn lên như thế nào. Ví dụ: Các kiểu gắn bó lo âu hoặc né tránh thường là những yếu tố dự báo mạnh mẽ cho bệnh lý tâm thần hoặc sự phát triển không được điều chỉnh ở các giai đoạn sau của cuộc đời (Benoit, 2004).

Ngược lại, trẻ có phong cách gắn bó an toàn với cha mẹ cũng có nhiều khả năng có sự gắn bó an toàn với người bạn đời của mình. Điều này có nghĩa là phong cách gắn bó từ thời thơ ấu đóng vai trò quan trọng trong tất cả các mối quan hệ mà bạn sẽ gặp phải.

Theo thuyết gắn bó của John Bowlby, bạn có thể nhận thấy rằng phong cách gắn bó an toàn là phong cách duy nhất có hàm ý “tích cực”, trong khi các phong cách gắn bó khác dường như có nhiều hậu quả bất lợi hơn.

ứng dụng thuyết gắn bó của john bowlby trong tình yêu
Theo John Bowlby, cách chúng ta gắn bó với mẹ hoặc người chăm sóc khi còn nhỏ có ảnh hưởng sâu sắc đến các mối quan hệ khi trưởng thành.

Nếu bạn nhận ra mình đang bộc lộ một trong những kiểu gắn bó kém thích nghi nhất, thì cũng đừng lo lắng. Bởi vì điều này là rất phổ biến và không cố định. Ví dụ: Nếu bạn đang biểu hiện kiểu gắn bó lo âu – tránh né, bạn có thể nhận thấy vấn đề lớn nhất của bản thân lúc này liên quan đến niềm tin. Đừng xấu hổ! Bằng cách chấp nhận điểm yếu của mình, bạn đang cho phép bản thân mình phát triển.

3.2. Lý thuyết gắn bó của John Bowlby về nỗi đau buồn và sang chấn

Nói về những tình huống không may, lý thuyết gắn bó của John Bowlby cũng có ứng dụng trong việc thấu hiểu nỗi đau buồn và sang chấn liên quan đến mất mát. John Bowlby đã nghiên cứu về 4 giai đoạn đau buồn như sau:

  • Sốc và tê liệt (Shock and Numbness): Trong giai đoạn đầu này, chúng ta có thể cảm thấy mất mát là không có thật hoặc đơn giản là không thể chấp nhận được. Chúng ta nhiều khả năng trải qua đau khổ về thể chất và sẽ không thể hiểu cũng như truyền đạt cảm xúc của bản thân.
  • Khao khát và tìm kiếm (Yearning and Searching): Trong giai đoạn này, chúng ta nhận thức rất rõ về khoảng trống trong cuộc sống của mình. Chúng ta có thể cố gắng lấp đầy khoảng trống đó bằng thứ gì đó hoặc ai khác mặc dù vẫn đồng cảm mạnh mẽ và còn bận tâm đến người đã khuất.
  • Tuyệt vọng và hỗn loạn (Despair and Disorganization): Chúng ta đau buồn chấp nhận rằng mọi thứ đã thay đổi và không thể quay lại như trước. Chúng ta cũng có thể trải qua sự tuyệt vọng, vô vọng và tức giận, cũng như đặt câu hỏi và tập trung cao độ ào việc tìm ra ý nghĩa của tình huống mất mát. Một số người cũng có thể trở nên xa lánh người khác trong giai đoạn này.
  • Tái tổ chức và phục hồi (Reorganization and Recovery): Trong giai đoạn cuối của đau buồn, niềm tin vào cuộc sống của chúng ta có thể quay trở lại. Chúng ta bắt đầu xây dựng lại và thiết lập các mục tiêu mới, các khuôn mẫu mới và thói quen mới trong cuộc sống. Chúng ta cũng có thể tin tưởng trở lại, và nỗi đau sẽ lùi vào trong tâm trí của mình thay vì ở vị trí trung tâm (Williams & Haley, 2017).

Tuy nhiên, phong cách gắn bó của một người cũng có thể ảnh hưởng đến cách trải nghiệm nỗi đau buồn. Ví dụ: Một người gắn bó an toàn có thể vượt qua được các giai đoạn trên khá nhanh hoặc bỏ qua một sô giai đoạn. Trong khi đó, một người gắn bó lo âu hoặc né tránh có thể bị kẹt lại một trong các giai đoạn.

Mỗi người đều trải qua nỗi đau buồn theo những cách khác nhau, nhưng việc xem xét những trải nghiệm này qua lăng kính của lý thuyết gắn bó có thể mang lại góc nhìn và hiểu biết mới về quá trình đau buồn đặc trưng của mỗi người và lý do tại sao một số người trong chúng ta “bị mắc kẹt” sau mất mát.

Trong quá trình nghiên cứu về học thuyết gắn bó của John Bowlby, Kübler-Ross và đồng nghiệp Colin Murray Parkes đã phát triển nên thuyết 5 giai đoạn đau buồn của mình.

3.3. Ứng dụng lý thuyết gắn bó của John Bowlby trong lớp học và giáo dục

Do tầm quan trọng của nó đối với sự phát triển của trẻ em, lý thuyết gắn bó của John Bowlby cũng có ý nghĩa to lớn đối với lớp học. Một trong những cách áp dụng hiệu quả các nguyên tắc và khái niệm của học thuyết tâm lý học này vào giảng dạy là thực hành huấn luyện cảm xúc.

Huấn luyện cảm xúc là giúp trẻ em nhận thức được cảm xúc và quản lý cảm xúc của chính mình, đặc biệt là trong những trường hợp ‘hành vi sai trái’. Phương pháp này cho phép những người thực hành tạo ra một tinh thần học tập tích cực và có sự tự tin để giảm leo thang các tình huống khi hành vi trở nên thách thức.” (National College for Teaching and Leadership, 2014).

Huấn luyện cảm xúc thiên về việc hỗ trợ trẻ em học hỏi và điều chỉnh cảm xúc cũng như hành vi của chính mình hơn là “huấn luyện” theo nghĩa truyền thống. Trong huấn luyện cảm xúc, giáo viên không bắt buộc – hoặc thậm chí không được khuyến khích – thúc đẩy hành vi đúng đắn thông qua phần thưởng hoặc hình phạt.

Thay vào đó, huấn luyện cảm xúc bao gồm:

  • Dạy học sinh về thế giới cảm xúc “trong khoảnh khắc hiện tại”
  • Chỉ cho học sinh các chiến lược để đối phó với những biến đổi về cảm xúc
  • Hiểu được việc đồng cảm và chấp nhận những cảm xúc tiêu cực/khó chịu là bình thường, nhưng không chấp nhận hành vi tiêu cực
  • Tận dụng những tình huống hành vi thách thức xuất hiện như cơ hội để giảng dạy
  • Xây dựng mối quan hệ tin cậy và tôn trọng học sinh

4. Những đóng góp từ học thuyết gắn bó của John Bowlby

Nghiên cứu của Bowlby về sự gắn bó về phát triển của trẻ em đã để lại ấn tượng lâu dài trong tâm lý học, giáo dục học, cũng như lĩnh vực chăm sóc trẻ em và nuôi dạy con cái. Các nhà nghiên cứu sau này đã mở rộng học thuyết của ông để phát triển các kỹ thuật điều trị lâm sàng và chiến lược phòng ngừa (Barett, 2006).

Học thuyết gắn bó của John Bowlby cũng ảnh hưởng đến các nhà tâm lý học nổi tiếng khác, bao gồm cả đồng nghiệp Mary Ainsworth – người cũng có những đóng góp đáng kể cho học thuyết gắn bó bằng cách mở rộng nghiên cứu của Bowlby để phát triển phương pháp quan sát sự gắn bó của trẻ với người chăm sóc.

Trong một cuộc khảo sát những nhà tâm lý học năm 2002 được công bố trên Tạp chí khoa học Review of General Psychology, John Bowlby được xếp hạng là nhà tâm lý học được trích dẫn nhiều thứ 49 trong thế kỷ 20 (Haggbloom et al., 2002).

6. Test kiểu gắn bó

Nếu bạn muốn tìm hiểu về phong cách gắn bó của mình, có rất nhiều bài kiểm tra, thang đo và bảng hỏi có sẵn để bạn thực hiện.

Feeny, Noller và Hanrahan đã phát triển thang đo 3 kiểu gắn bó ban đầu (Original Attachment Three-Category Measure) vào năm 1987 để kiểm tra phong cách gắn bó của người lớn. Thang đo này chỉ bao gồm ba mục và rất đơn giản, nhưng vẫn có thể giúp bạn biết mình thuộc loại nào: né tránh, lo lắng/mâu thuẫn hay an toàn.

Thang đo về 3 kiểu mối quan hệ của Bartholomew và Horowitz (Three-Category Measure) được bổ sung thêm kiểu gắn bó né tránh – bị từ chối (dismissive-avoidant category).

Bảng hỏi Trải nghiệm trong các mối quan hệ thân mật của Fraley, Waller và Brennan (2000) (Experiences in Close Relationships Questionnaire-Revised, ECR-R) bao gồm 32 mục. ECR-R được đo bằng 2 thang điểm phụ liên quan đến kiểu gắn bó né tránh và lo âu. Các mục được đánh giá theo thang điểm từ 1 (Hoàn toàn không đồng ý) đến 7 (Hoàn toàn đồng ý).

Bảng kiểm phong cách gắn bó (Attachment Styles Test) được phát triển bởi Diane Poole Heller, bao gồm 45 mục được đánh giá theo thang 3 điểm từ “Hiếm khi/Không bao giờ” đến “Luôn luôn/Thường xuyên”.

6. Gợi ý một số sách hay về thuyết gắn bó của John Bowlby

Một số cuốn sách hay và phổ biến nhất về lý thuyết gắn bó của John Bowlby mà bạn có thể đọc như:

  • Sự gắn bó và mất mát: Tập 1: Sự gắn bó (Attachment and Loss: Volume 1: Attachment), tác giả John Bowlby
  • Sự gắn bó và mất mát: Tập II: Sự tách biệt, lo âu và tức giận (Attachment and loss: Volume II: Separation, anxiety, and anger); tác giả John Bowlby
  • Sự gắn bó và mất mát: Tập III: Mất mát, buồn bã và trầm cảm (Attachment and loss: Volume III: Loss, sadness and depression); tác giả John Bowlby
  • Nền tảng an toàn: Sự gắn bó giữa cha mẹ với con cái và sự phát triển lành mạnh của con người (A secure base: Parent-child attachment and healthy human development); tác giả John Bowlby
  • Hai mặt của gia đình, tác giả Choi Kwang Huyn
  • Hành trình yêu, tác giả Alain de Botton

Xem thêm:

Bài viết trên đây đã cùng bạn tìm hiểu về lý thuyết gắn bó của John Bowlby khởi xướng vào những năm 1950 và được Mary Ainsworth cùng các nhà nghiên cứu khác phát triển vào những năm sau đó. Học thuyết này giúp giải thích cách mà mối quan hệ thời thơ ấu với người chăm sóc có thể tác động sâu sắc đến mối quan hệ của chúng ta với người khác khi trưởng thành. Bạn nghĩ gì về thuyết gắn bó? Liệu rằng còn có những kiểu gắn bó không nằm trong bốn loại trên không? Hãy chia sẻ cùng PsyCareVN nhé!

Ernie Nguyễn
Ernie Nguyễn
Bài viết: 46