Liệu pháp mùi hương (Aromatherapy) là phương pháp sử dụng tinh dầu để bổ trợ một số mùi thơm giúp cải thiện sức khỏe tinh thần và thể chất. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng trị liệu bằng tinh dầu có thể giúp cải thiện tâm trạng, gia tăng hiệu suất công việc thông qua việc giảm stress và tăng sự chú ý, cải thiện giấc ngủ, diệt vi khuẩn và nấm, vi-rút, giảm viêm, giảm đau đầu,…Vậy, liệu pháp hương thơm có thực sự hiệu quả hay không? Có những loại tinh dầu trị liệu nào? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn tìm hiểu 12 loại tinh dầu phổ biến cùng lợi ích của chúng.
Mục lục
- 1. Liệu pháp mùi hương (Aromatherapy) là gì?
- 2. Các liệu pháp mùi hương có tác dụng như thế nào?
- 3. Tinh dầu trị liệu (liệu pháp mùi hương) có những loại nào phổ biến?
- 3.1. Liệu pháp mùi hương hoa oải hương (Lavender oil therapy)
- 3.2. Liệu pháp mùi thơm hương hoa cúc (Chamomile)
- 3.3. Trị liệu bằng hương thơm tinh dầu hoa nhài (Jasmine)
- 3.4. Công dụng của trị liệu bằng tinh dầu cây chè hoặc tràm trà
- 3.5. Liệu pháp mùi hương tinh dầu bạc hà có tác dụng như thế nào?
- 3.6. Liệu pháp mùi hương tinh dầu chanh
- 3.7. Trị liệu bằng tinh dầu trầm hương
- 3.8. Liệu pháp mùi hương tinh dầu bạch đàn có tác dụng gì?
- 3.9. Công dụng của liệu pháp mùi hương tinh dầu sả
- 3.10. Trị liệu bằng hương thơm dầu cam và Bergamot
- 3.11. Liệu pháp mùi hương tinh dầu hương thảo có tác dụng như thế nào?
- 3.12. Liệu pháp mùi thơm tinh dầu gỗ tuyết tùng
- 4. Cách sử dụng tinh dầu trị liệu an toàn và hiệu quả
- 5. Cách chọn tinh dầu tốt nhất cho liệu pháp mùi hương
- 6. Tinh dầu trị liệu có an toàn không?
1. Liệu pháp mùi hương (Aromatherapy) là gì?
Liệu pháp mùi hương (Aromatherapy) là một hệ thống điều trị thay thế, trong đó, sử dụng các loại tinh dầu chiết xuất từ các nguồn tự nhiên như hoa, cánh hoa và vỏ cây, để tăng cường sức khỏe tâm lý và thể chất (R Ahmad et al, 2019). Các tinh chất hương thơm được chiết xuất tự nhiên này được ứng dụng để cân bằng những chức năng nhận thức và duy trì trí nhớ.
Trị liệu bằng hương thơm đã được sử dụng trong nhiều thế kỷ. Khi hít vào, các phân tử mùi hương trong tinh dầu sẽ đi từ dây thần kinh khứu giác trực tiếp lên não, và đặc biệt tác động đến hạch hạnh nhân – trung tâm cảm xúc của não bộ. Tinh dầu cũng có thể được hấp thu qua da – chúng sẽ đi qua máu và có thể thúc đẩy quá trình chữa lành toàn thân.
Các tinh chất hoặc tinh dầu mùi thơm được sử dụng phổ biến như tinh dầu hoa oải hương, dầu hương thảo, dầu hoa nhài, dầu bạc hà,…Chúng được cho là có tác dụng kích thích chức năng nhận thức và do đó, được sử dụng với mục đích giảm đau và cải thiện tâm trạng.
2. Các liệu pháp mùi hương có tác dụng như thế nào?
Các loại tinh dầu trị liệu gần đây nhận được sự quan tâm, chú ý rất lớn từ người dùng nhờ khả năng giúp điều trị một số bệnh, từ đau đầu khi ngủ cho đến đau họng. Nhưng, việc trị liệu bằng hương thơm chiết xuất từ thực vật cô đặc này có hiệu quả không?
2.1. Liệu pháp mùi hương có tác dụng thế nào đối với các vấn đề sức khỏe tâm thần?
Liệu pháp hương thơm là một trong những phương pháp thực hành y học bổ sung và thay thế (CAM) phổ biến nhất đã phát triển đáng kể trong những năm gần đây để làm giảm các triệu chứng sức khỏe tâm thần.
Trong hàng ngàn năm, liệu pháp mùi hương đã được sử dụng như một dạng thuốc thảo dược ở các nước như Iran, Ai Cập và Ấn Độ (S Heidari-fard et al, 2018). Trong đó, tinh dầu tác động đến sự kết nối giữa cơ thể và tâm trí bằng cách tương tác với hệ khứu giác (JR Keefe et al, 2018). Kỹ thuật hít thở với tinh dầu trị liệu có thể làm giảm các triệu chứng vấn đề sức khỏe tinh thần khác nhau, như stress, lo âu và trầm cảm (H Genc et al, 2020; H Bagheri et al, 2020).
2.2. Hiệu quả của tinh dầu trị liệu trong việc giảm thời gian chuyển dạ
Một nghiên cứu tổng hợp từ 22 bài báo khoa học uy tín thực hiện năm 2021 bởi Ashraf Ghiasi và cộng sự cho thấy, một số liệu pháp hương thơm (như hoa oải hương) gần như có hiệu quả trong việc giảm thời gian chuyển dạ. (Ashraf Ghiasi et al, 2022). Sinh con là một trong những sự kiện quan trọng nhất của cuộc đời một người phụ nữ. Liệu pháp mùi hương có thể là một phương pháp bổ trợ hiệu quả, chi phí rẻ, và toàn diện để làm giảm thời gian chuyển dạ, nhưng nên sử dụng một cách thận trọng.
3. Tinh dầu trị liệu (liệu pháp mùi hương) có những loại nào phổ biến?
Có hàng chục loại tinh dầu. Tất cả chúng đều có hương thơm và thành phần hóa chất khác nhau. Trong liệu pháp mùi hương, loại tinh dầu nào tốt nhất phụ thuộc vào vào mục đích bạn muốn chọn tinh dầu có tác dụng làm dịu hay có mùi thơm mình thích. Dưới đây là 12 loại tinh dầu phổ biến cùng công dụng của chúng.
3.1. Liệu pháp mùi hương hoa oải hương (Lavender oil therapy)
Tinh dầu hoa oải hương được sử dụng rộng rãi trong liệu pháp xông hơi (A Bikmoradi et al, 2015; C Bryant et al, 2013). Nhiều nghiên cứu trước đây về ưu điểm của liệu pháp tinh dầu hoa oải hương đã chứng minh rằng nó có đặc tính an thần, sát trùng, làm dịu, chống co thắt, giảm đau và hỗ trợ chữa bệnh (A Bikmoradi et al, 2015; J Li et al, 2019).
Một số nghiên cứu cũng cho thấy liệu pháp xông hơi sử dụng tinh dầu hoa oải hương có tác dụng tích cực đối với việc cải thiện mức độ stress, lo âu và trầm cảm trong các tình huống khác nhau. Chẳng hạn như stress, lo âu, trầm cảm trong thời kỳ hậu sản (S-O Lee et al, 2011), giảm lo âu ở bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim (R Frost, 2019), giảm căng thẳng trong học tập ở sinh viên ngành dược (R Ahmad et al, 2019) và lo âu ở bệnh nhân u xơ tiền liệt tuyến trong giai đoạn trước phẫu thuật (H Genc et al, 2020).
Nhiều người cảm thấy tinh dầu hoa oải hương thư giãn. Tuy nhiên, cũng có một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng tinh dầu hoa oải hương trong xông hơi trị liệu không ảnh hưởng đến mức độ stress hoặc lo âu ở những bệnh nhân vừa trải qua phẫu thuật bắc cầu động mạch vành (N Rajai, 2016).
3.2. Liệu pháp mùi thơm hương hoa cúc (Chamomile)
Nghiên cứu cho thấy, trị liệu massage bằng hương thơm hoa cúc giúp làm giảm mức độ lo âu và cải thiện chất ngủ ở bệnh nhân bỏng (N Rajai, 2016).
3.3. Trị liệu bằng hương thơm tinh dầu hoa nhài (Jasmine)
Hoa nhài có một hương thơm mạnh mẽ nhưng ngọt ngào, dễ chịu và lãng mạn. Hương thơm của tinh dầu hoa nhài có tác dụng làm dễ chịu, nâng cao sức khỏe tinh thần và hỗ trợ chống lại hội chứng trầm cảm. Nó cũng là một chất khử trùng, chống nhiễm trùng rất tốt.
3.4. Công dụng của trị liệu bằng tinh dầu cây chè hoặc tràm trà
Theo Tiến sĩ Lin, MD, chuyên gia y học tích hợp, hầu hết mọi người sử dụng dầu cây trà như một chất khử trùng, kháng khuẩn hoặc kháng nấm. Bạn cũng có thể sử dụng nó để trợ giúp một số vấn đề như:
- Mụn: Lấy tăm bông nhúng vào tinh dầu tràm trà. Sau đó, thoa trực tiếp tinh dầu lên mụn mà không cần pha loãng. Nó có thể giúp giải quyết mụn trứng cá nhanh hơn.
- Bệnh nấm da chân và nấm ngoài da: Pha loãng tinh dầu tràm trà với dầu nền và thoa hỗn hợp lên vùng da bị ảnh hưởng.
Một lưu ý thận trọng: Tinh dầu tràm trà có thể gây độc cho thần kinh, bạn không nên khuếch tán nó ra, nhất là nếu trong nhà có trẻ nhỏ hoặc vật nuôi.
3.5. Liệu pháp mùi hương tinh dầu bạc hà có tác dụng như thế nào?
Tinh dầu bạc hà được biết là:
- Một chất chống viêm, kháng nấm và kháng khuẩn
- Giúp làm giảm đau đầu, chống lại sự mệt mỏi
- Cải thiện tâm trạng
- Làm giảm co thắt ruột
- Hỗ trợ tiêu hóa và trí nhớ
Liệu pháp mùi hương tinh dầu bạc hà cũng có thể làm dịu dạ dày của bạn, nhất là với những ai bị hội chứng ruột kích thích hoặc kích thíc dạ dày. Bởi vì nó có đặc tính rất nhẹ nhàng và dễ sử dụng.
3.6. Liệu pháp mùi hương tinh dầu chanh
Được chiết xuất từ vỏ quả chanh, tinh dầu chanh có thể được khuếch tán vào không khí hoặc bôi lên da với dầu nền. Các công dụng chính của tinh dầu chanh trị liệu:
- Giảm lo lắng và trầm cảm
- Giảm đau
- Giảm cảm giác buồn nôn
- Diệt khuẩn
Một nghiên cứu cũng chỉ ra rằng liệu pháp mùi hương bằng tinh dầu chanh có thể cải thiện chức năng nhận thức của những người mắc bệnh Alzheimer (Jimbo et al, 2009). Dầu chanh an toàn để làm thơm và sử dụng bôi trên da. Nhưng, có một số báo cáo cho thấy tinh dầu chanh có thể khiến da nhạy cảm hơn với ánh nắng và tăng nguy cơ bị cháy nắng. Do đó, hãy tránh tiếp xúc trực tiếp ánh nắng mặt trời sau khi dùng tinh dầu chanh trị liệu nhé.
3.7. Trị liệu bằng tinh dầu trầm hương
Tinh dầu trầm hương được ví như “vua của các loại dầu”. Nó có thể giúp chống lại hội chứng viêm, cải thiện tâm trạng và giấc ngủ, hỗ trợ cải thiện bệnh hen suyễn và ngăn ngừa bệnh nướu răng.
Dầu trầm hương có mùi thơm của gỗ, cay, và có thể được sử dụng như một liệu pháp mùi hương. Bạn cũng có thể tìm thấy thành phần này trong các loại kem dưỡng da. Tuy nhiên, nếu dùng tinh dầu trầm hương hoặc sản phẩm có chứa thành phần này lên da, hãy đảm bảo nó đã được pha loãng nhé.
3.8. Liệu pháp mùi hương tinh dầu bạch đàn có tác dụng gì?
Bạch đàn là một loại tinh dầu tuyệt vời để có trong tay trong mùa lạnh. Nó làm dịu mũi bị nghẹt bằng cách mở đường mũi để bạn có thể thở dễ dàng hơn. (Dầu bạc hà cũng có thể giúp làm điều này.)
Nó cũng có thể giảm đau và chống lại virus herpes simplex nhờ đặc tính kháng khuẩn và chống viêm. Tuy nhiên, hãy thận trọng khi sử dụng tinh dầu bạch đàn, đảm bảo pha loãng trước khi bôi trên da. Ngoài ra, không nên uống loại tinh dầu này, vì nó có thể có tác dụng phụ nguy hiểm cho trẻ em và vật nuôi.
3.9. Công dụng của liệu pháp mùi hương tinh dầu sả
Tinh dầu sả chanh có mùi thơm nồng của cam quýt và được biết là giúp giảm căng thẳng, lo lắng và trầm cảm. Đặc tính kháng khuẩn của nó làm cho nó trở thành một phương thuốc tự nhiên tốt để chữa lành vết thương và tiêu diệt vi khuẩn.
Liệu pháp mùi hương tinh dầu sả đã được chứng minh là có thể ngăn ngừa sự phát triển của nấm vi khuẩn được tìm thấy trong bệnh nấm da chân, nấm ngoài da và ngứa ngáy. Một nghiên cứu cho thấy rằng sử dụng dầu sả chanh có thể giúp giảm lượng đường trong máu ở những người mắc bệnh tiểu đường loại 2. Tuy nhiên, nhớ sử dụng dầu nền pha kèm dầu sả trước khi thoa lên da nhé.
3.10. Trị liệu bằng hương thơm dầu cam và Bergamot
Dầu cam và cam Bergamot đều được làm từ vỏ của trái cây họ cam quýt. Nó có thể được khuếch tán vào không khí, bôi lên da (với nền) hoặc thậm chí được sử dụng như một chất tẩy rửa tự nhiên trong nhà của bạn.
Cam bergamot là gì? Nếu bạn là một fan hâm mộ của trà Earl Grey, thì bạn đã từng uống cam bergamot. Dầu có hương trái cây và hương hoa, có thể được khuếch tán hoặc bôi trên da khi pha với dầu nền.
Dầu cam và cam bergamot được biết đến là:
- Diệt khuẩn
- Giảm lo lắng
- Giảm đau
Dầu cam có khả năng làm cho da của bạn nhạy cảm hơn với ánh nắng mặt trời, vì vậy hãy cẩn thận khi sử dụng nó trên da và sau đó đi ra ngoài.
3.11. Liệu pháp mùi hương tinh dầu hương thảo có tác dụng như thế nào?
Bạn có thể đã tìm đến hương thảo để thêm hương vị cho một số công thức nấu ăn của mình. Nhưng, sử dụng dầu hương thảo cũng có một số lợi ích bổ sung như cải thiện chức năng não, thúc đẩy sự phát triển của tóc, giảm đau và căng thẳng, nâng cao tâm trạng của bạn và giảm viêm khớp.
Dầu hương thảo an toàn để sử dụng trong liệu pháp mùi hương và bôi ngoài da với dầu nền. Nếu bạn đang mang thai, hoặc bị động kinh, hoặc huyết áp cao, bạn nên tránh sử dụng dầu hương thảo.
3.12. Liệu pháp mùi thơm tinh dầu gỗ tuyết tùng
Dầu gỗ tuyết tùng có đặc tính chống oxy hóa và kháng khuẩn, là một thành phần phổ biến trong thuốc chống côn trùng, dầu gội đầu và chất khử mùi với hương thơm của gỗ. Nhưng bạn cũng có thể sử dụng tinh dầu gỗ tuyết tùng để giúp ngủ ngon và ngủ nhanh, giảm lo âu. Bạn có thể sử dụng dầu cây tuyết tùng làm dầu thơm, cũng như một phương pháp điều trị trên da trộn với dầu nền.
4. Cách sử dụng tinh dầu trị liệu an toàn và hiệu quả
Chất lượng của các loại tinh dầu trên thị trường rất khác nhau, từ nguyên chất cho đến tinh dầu pha loãng với các thành phần khác ít tốn kém hơn. Và, bởi vì không có quy định, nhãn dán, thậm chí, có thể không liệt kê tất cả thành phần có trong chai tinh dầu, nên bạn lưu ý không ăn hoặc uống tinh dầu nhé.
PsyCare.com.vn cũng khuyên bạn không nên sử dụng máy khuếch tán tinh dầu chất lượng kém, các thiết bị gia dụng nhỏ để tạo ra hương thơm. Sự lan tỏa mùi thơm tinh dầu trong một khu vực đông người hoặc trong gia đình nhiều thành viên có thể ảnh hưởng đến mỗi người theo những cách khác nhau.
Ví dụ: Tinh dầu bạc hà thường được khuyến nghị dùng cho chứng đau đầu. Nhưng, nếu bạn dùng nó cho trẻ dưới 30 tháng tuổi, trẻ có thể trở nên kích động. Hoặc, một số người khác có thể bị kích ứng ngoài da.
Dưới đây là những cách an toàn nhất để sử dụng tinh dầu như một liệu pháp mùi hương hiệu quả nhất:
- Phụ kiện thoa tinh dầu: Như dây chuyền, vòng tay, móc khóa,…làm bằng chất liệu thấm hút. Bạn có thể thoa tinh dầu lên các phụ kiện này và ngửi suốt cả ngày!
- Tinh dầu dưỡng thể: Hỗn hợp giữa các loại tinh dầu với dầu nền (như dầu oliu, dầu jojoba, hoặc dầu dừa,…) có thể được xoa bóp trên da. Vì tinh dầu vốn rất đậm đặc nên có thể gây kích ứng. Thế nên, pha loãng chúng trong dầu nền là cách tốt nhất đê rtrasnh phản ứng xấu khi thoa trực tiếp lên da. Nếu bạn bị phát ban đỏ, ngứa hoặc nổi mề đay sau khi thoa tinh dầu, hãy tìm đến bác sĩ da liễu ngay nhé!
- Que hút hương thơm trị liệu (ống xông tinh dầu): Đây là những que nhựa cầm tay có một bấc thấm hút tinh dầu. Chúng đi kèm với một tấm che để giữ mùi hương trong lớp bọc cho đến khi bạn sử dụng.
5. Cách chọn tinh dầu tốt nhất cho liệu pháp mùi hương
Nhiều nghiên cứu cũng đã cho thấy trị liệu bằng tinh dầu có thể tạo ra tác động tích cực đến sức khỏe và cảm nhận hạnh phúc của chúng ta, miễn là nó được sử dụng một cách an toàn. Bạn có muốn thử liệu pháp mùi hương này không? Để bắt đầu, hãy thử tìm hiểu cách chọn loại tinh dầu phù hợp, cũng như chất lượng và nồng độ cô đặc của chúng nhé. Bởi vì không phải tất cả sản phẩm đều được tạo ra như nhau.
Dưới đây là một số mẹo giúp bạn mua tinh dầu nguyên chất tốt nhất:
- Nhìn vào nhãn: Nhãn sản phẩm phải bao gồm tên Latinh của cây hoặc hoa được sử dụng. Ngoài ra, cần có thông tin về độ tinh khiết, cùng các thành phần khác được thêm vào trong sản phẩm, cũng như quốc gia nơi cây được trồng.
- Đánh giá công ty: Nên mua sản phẩm từ một công ty hương liệu nổi tiếng và uy tín đã hoạt động được nhiều năm.
- Chọn lọ tinh dầu bằng thủy tinh, tối màu: Tinh dầu nguyên chất có độ đậm đặc cao. Chúng có thể làm tan các chai nhựa theo thời gian, làm bẩn dầu. Hầu hết các công ty đóng gói tinh dầu trong chai thủy tinh nhỏ màu nâu hoặc xanh để bảo vệ chất lượng sản phẩm.
- Tránh “dầu thơm”: Nước hoa, hay tinh dầu nước hoa, thường được làm từ tinh dầu kết hợp với hóa chất hoặc hoàn toàn từ hóa chất. Chúng không thích hợp cho liệu pháp hương thơm. Thay vào đó, hãy tìm những chai chứa một loại tinh dầu ở dạng tinh khiết nhất (100% tinh dầu không chứa chất trộn khác).
- So sánh giá cả: Tinh dầu có nhiều mức giá khác nhau, tùy thuộc vào cách thức thu hoạch và sản xuất. Trong một dòng sản phẩm, nên có nhiều mức giá khác nhau – dầu hoa hồng hoàn toàn hoặc dầu đàn hương sẽ đắt hơn, trong khi đó, tinh dầu cam ngọt sẽ có giá thấp hơn. Nếu bạn tìm thấy một mức giá thấp nhất cho một loại tinh dầu đắt tiền, có thể nó không phải là nguyên chất.
6. Tinh dầu trị liệu có an toàn không?
Liệu pháp mùi hương nói chung là an toàn. Tuy nhiên, tinh dầu có thể gây ra tác dụng phụ. Một số loại tinh dầu có thể gây kích ứng mắt, da hoặc màng nhầy trong mũi của bạn. Chúng cũng có thể gây ra các phản ứng dị ứng nhẹ. Nếu bạn uống một số loại tinh dầu, chúng có thể làm tổn thương thận hoặc gan của bạn.
Rất hiếm khi mọi người sử dụng tinh dầu bằng đường uống, và bạn không nên làm điều đó trừ khi bác sĩ đồng ý. Nếu bạn chưa quen với liệu pháp mùi hương, hãy làm việc với chuyên gia trị liệu bằng hương thơm hoặc bác sĩ của bạn.
Tinh dầu trị liệu có thể nâng cao tâm trạng và làm cho bạn thấy dễ chịu chỉ với một chút hương thơm nồng nàn của chúng. Đối với một số người, liệu pháp mùi hương thậm chí có thể giúp giảm bớt triệu chứng của nhiều bệnh lý khác nhau, bao gồm cả một số vấn đề về sức khỏe tinh thần. Nếu đang cân nhắc sử dụng liệu pháp này, hãy tham khảo thêm ý kiến chuyên gia về y học tích hợp để biết thêm thông tin về cách kết hợp chúng vào một lối sống khỏe mạnh hơn, bạn nhé!