Ý tưởng đằng sau liệu pháp tập trung vào giải pháp (Solution-focused therapy – SFT) là hướng thân chủ tìm kiếm giải pháp chứ không sa lầy vào chi tiết. Đối với nhiều người, việc tìm ra giải pháp thường quan trọng hơn là phân tích vấn đề thật chi tiết. Bài viết dưới đây sẽ đề cập đến nội dung của trị liệu tập trung vào giải pháp là gì, cũng như cách nó được ứng dụng vào việc tham vấn tâm lý ra sao, cùng những hạn chế của nó.
Mục lục
- 1. Liệu pháp tập trung vào giải pháp (SFT) là gì?
- 2. Liệu pháp tập trung vào giải pháp (SFT) phù hợp với ai?
- 3. Tính hiệu quả và lợi ích của liệu pháp tập trung vào giải pháp
- 4. Một số kỹ thuật cơ bản của liệu pháp tập trung vào giải pháp ứng dụng trong tham vấn tâm lý
- 5. Một số công cụ và biểu mẫu sử dụng trong liệu pháp tập trung vào giải pháp
- 6. Kế hoạch trị liệu trong liệu pháp tập trung vào giải pháp
1. Liệu pháp tập trung vào giải pháp (SFT) là gì?
1.1. Liệu pháp tập trung vào giải pháp là gì?
Liệu pháp tập trung vào giải pháp (Solution-focused therapy – SFT) là một loại trị liệu làm nổi bật khả năng giải quyết vấn đề của thân chủ hơn là tìm hiểu nguyên nhân thế nào hoặc làm thế nào vấn đề xuất hiện. Tất nhiên, chúng ta phải thảo luận về vấn đề để tìm ra giải pháp, nhưng ngoài việc hiểu vấn đề là gì và quyết định cách giải quyết nó, SFT sẽ không tập trung vào mọi chi tiết của vấn đề mà thân chủ đang gặp phải.
1.2. Lịch sử phát triển của liệu pháp ngắn gọn tập trung vào giải pháp
Hình thức trị liệu tâm lý này được phát triển bởi Steve de Shazer và Insoo Kim Berg vào năm 1980 (Peter De Jong, 2019), sau khi họ quan sát các nhà trị liệu tại một cơ sở chăm sóc sức khỏe tâm thần ở Wisconsin. Liệu pháp SFT còn được gọi là trị liệu ngắn gọn tập trung vào giải pháp (solution-focused brief therapy – SFBT).
Từ “ngắn gọn” (brief) trong tên liệu pháp này chính là chìa khóa. Theo đó, mục tiêu của SFT, hay SFBT, là tìm kiếm và thực hiện giải pháp cho một hoặc nhiều vấn đề càng sớm càng tốt để giảm thiểu thời gian dành cho trị liệu và quan trọng hơn là thời gian vật lộn hoặc đau khổ (Antin, 2018).
Giống như tâm lý học tích cực, liệu pháp SFT không đòi hỏi phải đi sâu vào thời thơ ấu của thân chủ, cũng như cách mà quá khứ của thân chủ đã ảnh hưởng đến hiện tại của họ như thế nào. Thay vào đó, tại các phiên làm việc hiện tại của thân chủ, SFT sẽ hướng họ tới một tương lai mà các vấn đề hiện tại của họ ít ảnh hưởng đến cuộc sống của họ hơn (Iveson, 2002).
1.3. Quy trình và mục đích thực hành liệu pháp ngắn gọn tập trung vào giải pháp
SFBT cam kết tìm kiếm các giải pháp thực tế, khả thi cho thân chủ càng nhanh càng tốt, và hiệu quả của phương pháp trị liệu này đã ảnh hưởng đến sự lan rộng của nó trên khắp thế giới. Ngày nay, SFT/SFBT được sử dụng trong nhiều bối cảnh khác nhau.
Mục tiêu của SFT/SFBT là giúp thân chủ phát triển các công cụ và kỹ năng, dựa trên những điểm mạnh hiện tại của họ mà họ có thể sử dụng trong tương lai. Những công cụ và kỹ thuật này có thể giúp bạn thay đổi các hành vi có hại, đạt được những mục tiêu trong cuộc sống và quản lý tình huống gây khó khăn.
Trong liệu pháp tập trung vào giải pháp, các nhà trị liệu sẽ đặt một loạt câu hỏi để mời thân chủ xác định điểm mạnh và nhu cầu của mình, cũng như tập trung vào các khả năng và giải pháp.
SFT/SFBT thường kéo dài trong khoảng 5 phiên và đôi khi có thể đem lại hiệu quả chỉ trong một lần gặp nhà trị liệu. Nó hiếm khi kéo dài hơn 8 phiên.
2. Liệu pháp tập trung vào giải pháp (SFT) phù hợp với ai?
Liệu pháp SFT đã được áp dụng thành công với nhiều thân chủ gặp các vấn đề như:
- Trầm cảm
- Khó khăn trong các mối quan hệ
- Lạm dụng ma túy và rượu
- Rối loạn ăn uống
- Quản lý cơn tức giận
- Khó khăn trong giao tiếp
- Can thiệp khủng hoảng
- Giảm tái phạm
Làm rõ mục tiêu là một kỹ thuật quan trọng trong SFT. Nhà trị liệu sẽ hướng dẫn thân chủ hình dung ra một tương lai mà không gặp phải vấn đề họ đã trình bày. Thông qua việc huấn luyện và đặt câu hỏi tích cực, tầm nhìn này sẽ trở nên rõ ràng hơn nhiều.
3. Tính hiệu quả và lợi ích của liệu pháp tập trung vào giải pháp
Liệu pháp tập trung vào giải pháp đã được áp dụng thành công trong trị liệu cá nhân, cặp đôi và gia đình. Các vấn đề mà liệu pháp này có thể giải quyết rất đa dạng, từ các yếu tố gây stress bình thường trong cuộc sống đến những sự kiện có tác động lớn trong cuộc sống. Tuy nhiên, SFT/SFBT không được khuyến nghị áp dụng với các vấn đề sức khỏe tâm thần nghiêm trọng hơn, như tâm thần phân liệt hoặc trầm cảm nặng (Antin, 2018).
4. Một số kỹ thuật cơ bản của liệu pháp tập trung vào giải pháp ứng dụng trong tham vấn tâm lý
4.1. Câu hỏi về điều kỳ diệu (Magic Question)
Câu hỏi về điều kỳ diệu (Magic Question) khuyến khích thân chủ tưởng tượng về một tương lai trong đó các vấn đề của họ không còn ảnh hưởng đến cuộc sống của họ nữa.
“Hãy tưởng tượng rằng một điều kỳ diệu đã xảy ra. Vấn đề mà bạn đang vật lộn đột nhiên vắng bóng/biến mất trong cuộc sống của bạn. Cuộc sống của bạn sẽ như thế nào nếu không có vấn đề này? Dấu hiệu nào cho bạn thấy rằng cuộc sống của bạn đã thay đổi tốt hơn mà không còn vấn đề ấy tồn tại?” (Antin, 2018)
4.2. Câu hỏi ngoại lệ (Exception Questions) trong liệu pháp tập trung vào giải pháp
Đây là những câu hỏi hỏi về trải nghiệm của thân chủ cả khi có và không có vấn đề của họ. Câu hỏi về “ngoại lệ” hỏi về những lần thân chủ đã đối phó/giải quyết thành công các khó khăn và thách thức trước đó.
“Hãy kể cho tôi nghe về những lúc bạn cảm thấy hạnh phúc nhất? Điều gì đã khiến nó trở thành một ngày tốt đẹp hơn trong ngày hôm đó? Hãy nghĩ về những thời điểm mà vấn đề không xuất hiện trong cuộc sống của bạn và mô tả nó.”
4.3. Câu hỏi mở rộng (Scale questions)
Trong kỹ thuật này, nhà trị liệu yêu cầu thân chủ đánh giá trải nghiệm của họ theo thang điểm từ 0 (thấp nhất) đến 10 (cao nhất). Kỹ thuật này giúp nhà trị liệu đánh giá sự tiến bộ và tìm hiểu thêm về động lực và sự tự tin của thân chủ trong việc tìm ra giải pháp.
Ví dụ: “Trên thang điểm từ 0 đến 10, bạn đánh giá mức độ tiến bộ của mình trong việc tìm kiếm và thực hiện giải pháp cho vấn đề của mình ở mức nào?” (Antin, 2018)
5. Một số công cụ và biểu mẫu sử dụng trong liệu pháp tập trung vào giải pháp
5.1. Biểu mẫu về động lực và mâu thuẫn
Động lực là tiền đề cần thiết để thay đổi. Tuy nhiên, nhiều thân chủ lại mơ hồ về quá trình thay đổi. Biểu mẫu Động lực và Mâu thuẫn sẽ khuyến khích thân chủ suy nghĩ và khám phá những ưu điểm, nhược điểm của việc “thay đổi” và “không thay đổi”.
Động lực để thay đổi là một thành phần quan trọng của sự thành công trong trị liệu, nhưng không phải ai cũng bắt đầu trị liệu với tâm trạng lý tưởng. Để thực hiện biểu mẫu này, thân chủ sẽ được hướng dẫn để phản ánh về một vấn đề hoặc tình huống cụ thể, và cân nhắc những ưu điểm, nhược điểm của việc thay đổi và không thay đổi.
Điều chúng ta kỳ vọng là ở cuối quá trình thực hành biểu mẫu, thân chủ sẽ liệt kê lợi ích của sự thay đổi để cảm thấy hy vọng hơn, cũng như nhận thức được lợi ích của sự thay đổi này và hướng đến hiện thực hóa chúng trong cuộc sống.
5.2. Biểu mẫu bài tập về nhà giải quyết vấn đề hiệu quả
Bài tập về nhà là một phần không thể thiếu của quy trình tham vấn – trị liệu tâm lý. Trong liệu pháp tập trung vào giải pháp, rèn luyện kỹ năng giải quyết vấn đề hiệu quả là một dạng bài tập về nhà cần thiết và phù hợp với cả thân chủ là trẻ em hoặc người lớn.
Thân chủ sẽ được hướng dẫn thực hiện từng bước để đưa ra giải pháp cho các tình huống bị “mắc kẹt” trong cuộc sống, rơi vào tình thế khó xử hoặc đang phân vân, lo lắng về vấn đề nào đó. Bài tập này được thiết kế theo kỹ năng giải quyết vấn đề hiệu quả dựa trên nghiên cứu của nhóm tác giả Nezu, Nezu và D’Zurilla (2013), bao gồm: xác định rõ vấn đề, tạo ra các giải pháp thay thế, đưa ra quyết định có chủ ý, và thực hiện giải pháp đã lựa chọn.
Với bài tập này, nhà trị liệu sẽ không phán xét hay áp đặt phương pháp ưa thích của mình lên thân chủ. Thay vào đó, vai trò của nhà tâm lý lâm sàng là ngồi bên cạnh và giúp thân chủ xem xét những ưu điểm, nhược điểm từ các lựa chọn của mình. Nếu thân chủ “mắc kẹt” trong những suy nghĩ hoặc nỗi lo lắng nào đó, nhà trị liệu sẽ thúc đẩy họ hành động để thoát khỏi tình trạng bế tắc với những câu hỏi mang tính xây dựng như:
“Làm thế nào bạn có thể…?”
“Bạn có thể nghĩ ra bất kỳ cách nào khác mà bạn có thể khiến cho vấn đề này không còn là vấn đề nữa không?”
“Điều gì khiến chuyện này trở thành một vấn đề của bạn? Bạn có thể làm gì để giải quyết vấn đề đó?”
“Nếu người bạn thân của bạn đang bị làm phiền bởi một vấn đề tương tự như thế này, bạn có thể nói gì để khuyên họ vượt qua nó?”
“Bạn hãy liệt kê một số cách tồi tệ nhất để giải quyết một vấn đề như thế này. Hãy liệt kê những cách tốt nhất để giải quyết vấn đề này?”
6. Kế hoạch trị liệu trong liệu pháp tập trung vào giải pháp
Các nội dung chính trong kế hoạch trị liệu:
- Giới thiệu lý do/lời phàn nàn của thân chủ (điều gì khiến họ tìm đến nhà trị liệu)
- Chẩn đoán/Đánh giá (nếu có)
- Danh sách thuốc đã dùng (nếu có)
- Các triệu chứng hiện tại
- Các nguồn hỗ trợ cho thân chủ (gia đình, bạn bè, các chuyên gia sức khỏe tâm thần khác,…)
- Phương thức hoặc liệu pháp tâm lý áp dụng
- Tần suất trị liệu
- Mục tiêu trị liệu
- Các tiêu chí đo lường về tiến độ đạt được các mục tiêu
- Điểm mạnh của thân chủ và rào cản sự tiến bộ
- Các kỹ thuật câu hỏi áp dụng
- Lượng giá sự cải thiện
Xem thêm:
Tổng kết lại, liệu pháp tập trung vào giải pháp là một loại liệu pháp nhân văn, tập trung vào sự phát triển, trưởng thành và trách nhiệm của bản thân. Mục đích của liệu pháp này là tập trung vào việc xây dựng các giải pháp, thay vì giải quyết các vấn đề mà thân chủ mang đến trong buổi trị liệu. Mong rằng những công cụ, kỹ thuật của liệu pháp này sẽ giúp nhà tâm lý thực hành nghề hiệu quả hơn.