Khái niệm Bibliophobia là gì? Hội chứng sợ sách này có những biểu hiện như thế nào và ảnh hưởng ra sao đến cuộc sống và hoạt động học tập, làm việc của chúng ta? Hãy tìm hiểu ngay điều này qua bài viết dưới đây của PsyCare.com.vn nhé!
Mục lục
1. Hội chứng sợ sách Bibliophobia là gì?
Bibliophobia là tên tiếng Anh của một hội chứng ám ảnh mãnh liệt và bất thường đối với sách. Nó có thể được định nghĩa là hội chứng sợ sách, nhưng nó bao hàm cả chứng sợ đọc hoặc sợ đọc to, đọc trước đám đông.
Sách hầu như có ở khắp mọi nơi, và rất khó để tránh khỏi chúng. Chỉ cần nghĩ về việc đọc một cuốn sách thôi cũng có thể gây ra nỗi lo âu thầm kín mãnh liệt ở một số người.
Nhiều người chỉ có biểu hiện của một lĩnh vực trong hội chứng này, như sợ sách giáo khoa hoặc sợ sách lịch sử, hơn là sợ tất cả các loại sách. Trong đó, chứng sợ sách tiểu thuyết là một dạng phụ của hội chứng này, có tên gọi là Mythophobia. Ngoài ra, còn có một dạng phụ khá phổ biến khác nữa là chứng sợ thơ Metrophobia.
Theo Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ (APA) ước tính, có tới 9% dân số ở đất nước này mắc chứng ám ảnh sợ Bibliophobia.
2. Biểu hiện và triệu chứng của hội chứng sợ đọc sách Bibliophobia
Bibliophobia không được Sổ tay DSM-5 công nhận là một rối loạn chẩn đoán lâm sàng. Nhưng trên thực tế, hội chứng này có thể tác động đáng kể đến các hoạt động học tập và làm việc của chủ thể. Đây cũng là một loại rối loạn lo âu.
Vậy, dấu hiệu nhận biết hội chứng sợ sách Bibliophobia là gì? Dưới đây là một số biểu hiện và triệu chứng phổ biến nếu bạn nghi ngờ mình mắc Bibliophobia:
- Bạn có thể gặp khó khăn khi bị ép buộc hoặc khuyến khích việc đọc sách
- Bạn có thể sợ chính những câu chuyện. Hoặc, ngay cả hành động đơn giản là đọc sách, cầm một cuốn sách hay ở trong thư viện đầy sách cũng có thể khiến bạn trở nên lo lắng và sợ hãi.
- Bạn gặp khó khăn trong học tập hoặc trong việc đọc, đặc biệt là khi đọc thành tiếng.
- Về triệu chứng cơ thể, bạn có thể trải qua các biểu hiện như run, đổ mồ hôi, tức ngực, chóng mặt như muốn ngất đi, buồn nôn, ngột ngạt, hoặc khóc khi phải đọc. Bạn thậm chí phải tìm mọi cách để tránh việc đọc to bằng cách ngồi ở cuối lớp hay trốn học hoàn toàn.
- Bạn có thể cố gắng thuyết phục người khác đọc những thông tin quan trọng trong sách giúp mình thay vì tự đọc.
- Bạn có thể luôn kiểm soát chặt chẽ sự tương tác của mình với sách, hoặc môi trường đọc như thư viện, bảo tàng, và những nơi mà việc đọc là một khía cạnh quan trọng ở đó (APA, DSM-5, 2013).
Một số triệu chứng khác của hội chứng bibliophobia như:
- Tránh né sách và việc đọc sách
- Nhận ra rằng nỗi sợ sách của mình là phi lý
- Sợ hãi hoặc lo lắng về việc phải đọc một cuốn sách
- Cảm giác tội lỗi hoặc xấu hổ về nỗi sợ sách
- Không có khả năng kiểm soát hoặc vượt qua nỗi sợ sách
- Hoảng loạn dữ dội và mong muốn chạy trốn mạnh mẽ khi đọc sách
Ở những đứa trẻ mắc hội chứng này, chúng đôi khi không thể nói rõ những gì mình đang cảm thấy. Cảm xúc của trẻ có thể biểu hiện như tiếng khóc, thét, la hét không thể nguôi ngoai, hoặc nổi cơn thịnh nộ.
Cảm giác khó chịu liên quan đến sách có thể gây rối cho cuộc sống của bạn hoặc không. Nhưng khi nó gây rối, bạn cần tìm đến nhà chuyên môn để được chăm sóc sức khỏe tinh thần ngay.
3. Nguyên nhân của chứng sợ sách Bibliophobia là gì?
Chưa có báo cáo chính xác về nguyên nhân thực sự của nỗi sợ hãi liên quan đến sách này. Giống như những nỗi sợ hãi phổ biến nhất của con người, lý do dẫn đến hội chứng này có thể là do sự kết hợp giữa ảnh hưởng của di truyền và môi trường.
Về ảnh hưởng của môi trường, một số người có thể trải qua một số sự kiện cụ thể trong quá khứ khiến họ liên tưởng đến chứng sợ sách. Chẳng hạn như từng bị xấu hổ hoặc bị chê cười, làm bẽ mặt khi đọc to trước mặt người khác.
Trong trường hợp này, nỗi sợ liên quan đến một vùng não gọi là amygdala. Khu vực nhỏ bé này ghi lại những phản ứng của bạn đối với các trải nghiệm ấy. Khi bạn có một trải nghiệm tương tự trong tương lai, hạch hạnh nhân sẽ nhắc nhở bạn về những gì bạn đã từng cảm thấy.
Về ảnh hưởng của di truyền, đặc điểm tính cách và tính khí là những khía cạnh di truyền. Điều này giải thích vì sao những ám ảnh sợ hãi tâm lý đơn giản dường như thường xảy ra trong các gia đình. Theo đó, mọi người học hành vi và phản ứng từ những người thân của họ.
Trên thực tế, hạch hạnh nhân ghi lại những biểu hiện sợ hãi và lo lắng mà bạn nhận thấy ở những người xung quanh mình. Vì vậy, thường rất khó để biết liệu những nỗi sợ hãi này là do học tập hay do di truyền.
4. Cách điều trị hội chứng sợ đọc sách Bibliophobia là gì?
Chứng sợ đọc sách Bibliophobia có thể gây nhiều sự hạn chế trong cuộc sống, là nguồn cơn của một số vấn đề ở nơi làm việc và trường học, do đó, chủ thể mắc hội chứng này cần tìm đến phòng khám tâm lý hoặc chuyên khoa tâm thần để được điều trị phù hợp.
Hai hình thức trị liệu tâm lý thường được khuyến nghị áp dụng cho hội chứng này là trị liệu nhận thức hành vi (CBT) và liệu pháp phơi nhiễm (exposure therapy), hay còn gọi là giải mẫn cảm hệ thống. Ngày nay, việc can thiệp các hội chứng nỗi sợ tâm lý ngày càng thuận tiện hơn với việc ứng dụng trị liệu tâm lý thực tế ảo mà thân chủ có thể tham gia khi ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào.
Theo đó, nhà trị liệu sẽ cùng thân chủ phát triển một kế hoạch can thiệp thích hợp với nhu cầu của thân chủ, bằng cách học những cách suy nghĩ mới về sách và việc đọc. Đồng thời, chủ thể được khuyến khích đọc một vài trang sách một lần trong sự an toàn của phòng trị liệu.
Điều quan trọng là thân chủ sẽ không bao giờ bị buộc phải đọc nhanh hơn hay nhiều hơn, miễn là chủ thể cảm thấy thoải mái với tốc độ và số lượng trang sách đang đọc.
Xem thêm:
Tuy nhiên, nên nhớ, không có cách chữa trị cụ thể cho hội chứng Bibliophobia. Vậy, cách để vượt qua nỗi sợ hãi Bibliophobia là gì? Đó là hãy để bản thân đi đến hành động bằng cách tiếp xúc dần với sách và việc đọc sách, nhằm làm giảm bớt lo lắng không ngừng liên quan đến nỗi sợ này. Nó sẽ đem lại hiệu quả cải thiện tích cực về lâu dài.
Bài viết trên đây đã giúp bạn hiểu rõ hội chứng sợ đọc sách bibliophobia là gì. Một người mắc hội chứng bibliophobia có thể gặp các triệu chứng về thể chất, làm gián đoạn cuộc sống hàng ngày và ảnh hưởng đến thành công trong học tập và công việc. Do đó, nếu nghi ngờ mình mắc hội chứng này, hãy tìm đến nhà chuyên môn để được điều trị kịp thời, để tránh những ảnh hưởng không mong muốn về sau.