Liệu pháp kích hoạt hành vi là gì: Tổng quan lý thuyết và ứng dụng

Liệu pháp kích hoạt hành vi (behavioral activation therapy) là một liệu pháp tâm lý có lịch sử lâu đời từ những năm 1970. Cho đến nay, chưa có đánh giá hệ thống nào đầy đủ về quy trình trị liệu tâm lý kích hoạt hành vi và các thành phần đi kèm. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn có góc nhìn tổng quan về lý thuyết và ứng dụng của liệu pháp hoạt hóa hành vi dựa trên mô tả các kỹ thuật khác nhau của liệu pháp này.

1. Liệu pháp kích hoạt hành vi là gì?

1.1. Lịch sử phát triển liệu pháp hoạt hóa hành vi

Liệu pháp kích hoạt hành vi (behavioral activation therapy) là một chiến lược ứng phó cơ bản, và là một phương pháp trị liệu tâm lý ngắn hạn có thể đem lại tác động to lớn đến tâm trạng của chủ thể. Kích hoạt hành vi dựa trên chủ nghĩa hành vi. Đây là một nhánh của Tâm lý học tập trung vào cách môi trường của một người định hình hành động của họ, và sau đó là sức khỏe tâm thần của họ.

Cơ chế của hoạt hóa hành vi là chủ động thực hành một số hoạt động nhất định để từ đó, chúng ta có thể kích hoạt trạng thái cảm xúc tích cực hơn. Ví dụ như việc tham gia vào một hoạt động sinh hoạt câu lạc bộ bổ ích có thể khiến ai đó cảm thấy thoải mái hơn, sau đó, khiến họ có nhiều khả năng tiếp tục tham gia vào các hoạt động đó.

1.2. Khái niệm liệu pháp kích hoạt hành vi là gì?

Kích hoạt hành vi là liệu pháp tâm lý sử dụng các nguyên tắc của điều kiện hóa thao tác (operant conditioning) của người vận hành thông qua việc thiết lập lịch trình để khuyến khích những người mắc chứng trầm cảm kết nối lại với sự củng cố tích cực của môi trường.

Theo nhóm tác giả Hopko và cộng sự (2003), liệu pháp kích hoạt hành vi là một quá trình trị liệu nhấn mạnh đến những nỗ lực có cấu trúc nhằm gia tăng các hành vi công khai có khả năng giúp chủ thể tiếp xúc với việc tăng dần các tình huống đột ngột, bất lợi từ môi trường ngoài, đồng thời, tạo nên sự cải thiện tương ứng về suy nghĩ, cảm xúc và chất lượng cuộc sống tổng thể (Hopko et al, 2003).

1.3. Quy trình thực hành liệu pháp kích hoạt hành vi

Trong liệu pháp hoạt hóa hành vi, bạn xác định các mục tiêu cụ thể trong tuần, và nỗ lực để đạt được các mục tiêu đó. Những mục tiêu này có thể là các hoạt động thú vị phù hợp với cuộc sống mà bạn mong muốn.

Ví dụ: Nếu bạn muốn sống cuộc đời của một người giàu lòng nhân ái, bạn có thể chọn các mục tiêu tập trung vào hoạt động tình nguyện, thiện nguyện, giúp đỡ bạn bè, hoặc quyên góp cho tổ chức từ thiện.

Kích hoạt hành vi được thiết kế nhằm tăng khả năng tiếp xúc của chủ thể với các hoạt động bổ ích và tích cực (Ekers et al, 2014). Đặc biệt, khi nhận thấy bản thân đang cảm thấy lo lắng hay chán nản, bạn nên bắt đầu một hoạt động nào đó. Điều này được dựa trên cơ sở rằng, hành vi của bạn có thể ảnh hưởng đến tâm trạng của bạn.

cơ chế liệu pháp hoạt hóa hành vi
Cơ chế thực hành của liệu pháp kích hoạt hành vi là làm giảm hành vi né tránh, hướng chủ thể tới hành động lành mạnh. Ảnh: PsyCare

Khác với các liệu pháp chuyên sâu khác, như liệu pháp nhận thức hành vi (CBT), có thể yêu cầu 1 – 2 năm đào tạo để thực hành, các nhà trị liệu định hướng kích hoạt hành vi có thể học một bộ các kỹ thuật tương đối nhỏ nhưng cần thiết để thực hành hiệu quả sau 5 ngày (Ekers, Dawson, & Bailey, 2013). Liệu pháp kích hoạt hành vi thường là một phần của liệu pháp CBT (Trúc, 2020), nhưng nó cũng có thể là một liệu pháp nâng đỡ tâm lý độc lập.

2. Tổng quan về ứng dụng của liệu pháp kích hoạt hành vi cho trầm cảm

Khi bạn cảm thấy chán nản hoặc lo lắng, bạn có xu hướng ít làm những điều mình từng thích hoặc tránh các hoạt động có thể mang lại niềm vui khác. Hậu quả của việc này thường là khiến tâm trạng càng trở nên tồi tệ hơn, cảm thấy tách biệt hơn với những người khác và gia tăng nỗi lo lắng. Khi bạn ngày càng cảm thấy bị cô lập, bạn có nguy cơ mắc trầm cảm.

Đa số các nhà trị liệu khuyến nghị nên dùng liệu pháp kích hoạt hành vi đối với chứng trầm cảm. Bởi vì các triệu chứng điển hình của tình trạng này khiến chủ thể khó tham gia vào các hoạt động thú vị hoặc có ý nghĩa.

Tác giả Lewinsohn (1974) đã cung cấp mô tả cơ bản về lý thuyết hành vi của chứng trầm cảm, trong đó, trầm cảm là một chức năng của: (1) tỷ lệ thấp của củng cố tích cực tùy thuộc vào phản ứng, và (2) kỹ năng xã hội không đầy đủ. Năm 1976, ông đã hợp nhất một số nghiên cứu can thiệp trước đây dựa trên lý thuyết này thành một cẩm nang điều trị toàn diện (Lewinsohn, Biglan, & Zeiss, 1976).

3. Nghiên cứu về hiệu quả của liệu pháp hoạt hóa hành vi cho rối loạn lo âu

Theo lý giải của nhiều nhà nghiên cứu, hành vi tránh né chính là cơ chế cơ bản của những vấn đề rối nhiễu tâm lý liên quan đến cảm xúc – bao gồm cả trầm cảm và rối loạn lo âu. Mặt khác, hành vi né tránh là trung tâm của mô hình kích hoạt hành vi.

Dưới góc độ này, hành vi lo âu được xem như là một chiến lược ứng phó giúp chủ thể né tránh những kích thích môi trường nào củng cố tích cực ở mức thấp hoặc kiểm soát mang tính chống đối cao. Đây là cơ sở cho thấy liệu pháp kích hoạt hành vi cũng có thể tương thích với quá trình trị liệu rối loạn lo âu.

liệu pháp kích hoạt hành vi cho trầm cảm và rối loạn lo âu
Nghiên cứu cho thấy hoạt hóa hành vi đem lại hiệu quả với trầm cảm và một số rối loạn lo âu. Ảnh: PsyCare

Do đó, khi can thiệp rối loạn lo âu, mục tiêu điều trị ban đầu của liệu pháp kích hoạt hành vi là giúp làm giảm các hành vi mang tính tránh né. Đồng thời, tăng cường các củng cố tích cực của chủ thể dựa vào phản ứng.

Quá trình này được thực hiện trước hết bằng cách nâng cao nhận thức của thân chủ về việc làm thế nào mà các sự kiện bên trong hoặc tác nhân bên ngoài gây nên những cảm xúc tiêu cực, từ đó hình thành nên một mô hình né tránh lặp đi lặp lại ra sao. Khi đã hiểu được mô hình trên, mục tiêu tiếp theo là giúp thân chủ kết nối lại các hành vi lành mạnh bằng cách phát triển các chiến lược ứng phó khác.

Nghiên cứu thực tiễn cũng cho thấy, liệu pháp kích hoạt hành vi có thể điều trị trầm cảm và/hoặc rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD) (Wagner et al, 2019). Nghiên cứu trường hợp của Nguyễn Thanh Trúc (2020) cũng cho thấy sự kết hợp giữa kỹ thuật tái cấu trúc nhận thức và liệu pháp kích hoạt hành vi bước đầu đem lại hiệu quả cải thiện tích cực cho bệnh nhân có các triệu chứng rối loạn lo âu tổng quát (Nguyễn Thanh Trúc, 2020).

4. Ứng dụng làm thế nào để tăng cường hoạt hóa hành vi?

Mặc dù liệu pháp kích hoạt hành vi là một kỹ năng đối phó khá đơn giản, nhưng nó có thể khó thực hiện, nhất là khi bạn không có động lực. Tuy nhiên, có một số cách bạn có thể làm để việc kích hoạt hành vi trở nên hiệu quả hơn.

4.1. Xác định các hoạt động đặc biệt quan trọng với bạn

Khi thực hiện kích hoạt hành vi, mỗi người có cách xác định các hoạt động quan trọng đối với mình khác nhau. Về cơ bản, mọi người xác định các hoạt động dựa trên những gì họ nghĩ rằng mình nên làm trái ngược với những gì mình muốn làm. Nếu lựa chọn những hoạt động không quan trọng với mình, chúng ta sẽ khó có động lực và thực sự cảm thấy không kết nối để bắt đầu thực hiện những hoạt động đó.

Để xác định những hoạt động quan trọng, hãy thử tự hỏi:

  • Điều gì có ý nghĩa quan trọng với bạn?
  • Bạn muốn xây dựng một cuộc sống như thế nào cho chính mình?
  • Những hoạt động cụ thể nào thực sự quan trọng với bạn, và phù hợp với giá trị, mong muốn của bạn?
  • Hoạt động cụ thể nào có thể giúp tăng thêm động lực cho bạn khi tâm trạng đang xuống dốc hoặc lo lắng cao độ?

4.2. Đảm bảo các hoạt động cụ thể và tiến độ có thể đo lường được

Hãy trả lời những câu hỏi ở bước trên bằng cách đưa ra một loạt các hoạt động cụ thể mà bạn có thể đo lường sự tiến bộ của mình. Hiểu đơn giản hơn, đó là hoạt động mà bạn dễ dàng và nhanh chóng xác định xem mình đã hoàn thành nó hay chưa? Và việc hoàn thành nó đem lại hiệu quả trên thang điểm hoặc tỷ lệ % là bao nhiêu? Nếu câu trả lời là không, thì hoạt động bạn đưa ra có lẽ quá mơ hồ.

Ví dụ: Giả sử bạn nghĩ ra hoạt động “Sắp xếp ngăn nắp“. Hãy tự hỏi: Điều này có nghĩa là gì? Bạn muốn tổ chức lại những gì, khu vực nào? Khi nào thì bạn có thể đánh dấu là đã hoàn thành nhiệm vụ này?

Cũng với ví dụ trên, để cụ thể hơn, bạn có thể chuyển nó thành hoạt động “Sắp xếp ngăn nắp phòng ngủ“. Đây là một hoạt động cụ thể, và việc hoàn thành nó có thể dễ dàng được đo lường vì bạn chỉ cần tổ chức lại toàn bộ vật dụng, không gian phòng ngủ của mình là có thể hoàn thành nhiệm vụ. Qua đó, nó giúp bạn định hướng được nhiều hơn trong việc thực hành liệu pháp kích hoạt hành vi.

4.3. Liệt kê các hoạt động từ dễ nhất đến khó nhất

Để đảm bảo các hành vi tránh né liên quan đến lo lắng và trầm cảm không xuất hiện, hãy xếp hạng danh sách các hoạt động của bạn từ dễ nhất đến khó nhất. Bạn có thể xếp hạng dựa trên thang điểm để dễ đo lường. Bắt đầu thực hiện từ hoạt động dễ nhất, từng bước một. Khi hoàn thành mỗi nhiệm vụ, bạn có thể củng cố được cảm xúc tích cực của mình mà không khiến bản thân quá căng thẳng.

4.4. Đưa ra một loạt các hoạt động đa dạng

Để việc thực hành liệu pháp kích hoạt hành vi không nhàm chán, hãy thử:

  • Trộn các hoạt động của bạn lên và thực hiện không cần theo thứ tự.
  • Liệt kê thêm nhiều hoạt động khác nhau trong một số lĩnh vực cuộc sống, như trong công việc, các mối quan hệ, chăm sóc cá nhân và gia đình hoặc bạn bè.

Bạn càng đa dạng, cuộc sống của bạn sẽ trở nên cân bằng hơn và càng có nhiều khả năng duy trì liệu pháp kích hoạt hành vi như một chiến lược ứng phó hiệu quả với trầm cảm, cũng như PTSD.

4.5. Tìm kiếm sự hỗ trợ để thực hành liệu pháp kích hoạt hành vi

Một thực hành một mình và cảm thấy khó có động lực, đơn giản là hãy nhờ người khác hỗ trợ. Đó là có thể là một người bạn, hoặc thành viên trong gia đình bạn. Thậm chí, bạn có thể liên hệ nhà trị liệu uy tín để có thêm sự hỗ trợ chuyên môn. Hãy cho họ biết về danh sách các hoạt động của bạn, và những gì bạn muốn hoàn thành trong tuần.

Những người hỗ trợ có thể giúp bạn hoàn thành hoạt động đó, hoặc kiểm tra song song tiến trình bạn thực hiện đến đâu, mức độ thành công thế nào. Họ cũng có thể đóng vai trò là một người cổ vũ, tăng động lực hoặc trao những câu nói truyền cảm hứng cho bạn.

quy trình các bước thực hiện liệu pháp kích hoạt hành vi
Các bước hướng dẫn thực hành liệu pháp kích hoạt hành vi. Ảnh: PsyCare

4.6. Kết hợp kỹ thuật chánh niệm

Ngay cả khi đang tham gia vào các hoạt động tích cực và thú vị, một số người vẫn có xu hướng thể hiện hành vi tránh né. Họ có thể bị mắc kẹt trong những suy nghĩ lo âu hoặc luôn nghiền ngẫm về quá khứ. Điều này gây khó khăn cho việc kết nối với những khía cạnh tích cực của việc tham gia vào một hoạt động có ý nghĩa.

Sống tỉnh thức và tập trung vào khoảnh khắc hiện tại kết hợp liệu pháp kích hoạt hành vi có thể giúp bạn có trải nghiệm đầy đủ hơn vào các hoạt động đã chọn. Bạn có thể tham khảo một số liệu pháp chánh niệm, hoặc cách hít thở tĩnh tâm giảm stress để lựa chọn kỹ thuật phù hợp.

Xem thêm: Học cách tĩnh tâm để giảm stress với 8 kỹ thuật hít thở

4.7. Thưởng cho sự tiến bộ của bạn

Cuối cùng, hãy nhớ tự thưởng cho bản thân vì những tiến bộ mà bạn đạt được. Hãy công nhận thành tích của bạn! Làm như vậy có thể tăng thêm động lực để bạn tiếp tục tiến về phía trước, đặc biệt là những lúc tâm trạng xuống dốc. Với từng bước một, bạn có thể sử dụng liệu pháp kích hoạt hành vi để xây dựng một cuộc sống ý nghĩa và viên mãn hơn.

Thực tế đã chỉ ra, liệu pháp kích hoạt hành vi là một cách tuyệt vời để giải quyết một số triệu chứng nhất định của trầm cảm và rối loạn stress sau sang chấn (PTSD), bao gồm hành vi tránh né và các triệu chứng tê liệt cảm xúc. Đặc biệt, nếu bạn đang tìm kiếm động lực sống hoặc phương pháp kiểm soát lo âu, trầm cảm, thì có thể cân nhắc áp dụng liệu pháp tâm lý này. Điều quan trọng cần nhớ là hãy đặt mục tiêu thật cụ thể, hợp lý, đo lường được và làm mọi thứ chậm mà chắc nhé!

Ernie Nguyễn
Ernie Nguyễn
Bài viết: 49