Hội chứng sợ lỗ Trypophobia là gì? Chứng ám ảnh sợ này có những triệu chứng và biểu hiện thế nào? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn tìm hiểu sơ lược về chứng sợ lỗ Trypophobia và giới thiệu một số phương pháp điều trị đang được áp dụng hiện nay.
Mục lục
- 1. Trypophobia là gì?
- 2. Định nghĩa hội chứng sợ lỗ Trypophobia là gì?
- 3. Những yếu tố kích hoạt hội chứng sợ lỗ Trypophobia là gì?
- 4. Triệu chứng của Trypophobia
- 5. Hậu quả và các yếu tố rủi ro đối với chứng sợ lỗ Trypophobia là gì?
- 6. Cách điều trị chứng sợ lỗ Trypophobia
1. Trypophobia là gì?
Trypophobia là sự chán ghét phi lý, rối loạn hoặc sợ hãi trước các cụm lỗ, vết lồi hoặc các mẫu vật nhỏ. Đã có nhiều tranh luận giữa các nhà nghiên cứu về việc liệu chứng sợ lỗ Trypophobia có phải là một rối loạn thực sự hay không.
Các báo cáo ban đầu về chứng sợ lỗ Trypophobia lần đầu tiên được mô tả trong một diễn đàn trực tuyến vào năm 2005. Tuy nhiên, ở thời điểm đó, nó chưa được công nhận là một chẩn đoán riêng biệt trong ấn phẩm Sổ tay chẩn đoán và thống kê về các rối loạn sức khỏe tâm thần DSM-V của Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ.
Mặc dù không được liệt kê trong DSM-V, nhưng hội chứng sợ lỗ được xếp vào phân loại rộng hơn của các chứng ám ảnh cụ thể với các triệu chứng kéo dài dai dẳng, quá mức và dẫn đến suy giảm hoặc đau khổ đáng kể cho chủ thể.
2. Định nghĩa hội chứng sợ lỗ Trypophobia là gì?
Trong tiếng Anh, Trypophobia được mô tả là “nỗi sợ hãi các lỗ”, nhưng nó cũng áp dụng cho các vết sưng hoặc các hình mẫu khác tập hợp chặt chẽ với nhau (ví dụ như tổ ong). Khi một người mắc chứng sợ lỗ nhìn thấy các đối tượng kích hoạt, họ có thể xuất hiện các triệu chứng như sợ hãi nghiêm trọng, buồn nôn, ngứa, đổ mồ hôi, run rẩy, thậm chí là có các cơn hoảng loạn.
Sợ hãi là một trong những triệu chứng phổ biến, nhưng sự ghê tởm quá mức mới là cảm xúc đặc trưng của hội chứng ám ảnh này. Trypophobia cũng có xu hướng kích hoạt mạnh mẽ về mặt thị giác. Việc xem hình ảnh trực tuyến hoặc trên báo in là đủ để kích hoạt cảm giác ghê tởm hoặc lo lắng ấy.
Ví dụ: Báo cáo về một trường hợp lâm sàng về bé gái 12 tuổi mắc chứng sợ lỗ. Em luôn cảm thấy khó chịu khi nhìn thấy các bề mặt và đồ vật có lỗ hoặc chấm bi. Khi được yêu cầu vẽ một bức tranh về nỗi sợ hãi của mình, bé đã vẽ đầy một tờ giấy với chi chít các chấm tròn cụm lại.
Mặc dù tỷ lệ mắc Trypophobia trong dân số chung vẫn chưa được thống kê đầy đủ, nhưng một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, chứng sợ lỗ có thể khá phổ biến. Một nghiên cứu năm 2013 công bố trên Tạp chí Psychological Science cho thấy, có 16% người tham gia khảo sát từng trải qua cảm giác ghê tởm hoặc khó chịu khi nhìn vào hình ảnh lỗ tròn trên vỏ hạt sen (Cole & Wilkins, 2013).
3. Những yếu tố kích hoạt hội chứng sợ lỗ Trypophobia là gì?
3.1. Một số yếu tố kích hoạt chứng Trypophobia
Các nghiên cứu về Trypophobia vẫn còn tương đối ít. Sau khi tổng hợp lại, một số đối tượng kích hoạt chứng sợ lỗ phổ biến có thể kể đến (Wabnegger et al, 2019) như:
- Bọc nilon bong bóng
- Bong bóng
- Hơi nước ngưng tụ
- San hô
- Hạt trái cây
- Lỗ trên thịt bị thối rữa hoặc hoại tử
- Lỗ hoặc vết sưng trên thịt
- Tổ ong
- Mắt côn trùng
- Vỏ hạt sen
- Quả lựu
- Bọt biển
- Quả dâu tây
Các hình mẫu như lông động vật có đốm hoặc có hoa văn cũng có thể gây nên phản ứng sợ hãi.
3.2. Nguyên nhân gây nên chứng sợ lỗ Trypophobia là gì?
Có một số giả thuyết về lý do tại sao chứng trypophobia lại xuất hiện, bao gồm một số quan điểm được giới thiệu dưới đây.
3.2.1. Nguyên nhân tiến hóa
Theo một trong những lý thuyết phổ biến nhất, Trypophobia là một phản ứng tiến hóa đối với những thứ có liên quan đến bệnh tật hoặc sự nguy hiểm (Kupfer & Le, 2017). Chẳn hạn, các bệnh về da, ký sinh trùng, và các tình trạng nhiễm trùng khác có thể mang đặc trưng là các lỗ hoặc vết sưng, khiến người mắc chứng Trypophobia có xu hướng cảm thấy ghê tởm hơn là sợ hãi. Theo lý thuyết này, nỗi ám ảnh sợ lỗ có cơ sở tiến hóa.
3.2.2. Mối liên hệ vô thức về động vật nguy hiểm với Trypophobia là gì?
Một giả thuyết khác cho rằng, các lỗ tập trung cho hình dạng tương tự như các mẫu da và lông trên một số loài động vật có nọc độc nguy hiểm. Mọi người có thể sợ những mẫu hình này từ sự liên hệ vô thức.
Có một số nghiên cứu đã hỗ trợ quan điểm này. Nghiên cứu của Cole & Wilkins (2013) đã xem xét cách những người mắc chứng Trypophobia phản ứng với một số kích thích nhất định so với những người không mắc chứng này (Cole & Wilkins, 2013).
Các nhà nghiên cứu cũng tin rằng những người mắc chứng Trypophobia liên kết một cách vô thức việc nhìn thấy tổ ong với những sinh vật nguy hiểm có chung đặc điểm thị giác cơ bản. Chẳng hạn như rắn đuôi chuông. Mặc dù họ không nhận ra mối liên hệ này, nhưng nó có thể là nguyên nhân khiến họ cảm thấy ghê tởm hoặc sợ hãi.
3.2.3. Mối liên hệ với mầm bệnh truyền nhiễm ở người mắc chứng sợ lỗ Trypophobia là gì?
Một nghiên cứu năm 2017 cho thấy, những người tham gia có xu hướng liên kết các kiểu lỗ với mầm bệnh lây truyền qua da. Họ cũng xuất hiện các triệu chứng như cảm giác ngứa da và sởn da gà khi nhìn thấy những hình mẫu như vậy (Kupfer & Le, 2017).
Ghê tởm và sợ hãi các mối đe doạn tiềm ẩn là những phản ứng tiến hóa về thích nghi. Trong nhiều trường hợp, những cảm giác này giúp chúng ta an toàn trước nguy hiểm. Nhưng ý nghĩa của chúng trong trường hợp Trypophobia là gì? Các nhà nghiên cứu tin rằng, nó có thể là một dạng phản ứng thích nghi bình thường được phóng đại và khái quát hóa quá mức.
3.2.4. Phản ứng với các đặc điểm trực quan
Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Psychological Reports cho thấy, khi xem các hình mẫu kích thích thử nghiệm, những người tham gia cảm thấy khó chịu và cảm giác này liên quan đến bản thân các mẫu hình ảnh ấy hơn là các loài động vật nguy hiểm (Can et al, 2017). Kết quả này đặt ra câu hỏi: Liệu Trypophobia có thực sự là một chứng ám ảnh hay chỉ đơn giản là một phản ứng tự nhiên đối với một số loại kích thích thị giác? Sẽ cần thêm rất nhiều nghiên cứu trong tương lai để trả lời đầy đủ câu hỏi lớn này.
4. Triệu chứng của Trypophobia
Các triệu chứng của hội chứng sợ lỗ Trypophobia cũng tương tự các biểu hiện của các chứng ám ảnh cụ thể khác. Theo Sổ tay DSM-5-TR, sau khi nhìn thấy các đối tượng kích hoạt, dù là trực tiếp hay qua ảnh, mọi người thường có dấu hiệu (DSM-5-TR) như:
- Cảm xúc đau khổ
- Sợ hãi và lo lắng
- Cảm giác hồi hộp
- Nổi da gà
- Ngứa
- Buồn nôn
- Cơn hoảng loạn
- Thở nhanh, gấp
- Lắc lư
- Đổ mồ hôi
- Nôn
Các triệu chứng này dai dẳng, dẫn đến suy giảm chức năng trong sinh hoạt hàng ngày. Trypophobia cũng có thể gây nên các triệu chứng liên quan đến sợ hãi, ghê tởm hoặc cả hai, mặc dù có nghiên cứu cho thấy nhiều người mắc hội chứng sợ lỗ cảm thấy ghê tởm nhiều hơn là sợ hãi (Can et al, 2017).
Ngoài ra, những người mắc chứng Trypophobia cũng thường trải qua những thay đổi về hành vi. Trong đó, hành vi tránh né các đối tượng kích hoạt là rất phổ biến. Ví dụ như một người luôn tránh ăn quả dâu tây hoặc nước ngọt có gas, hoặc tránh né đến một nơi nào đó nhất định như một căn phòng có giấy dán tường nhiều chấm bi.
5. Hậu quả và các yếu tố rủi ro đối với chứng sợ lỗ Trypophobia là gì?
Các triệu chứng của Trypophobia thường đáp ứng các tiêu chuẩn chẩn đoán chứng ám ảnh sợ cụ thể (nhóm các rối loạn lo âu) trong DSM-5 hơn là các tình trạng khác, như rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD). Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, những người mắc chứng sợ lỗ cũng có nhiều khả năng gặp phải các vấn đề sức khỏe tinh thần khác đi kèm. Chẳng hạn:
- Trầm cảm
- Rối loạn lo âu toàn thể
- Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD)
- Rối loạn hoảng sợ
- Rối loạn lưỡng cực
Chứng sợ lỗ Trypophobia phổ biến hơn ở phụ nữ, và ở những người có người thân cũng mắc hội chứng này.
6. Cách điều trị chứng sợ lỗ Trypophobia
Hiện chưa có phương pháp điều trị cụ thể nào được chứng minh là đem lại hiệu quả hoàn toàn trong việc cải thiện chứng sợ lỗ Trypophobia. Tuy nhiên, các nhà trị liệu gợi ý một số phương pháp trị liệu tâm lý được sử dụng cho chứng ám ảnh sợ cụ thể và rối loạn tâm trạng có thể đem lại hữu ích trong việc làm giảm các triệu chứng của Trypophobia (Akinci & Uzun, 2020).
6.1. Hiệu quả của trị liệu nhận thức hành vi (CBT) trong điều trị Trypophobia là gì?
Trong liệu pháp nhận thức hành vi (CBT), nhà trị liệu sẽ giúp thân chủ xác định những suy nghĩ tiêu cực và hành vi tiềm ẩn có thể góp phần gây nên chứng sợ lỗ. Suốt quá trình trị liệu, cả hai sẽ cùng thảo luận về những suy nghĩ không thực tế, đánh giá chúng và thay thế bằng những suy nghĩ phù hợp với thực tế hơn, và sau đó là hướng đến thay đổi hành vi.
Một trong những lý do khiến mọi người gặp phải các triệu chứng ám ảnh sợ là vì họ thường tin rằng có điều gì đó nguy hiểm, hoặc đe dọa về đối tượng gây sợ hãi. Điều này dẫn đến những kiểu suy nghĩ tự động tiêu cực ngay cả khi họ gặp phải nguồn gốc của nỗi sợ hãi.
6.2. Vượt qua chứng sợ lỗ Trypophobia với kỹ thuật phơi nhiễm (exposure therapy)
Ngoài ra, nhà trị liệu cũng có thể giúp thân chủ tiếp xúc dần dần với những yếu tố hoặc tình huống đáng sợ để giảm phản ứng của chủ thể đối với những đối tượng ấy. Đây được gọi là liệu pháp phơi nhiễm (exposure therapy), một loại CBT, được thực hiện dần dần qua từng bước được thiết kế kỹ lưỡng. Chủ thể có thể bắt đầu bằng cách tưởng tượng những gì họ sợ hãi, sau đó, nhìn vào những bức ảnh về đối tượng gây sợ hãi. Cuối cùng, họ sẽ ở gần hoặc thậm chí chạm vào đối tượng nguồn gốc của nỗi lo âu ấy.
Trong trường hợp mắc chứng sợ lỗ, thân chủ có thể bắt đầu bằng cách nhắm mắt lại. Sau đó, tưởng tượng ra một thứ gì đó kích hoạt chứng sợ lỗ của bản thân, ví dụ như tổ ong hoặc vỏ hạt. Họ duy trì hoạt động này cho đến khi các triệu chứng bắt đầu thuyên giảm. Khi thân chủ có thể tưởng tượng ra yếu tố kích hoạt sợ hãi mà không có phản ứng, họ có thể chuyển sang bước tiếp theo.
Ở bước tiếp theo, họ sẽ nhìn vào hình ảnh của một đối tượng thường gây ra chứng sợ lỗ. Duy trì thực hiện bước này đến khi họ có thể gặp đối tượng kích hoạt mà không cảm thấy ghê tởm, sợ hãi hay không còn lo lắng quá mức nữa. Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã áp dụng trị liệu tâm lý thực tế ảo dựa trên kỹ thuật này. Đây sẽ là một lựa chọn trị liệu phù hợp với những người mắc chứng sợ lỗ.
Xem thêm: Top 15 phòng khám tâm lý ở TPHCM tốt và uy tín nhất
6.3. Hiệu quả của kỹ thuật thư giãn trong việc điều trị Trypophobia là gì?
Các chiến lược thư giãn khác nhau cũng có thể đem lại hiệu quả làm giảm cảm giác ghê tởm, sợ hãi hoặc lo lắng ở người mắc chứng sợ lỗ. Một số kỹ thuật thư giãn như hình dung thư giãn, hít thở sâu, thư giãn cơ…đều có thể giúp bạn học cách tĩnh tâm để giảm stress và lo âu liên quan đến đối tượng kích hoạt chứng sợ lỗ.
Hình dung thư giãn (visualization) là việc hình dung ra những hình ảnh hoặc tình huống nhẹ nhàng. Chẳng hạn như cố gắng hình dung ra cảnh hoàng hôn tuyệt đẹp, hoặc cánh đồng hoa, bất cứ khi nào họ bắt gặp đối tượng kích hoạt chứng sợ lỗ.
Kỹ thuật đánh lạc hướng (distraction) cũng có thể là một chiến lược ứng phó với Trypophobia hiệu quả. Nếu bạn nhìn thấy thứ gì đó kích hoạt phản ứng sợ lỗ, bạn chỉ cần nhìn đi chỗ khác. Hoặc, cố gắng tìm thứ khác để suy nghĩ hoặc nhìn cho đến khi các triệu chứng của bạn giảm bớt là được.
Hiện nay, định nghĩa hội chứng sợ lỗ Trypophobia là gì và những triệu chứng điển hình đã được thảo luận khá rộng rãi trên Internet. Tuy nhiên, các nhà tâm lý học vẫn còn bàn cãi về việc liệu nó có thực sự là một nỗi ám ảnh sợ hay không, và nó vẫn chưa được công nhận bởi DSM-5. Do đó, cần có nhiều nghiên cứu sâu hơn về chủ đề này trong tương lai để xác định bản chất, mức độ phổ biến cùng cách điều trị chứng sợ lỗ phù hợp, hiệu quả hơn.