Lý thuyết học tập xã hội của Albert Bandura: Nội dung chính và ứng dụng

Lý thuyết học tập xã hội của Albert Bandura nổi tiếng gắn liền với khái niệm niềm tin vào năng lực bản thân và thí nghiệm búp bê BoBo. Albert Bandura được biết đến là một nhà tâm lý học nhận thức xã hội có tầm ảnh hưởng lớn thứ tư trong thế kỷ XX. Trước khi đến với nội dung lý thuyết, mời các bạn cùng PsyCareVN tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp Albert Bandura để biết điều gì đã đưa ông đến với tâm lý học và nghiên cứu về tâm lý học nhận thức nhé!

1. Tiểu sử Albert Bandura là ai?

Lý thuyết học tập xã hội của Albert Bandura là một trong những học thuyết tâm lý học nổi tiếng được phát triển trong thế kỷ XX. Về tiểu sử Albert Bandura, ông là một nhà tâm lý học nhận thức xã hội có ảnh hưởng lớn.

Ông qua đời vào ngày 26 tháng 7 năm 2021, là Giáo sư danh dự tại Đại học Stanford và được coi là một trong những nhà tâm lý học có ảnh hưởng nhất trong lịch sử. Một cuộc khảo sát năm 2002 đã đánh giá Albert Bandura là nhà tâm lý học có ảnh hưởng thứ tư của thế kỷ, chỉ sau BF Skinner, Sigmund FreudJean Piaget.

1.1. Tiểu sử Albert Bandura trong giai đoạn đầu đời

Albert Bandura sinh ngày 04/12/1925 tại một thị trấn nhỏ ở Canada cách Edmonton khoảng 50 dặm. Ông là con út trong gia đình gồm 6 người con, được học trong một ngôi trường trung học nhỏ chỉ có hai giáo viên. Theo Bandura, do khả năng tiếp cận các nguồn tài nguyên giáo dục bị hạn chế nên “học sinh phải tự chịu trách nhiệm về việc học của mình“.

Ông nhận ra rằng mặc dù “nội dung của hầu hết các sách giáo khoa đều dễ bị lỗi thời, nhưng các phương pháp tự học vẫn hỗ trợ tốt cho con người theo thời gian“. Những kinh nghiệm này có thể đã góp phần khiến ông nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự tự quyết cá nhân.

tiểu sử albert bandura là ai
Albert Bandura là nhà tâm lý học nhận thức có ảnh hưởng lớn ở thế kỷ XX.

Bandura hứng thú với tâm lý học sau khi học tại Đại học British Columbia. Ông là sinh viên chuyên ngành khoa học sinh học và đến với tâm lý học một cách rất tình cờ.

Bandura kể rằng: “Vào một buổi sáng nọ, khi đang giết thời gian trong thư viện, tôi đã vô tình thấy một danh mục các khóa học mà ai đó đã quên trả lại. Tôi đã xem qua nó và tìm một khóa học có thể lấp kín thời gian rảnh đầu giờ. Tôi nhận thấy một khóa học về tâm lý học có thể giúp ích cho bản thân và đó là một quyết định tuyệt vời. Nó khơi dậy sự quan tâm của tôi và tôi đã tìm thấy niềm đam mê của mình“.

Ông tốt nghiệp Đại học British Columbia vào năm 1949 chỉ sau ba năm học và sau đó tiếp tục học cao học tại Đại học Iowa. Ngôi trường này đã từng là nhà của Kenneth Spence, người đã cộng tác với người cố vấn của ông là Clark Hull tại Đại học Yale và các nhà tâm lý học khác bao gồm Kurt Lewin.

Trong khi chương trình quan tâm đến lý thuyết học tập xã hội, Bandura cảm thấy rằng nó quá tập trung vào các giải thích theo chủ nghĩa hành vi. Bandura lấy bằng Thạc sĩ năm 1951 và bằng Tiến sĩ tâm lý học lâm sàng năm 1952.

1.2. Tiểu sử Albert Bandura trong giai đoạn phát triển sự nghiệp

Sau khi lấy bằng tiến sĩ, ông được mời làm việc tại Đại học Stanford. Ông bắt đầu làm việc tại Stanford vào năm 1953 và tiếp tục làm việc tại trường đại học này cho đến khi nghỉ hưu. Trong quá trình nghiên cứu về sự hung hăng của thanh thiếu niên, Bandura ngày càng quan tâm đến khái niệm học tập gián tiếp (vicarious learning), làm mẫu (modeling) bắt chước (imitation). Lý thuyết học tập xã hội của Albert Bandura nhấn mạnh tầm quan trọng của các thuật ngữ này.

Bandura giải thích trong cuốn Học thuyết học tập xã hội năm 1977 của mình rằng: “Việc học tập sẽ trở nên cực kỳ gian khổ, nếu không muốn nói là nguy hiểm, nếu con người ta chỉ dựa vào những ảnh hưởng do hành vi mang lại để quyết định mình sẽ làm gì tiếp theo. May mắn thay là hầu hết các hành vi của con người được học tập bằng mắt thông qua các hình mẫu: từ quan sát người khác, ta hình thành ý tưởng về cách thức hành vi được hình thành, và trong những lần liên tưởng về sau, thông tin mã hóa này đóng vai trò như một kim chỉ nam hành động“.

Có ba khái niệm chính trong lý thuyết học tập xã hội của Albert Bandura. Trong đó, quan điểm về quyết định tương hỗ của ông đã tích hợp sự tương tác liên tục giữa hành vi, nhận thức và môi trường.

1.3. Nghiên cứu về búp bê Bobo của Albert Bandura

Thí nghiệm nổi tiếng nhất trong lý thuyết học tập xã hội của Albert Bandura là nghiên cứu về búp bê Bobo năm 1961. Trong thí nghiệm, ông đã sử dụng một đoạn video quay một người trưởng thành đánh đập búp bê Bobo và hét lên những lời lẽ hung hãn.

Đoạn video sau đó được chiếu cho một nhóm trẻ em. Sau đó, bọn trẻ được chơi trong căn phòng có búp bê Bobo. Những ai từng xem qua đoạn video có nhiều khả năng sẽ đánh búp bê, bắt chước hành động và lời nói của người lớn trong video.

Nghiên cứu về búp bê Bobo rất có ý nghĩa vì nó khác xa với khẳng định của chủ nghĩa hành vi rằng mọi hành vi đều được định hướng bởi sự củng cố hoặc phần thưởng. Những đứa trẻ không nhận được sự khuyến khích nào để đánh con búp bê; chúng chỉ đơn giản là bắt chước hành vi mà chúng đã quan sát được.

Thí nghiệm búp bê Bobo Albert Bandura
Thí nghiệm búp bê Bobo củng cố khái niệm học tập quan sát trong lý thuyết học tập xã hội của Albert Bandura. Ảnh: sproutsschools.com

Bandura gọi hiện tượng này là học tập qua quan sát và mô tả các yếu tố để giúp học tập qua quan sát hiệu quả là sự chú ý, khả năng ghi nhớ, sự tương hỗ và động lực.

Bandura nhấn mạnh tầm quan trọng của ảnh hưởng xã hội nhưng cũng nhấn mạnh niềm tin vào khả năng kiểm soát cá nhân. Ông cho rằng: “Những người có sự tự tin cao về khả năng của mình xem những nhiệm vụ khó khăn là những thách thức cần vượt qua chứ không phải là những mối đe dọa cần tránh“.

1.4. Bandura có phải là người theo chủ nghĩa hành vi hay không?

Trong khi hầu hết các sách tâm lý học đặt lý thuyết học tập xã hội của Albert Bandura giống với thuyết hành vi, Bandura cho rằng ông “chưa bao giờ phù hợp với hành vi chính thống“. Bandura (1977a) đồng ý với các lý thuyết học tập theo chủ nghĩa hành vi về điều kiện hóa cổ điển (classical conditioning) và điều kiện hóa tác động (operant conditioning). Nhưng quan trọng hơn, ông đã bổ sung thêm các quan điểm sau:

  • Quá trình trung gian diễn ra giữa kích thích (stimuli) và phản ứng (response)
  • Hành vi được học thông qua việc quan sát môi trường

Kết quả là, cả yếu tố môi trường và nhận thức kết hợp lại để ảnh hưởng đến việc học tập và hành vi của con người. Lý thuyết học tập xã hội của Albert Bandura nêu rằng chúng ta có được hành vi thông qua sự kết hợp giữa củng cố và bắt chước, trong đó, “bắt chước là sự tái tạo quá trình học thông qua quan sát” (Gross, 2020, tr. 489).

Ngay cả trong tác phẩm đầu tiên của mình, Bandura đã lập luận rằng việc giảm thiểu hành vi theo chu kỳ kích thích – phản ứng là quá đơn giản. Trong khi công việc của ông sử dụng các thuật ngữ hành vi như “điều kiện hóa” và “sự củng cố”, Bandura giải thích, “Tôi đã khái niệm hóa những hiện tượng này như những hoạt động thông qua các quá trình nhận thức“.

Bandura giải thích rằng: “Các tác giả của các tài liệu tâm lý vẫn luôn hiểu sai cách tiếp cận của tôi là bắt nguồn từ chủ nghĩa hành vi”, đồng thời ông mô tả quan điểm của riêng mình là “chủ nghĩa nhận thức xã hội“.

nội dung chính lý thuyết học tập xã hội albert bandura
Các thành tố chính trong lý thuyết học tập xã hội của Albert Bandura.

2. Chọn lọc các tác phẩm và sách của Albert Bandura

Albert Bandura là tác giả viết nhiều sách và bài báo trong suốt sự nghiệp của mình. Cho đến khi qua đời vào năm 2021, Bandura vẫn giữ danh hiệu nhà tâm lý học được trích dẫn rộng rãi nhất.

Một số cuốn sách, bài báo nổi tiếng của Bandura đã trở thành kinh điển trong tâm lý học và tiếp tục được biết đến và sử dụng rộng rãi cho đến ngày nay. Ấn phẩm nổi bật đầu tiên của ông là một bài báo năm 1953 có tựa đề “Khả năng gợi ý sơ cấp và thứ cấp” xuất hiện trên Tạp chíJournal of Abnormal and Social Psychology.

Năm 1973, Bandura xuất bản Aggression: A Social Learning Analysis, tập trung vào nguồn gốc của sự hung hăng. Cuốn sách Lý thuyết học tập xã hội năm 1977 đã trình bày những điều cơ bản trong lý thuyết của ông về cách mọi người học thông qua quan sát và mô hình hóa.

Bài báo năm 1977 của ông có tựa đề “Tính tự tin vào năng lực bản thân: Hướng tới một lý thuyết thống nhất về thay đổi hành vi” đã được đăng trên Tạp chí Psychological Review và giới thiệu khái niệm về năng lực bản thân (Self-Efficacy) của ông. Bài báo cũng ngay lập tức trở thành một tác phẩm kinh điển trong tâm lý học.

3. Những đóng góp của Albert Bandura cho Tâm lý học

Công trình của Bandura được coi là một phần của cuộc cách mạng nhận thức trong tâm lý học bắt đầu vào cuối những năm 1960. Lý thuyết học tập xã hội của Albert Bandura có tác động to lớn đến tâm lý nhân cách, tâm lý nhận thức, giáo dục và tâm lý trị liệu.

Năm 1974, Bandura được bầu làm chủ tịch Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ (APA). APA đã trao giải cho ông vì những đóng góp khoa học nổi bật vào năm 1980 và năm 2004 vì những đóng góp xuất sắc suốt đời của ông cho tâm lý học.

Nói về sự nghiệp trong tiểu sử Albert Bandura, ông được coi là nhà tâm lý học vĩ đại nhất cũng như là một trong những nhà tâm lý học có ảnh hưởng nhất mọi thời đại. Năm 2014, Bandura được Tổng thống Barack Obama trao tặng Huân chương Khoa học Quốc gia.

4. Nội dung và các khái niệm chính trong lý thuyết học tập xã hội của Albert Bandura

4.1. Các nguyên tắc cơ bản trong lý thuyết học tập xã hội của Albert Bandura

Điều quan trọng cần lưu ý là không phải tất cả các hành vi được quan sát đều được học một cách hiệu quả. Các yếu tố liên quan đến cả mô hình và người học đều góp phần việc học tập xã hội có thành công hay không. Một số yêu cầu và bước nhất định cũng phải được tuân theo.

Các bước sau đây liên quan đến quá trình học tập và mô hình hóa bằng quan sát trong lý thuyết học tập xã hội của Albert Bandura:

  • Chú ý (Attentional): Để học, bạn cần phải chú ý. Việc mất tập trung sẽ có tác động tiêu cực đến việc học qua quan sát. Kiến thức thú vị và mang đến những điều mới mẻ sẽ có nhiều khả năng thu hút sự chú ý của bạn.
  • Ghi nhớ (Retention): Khả năng lưu trữ thông tin cũng là một phần quan trọng của quá trình học tập. Việc ghi nhớ có thể bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố, nhưng khả năng truy xuất lại thông tin về sau và xử lý dựa trên thông tin đó là yếu tố rất quan trọng đối với việc học tập bằng quan sát.
  • Mô phỏng hành vi (Motor Reproduction): Một khi bạn đã tập trung vào mô hình và lưu trữ được thông tin, giờ là lúc thực sự thực hiện hành vi bạn quan sát được. Càng luyện tập nhiều hành vi được học bạn sẽ cải thiện và tăng cường kỹ năng nhiều hơn.
  • Động lực (Motivation): Cuối cùng, để việc học tập qua quan sát thành công, bạn phải có động lực để bắt chước hành vi đã được làm mẫu. Sự củng cố và trừng phạt đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo động lực.

Theo lý thuyết học tập xã hội của Albert Bandura, mặc dù việc trực tiếp trải nghiệm những động cơ thúc đẩy này có thể mang lại hiệu quả cao, nhưng việc quan sát những người khác trải qua một số hình thức củng cố hoặc trừng phạt cũng có thể mang lại hiệu quả tương tự. Ví dụ: Nếu trẻ thấy học sinh khác đến lớp sớm và được thưởng, thì rất có thể hôm sau trẻ sẽ cố gắng đến sớm để được thưởng như vậy.

nguyên tắc cơ bản trong học thuyết Albert Bandura
4 nguyên tắc cơ bản trong lý thuyết học tập xã hội của Albert Bandura.

4.2. Con người có thể học hỏi thông qua quan sát

Thông qua thí nghiệm búp bê Bobo, Bandura đã chứng minh rằng trẻ em học và bắt chước những hành vi mà chúng quan sát thấy ở người khác. Lý thuyết học tập xã hội của Albert Bandura đã xác định ba mô hình cơ bản của học tập quan sát:

  • Một hình mẫu sống, tức một thực thể mô tả hoặc thực hiện hành vi.
  • Một hình mẫu hướng dẫn bằng lời nói, ở đây chính là những mô tả và giải thích hành vi.
  • Một hình mẫu mang tính hình tượng, tức một nhân vật có thật hoặc giả tưởng thực hiện hành vi trong phim ảnh, sách báo, chương trình truyền hình hoặc phương tiện truyền thông trực tuyến.

Như bạn có thể thấy, học tập bằng quan sát thậm chí không nhất thiết phải quan sát người khác tham gia vào một hoạt động. Nghe hướng dẫn bằng lời nói, chẳng hạn như nghe podcast. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể học bằng cách đọc, nghe hoặc xem hành động của các nhân vật trong sách và phim.

Chính kiểu học tập quan sát này đã trở thành tâm điểm gây tranh cãi khi các bậc cha mẹ và các nhà tâm lý học tranh luận về tác động của phương tiện truyền thông văn hóa đại chúng đối với trẻ em. Nhiều người lo lắng rằng trẻ có thể học những hành vi xấu như hung hăng từ các trò chơi điện tử, phim ảnh, chương trình truyền hình và video trực tuyến bạo lực.

4.3. Trạng thái tinh thần rất quan trọng đối với việc học

Lý thuyết học tập xã hội của Albert Bandura cho rằng các yếu tố bên ngoài, môi trường không phải là yếu tố duy nhất ảnh hưởng đến việc học tập và hành vi. Ông nhận ra rằng sự củng cố không phải lúc nào cũng đến từ các nguồn bên ngoài. Trạng thái tinh thần và động lực bên trong đóng vai trò quan trọng trong việc xác định liệu một hành vi có được học hay không.

Ông mô tả sự củng cố nội tại như một dạng phần thưởng bên trong, chẳng hạn như niềm tự hào, sự hài lòng và cảm giác đạt được thành tựu. Nó đặt trọng tâm vào những suy nghĩ và nhận thức mang tính nội tại, kết nối các thuyết học tập với các thuyết về sự phát triển nhận thức.

4.4. Học tập không nhất thiết dẫn đến thay đổi hành vi

Vậy làm thế nào để chúng ta xác định khi nào một điều gì đó đã được học? Trong nhiều trường hợp, việc học có thể được nhìn thấy ngay lập tức khi hành vi mới được thể hiện. Khi dạy một đứa trẻ đi xe đạp, bạn có thể nhanh chóng xác định xem việc học đã diễn ra hay chưa bằng cách quan sát trẻ đi xe đạp mà không cần sự trợ giúp.

Nhưng đôi khi chúng ta có thể học được nhiều thứ mặc dù việc học đó có thể không rõ ràng. Trong khi các nhà nghiên cứu hành vi tin rằng việc học tập dẫn đến sự thay đổi vĩnh viễn trong hành vi, thì lý thuyết học tập xã hội của Albert Bandura chứng minh rằng mọi người có thể học thông tin mới qua quan sát mà không cần thể hiện những hành vi mới.

4.5. Ví dụ về ứng dụng lý thuyết học tập xã hội của Albert Bandura

Lý thuyết học tập xã hội của Albert Bandura có khá nhiều ứng dụng trong thực tế. Ví dụ, nó được dùng để giúp các nhà nghiên cứu hiểu được cách thức bạo lực và hung hăng được truyền đi thông qua học tập qua quan sát.

Bằng cách nghiên cứu bạo lực qua truyền thông, các nhà nghiên cứu có thể có được cái nhìn đầy đủ hơn về những yếu tố có thể khiến trẻ thực hiện những hành động hung hăng mà chúng xem trên truyền hình và phim ảnh.

Nhưng học tập xã hội có thể được sử dụng để dạy mọi người về các hành vi tích cực. Các nhà nghiên cứu có thể sử dụng thuyết này để tìm hiểu và nắm bắt những cách thức mà các hình mẫu tích cực có thể được sử dụng để khuyến khích những hành vi mong muốn và hỗ trợ thay đổi xã hội.

5. Trích dẫn những câu nói hay trong cuộc đời và tiểu sử Albert Bandura

5.1. Trích dẫn hay của Albert Bandura về năng lực bản thân

Trong tiểu sử Albert Bandura, ông có rất nhiều câu nói hay về năng lực bản thân mà nhiều người ngày nay vẫn trích dẫn làm câu nói truyền động lực cho bản thân.

  • “Năng lực bản thân là niềm tin vào khả năng của một người trong việc tổ chức và thực hiện các hành động cần thiết để quản lý các tình huống có thể xảy ra”. (Hiệu quả của bản thân trong các xã hội đang thay đổi, 1995)
  • “Nếu niềm tin về hiệu quả luôn chỉ phản ánh những gì mọi người có thể làm thì họ sẽ hiếm khi thất bại, nhưng họ sẽ không đặt ra những mục tiêu cao hơn cũng như không nỗ lực thêm để vượt qua những giới hạn của mình”. (Bách khoa toàn thư về hành vi con người, 1994)
  • “Niềm tin vào bản thân không chắc sẽ thành công, nhưng sự thiếu tự tin chắc chắn sẽ dẫn đến thất bại”. (Năng lực bản thân: Bài tập kiểm soát, 1997)
  • “Khi vượt qua những thời điểm khó khăn, mọi người sẽ vượt qua nghịch cảnh với ý thức mạnh mẽ hơn”. (Bách khoa toàn thư về hành vi con người, 1994)
  • “Niềm tin của chúng ta về khả năng của bản thân có ảnh hưởng sâu sắc đến những khả năng đó. Khả năng không phải là tài sản cố định, khả năng sẽ thay đổi khi chúng ta thay đổi hành vi. Những người có ý thức về năng lực bản thân sẽ đứng dậy sau thất bại, họ tiếp cận mọi việc theo cách đưa ra phương án xử lý chúng hơn là lo lắng về những gì có thể xảy ra”. (Năng lực bản thân: Bài tập kiểm soát, 1997)
trích dẫn câu nói hay của bandura
Một trong những trích dẫn câu nói hay truyền cảm hứng về năng lực bản thân của Bandura.

5.2. Trích dẫn về nhận thức xã hội trong tiểu sử cuộc đời và sự nghiệp Albert Bandura

Dưới đây là một số trích dẫn hay trong lý thuyết học tập xã hội của Albert Bandura mà bạn có thể dùng làm câu nói hay truyền cảm hứng cho việc học tập:

  • “Lý thuyết phủ nhận ý tưởng suy nghĩ có thể điều chỉnh hành động nhưng không dễ dàng giải thích được hành vi phức tạp của con người”. (Cơ sở xã hội của tư duy và hành động: Lý thuyết nhận thức xã hội, 1986)
  • “Mọi người không chỉ có được sự hiểu biết thông qua sự suy ngẫm, họ còn đánh giá và thay đổi suy nghĩ của chính mình”. (Cơ sở xã hội của tư tưởng và hành động, 1986)
  • “Những người tự tin vào khả năng của mình sẽ có cảm nhận khác với những người không tin vào chính mình. Họ tự tạo ra tương lai của chính mình chứ không chỉ đơn giản là đoán trước nó”. (Cơ sở xã hội của tư duy và hành động: Lý thuyết nhận thức xã hội, 1986)
  • “Những người có sự tự tin cao về khả năng của mình tiếp cận những nhiệm vụ khó khăn như những thách thức cần vượt qua hơn là những mối đe dọa cần tránh”. (Bách khoa toàn thư về hành vi con người, 1994)
  • “Chúng ta đầu tư nhiều vào các lý thuyết về thất bại hơn là vào các lý thuyết về thành công”. (APA, 1998)
  • “Danh tiếng một khi đã thành lập thì sẽ không dễ bị thay đổi”. (Bách khoa toàn thư về hành vi con người, 1994)
  • “Việc hiểu rõ hơn về động cơ cơ bản của một người giống như một sự chuyển đổi niềm tin hơn là một quá trình tự khám phá”. (Cơ sở xã hội của tư duy và hành động: Lý thuyết nhận thức xã hội, 1986)
  • “Tâm lý học không thể bảo con người phải sống cuộc sống của mình như thế nào. Tuy nhiên, nó có thể cung cấp cho họ những phương tiện để thực hiện thay đổi cá nhân và xã hội”. (Lý thuyết học tập xã hội, 1977)
  • “Thành công và thất bại phần lớn được tự xác định theo tiêu chuẩn cá nhân. Tiêu chuẩn bản thân càng cao thì những thành tựu đạt được càng có nhiều khả năng bị coi là thất bại, bất kể người khác có nghĩ gì”. (Cơ sở xã hội của tư duy và hành động: Lý thuyết nhận thức xã hội, 1986)

    Trong suốt nhiều thập kỷ qua, lý thuyết học tập xã hội của Albert Bandura đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của nhiều lĩnh vực trong tâm lý học. Ông mất vào năm 2021, tuy nhiên những đóng góp giá trị mà ông đã để lại sẽ luôn còn mãi và trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều thế hệ muốn tìm hiểu về tâm lý học, đặc biệt là tâm lý học nhận thức.

    Xem thêm:

    Vì vậy, rất mong các bạn sau khi đọc có thể chia sẻ thông tin kiến thức này đến nhiều người hơn nữa, để những ai dù chưa hay đã biết về tâm lý, hay có niềm đam mê với tâm lý có thể tìm hiểu lý thuyết học tập xã hội của Albert Bandura sâu sắc hơn. Đó có thể là những khởi đầu để chúng ta nảy ra những ý tưởng nghiên cứu mới liên quan đến tâm lý học, hướng đến phục vụ cho đời sống tươi đẹp của con người.

    Tiểu Thiệp
    Tiểu Thiệp
    Bài viết: 9