Tháp nhu cầu Maslow (Maslow’s Hierarchy of Needs Theory) là một lý thuyết về động lực trong tâm lý học, bao gồm mô hình kim tự tháp 5 tầng theo cấp bậc các nhu cầu của con người. Lý thuyết của Abraham Maslow cho rằng hành động của chúng ta được thúc đẩy bởi một số nhu cầu sinh lý và tâm lý nhất định, tiến triển từ cơ bản đến phức tạp. Thứ tự các cấp bậc nhu cầu không hoàn toàn cố định. Mời bạn cùng PsyCareVN tìm hiểu chi tiết hơn về học thuyết nổi tiếng này nhé!
Mục lục
- 1. Tiểu sử Abraham Maslow là ai?
- 2. Học thuyết về tháp nhu cầu Maslow cơ bản
- 2.1. Lịch sử phát triển lý thuyết tháp nhu cầu của Abraham Maslow
- 2.2. Nội dung 5 tầng kim tự tháp nhu cầu của Maslow
- 2.2.1. Nhu cầu sinh lý (Physiological Needs)
- 2.2.2. Nhu cầu an toàn và an ninh (Security and Safety Needs)
- 2.2.3. Nhu cầu về tình yêu thương và gắn kết/thuộc về (Love and Belonging)
- 2.2.4. Nhu cầu được tôn trọng (Esteem Needs) trong tháp nhu cầu Maslow
- 2.2.5. Nhu cầu tự hiện thực hóa bản thân (Self-Actualization Needs)
- 3. Ảnh hưởng và đóng góp của thuyết nhu cầu Maslow
- 4. Vận dụng lý thuyết về tháp nhu cầu Maslow trong thực tế
- 5. Tháp nhu cầu Maslow 8 bậc mở rộng
- 6. Những thắc mắc liên quan lý thuyết tháp nhu cầu của Maslow
1. Tiểu sử Abraham Maslow là ai?
1.1. Tuổi thơ của Abraham Maslow
Tháp nhu cầu Maslow (Maslow’s Hierarchy of Needs Theory) là một trong những lý thuyết có ảnh hưởng nhất trong tâm lý con người liên quan đến hành trình tìm kiếm hạnh phúc. Tác giả của học thuyết này, Abraham Maslow, là một nhà tâm lý học người Mỹ. Ông sinh ngày 1 tháng 4 năm 1908 tại Brooklyn, New York.
Maslow là con trai đầu trong số 7 người con trong gia đình Do Thái di cư từ Nga. Sau này, Maslow đã mô tả thời thơ ấu của mình là không hạnh phúc và rất cô đơn. Ông dành phần lớn thời gian trong thư viện để đắm chìm trong thế giới riêng của những cuốn sách.
1.2. Tiểu sử về cuộc đời và sự nghiệp của Abraham Maslow
Maslow học ngành Luật tại City College of New York (CCNY). Sau này, khi phát hiện bản thân có sở thích về tâm lý học, ông chuyển sang Đại học Winconsin và tìm được thầy cố vấn là nhà tâm lý học Harry Harlow – người mà sau này làm cố vấn Tiến sĩ cho Maslow. Maslow đã lấy được cả 3 bằng Cử nhân, Thạc sĩ và Tiến sĩ về tâm lý học tại Đại học Wisconsin.
Abraham Maslow bắt đầu giảng dạy tại Cao đẳng Brooklyn vào năm 1937. Sau đó, ông tiếp tục làm việc với tư cách là giảng viên trong khoa của trường cho đến năm 1951. Trong thời gian này, ông chịu ảnh hưởng sâu sắc từ nhà tâm lý học Gestalt Max Wertheimer và nhà nhân chủng học Ruth Benedict.
Maslow cảm thấy rằng lý thuyết phân tâm học của Freud và thuyết hành vi của Skinner tập trung quá nhiều vào các khía cạnh tiêu cực hoặc bệnh lý của sự tồn tại. Theo ông, các học thuyết này đã bỏ qua mọi tiềm năng và khả năng sáng tạo mà con người sở hữu. Do đó, lý thuyết của Maslow tập trung nhiều hơn vào việc tối đa hóa hạnh phúc và phát huy hết tiềm năng của một người.
Xem thêm: Thuyết phân tâm học của Sigmund Freud: Nội dung và ứng dụng
Vào những năm 1950, Maslow trở thành một trong những người sáng lập và thúc đẩy trưởng phái tâm lý học nhân văn. Các lý thuyết của ông, bao gồm tháp nhu cầu, khái niệm tự hiện thực hóa (self-actualization) và các trải nghiệm đỉnh cao (peak experiences), đều trở thành chủ đề cơ bản trong trường phái tư tưởng nhân văn.
2. Học thuyết về tháp nhu cầu Maslow cơ bản
2.1. Lịch sử phát triển lý thuyết tháp nhu cầu của Abraham Maslow
Abraham Maslow lần đầu tiên giới thiệu khái niệm về hệ thống kim tự tháp phân cấp nhu cầu trong bài báo năm 1943 của mình với tựa đề “Lý thuyết về động lực của con người” (A Theory of Human Motivation). Và sau đó ông lần nữa đề cập về thuật ngữ này trong cuốn sách “Động lực và tính cách” (Motivation and Personality). Tháp nhu cầu Maslow cho rằng con người có động lực để đáp ứng các mong muốn cơ bản trước khi chuyển sang những nhu cầu khác cao cấp hơn.
Là một nhà tâm lý học nhân văn, Maslow tin rằng con người có một mong muốn bẩm sinh là được tự hiện thực hóa. Tức là, mong muốn trở thành tất cả những gì mình có thể trở thành. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu cuối cùng này, một số nhu cầu cơ bản hơn phải được đáp ứng, bao gồm cả nhu cầu về thức ăn, sự an toàn, tình yêu thương và lòng tự trọng (Lester et al., 2010).
Theo lý thuyết của Maslow, những nhu cầu này tương tự như bản năng và đóng vai trò chính trong việc thúc đẩy hành vi (Taormina & Gao, 2013). Có 5 cấp bậc khác nhau trong kim tự tháp nhu cầu Maslow, bắt đầu từ tầng thấp nhất được gọi là nhu cầu sinh lý.
Ở đỉnh của kim tự tháp nhu cầu Maslow, nhu cầu về lòng tự trọng và cảm giác thành tựu bản thân được ưu tiên. Giống như Carl Rogers, Maslow nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tự hiện thực hóa. Đây là một quá trình phát triển và trưởng thành như một con người để đạt được tiềm năng cá nhân.
Có thể phân nhóm 5 nhu cầu trong lý thuyết của Maslow thành 2 loại chính:
- Nhu cầu thiếu hụt (Deficiency needs): bao gồm nhu cầu sinh lý, nhu cầu an toàn, nhu cầu yêu thương và gắn kết, nhu cầu được tôn trọng. Lý thuyết tháp nhu cầu Maslow cho rằng đây là những nhu cầu phát sinh do sự thiếu thốn. Việc thỏa mãn những nhu cầu cấp thấp này rất quan trọng để tránh những cảm xúc tiêu cực hoặc hậu quả khó chịu.
- Nhu cầu phát triển (Growth needs): Maslow gọi những nhu cầu ở đỉnh tháp là nhu cầu phát triển, vì chúng không bắt nguồn từ sự thiếu hụt thứ gì đó, mà là từ mong muốn phát triển như một con người – như những gì chúng ta là.
Maslow lưu ý rằng không phải lúc nào chúng ta cũng tuân theo sự tiến triển tiêu chuẩn của 5 tầng nhu cầu này. Điều này còn tùy thuộc vào sự thiếu hụt của mỗi cá nhân trong từng giai đoạn phát triển của mình.
Ví dụ: Với một số người, nhu cầu về lòng tự trọng cao hơn nhu cầu về tình yêu. Với số khác, nhu cầu về sự hoàn thiện sáng tạo có thể chiếm ưu thế ngay cả khi những nhu cầu cơ bản chưa được đáp ứng.
2.2. Nội dung 5 tầng kim tự tháp nhu cầu của Maslow
2.2.1. Nhu cầu sinh lý (Physiological Needs)
Nhu cầu sinh lý bao gồm những nhu cầu thiết kế cho sự sống còn về mặt thể chất. Đây cũng là yếu tố đầu tiên thúc đẩy hành vi của chúng ta. Khi mức độ này được đáp ứng, mức độ tiếp theo sẽ thúc đẩy chúng ta phát triển. Một số ví dụ về nhu cầu sinh lý trong tháp nhu cầu Maslow gồm: thức ăn, nước uống, không khí để thở, sự cân bằng nội sinh,…
Ngoài các yêu cầu cơ bản về dinh dưỡng, không khí, nhu cầu sinh lý còn bao gồm nơi trú ẩn và quần áo. Maslow cũng đưa sinh sản hữu tính vào tầng phân cấp này, bởi vì nó cần thiết cho sự sống còn và sinh sôi của mọi loài. Khi nhu cầu sinh lý của một cá nhân được thỏa mãn, nhu cầu về sự an toàn sẽ được chú ý tới.
2.2.2. Nhu cầu an toàn và an ninh (Security and Safety Needs)
Từ cấp độ thứ hai trở đi của tháp nhu cầu Maslow thì bắt đầu phức tạp hơn một chút. Ở tầng này, nhu cầu về an toàn và bảo đảm an ninh trở thành nhu cầu chính của chủ thể khi muốn kiểm soát và sắp xếp trật tự trong cuộc sống của bản thân.
Ví dụ một số nhu cầu cơ bản ở tầng này như: an toàn về tài chính, sức khỏe và thể chất, an toàn phòng ngừa tai nạn và thương tích. Ngoài ra, mong muốn tìm việc làm ổn định, mua bảo hiểm y tế và chăm sóc sức khỏe, mở tài khoản tiết kiệm, hay lựa chọn ở khu phố an ninh hơn,…đều là những ví dụ cụ thể về hành động được thúc đẩy bởi nhu cầu được an toàn và đảm bảo an ninh.
Sau khi nhu cầu sinh lý và an toàn được đáp ứng, nhu cầu thứ ba của con người là nhu cầu xã hội liên quan đến cảm giác yêu thương, thuộc về sẽ được phát triển.
2.2.3. Nhu cầu về tình yêu thương và gắn kết/thuộc về (Love and Belonging)
Nhu cầu về tình yêu và sự gắn kết là nhu cầu tình cảm của con người về mối quan hệ giữa các cá nhân, sự liên kết, cảm giác kết nối và là một phần của nhóm nào đó. Ở cấp độ này, nhu cầu về các mối quan hệ tình cảm thúc đẩy hành vi con người. Một số ví dụ về sự gắn kết trong tháp nhu cầu Maslow như: tình bạn, sự gắn bó lãng mạn, mối quan hệ gia đình, nhóm xã hội, nhóm cộng đồng, tổ chức tôn giáo,…
Để tránh cô đơn, cảm giác trống rỗng, lo lắng và trầm cảm, điều quan trọng là mỗi người phải cảm thấy được yêu thương và chấp nhận bởi người khác. Mối quan hệ cá nhân với bạn bè, gia đình và người yêu cũng đóng vai trò quan trọng như việc tham gia vào các nhóm xã hội như đội thể thao, câu lạc bộ, hoạt động nhóm hoặc thực hành tôn giáo.
Nhu cầu này được biệt mạnh mẽ ở trẻ em và có thể lấn át nhu cầu an toàn. Biểu hiện rõ ràng ở những đứa trẻ không được đáp ứng nhu cầu này như trẻ luôn bám lấy cha mẹ, trẻ bị cha mẹ ngược đãi,…
2.2.4. Nhu cầu được tôn trọng (Esteem Needs) trong tháp nhu cầu Maslow
Đây là nhu cầu ở tầng thứ tư trong tháp nhu cầu Maslow, bao gồm lòng tự trọng, đạt thành tích và được mọi người tôn trọng, công nhận. Maslow phân loại nhu cầu này thành 2 nhóm, bao gồm:
- Sự tôn trọng bản thân: bao gồm phẩm giá, thành tích, sự thành thạo, sự độc lập.
- Mong muốn được người khác tôn trọng hoặc có danh tiếng: như có địa vị, uy tín, được công nhận,…
Lòng tự trọng là mong muốn điển hình của chúng ta khi được người khác chấp nhận và coi trọng. Điều này mang lại cho chúng ta cảm giác đóng góp hoặc có giá trị. Những người có lòng tự trọng thấp hoặc mặc cảm tự ti có thể là kết quả của sự mất cân bằng ở cấp độ nhu cầu này.
Đối với trẻ em và thanh thiếu niên, Maslow tin rằng nhu cầu được tôn trọng hoặc danh tiếng là quan trọng nhất, hơn cả lòng tự trọng hoặc phẩm giá thực sự.
2.2.5. Nhu cầu tự hiện thực hóa bản thân (Self-Actualization Needs)
Ở đỉnh cao nhất của hệ thống phân cấp tháp nhu cầu Maslow là nhu cầu tự hoàn thiện bản thân. Những người tự hoàn thiện là người có khả năng tự nhận thức, quan tâm đến sự phát triển cá nhân hơn là ý kiến của người khác, và muốn phát huy hết tiềm năng của mình.
Maslow giải thích rằng: “Một người đàn ông có thể trở thành người như thế nào thì anh ta phải trở thành người như thế đó”. Câu nói này ám chỉ đến nhu cầu mà một người cần đạt được để phát huy hết tiềm năng của mình với tư cách là con người, và đang làm tốt nhất những gì họ có thể làm.
Theo lý thuyết tháp nhu cầu Maslow, khái niệm này có thể được mô tả một cách rộng hơn với các thuật ngữ như “sử dụng và khai thác đầy đủ các tài năng, khả năng, tiềm năng,…” Đó là những người đã phát triển hoặc đang phát triển đến mức độ đầy đủ mà họ có khả năng.
3. Ảnh hưởng và đóng góp của thuyết nhu cầu Maslow
Abraham Maslow đã có một số đóng góp quan trọng cho ngành tâm lý học. Ngày nay, ông vẫn được nhớ đến như một trong những nhà tâm lý học có ảnh hưởng nhất của thế kỷ 20 (Haggbloom, 2001). Dưới đây là những đóng góp của Maslow:
- Lý thuyết của Maslow tập trung vào những khía cạnh tích cực của con người, làm nền tảng cho tâm lý học nhân văn.
- Giống như Freud, một người ủng hộ cách tiếp cận phân tâm học thống trị vào thời điểm đó, Maslow thừa nhận sự hiện diện của vô thức con người (Maslow, 1970).
- Tuy nhiên, khác với Freud, Maslow cho rằng con người nhận thức sâu sắc về động cơ và động lực của chính họ trong quá trình theo đuổi liên tục sự tự thấu hiểu và tự chấp nhận. Những ý tưởng này cuối cùng đã được phản ánh trong các tác phẩm có ảnh hưởng của ông về sự tự hiện thực hóa và hệ thống phân cấp nhu cầu của con người (Maslow, 1970).
4. Vận dụng lý thuyết về tháp nhu cầu Maslow trong thực tế
4.1. Ứng dụng tháp nhu cầu Maslow trong tổ chức nơi làm việc và động lực của nhân viên
Lý thuyết của Maslow có thể áp dụng trong môi trường công sở để tạo động lực cho nhân viên. Nhằm nâng cao hiệu suất, văn hóa tổ chức và chiến lược nhân sự phải giải quyết và đáp ứng nhu cầu của nhân viên. Trong đó, có thể tính đến chế độ bồi thường, phúc lợi, thiết kế công việc, đào tạo, phát triển văn hóa, đánh giá hiệu suất,…
Ở cấp độ sinh lý cơ bản, người quản lý có thể cung cấp mức lương đủ để nhân viên duy trì mức sống tùy theo khu vực cùng các chế độ phúc lợi toàn diện. Chẳng hạn như đáp ứng nhu cầu thiết yếu về thực phẩm, nơi ở và chăm sóc y tế cho nhân viên. Ví dụ cụ thể:
- Cung cấp các chế độ chăm sóc sức khỏe toàn diện: bảo hiểm y tế, khám nha khoa, thị lực, sức khỏe tâm thần, các chương trình chăm sóc sức khỏe chất lượng cao,…
- Trợ cấp phí thành viên phòng tập thể dục/gym để nhân viên quản lý căng thẳng và lo âu, nâng cao chất lượng sức khỏe thể chất và tinh thần.
- Tạo không gian làm việc tiện dụng: như đảm bảo đầy đủ thiết bị làm việc, laptop, ghế văn phòng thoải mái,…
Ở cấp độ nhu cầu về an toàn, người quản lý có thể cung cấp việc làm ổn định, chế độ đãi ngộ công bằng, chính sách trả lương và thăng chức minh bạch, củng cố tiêu chuẩn đạo đức tại nơi làm việc, thiết lập chính sách chống quấy rối,… Điều này giúp nhân viên có động lực hơn khi cảm thấy ổn định về mặt tài chính và an toàn về thể chất tại nơi làm việc.
Ở cấp độ nhu cầu xã hội trong tháp nhu cầu Maslow, người quản lý có thể đáp ứng mong muốn xã hội của nhân viên bằng cách vun đắp một cộng đồng công sở hòa nhập. Các bài tập xây dựng nhóm, họp mặt, đóng góp sáng kiến cố vấn và giao tiếp minh mạch có thể thúc đẩy cảm giác gắn bó với tổ chức. Động lực làm việc được nâng cao khi nhân viên cảm thấy được trân trọng và hòa nhập trong nhóm của mình.
Ở tầng thứ tư trong tháp nhu cầu Maslow, người quản lý nên triển khai các hệ thống ghi nhận, thăng chức dựa trên thành tích và vai trò của nhân viên trong việc lãnh đạo hoặc xây dựng tổ chức. Ngoài ra, nên tạo nhiều hệ thống khen thưởng phát huy tài năng độc đáo của từng nhân viên, tận dụng tối đa các đánh giá hiệu suất, giao phó cho nhân viên vai trò cố vấn,…
Ở cấp cao nhất trong tháp nhu cầu Maslow, để giúp nhân viên tự hiện thực hóa, các tổ chức nên đảm bảo phân công vai trò công việc phù hợp với năng lực và đam mê của nhân viên. Bằng cách trao quyền cho nhân viên, đưa ra cho họ những thử thách và thúc đẩy môi trường khuyến khích sự đổi mới, tổ chức có thể tạo điều kiện cho hành trình hướng tới tự hoàn thiện bản thân của họ.
4.2. Vận dụng tháp nhu cầu Maslow trong công việc điều dưỡng
Công việc chăm sóc bệnh nhân phải toàn diện. Điều dưỡng viên phải đánh giá và giải quyết toàn bộ nhu cầu của bệnh nhân cả về thể chất, tinh thần, cảm xúc và xã hội (Jackson et al., 2014; Toney-Butler & Thayer, 2023). Cách này giúp bệnh nhân được chăm sóc nhiều hơn, chữa lành nhanh hơn và cải thiện kết quả tốt nhất.
Dưới đây là một số gợi ý mà điều dưỡng viên có thể vận dụng tháp nhu cầu Maslow trong công việc của mình:
Nhu cầu sinh lý (ABC + D): Đảm bảo bệnh nhân có đủ dinh dưỡng, đủ nước, kiểm soát cơn đau, giấc ngủ ngon và sự thoải mái về thể chất. Đồng thời, giải quyết cơn đau nào gây cản trở giấc ngủ và quá trình phục hồi. Trong mô hình này:
- A – Đường thở: Đảm bảo đường thở của bệnh nhân thông thoáng.
- B – Thở: Đánh giá và hỗ trợ hô hấp và trao đổi khí đầy đủ.
- C – Lưu thông: Đánh giá và duy trì lưu thông máu bình thường.
- D – Giảm mức độ ý thức: Theo dõi bất kỳ thay đổi nào về hành vi hoặc trạng thái tinh thần.
Nhu cầu an toàn: Duy trì môi trường sạch sẽ, yên tĩnh với chuông gọi hỗ trợ. Ngăn ngừa bệnh nhân gặp thương tích do té ngã, ngăn ngừa cục máu đông và tránh loét do tì đè; giải thích các xét nghiệm, phương pháp điều trị và thuốc cho bệnh nhân để giảm lo lắng; giữ thông tin bệnh nhân được bảo mật. Ngoài ra, nuôi dưỡng bầu không khí tin tưởng thông qua việc lắng nghe đầy lòng trắc ẩn.
Nhu cầu gắn kết: Sự cô đơn cản trở quá trình chữa lành, khiến bệnh nhân cảm thấy không được chào đón và hòa nhập. Do đó, hãy giới thiệu họ với những bệnh nhân khác, cho phép gia đình đến thăm và thực hành tâm linh.
Nhu cầu tôn trọng: Vận dụng theo tháp nhu cầu Maslow, hãy thể hiện sự tôn trọng thông qua giao tiếp lịch sự và nhạy cảm về văn hóa. Duy trì phẩm giá và sự riêng tư. Trao quyền cho bệnh nhân trong các quyết định chăm sóc. Đồng thời, hãy giải thích việc chăm sóc theo cách dễ hiểu, lắng nghe cẩn thận những lo lắng của họ, khiến họ cảm thấy được coi trọng.
Nhu cầu tự hiện thực hóa: Hãy điều chỉnh việc chăm sóc phù hợp với các giá trị và nguyện vọng của bệnh nhân. Bạn có thể chia sẻ những câu chuyện động lực của người có chẩn đoán tương tự nhưng vẫn năng động hoặc cung cấp các nguồn lực để đối phó với nỗi đau do thay đổi sức khỏe.
Bên cạnh đó, điều dưỡng viên cũng có thể áp dụng lý thuyết tháp nhu cầu Maslow trong các phương pháp chăm sóc đặc biệt như:
- Quản lý cơn đau: Mặc dù cơn đau thường được coi là nhu cầu sinh lý, nhưng mức độ ưu tiên của nó có thể khác nhau. Cơn đau cấp tính, dữ dội hoặc cơn đau cho thấy tình trạng đe dọa tính mạng cần được giải quyết ngay lập tức.
- Chăm sóc giảm nhẹ cuối đời: Đối với bệnh nhân giai đoạn cuối (như bệnh nhân ung thư), sự thoải mái và chất lượng cuộc sống có thể được ưu tiên hơn là giải quyết các nhu cầu sinh lý.
4.3. Ứng dụng tháp nhu cầu Maslow trong giáo dục lớp học
Lý thuyết tháp nhu cầu của Maslow cung cấp góc nhìn nhân văn để nuôi dạy trẻ em phát triển toàn diện. Maslow (1971, tr. 195) lập luận rằng một phương pháp giáo dục nhân văn sẽ phát triển những con người “mạnh mẽ hơn, khỏe mạnh hơn và sẽ tự quyết định cuộc sống của mình ở mức độ lớn hơn. Với trách nhiệm đối với cuộc sống cá nhân tăng lên, cùng với các giá trị hợp lý để đưa ra lựa chọn, mỗi chúng ta sẽ bắt đầu chủ động thay đổi xã hội mà mình đang sống”.
Sau đây là một số cách giáo viên có thể vận dụng tháp nhu cầu Maslow trong lớp học:
- Sinh lý: Đảm bảo học sinh có nước, thức ăn, giờ nghỉ giải lao và vận động. Cho phép trẻ dùng đồ ăn nhẹ, chỗ ngồi linh hoạt và giờ nghỉ giải lao đầy đủ.
- An toàn: Quản lý lớp học trật tự với kỳ vọng rõ ràng. Phòng ngừa bắt nạt học đường ngay từ sớm. Đồng thời, xây dựng lòng tin thông qua sự nhất quán và công bằng, cho phép học sinh mắc lỗi một cách an toàn.
- Sự gắn kết: Thúc đẩy cộng đồng và sự hợp tác, nuôi dưỡng tinh thần làm việc nhóm thông qua các dự án nhóm. Tìm hiểu tên và lý lịch của từng học sinh. Và quan trọng nhất là hãy trân trọng sự đa dạng của mỗi đứa trẻ!
- Tôn trọng: Nhận ra điểm mạnh và sự tiến bộ của học sinh. Trưng bày bài làm của học sinh trong lớp. Trao quyền cho các em vai trò lãnh đạo như trưởng nhóm hoặc trợ lý bài giảng cho cô. Khen ngợi những nỗ lực cụ thể của các em chứ không chỉ tập trung vào thành tích.
- Tự hiện thực hóa: Giúp học sinh theo đuổi sở thích một cách sáng tạo. Giao các dự án mà học sinh đam mê và có hứng thú. Bên cạnh đó, khuyến khích học sinh đặt mục tiêu, hỗ trợ thử thách bản thân.
5. Tháp nhu cầu Maslow 8 bậc mở rộng
Vào năm 1970, Maslow đã xây dựng thêm 3 nhu cầu bổ sung dựa trên hệ thống phân cấp ban đầu của mình, nâng tổng số nhu cầu lên 8. Theo đó, tháp nhu cầu Maslow mở rộng 8 bậc có thêm:
- Nhu cầu nhận thức (Cognitive needs): Nhu cầu này tập trung vào kiến thức. Chúng ta thường muốn học và biết nhiều hơn về thế giới xung quanh của mình, cũng như vị trí của bản thân trong xã hội.
- Nhu cầu thẩm mỹ (Aesthetic needs): Nhu cầu này đề cập đến việc đánh giá cao vẻ đẹp và hình thức. Chúng ta có thể thỏa mãn nhu cầu này thông qua việc thưởng thức hoặc sáng tạo âm nhạc, nghệ thuật, văn học, cũng như các hình thức sáng tạo khác.
- Nhu cầu siêu vị kỷ/tự tôn bản ngã (Transcendence needs): Maslow tin rằng con người được thúc đẩy để nhìn xa hơn bản thân vật chất nhằm tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống. Có một số cách giúp chúng ta đáp ứng nhu cầu này như giúp đỡ người khác, thực hành tâm linh và kết nối với thiên nhiên.
6. Những thắc mắc liên quan lý thuyết tháp nhu cầu của Maslow
6.1. Vì sao tháp nhu cầu Maslow lại có ý nghĩa quan trọng?
Bất chấp những lời chỉ trích, lý thuyết tháp nhu cầu của Maslow vẫn đại diện một phần cho sự thay đổi quan trọng trong tâm lý học. Thay vì tập trung vào hành vi và sự phát triển bất thường, quan điểm tâm lý nhân văn của Maslow nhấn mạnh sự phát triển của những chủ thể khỏe mạnh. Có tương đối ít nghiên cứu ủng hộ quan điểm của Maslow. Tuy nhiên, tháp nhu cầu Maslow lại rất nổi tiếng và phổ biến ở cả trong và ngoài ngành tâm lý học.
6.2. Nhu cầu nào nằm ở đỉnh cao trong tháp nhu cầu của Maslow?
Nhu cầu tự hoàn thiện bản thân nằm ở vị trí cao nhất trong hệ thống phân cấp tháp nhu cầu Maslow, đề cập đến mong muốn đạt được tiềm năng đầy đủ của mỗi chúng ta. Theo Maslow, nhu cầu này chỉ có thể được đáp ứng khi tất cả các nhu cầu khác được thỏa mãn. Do đó, nó đứng sau nhu cầu sinh lý, nhu cầu an toàn, nhu cầu được yêu thương và gắn bó, và nhu cầu được tôn trọng.
6.3. Một số nhược điểm và hạn chế của lý thuyết nhu cầu Abraham Maslow
Hạn chế quan trọng nhất của lý thuyết tháp nhu cầu Maslow liên quan đến phương pháp luận của ông. Maslow xây dựng các đặc điểm của cá nhân tự hiện thực hóa bằng cách thực hiện một phương pháp định tính gọi là phân tích tiểu sử (biographical analysis).
Theo đó, ông đã xem xét tiểu sử và bài viết của 18 người mà ông xác định là những người đã tự hiện thực hóa bản thân. Từ những nguồn này, ông lập nên danh sách các phẩm chất có vẻ đặc trưng cho nhóm cụ thể này, trái ngược với phần còn lại của nhân loại.
Theo quan điểm khoa học, có rất nhiều vấn đề với cách tiếp cận này. Đầu tiên, có thể nói rằng, phương pháp phân tích tiểu sử cực kỳ chủ quan vì nó hoàn toàn dựa trên ý kiến của nhà nghiên cứu. Ý kiến cá nhân luôn có xu hướng thiên vị, làm giảm tính hợp lệ của bất kỳ dữ liệu nào thu được. Do đó, định nghĩa của Maslow về khả năng tự hiện thực hóa không được chấp nhận dưới góc độ khoa học.
Hơn nữa, phân tích tiểu sử của Maslow tập trung vào một mẫu thiên vị chủ yếu giới hạn ở nam giới da trắng, có trình độ học vấn cao (như Thomas Jefferson, Abraham Lincoln, Albert Einstein, William James, Aldous Huxley và Beethoven). Mặc dù vào năm 1970, Maslow đã nghiên cứu thêm tiểu sử của một số phụ nữ đạt khả năng tự hoàn thiện bản thân (như Eleanor Roosevelt và Mẹ Teresa) nhưng họ chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong mẫu nghiên cứu của ông.
Điều này khiến cho việc khái quát lý thuyết tháp nhu cầu Maslow cho phụ nữ và những người thuộc tầng lớp xã hội thấp hơn hoặc dân tộc khác trở nên khó khăn. Hạn chế này đặt ra câu hỏi về tính hợp lệ của mẫu nghiên cứu trong các phát hiện của Maslow.
6.4. Có bao nhiêu cấp độ trong tháp nhu cầu Maslow?
Về cơ bản, có 5 cấp độ trong kim tự tháp về nhu cầu của Abraham Maslow. Trong đó, 2 cấp độ dưới cùng là nhu cầu sinh lý và nhu cầu an toàn, cùng nhau tạo nên những nhu cầu cơ bản của con người. Tiếp theo là nhu cầu xã hội và nhu cầu được tôn trọng, hay còn gọi là các nhu cầu về tâm lý. Nhu cầu tự hoàn thiện nằm ở cấp độ cao nhất của kim tự tháp Maslow. Một người tự hoàn thiện bản thân được cho là đã đạt (hoặc đang theo đuổi) tiềm năng đầy đủ của họ.
Xem thêm:
Abraham Maslow đã để lại dấu ấn không thể phai mờ trong ngành tâm lý học. Cho dù bạn có chấp nhận hệ thống tháp nhu cầu Maslow hay không thì lý thuyết của ông vẫn làm sáng tỏ nhiều nhu cầu của chúng ta với tư cách là con người. Và, ngay cả khi chúng ta không sắp xếp những bậc nhu cầu này theo thứ tự, việc ghi nhớ chúng khi tương tác với người khác cũng có thể giúp sự kết nối của chúng ta trở nên có ý nghĩa, quan tâm và tôn trọng hơn.