Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD): Biểu hiện và cách điều trị

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) làm người mắc phải có những suy nghĩ và hành vi lặp đi lặp lại. Mặc dù chính họ biết rằng những việc mình đang làm là dư thừa, nhưng không thể kiểm soát được và liên tục lặp lại hành vi đó. Vậy, rối loạn ám ảnh cưỡng chế là gì? Có những loại ám ảnh cưỡng chế nào? Và dấu hiệu nhận biết ra sao? Mời các bạn tiếp tục cùng PsyCareVN tìm hiểu nhé!

Mục lục

1. Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (Obsessive-compulsive disorder – OCD) là gì?

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (Obsessive-compulsive disorder – OCD) là một tình trạng sức khỏe tâm thần, một rối loạn kéo dài, đặc trưng bởi những suy nghĩ (ám ảnh) và hành vi không thể kiểm soát (cưỡng bức) lặp đi lặp lại. Những triệu chứng OCD khiến chủ thể mất nhiều thời gian (với các hành vi lặp đi lặp lại như rửa tay nhiều lần, kiểm tra mọi thứ,…), có thể gây đau khổ hoặc cản trở cuộc sống hàng ngày của cá nhân.

2. Triệu chứng và biểu hiện của rối loạn ám ảnh cưỡng chế

Những người mắc OCD có thể bị ám ảnh, cưỡng chế hoặc cả hai (NIMH, “Obsessive-Compulsive Disorder”, 2022).

2.1. Nỗi ám ảnh

Nỗi ám ảnh là những suy nghĩ, thôi thúc hoặc hình ảnh tinh thần không mong muốn xâm phạm vào tâm trí và lặp đi lặp lại khiến cá nhân lo lắng. Những nỗi ám ảnh phổ biến bao gồm:

  • Sợ vi trùng hoặc ô nhiễm;
  • Sợ quên, mất hoặc thất lạc một điều gì đó;
  • Sợ mất kiểm soát hành vi của mình;
  • Suy nghĩ hung hăng đối với người khác hoặc chính mình;
  • Những suy nghĩ không mong muốn, bị xã hội lên án, cấm kỵ liên quan đến vấn đề tình dục, tôn giáo hoặc những tổn hại,…
  • Mong muốn có những thứ đối xứng hoặc theo một thứ tự hoàn hảo nào đó.
triệu chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế ocd
Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) được đặc trưng bởi nhóm triệu chứng suy nghĩ ám ảnh và hành vi cưỡng chế lặp đi lặp lại.

2.2. Triệu chứng cưỡng chế

Cưỡng chế là những hành vi lặp đi lặp lại mà một người cảm thấy phải thực hiện, thường là để đáp lại nỗi ám ảnh. Sự cưỡng chế phổ biến như:

  • Làm sạch hoặc rửa tay quá nhiều lần;
  • Sắp xếp đồ vật một cách cụ thể, chính xác;
  • Liên tục kiểm tra mọi thứ, như cửa đã khóa chưa, lò nướng đã tắt chưa,…;
  • Bắt buộc phải đếm mọi thứ;
  • Cầu nguyện hoặc lặp lại lời nói trong đầu.

Không phải tất cả những suy nghĩ lặp đi lặp lại trong đầu là ám ảnh, cũng không phải tất cả những hành vi, thói quen lặp đi lặp lại là cưỡng chế. Bên cạnh những điều trên, người mắc OCD thường có những dấu hiệu đặc trưng kèm theo như:

  • Không thể kiểm soát nỗi ám ảnh hoặc những thôi thúc ép buộc, ngay cả khi họ biết rằng chúng quá mức.
  • Dành hơn 1 giờ mỗi ngày cho những nỗi ám ảnh hoặc sự cưỡng chế.
  • Họ không muốn và không hứng thú trước những sự cưỡng chế đó, nhưng chúng khiến họ cảm thấy nhẹ nhõm hơn, bớt lo lắng hơn.
  • Trải qua những vấn đề nghiêm trọng trong cuộc sống hàng ngày do những suy nghĩ hoặc hành vi ám ảnh, cưỡng chế gây nên.

2.3. Các triệu chứng khác của rối loạn ám ảnh cưỡng chế OCD

Một số người mắc OCD cũng mắc rối loạn Tic – rối loạn liên quan đến các chuyển động hoặc lời nói lặp đi lặp lại. Rối loạn Tic liên quan đến vận động là những chuyển động đột ngột, nhanh, lặp đi lặp lại như chớp mắt, nhăn mặt, nhún vai,… Rối loạn Tic liên quan đến lời nói bao gồm những hành động lặp đi lặp lại tạo ra âm thanh như hắng giọng, khịt mũi hoặc càu nhàu (NIMH, “Obsessive-Compulsive Disorder”, 2022).

Thông thường những người mắc OCD cũng có thể mắc các rối loạn khác như rối loạn tâm trạng. Các triệu chứng của OCD có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào, thường bắt đầu ở giai đoạn cuối thời thơ ấu và ở những năm đầu tuổi trưởng thành. Hầu hết những người mắc OCD đã được chẩn đoán là người trẻ tuổi.

Các triệu chứng của OCD có thể biến mất trong một thời gian hoặc trầm trọng hơn theo thời gian. Trong thời gian căng thẳng, các triệu chứng thường trở nên tồi tệ hơn. Những nỗi ám ảnh và sự cưỡng chế của một người có thể thay đổi theo thời gian.

Nhiều người lớn mắc OCD nhận ra những hành vi cưỡng chế của họ là không có ý nghĩa và để tránh các tình huống gây ra triệu chứng, họ có thể tìm đến rượu hoặc ma túy. Tuy nhiên, trẻ em có thể không nhận ra rằng hành vi của mình là khác thường và lo sợ điều gì đó khủng khiếp sẽ xảy ra nếu chúng không thực hiện một số “nghi lễ” nhất định. Cha mẹ hoặc giáo viên cần quan tâm để nhận ra các triệu chứng OCD ở trẻ em (NIMH, “Obsessive-Compulsive Disorder”, 2022).

3. Một số test và tiêu chí chẩn đoán chứng ám ảnh cưỡng chế (OCD)

3.1. Chẩn đoán chứng ám ảnh cưỡng chế

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế là một dạng rối loạn lo âu, theo Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần (DSM-5 TR), những người mắc OCD có thể có ám ảnh, cưỡng chế hoặc có cả hai. Chẩn đoán OCD đòi hỏi phải có sự hiện diện của những suy nghĩ ám ảnh và/hoặc sự ép buộc gây tốn thời gian (hơn một giờ mỗi ngày), gây ra đau khổ đáng kể và làm suy giảm công việc hoặc hoạt động xã hội của một người.

3.2. Test rối loạn ám ảnh cưỡng chế Y-BOC-S & Y-BOCS-II

Thang đo ám ảnh cưỡng chế Yale-Brown (Y-BOC-S) là một công cụ đo lường do bác sĩ lâm sàng quản lý, được phát triển vào năm 1989 để đánh giá sự hiện diện và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng (Goodman et al, 1989). Thang đo được chia làm hai phần:

  • Phần một là danh sách kiểm tra các triệu chứng, gồm 54 mục phân đôi đánh giá sự hiện diện hiện tại hoặc trước đây của những ám ảnh và cưỡng chế cụ thể.
  • Phần hai kiểm tra mức độ nghiêm trọng của triệu chứng, gồm 10 mục định lượng tác động của nỗi ám ảnh và hành vi cưỡng chế.

Y-BOC-S đã cho thấy các đặc tính tâm lý tốt và độ nhạy với tác dụng điều trị của thuốc và các liệu pháp tâm lý. Tuy nhiên Y-BOC-S có một số nhược điểm đã được xác định như thiếu phù hợp về mặt khái niệm, độ nhạy thấp với sự thay đổi trong trường hợp nghiêm trọng và giá trị phân kỳ kém liên quan đến các triệu chứng trầm cảm (Goodman et al, 1989).

Để giải quyết vấn đề này, một phiên bản sửa đổi, Y-BOC-S-II, đã được xuất bản vào năm 2000. Với một số cải thiện so với Y-BOC-S, phiên bản II bao gồm việc thay đổi cách phân nhóm các triệu chứng, một số mục trong danh sách kiểm tra triệu chứng được diễn đạt lại và mở rộng.

Y-BOCS-II có các đặc tính tâm lý tuyệt vời, tính nhất quán, độ tin cậy cao, đồng thời có mối tương quan chặt chẽ với các thang đo đánh giá mức độ nghiêm trọng của triệu chứng ám ảnh cưỡng chế được bác sĩ lâm sàng đánh giá và chỉ có mối tương quan vừa phải với các thước đo về triệu chứng lo lắng, trầm cảm. Do đó, thang đo Y-BOC-S thường được coi là công cụ “tiêu chuẩn vàng” trong việc đánh giá mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng ám ảnh cưỡng chế.

thang đo rối loạn ám ảnh cưỡng chế Y-BOCS-II
Y-BOCS-II được xem như là “tiêu chuẩn vàng” để đánh giá triệu chứng của rối loạn ám ảnh cưỡng chế.

3.3. Một số câu hỏi sàng lọc rối loạn ám ảnh cưỡng chế

Một số câu hỏi sàng lọc rối loạn ám ảnh cưỡng chế có thể được sử dụng:

  1. Sàng lọc những nỗi ám ảnh: “Bạn có gặp phải những suy nghĩ, hình ảnh hoặc thôi thúc không mong muốn liên tục xuất hiện trong tâm trí bạn dù đã cố gắng loại bỏ chúng không? Ví dụ như lo lắng về bụi bẩn, vi trùng hoặc suy nghĩ về những điều tồi tệ đang xảy ra”. 
  2. Sàng lọc hành vi cưỡng chế: “Bạn có bao giờ cảm thấy bị thôi thúc phải lặp đi lặp lại một số hành động nhất định không? Ví dụ, liên tục rửa tay, lau chùi, kiểm tra cửa hoặc làm đi làm lại, sắp xếp lại mọi thứ cho vừa phải hay phải lặp lại những suy nghĩ trong đầu để cảm thấy dễ chịu hơn”.
  3. Xác định mức độ nghiêm trọng của triệu chứng ám ảnh và cưỡng chế trong câu hỏi 1 và 2 có đáp ứng tiêu chí chuẩn đoán trong DSM 5 hay không: “Những điều trên có làm lãng phí thời gian đáng kể hoặc gây khó khăn cho cuộc sống của bạn không? Ví dụ như ảnh hưởng đến việc học, việc làm hoặc mối quan hệ.”

4. Các loại rối loạn ám ảnh cưỡng chế phổ biến

4.1. Các loại rối loạn ám ảnh cưỡng chế

4.1.1. Ám ảnh cưỡng chế sợ làm hại người khác

Ám ảnh cưỡng chế sợ làm hại người khác liên quan đến những suy nghĩ, lo lắng về việc sợ gây bạo lực cho người khác hoặc chính mình.

Thỉnh thoảng có những suy nghĩ bạo lực hoặc hung hăng không phải là hiếm. Tuy nhiên, cá nhân gặp OCD sợ làm hại người khác vô cùng lo lắng khi có những suy nghĩ này và cần được trấn an rằng họ sẽ không làm theo chúng.

Điều quan trọng cần lưu ý là có những suy nghĩ này không có nghĩa là họ sẽ hành động theo chúng.

Những nỗi ám ảnh hoặc những suy nghĩ của OCD loại này có thể bao gồm:

  • Sợ có ý nghĩ hoặc hành vi tự sát.
  • Sợ thực hiện hành vi bạo lực.
  • Sợ làm hại người thân hoặc chính mình.
  • Sợ vô tình làm hại ai đó mà không hề hay biết.
  • Sợ bị thôi thúc bạo lực.

Một số ví dụ về sự cưỡng chế có thể bao gồm:

  • Tránh dao hoặc các vật sắc nhọn khác.
  • Liên tục kiểm tra bản thân và người khác để xem liệu cá nhân có làm hại ai đó không.
  • Ngẫm lại những sự kiện trong quá khứ để đảm bảo bạn không làm hại ai đó.
  • Tránh những tình huống hoặc những người có thể gây ra những ám ảnh hoặc suy nghĩ như vậy.

4.1.2. Xu hướng tính dục OCD

Loại này bao gồm các ám ảnh cưỡng chế liên quan đến xu hướng tính dục của một người. Mặc dù đôi khi nó được gọi là OCD đồng tính, nhưng nó có thể xảy ra ở bất kỳ giới tính nào.

Nếu mắc loại rối loạn ám ảnh cưỡng chế này, bạn có thể liên tục đặt câu hỏi về những ám ảnh liên quan đến xu hướng tính dục của mình và cách người khác nhìn nhận nó.

Những suy nghĩ ám ảnh thuộc loại này có thể gồm:

  • “Điều gì sẽ xảy ra nếu ai đó hiểu sai xu hướng tính dục của tôi?”
  • “Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi phủ nhận xu hướng tính dục thật sự của mình?”
  • “Xu hướng tính dục của tôi có thể thay đổi đột ngột và ảnh hưởng đến các mối quan hệ của tôi hay không?

Các hành vi cưỡng chế thuộc loại này có thể gồm:

  • Liên tục hỏi người khác xem họ nhìn nhận xu hướng tính dục của bạn như thế nào.
  • Nhìn vào hình ảnh của người cùng giới hoặc khác giới để biết bạn bị thu hút bởi ai.
  • Tránh những người cùng giới hoặc khác giới.

4.1.3. Rối loạn ấu dâm OCD

Rối loạn ấu dâm là một tình trạng sức khỏe tâm thần liên quan đến sự hấp dẫn tình dục đối với trẻ em. Rối loạn ấu dâm OCD đặc trưng bởi những suy nghĩ hoặc thôi thúc không mong muốn về ấu dâm.

Rối loạn ấu dâm OCD không giống với ấu dâm thực sự.

Những suy nghĩ ám ảnh thuộc loại này có thể:

  • “Nếu tôi có suy nghĩ tình dục với trẻ em thì sao?”
  • “Tôi có phải là kẻ ấu dâm không?”
  • “Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi hành động theo thôi thúc của mình?”

Những cưỡng chế có thể:

  • Tránh xa trẻ em hoàn toàn hoặc nhìn vào trẻ em để chứng tỏ không bị chúng thu hút.
  • Tìm kiếm bằng chứng để đảm bảo rằng cá nhân không phải là kẻ ấu dâm.
  • Tự trừng phạt bản thân vì đã có những suy nghĩ như vậy.

4.1.4. Mối quan hệ rối loạn ám ảnh cưỡng chế

Những suy nghĩ và hành vi liên quan đến tính hợp lệ của các mối quan hệ.

Nếu mắc loại OCD này cá nhân có thể thường xuyên lo lắng rằng các mối quan hệ của mình không thật lòng và nghi ngờ cảm xúc thật sự của đối phương. Điều này có thể biểu hiện ở việc cá nhân luôn cần sự trấn an từ đối phương và những người khác ở ngoài mối quan hệ, luôn so sánh với các mối quan hệ khác.

Xem thêm: 7 hành vi độc hại trong mối quan hệ bạn nên tránh

Những suy nghĩ ám ảnh:

  • “Tôi có thực sự yêu người yêu của mình không?”
  • “Lỡ có ai đó tốt hơn với tôi ngoài kia thì sao?”
  • “Điều gì sẽ xảy ra nếu mối quan hệ của tôi không được chân thật như người khác?”

Những cưỡng chế:

  • Hỏi đối tác của bạn về các mối quan hệ trước đây.
  • Tìm kiếm sự trấn an từ người khác.
  • Kiểm tra và so sánh mối quan hệ của bản thân với các mối quan hệ của người khác.

4.1.5. “Chỉ cần đúng” OCD

Đối với các loại OCD khác, việc xác định nỗi ám ảnh có thể dễ dàng, nhưng với “chỉ cần đúng” OCD thì lại không. OCD loại này thường được mô tả trên các phương tiện truyền thông.

Những ám ảnh của “chỉ cần đúng” OCD có thể:

  • Cố định vào chủ nghĩa hoàn hảo.
  • Cố định về ngoại hình.
  • Thực hiện một hành động với số lần cụ thể.

Một số sự cưỡng chế có thể bao gồm:

  • Đảm bảo rằng mọi thứ đều giống nhau.
  • Tránh các tình huống hoặc môi trường mà cá nhân cảm thấy phải thực hiện hành động mới nhiều lần.

4.1.6. Chứng sợ vi khuẩn OCD

Cũng như “chỉ cần đúng” OCD, chứng sợ vi khuẩn OCD cũng được mô tả phổ biến trên các phương tiện truyền thông. Một cá nhân mắc chứng sợ vi khuẩn OCD có thể sợ bị bệnh hoặc bị lây bệnh từ người khác.

Một số nỗi ám ảnh thuộc loại này có thể:

  • Nỗi sợ hãi mãnh liệt khi tiếp xúc với vi trùng.
  • Sợ bị mắc bệnh.

Một số sự cưỡng chế có thể có bao gồm:

  • Tránh những nơi có hoạt động tập thể, công cộng như: nhà tắm công cộng, biển, hồ bơi,…
  • Vức bỏ các vật dụng được cá nhân cho là có thể tiếp xúc với vi trùng hoặc có nguy cơ lây nhiễm.
  • Rửa tay nhiều lần.
  • Thường xuyên kiểm tra, nghiên cứu các triệu chứng của bệnh tật.

Xem thêm: Top 10 nỗi sợ phổ biến nhất của con người và cách vượt qua

4.1.7. Rối loạn ám ảnh cưỡng chế OCD thuần túy

OCD thuần túy hay còn gọi là ám ảnh thuần túy chủ yếu là những nỗi ám ảnh, sự cưỡng chế không có biểu hiện rõ ràng.

Có những tranh cãi về việc liệu OCD loại này có thực sự tồn tại hay không, vì OCD có đặc điểm là có cả nỗi ám ảnh và sự ép buộc. Đánh giá nghiên cứu năm 2011 đã phát hiện ra rằng 96% người trưởng thành mắc OCD có cả nỗi ám ảnh và cưỡng chế, chỉ có 2% có nỗi ám ảnh chiếm ưu thế (Williams et al, 2011).

Những người được xác định là mắc rối loạn ám ảnh cưỡng chế thuần túy có thể có những hành vi cưỡng chế hướng nội (những hành vi khó có thể nhìn thấy được), thay vì những hành vi hướng ngoại (những hành vi có thể nhìn thấy được).

Những nỗi ám ảnh của loại này có thể tập trung vào bất cứ điều gì như tình dục, sự tổn hại, tôn giáo,…

Ví dụ về những suy nghĩ ám ảnh có thể bao gồm:

  • “Nếu tôi làm tổn thương ai đó thì sao?”
  • “Điều gì sẽ xảy ra nếu người yêu của tôi không phù hợp với tôi?”
  • Những hình ảnh tình dục xâm nhập, xuất hiện trong đầu.

Ví dụ về sự cưỡng chế có thể bao gồm:

  • Nghi thức tinh thần để giảm bớt lo lắng liên quan đến những suy nghĩ hoặc hình ảnh xâm nhập.
  • Tự trấn an.

4.1.8. OCD tôn giáo

Với loại OCD này, tôn giáo có thể trở thành nguyên nhân gây lo lắng hơn là niềm tin an ủi.

Những suy nghĩ ám ảnh thuộc loại này có thể:

  • “Tôi sắp xuống địa ngục à?”
  • “Nếu tôi là tội nhân thì sao?”
  • “Việc tôi đang làm là sai hay đúng về mặt đạo đức?”

Sự cưỡng chế có thể bao gồm:

  • Tìm kiếm sự trấn an, đảm bảo từ những người có vị trí trong tôn giáo.
  • Thực hiện các hành động để gột rửa bản thân.
  • Tham dự các buổi lễ tôn giáo thường xuyên hơn bình thường.

4.1.9. Rối loạn ám ảnh cưỡng chế OCD các sự kiện có thật

Thỉnh thoảng nhớ lại quá khứ không phải là chuyện bất thường. Nhưng nếu bạn mắc chứng OCD các sự kiện có thật, bạn có thể bị ám ảnh hoặc cưỡng chế bởi các sự kiện trong quá khứ nhiều hơn bình thường.

Bạn có thể cảm thấy tội lỗi, sợ hãi vì những hành động và những điều đã xảy ra trong quá khứ, đến nỗi bạn không thể tập trung để làm bất kỳ điều gì khác.

Những suy nghĩ ám ảnh có thể bao gồm:

  • “Điều gì sẽ xảy ra nếu những hành động trong quá khứ của tôi là nguyên nhân gây nên những đau khổ tột cùng?”
  • “Điều gì sẽ xảy ra nếu ai đó đau khổ vì những điều tôi đã nói hoặc làm?”

Những sự cưỡng chế có thể:

  • Sự kiện trong quá khứ liên tục tái diễn trong tâm trí.
  • Tìm kiếm sự trấn an từ người khác.
  • Phủ nhận tội lỗi với những nhân vật có thẩm quyền.

4.2. Hội chứng nhổ tóc Trichotillomania có phải là rối loạn ám ảnh cưỡng chế hay không?

Rối loạn nhổ tóc là một dạng của rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Rối loạn nhổ tóc liên quan đến việc một người liên tục nhổ tóc của mình, phổ biến nhất là ở da đầu và các vùng có lông như lông mày và mí mắt. Nhiều người thích xoắn, nghịch tóc hoặc cắn tóc, nhưng những hành vi này không giống với hội chứng nhổ tóc.

Việc nhổ tóc gây ra đau khổ đáng kể về các vấn đề chức năng. Người đó có thể trốn tránh công việc, trường học hoặc các tình huống công cộng khác. Nỗi đau khổ có thể bao gồm cảm giác mất kiểm soát, bối rối và xấu hổ. Việc nhổ tóc có thể kèm theo nhiều cảm xúc khác nhau như cảm giác căng thẳng ngày càng tăng. Nó có thể được kích hoạt bởi cảm giác lo lắng hoặc cảm xúc buồn bã.

Những người mắc chứng rối loạn nhổ tóc nỗ lực cố gắng giảm hoặc ngừng nhổ tóc. Trong dân số nói chung, rối loạn nhổ tóc ảnh hưởng đến khoảng 1% – 2% người lớn và thanh thiếu niên trong một năm nhất định và thường phổ biến ở nữ giới, bắt đầu vào độ tuổi dậy thì.

Rối loạn nhổ tóc có thể đến và đi theo thời gian, nhưng sẽ tiếp tục duy trì nếu không được điều trị. Việc điều trị thường bao gồm liệu pháp nhận thức – hành vi, kỹ thuật đảo ngược thói quen, giúp xác định các yếu tố kích hoạt và nâng cao nhận thức, phá vỡ các mô hình thói quen kéo dài, giúp thân chủ kiểm soát hành vi của mình nhiều hơn.

Chứng nghiện nhổ tóc Trichotillomania
Chứng nghiện nhổ tóc Trichotillomania là một dạng rối loạn ám ảnh cưỡng chế.

4.3. Rối loạn bóc da (Excoriation/Skin-Picking)

Một người có rối loạn bóc da liên tục chọc vào da của mình đến mức gây ra tổn thương. Hành vi bóc da gây ra những đau khổ và những khó khăn trong công việc, tương tác xã hội. Nó có thể gây ra cảm giác mất kiểm soát, bối rối, xấu hổ và có thể khiến cá nhân tránh né các tình huống xã hội. Những người mắc rối loạn bóc da từng nhiều lần cố gắng giảm hoặc ngừng hành vi bóc da.

Việc cấu véo da không bị kích hoạt bởi những ám ảnh hoặc lo lắng về ngoại hình mà có thể được kích hoạt bởi cảm giác lo lắng hoặc buồn chán. Việc cấu véo da có thể xảy ra khi cảm giác căng thẳng hoặc lo lắng xuất hiện và được giải tỏa sau khi cấu véo vào da, thường đi kèm với cảm giác hài lòng, nhẹ nhõm hơn sau đó. Đôi khi nó liên quan đến sự ép buộc phải cố gắng sửa chữa những “nhược điểm” mà họ nhận thấy.

Tỷ lệ mắc chứng rối loạn bóc da suốt đời ở người lớn được ước tính là dưới 2% và nó phổ biến ở phụ nữ hơn. Nó thường bắt đầu ở tuổi thiếu niên và có thể đến rồi đi theo thời gian.

4.4. Phân biệt giữa ám ảnh cưỡng chế (OCD) và rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế (OCPD)

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) và rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế (OCPD) là hai dạng khác nhau của rối loạn tâm thần.

Rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế (OCPD) là một dạng rối loạn nhân cách. Nếu OCD có những ám ảnh thật sự, những cưỡng chế, nghi thức bắt buộc cá nhân phải thực hiện để giảm bớt sự lo lắng thì ở OCPD cá nhân bận tâm về trật tự, chủ nghĩa hoàn hảo, luôn muốn duy trì cảm giác kiểm soát, tập trung vào các quy tắc, những chi tiết vụn vặt và thực hiện chúng.

Những người mắc OCPD thường cứng nhắc, thiếu linh hoạt, gặp khó khăn trong việc hợp tác với người khác bởi những quy tắc khắt khe mà họ đặt ra. Họ thường có mối bận tâm sâu sắc với tính tổ chức, kiểm soát và cầu toàn.

4.5. Phân biệt rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) với rối loạn dị dạng cơ thể (Body Dysmorphic Disorder)

Ở rối loạn dị dạng cơ thể, cá nhân có những ám ảnh và cưỡng chế liên quan đến những khuyết điểm về ngoại hình của mình. Những khuyết điểm có thể rất nhỏ và không được nhìn thấy, nhưng cá nhân lại cảm thấy rất xấu hổ và lo lắng đến mức tránh né các tình huống xã hội.

Nỗi lo lắng và những suy nghĩ ám ảnh khiến cá nhân liên tục thực hiện những hành vi lặp lại như liên tục soi gương, chải tóc, tìm kiếm sự trấn an từ người khác, tìm kiếm phẫu thuật thẩm mỹ để cải thiện khuyết điểm và có xu hướng cầu toàn về ngoại hình.

5. Cách điều trị rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD)

5.1. Rối loạn ám ảnh cưỡng chế có chữa được không?

Việc điều trị giúp ích được cho nhiều người, ngay cả những người mắc chứng OCD ở dạng nặng nhất. Các chuyên gia sức khỏe tâm thần điều trị OCD bằng thuốc, liệu pháp tâm lý hoặc kết hợp các phương pháp điều trị. Chuyên gia sức khỏe tâm thần sẽ giúp cá nhân lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp và giải thích những lợi ích cũng như rủi ro của từng phương pháp.

Việc tuân thủ kế hoạch điều trị là rất quan trọng vì dù là liệu pháp tâm lý hay sử dụng thuốc đều mất một thời gian để phát huy tác dụng. OCD hiện nay chưa có cách chữa trị hoàn toàn, nhưng các liệu pháp điều trị giúp mọi người kiểm soát các triệu chứng và cải thiện các tương tác xã hội, có một cuộc sống năng động, trọn vẹn hơn.

5.2. Một số cách điều trị phổ biến cho rối loạn ám ảnh cưỡng chế

Tâm lý trị liệu

Tâm lý trị liệu là phương pháp điều trị hiệu quả cho cả người lớn và trẻ em mắc OCD. Nghiên cứu cho thấy một số loại trị liệu tâm lý, bao gồm trị liệu hành vi nhận thức đều mang đến hiệu quả tương tự việc dùng thuốc. Nhiều trường hợp, cần kết hợp giữa liệu pháp tâm lý và thuốc để đạt hiệu quả tốt nhất.

  • Trị liệu hành vi nhận thức hành vi (CBT): CBT là một loại liệu pháp trò chuyện giúp mọi người nhận ra những lối suy nghĩ có hại hoặc không phù hợp để họ có cái nhìn rõ hơn và ứng phó tốt hơn với các tình huống. CBT giúp mọi người học cách đặt câu hỏi về những suy nghĩ tiêu cực, xác định tác động của chúng đến cảm xúc và hành động, đồng thời thay đổi các kiểu hành vi không phù hợp. CBT được coi là “tiêu chuẩn vàng” trong trị liệu tâm lý.
  • Liệu pháp phòng ngừa phơi nhiễm và phản ứng (ERP): Nghiên cứu cho thấy ERP làm giảm các hành vi cưỡng chế, ngay cả đối với những người không phản ứng tốt với thuốc. Với ERP, mọi người sẽ tiếp xúc với những tình huống kích hoạt nỗi ám ảnh của mình trong một môi trường an toàn (chẳng hạn như chạm vào đồ vật bẩn) và ngăn cản họ thực hiện hành vi cưỡng chế điển hình (như rửa tay). Mặc dù cách tiếp cận này ban đầu có thể gây lo lắng, tạo ra nguy cơ bỏ điều trị sớm, nhưng hầu hết mọi người sẽ giảm bớt sự ép buộc khi họ tiếp tục điều trị.

Trẻ mắc OCD có thể cần thêm sự trợ giúp từ các thành viên trong gia đình và nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe để nhận biết và kiểm soát các triệu chứng OCD. Các chuyên gia sức khỏe tâm thần có thể làm việc với trẻ nhỏ để xác định các chiến lược quản lý căng thẳng và tăng cường hỗ trợ để chúng có thể kiểm soát các triệu chứng OCD tốt hơn.

trị liệu tâm lý cho rối loạn ám ảnh cưỡng chế
Liệu pháp CBT giúp người mắc OCD nhận biết, vượt qua những suy nghĩ ám ảnh có hại và kiểm soát hành vi cưỡng chế hiệu quả.

Thuốc

Các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe có thể kê đơn thuốc để giúp điều trị rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Các loại thuốc phổ biến nhất được kê là thuốc chống trầm cảm nhắm vào serotonin – chất dẫn truyền hóa học trong não liên quan đến chứng trầm cảm và OCD, gọi là thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc.

Điều trị bằng thuốc có thể mất 8 – 12 tuần trước khi các triệu chứng bắt đầu cải thiện. Đối với một số người, thuốc có thể gây ra tác dụng phụ như đau đầu, buồn nôn hoặc khó ngủ. Hầu hết những người mắc OCD nhận thấy rằng thuốc kết hợp với liệu pháp tâm lý giúp họ kiểm soát các triệu chứng tốt hơn.

Một số loại thuốc có thể được sử dụng như:

  • Clomipramin(Anafranil) cho người lớn và trẻ em từ 10 tuổi trở lên.
  • Fluoxetin (Prozac) cho người lớn và trẻ em từ 7 tuổi trở lên.
  • Fluvoxamin cho người lớn và trẻ em từ 8 tuổi trở lên.
  • Paroxetin(Paxil, Pexeva) chỉ dành cho người lớn.
  • Sertralin (Zoloft) dành cho người lớn và trẻ em từ 6 tuổi trở lên.

Chuyên gia điều trị có thể điều chỉnh liều lượng thuốc theo thời gian để giảm thiểu tác dụng phụ. Không được tự ý ngừng dùng thuốc mà không trao đổi trước với chuyên gia điều trị.

Phương pháp khác điều trị rối loạn ám ảnh cưỡng chế

Vào năm 2018, FDA đã phê duyệt sử dụng một hình thức kích thích từ trường xuyên sọ lặp đi lặp lại (rTMS) nhắm vào các vùng não cụ thể liên quan đến OCD, kết hợp với thuốc, liệu pháp tâm lý để điều trị cho những người mắc OCD nặng.

Kích thích não sâu (DBS) là một thủ tục phẫu thuật sử dụng điện để kích thích trực tiếp các vị trí trong não. DBS được sử dụng để điều trị cho những người mắc OCD nặng khi các phương pháp điều trị khác không hiệu quả.

6. Khi nào bạn cần gặp bác sĩ/nhà tâm lý?

Bạn cần gặp bác sĩ ngay nếu có các biểu hiện của rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) như đã nêu trên và chúng gây ra những khó khăn trong cuộc sống của bạn như:

  • Bạn tiêu tốn nhiều giờ đồng hồ chỉ để thực hiện các hành vi hoặc nghi lễ cưỡng bức.
  • Hạn chế tiếp xúc với mọi người xung quanh.
  • Bạn có ý nghĩ, hành vi tự sát.
  • Gây ra các bệnh lý khác vì các biểu hiện của OCD như viêm da, rối loạn ăn uống, trầm cảm,…

7. Khám rối loạn ám ảnh cưỡng chế ở đâu?

Khi bạn nghi ngờ mình hoặc người thân mắc OCD và có nhu cầu khám, điều trị bệnh, bạn có đến các cơ sở y tế hoặc phòng khám chuyên khoa Tâm lý – tâm thần như:

  • Tp.Hồ Chí Minh: Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương,…
  • Hà Nội: Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, Bệnh viện Đại học Y dược Hà Nội,…
  • Đồng Nai: Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 (Biên Hòa).

Xem thêm: 

Như vậy, rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) được đặc trưng bởi những suy nghĩ ám ảnh và những hành vi cưỡng chế lặp đi lặp lại. OCD có những biểu hiện tương đồng với rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế và rối loạn dị dạng cơ thể, nhưng nguyên nhân của chúng là khác nhau và có những mối bận tâm khác nhau. Mặc dù rối loạn ám ảnh cưỡng chế không gây ảnh hưởng quá nhiều đến sức khỏe, nhưng nó gây ra không ít khó khăn cho cuộc sống của chúng ta. Do đó, việc nhận biết và có phương hướng điều trị là điều vô cùng cần thiết!

Bài viết cùng chủ đề

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *