Rối loạn lo âu bệnh tật (Hypochondria): Cách thoát khỏi ám ảnh nghi bệnh

Rối loạn lo âu bệnh tật (Hypochondria) được đặc trưng bởi những lo lắng, sợ hãi quá mức về tình trạng sức khỏe của bản thân trong tương lai. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ám ảnh nghi bệnh này. Trong đó, phổ biến nhất là do chủ thể từng chứng kiến một ai đó hay chính mình bị bệnh nặng (về thực thể), hoặc thậm chí trải qua tang chế trong gia đình. Vậy, làm thế nào để thoát khỏi những nỗi ám ảnh dai dẳng nghi bệnh này? Cách điều trị chứng lo âu về bệnh tật này ra sao? Hãy cùng PsyCare.com.vn tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé.

1. Rối loạn lo âu bệnh tật (ám ảnh nghi bệnh) là gì?

Rối loạn lo âu bệnh tật, hay còn gọi là rối loạn ám ảnh nghi bệnh, có tên gọi tiếng Anh là “illness anxiety disorder” (IAD) hay Hypochondria. Đây là một loại rối loạn lo âu đặc trưng bởi sự lo lắng, hoặc sợ hãi quá mức về tình trạng sức khỏe của bản thân trong tương lai. Nỗi đau khổ này kéo dài dai dẳng và nghiêm trọng đến mức khiến chủ thể gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống hàng ngày.

Rối loạn lo âu về bệnh tật là một tình trạng phổ biến. Và, nó có thể ảnh hưởng đến khoảng 10% dân số trưởng thành nói chung (Scarella, Boland, & Barsky, 2019). Đặc điểm cốt lõi của IAD là chu kỳ lo lắng và tìm kiếm sự yên tâm về sức khỏe, trái ngược với việc tập trung vào cách giảm bớt nỗi đau khổ do các triệu chứng cơ thể gây ra như trong rối loạn chuyển dạng cơ thể (Somatic Symptom Disorder).

rối loạn ám ảnh nghi bệnh
Rối loạn lo âu bệnh tật là nỗi lo lắng hoặc sợ hãi quá mức về tình trạng sức khỏe của bản thân trong tương lai.

2. Nguyên nhân gây nên rối loạn lo âu về bệnh tật

Nguyên nhân gây nên rối loạn ám ảnh nghi bệnh vẫn chưa được xác định cụ thể. Tuy nhiên, theo thống kê, rối loạn này xuất hiện phổ biến ở những người có các đặc điểm sau:

  • Từng trải qua tình trạng căng thẳng nghiêm trọng, hoặc trải qua mất mát, tang chế trong gia đình;
  • Từng bị bỏ bê, hoặc bị lạm dụng khi còn nhỏ;
  • Từng mắc căn bệnh nào đó rất nghiêm trọng;
  • Có các vấn đề về sức khỏe tâm thần như lo âu, trầm cảm, rối loạn ám ảnh cưỡng chế hoặc bệnh tâm thần;
  • Có xu hướng tính cách bi kịch hóa tình huống.

Ngoài ra, một số hoạt động nhất định sau đây cũng có thể kích hoạt sự quan tâm quá mức ở một người dễ mắc rối loạn lo âu bệnh tật:

  • Đọc về các bệnh trên Internet hoặc trên tivi;
  • Biết ai đó từng mắc bệnh nặng;
  • Cảm thấy không khỏe trong người hoặc nhận thấy xuất hiện hạch, khối u.

Xem thêm: 20 nguyên nhân tình trạng lo âu và trầm cảm thường gặp

nguyên nhân rối loạn ám ảnh nghi bệnh
Một số nguyên nhân gây nên rối loạn ám ảnh nghi bệnh.

3. Các triệu chứng của rối loạn ám ảnh nghi bệnh

3.1. Chẩn đoán rối loạn lo âu bệnh tật

Rối loạn ám ảnh nghi bệnh từng bị xóa khỏi DSM-5 một phần vì sự kỳ thị gắn liền với các từ liên quan như “bệnh tật”. Bởi vì khi nhắc đến rối loạn này, người khác sẽ thường có giả định sai lầm rằng người này đang “giả vờ” mắc bệnh và dẫn đến bác bỏ hoặc kỳ thị (Chappell A.S., 2018). Tuy nhiên, hiện nay, đây là một tình trạng đã được DSM-5 công nhận.

Rối loạn lo âu bệnh tật không phải là “giả vờ”! Mặc dù người mắc rối loạn này có thể không biểu hiện các triệu chứng liên quan đến căn bệnh mà họ tin là mình mắc phải, nhưng họ không giả vờ bị bệnh. Niềm tin của họ vào căn bệnh là rất thực tế đối với bản thân họ.

Xem thêm: Thang đánh giá lo âu Hamilton: Lịch sử phát triển và cách sử dụng

3.2. Triệu chứng và dấu hiệu nhận biết rối loạn lo âu bệnh tật

Dưới đây là một số dấu hiệu và triệu chứng nhận biết rối loạn lo âu bệnh tật:

  • Suy nghĩ nhiều, hoặc bận tâm quá mức về việc mình có thể bị bệnh nặng trong ít nhất 06 tháng;
  • Lo lắng quá mức rằng bản thân có thể mắc một căn bệnh nghiêm trọng nhưng chưa được chẩn đoán. Họ có thể dành quá nhiều thời gian và sức lực để tập trung vào các vấn đề sức khỏe và thường xuyên nghiên cứu chúng một cách ám ảnh (Chappell A.S., 2018).
  • Gặp bác sĩ nhiều lần, nhưng không chấp nhận những lời trấn an;
  • Tin rằng các xét nghiệm loại trừ bệnh tật là không chính xác và đã bỏ sót căn bệnh của họ thay vì cảm thấy yên tâm khi nhận được các xét nghiệm âm tính.
  • Thực hiện rất nhiều xét nghiệm y tế, liên tục đo huyết áp hoặc đo nhiệt độ cơ thể quá mức;
  • Nói rất nhiều về vấn đề sức khỏe với bạn bè, gia đình;
  • Dành hàng giờ trên Internet để nghiên cứu về các triệu chứng bệnh;
  • Khó ngủ;
  • Gặp vấn đề với gia đình, công việc và cuộc sống xã hội vì quá lo ngại về tình trạng sức khỏe bản thân;
  • Các triệu chứng thực thể không xuất hiện hoặc chỉ ở mức độ nhẹ;
  • Những lo lắng về sức khỏe dẫn đến sự gián đoạn đáng kể trong cuộc sống của họ và gây ra nhiều đau khổ tinh thần.

Những người mắc rối loạn lo âu bệnh tật có thể lo lắng rằng mình mắc phải bất kỳ căn bệnh nào, nhưng họ thường tập trung vào các bệnh ung thư, HIV/AIDS và mất trí nhớ (Chappell A.S., 2018). Rối loạn này có thể được chia thành 2 loại: Kiểu tìm kiếm sự chăm sóckiểu tránh né sự chăm sóc (Chappell A.S., 2018).

triệu chứng rối loạn lo âu bệnh tật
Người mắc rối loạn lo âu bệnh tật có xu hướng không tin vào kết quả xét nghiệm dù chúng âm tính.

3.3. Phân biệt rối loạn lo âu bệnh tật với rối loạn chuyển dạng cơ thể

Rối loạn chuyển dạng cơ thể (Somatic symptom disorder) có liên quan đến chứng lo âu về bệnh tật. Trong cả 2 tình trạng này, chủ thể đều có nhiều lo lắng về sức khỏe của bản thân. Thế nhưng, trong rối loạn chuyển dạng, có sự hiện diện của một hoặc nhiều triệu chứng cơ thể đáng lo ngại (Chappell A.S., 2018).

4. Cách điều trị rối loạn lo âu bệnh tật

Để đề xuất phương pháp điều trị rối loạn lo âu bệnh tật chính xác nhất, các bác sĩ chuyên khoa sẽ thực hiện xét nghiệm tổng thể để loại trừ khả năng bạn thực sự mắc căn bệnh thực thể nào đó không. Nếu không, các lựa chọn điều trị có thể bao gồm:

  • Đánh giá rõ ràng và trung thực nguyên nhân dẫn đến những mối bận tâm về bệnh tật này
  • Cung cấp cho thân chủ một số lời khuyên và củng cố nguồn lực nội sinh
  • Áp dụng trị liệu tâm lý, chẳng hạn như liệu pháp nhận thức hành vi. Trong đó, việc tích hợp kỹ thuật hoạt hóa hành vi với liệu pháp nhận thức hành vi điều trị rối loạn lo âu cũng tỏ ra khá hiệu quả (Nguyễn Thanh Trúc, 2020). Ngoài ra, cũng cần xây dựng kế hoạch trị liệu cụ thể với những biểu hiện trầm cảm kèm theo nếu có.
  • Kê toa thuốc, nhất là thuốc chống trầm cảm để làm giảm nỗi lo âu.
  • Ngoài các phác đồ điều trị chứng ám ảnh nghi bệnh như hướng dẫn trên đây, bạn cũng cần xây dựng cho mình một lối sống lành mạnh hơn để sức khỏe của bản thân luôn được đảm bảo. Theo đó, nên tập thể dục thường xuyên. Đồng thời, việc tuân thủ lịch trình ngủ nghỉ, ăn uống lành mạnh cũng có thể giúp làm giảm lo âu, căng thẳng.

Xem thêm:

trị liệu tâm lý rối loạn lo âu bệnh tật
Liệu pháp nhận thức hành vi được xem là phương pháp hiệu quả với người mắc rối loạn lo âu bệnh tật.

5. Minh họa một ca lâm sàng chẩn đoán rối loạn ám ảnh nghi bệnh

5.1. Thông tin chung ví dụ về một ca lâm sàng rối loạn lo âu bệnh tật

Ca lâm sàng Lý Thị Thu Y. (Tên thân chủ được viết tắt để đảm bảo nguyên tắc giữ bí mật).

Lịch sử rối loạn: Thân chủ nữ, là nhân viên thư viện tỉnh. Cách ngày khám 1 tháng, thời điểm xuất hiện những biểu hiện rối loạn lo âu đầu tiên là một ngày ở thư viện phát sinh thêm rất nhiều việc như gói hàng, kiểm kê hàng hóa với nhiều số liệu bị lỗi,… nên Y ở lại đến 19h tối mới về. Lúc đó, Y cảm thấy rất nhức đầu và hơi chóng mặt. Đi đến giữa đường thì tay chân run rẩy, khệnh khạng, ngã xe. May có người đi đường phát hiện và gọi điện cho chồng lên chăm sóc.

Điểm trắc nghiệm lo âu Zung: Lần 1 – 17/3/2017: 46 điểm; lần 2 – 15/4/2017: 44 điểm; lần 3 – 21/6/2017: 40 điểm.

Chẩn đoán theo ICD 10: Rối loạn lo âu bệnh tật (Rối loạn ám ảnh sợ nghi bệnh).

5.2. Nhận định về vấn đề rối loạn lo âu bệnh tật theo mô hình ABC của Aaron T. Beck (liệu pháp nhận thức hành vi)

Điểm nổi bật gợi lên vấn đề của Y chính là người dì ruột mà Y sống chung từ ngày mất cha mẹ đến khi trưởng thành đã mất cách đây 1 năm vì ung thư vú. Có thể nói sự ra đi của dì để lại cho Y một nỗi đau rất lớn, khó diễn tả đến mức ám ảnh.

Sự ám ảnh này đeo đuổi Y từng ngày và gần đây đang muốn “bung ra”. Công việc của Y ở thư viện đang dần trở nên nhiều hơn, kết hợp với vai trò làm vợ, làm mẹ trong gia đình, Y gánh thêm rất nhiều áp lực căng thẳng, do đó, Y thường thức đêm để làm sổ sách, nhức đầu, chóng mặt. Mỗi khi xuất hiện những triệu chứng này, Y lại cho rằng mình mắc bệnh ung thư giống dì ruột.

Tần suất các cơn nhức đầu và chóng mặt tăng lên theo áp lực công việc của Y, nhưng đồng thời cũng làm tăng nỗi sợ hãi và lo lắng trong lòng Y. Bởi vì Y cho rằng nguyên nhân chính là do căn bệnh ung thư. Y đi khám rất nhiều nhưng không tìm ra được nguyên nhân thực thể.

Các bác sĩ đều cho rằng, những dấu hiệu mà Y đang gặp phải là do quá căng thẳng trong cuộc sống. Thế nhưng Y không tin, mặc dù bản thân không hiểu rõ các dấu hiệu cảnh báo ung thư. Chính nỗi ám sợ nghi bệnh ngăn cản Y, khiến Y né tránh việc tìm hiểu kỹ càng về các căn bệnh ung thư đáng sợ. Từ đó dẫn đến những hành vi vô ích như chỉ ngồi bần thần, không quyết định được điều gì.

5.3. Làm cách nào để thoát khỏi ám ảnh nghi bệnh – rối loạn lo âu bệnh tật?

Ngoài các kế hoạch điều trị chính thức, cũng có một số chiến lược ứng phó có thể áp dụng để giúp làm giảm các triệu chứng của rối loạn lo âu bệnh tật trong đời sống hằng ngày (NHS, “Health anxiety”, 2020). Cụ thể:

  • Viết nhật ký hoặc ghi chú trên ứng dụng theo dõi những triệu chứng lo lắng và các hành vi khác của bản thân có liên quan đến rối loạn lo âu bệnh tật.
  • Nỗ lực thay đổi những lối suy nghĩ tiêu cực bằng cách viết ra giấy và thay thế chúng với những suy nghĩ lành mạnh hơn.
  • Làm điều bạn thích như đi dạo, nghe nhạc,… để đánh lạc hướng bản thân khỏi những suy nghĩ tiêu cực và thôi thúc hành vi kiểm tra cơ thể hoặc tìm kiếm các triệu chứng bệnh tật trên Internet.
  • Thực hành các bài tập thở tĩnh tâm và thư giãn.

Xem thêm:

cách thoát khỏi ám ảnh nghi bệnh
Tập trung vào sở thích, tĩnh tâm,… là những cách thoát khỏi ám ảnh nghi bệnh hiệu quả.
  • Kết hợp các kỹ thuật quản lý stress.
  • Dành nhiều thời gian bên ngoài và ở bên gia đình, bạn bè.
  • Có lối sống lành mạnh, tránh các chất như rượu hoặc chất kích thích.
  • Thực hiện chế độ ăn uống cân bằng và lành mạnh.
  • Cố gắng tìm hiểu cảm giác bình thường của cơ thể là như thế nào và gọi tên chúng khi bạn trải nghiệm cảm giác đó.
  • Tập thể dục nhiều và ngủ đủ giấc.
  • Tham gia nhóm hỗ trợ cải thiện rối loạn lo âu bệnh tật.

Rối loạn lo âu bệnh tật ở mức độ nặng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến các chức năng đời sống bình thường của chủ thể. Do đó, nếu nhận thấy bản thân, hoặc ai đó có biểu hiện ám ảnh nghi bệnh kéo dài dai dẳng, hãy tìm đến bác sĩ chuyên khoa tâm thần, hoặc chuyên viên tại Tâm lý PsycareVN để được chẩn đoán đầy đủ, đồng thời, tư vấn cách điều trị, can thiệp phù hợp, kịp thời nhất, bạn nhé!

Bài viết cùng chủ đề

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *