Rối loạn thách thức chống đối (ODD): Dấu hiệu và cách điều trị

Rối loạn thách thức chống đối (ODD) là một dạng rối loạn hành vi, gây nên những tác động tiêu cực cho cả trẻ và gia đình. Những dấu hiệu và triệu chứng của rối loạn này rất dễ bị nhầm lẫn với những trẻ có cá tính mạnh hay các rối loạn hành vi khác như ADHD (Rối loạn tăng động, giảm chú ý). Vậy, rối loạn bướng bỉnh chống đối là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị tình trạng này như thế nào? Mời các bạn tiếp tục cùng PsyCareVN tìm hiểu kiến thức thú vị này nhé!

1. Rối loạn thách thức chống đối (ODD) là gì?

Rối loạn thách thức chống đối có tên tiếng Anh là Oppositional Defiant Disorder (ODD), một loại rối loạn hành vi. ODD thường xuất hiện ở thời thơ ấu, từ 6 – 8 tuổi và có thể kéo dài đến tuổi trưởng thành. Trẻ mắc chứng ODD thường không hợp tác, thậm chí thách thức và có thái độ thù địch với những người xung quanh, kể cả cha mẹ và những người có thẩm quyền với trẻ.

Ngoài ra, trẻ mắc ODD thường gặp khó khăn trong học tập liên quan đến hành vi. Tuy nhiên, trẻ ODD thường gây rắc rối cho người khác nhiều hơn bản thân trẻ (Riley, Ahmed, & Locke, 2016).

rối loạn thách thức chống đối dấu hiệu là gì
Chứng ODD có thể khởi phát ở độ tuổi trẻ nhỏ hoặc giai đoạn vị thành niên.

Rối loạn thách thức chống đối được chia làm hai loại:

  • ODD khởi phát ở tuổi thơ: Xuất hiện từ khi còn nhỏ và cần được can thiệp sớm để ngăn nó phát triển thành rối loạn hành vi nghiêm trọng hơn.
  • ODD khởi phát ở tuổi vị thành niên: Bắt đầu đột ngột vào những năm cấp hai, cấp ba, gây ra các xung đột ở nhà và ở trường.

2. Nguyên nhân của rối loạn thách thức chống đối

Mặc dù các nhà nghiên cứu chưa rõ nguyên nhân thật sự gây nên ODD, nhưng nó có liên quan đến sự kết hợp của đặc điểm di truyền, đặc điểm tính cách, yếu tố sinh học, môi trường sống.

2.1. Do di truyền

Nghiên cứu cho thấy di truyền chiếm 50% sự phát triển của ODD. Nhiều trẻ em và thanh thiếu niên mắc ODD có người thân trong gia đình mắc các tình trạng sức khỏe tâm thần khác như rối loạn tâm trạng, rối loạn lo âu và rối loạn nhân cách.

Ngoài ra, chính trẻ cũng có thể mắc kèm theo các tình trạng như tăng động kém chú ý (ADHD), sự khác biệt trong học tập hoặc trầm cảm và rối loạn lo âu (Riley, Ahmed, & Locke, 2016), điều này cho thấy mối liên hệ di truyền giữa các tình trạng này. Các yếu tố sinh học liên quan đến ODD có thể bao gồm yếu tố cha mẹ sử dụng nicotine, thiết hụt dinh dưỡng trước khi sinh và chậm phát triển (Steiner & Remsing, 2007).

2.2. Các yếu tố tâm lý liên quan đến rối loạn thách thức chống đối (Đặc điểm tính cách, gắn bó,…)

Một vài nghiên cứu cho thấy những thay đổi ở một số vùng nhất định trong não có thể dẫn đến rối loạn hành vi. Ngoài ra, rối loạn thách thức chống đối có liên quan đến một số chất dẫn truyền thần kinh giúp các tế bào thần kinh trong não giao tiếp với nhau và hình thành tính cách của trẻ. Nếu những chất này mất cân bằng hoặc không hoạt động bình thường, các thông điệp có thể không truyền qua não một cách chính xác, dẫn đến các triệu chứng cho hành vi phản ứng.

2.3. Do môi trường sống

Cuộc sống gia đình hỗn loạn, thời thơ ấu bị ngược đãi đều có thể góp phần vào sự phát triển của ODD. Các yếu tố tâm lý khác liên quan đến chứng ODD có thể bao gồm sự gắn bó không an toàn và cha mẹ không phản hồi (Steiner & Remsing, 2007); tính hung hăng của người mẹ; sự lạm dụng, trừng phạt khắc nghiệt và kỷ luật không nhất quán (Tung & Lee, 2014). Ngoài ra, sự từ chối của bạn bè, các nhóm bạn bè lệch lạc, nghèo đói, bạo lực và các yếu tố kinh tế hoặc xã hội không ổn định khác có thể góp phần vào sự phát triển của ODD (Steiner & Remsing, 2007).

nguyên nhân rối loạn thách thức chống đối ở trẻ
Cách nuôi dạy con không nhất quán hay gia đình hỗn loạn đều góp phần hình thành rối loạn thách thức chống đối ở trẻ.

3. Một số yếu tố nguy cơ của rối loạn thách thức chống đối

Rối loạn thách thức chống đối là một rối loạn hành vi phức tạp. Bên cạnh các nguyên nhân được cho là có thể gây nên ODD, có các yếu tố rủi ro khác cũng có thể tác động đến ODD như:

  • Khả năng tự điều chỉnh, kiểm soát cảm xúc và hành vi của trẻ kém.
  • Trẻ mắc các rối loạn khác như rối loạn cảm xúc và rối loạn lo âu.
  • Khả năng ngôn ngữ và giao tiếp của trẻ kém.
  • Trẻ có nhận thức lệch lạc và méo mó.

4. Những dấu hiệu nhận biết rối loạn thách thức chống đối (ODD)

4.1. Dấu hiệu nhận biết rối loạn thách thức chống đối

Có những biểu hiện hành vi tương đồng giữa đứa trẻ có ý chí mạnh mẽ và một đứa trẻ mắc rối loạn chống đối, do đó việc phân biệt cũng gặp không ít khó khăn. Trẻ em thường biểu hiện hành vi chống đối ở một số giai đoạn phát triển nhất định.

Các triệu chứng của ODD thường bắt đầu trong những năm mẫu giáo. Đôi khi ODD cũng phát triển muộn hơn, nhưng hầu như đều xảy ra trước những năm đầu tuổi thiếu niên. Những hành vi chống đối và thách thức diễn ra liên tục, gây ra những vấn đề nghiêm trọng trong các mối quan hệ, hoạt động xã hội, trường học cho cả trẻ và gia đình.

Các triệu chứng về cảm xúc và hành vi của chứng ODD thường kéo dài ít nhất 6 tháng. Bao gồm tâm trạng tức giận và cáu kỉnh; hành vi tranh cãi và thách thức; hành vi gây tổn thương và trả thù.

Tâm trạng tức giận và cáu kỉnh:

  • Xảy ra thường xuyên và dễ mất bình tĩnh.
  • Thường xuyên nhạy cảm và dễ bị người khác làm ảnh hưởng.
  • Thường giận giữ và oán giận.

Hành vi tranh cãi và thách thức:

  • Thường tranh cãi với người lớn hoặc người có thẩm quyền.
  • Thường chủ động thách thức hoặc từ chối làm theo yêu cầu, quy tắc của người lớn.
  • Thường cố tình làm phiền mọi người.
  • Thường không nhận lỗi và đổ lỗi cho người khác về lỗi lầm hoặc hành vi sai trái của mình.

Hành vi gây tổn thương và trả thù:

  • Nói những điều ác ý và đáng ghét.
  • Cố gắng làm tổn thương cảm xúc của người khác và tìm cách trả thù, hay gọi là thù hận.
  • Đã thể hiện hành vi thù hận ít nhất hai lần trong 6 tháng qua.

Đối với một số trẻ, các triệu chứng đầu tiên chỉ có thể được nhìn thấy ở nhà. Nhưng theo thời gian, hành vi có vấn đề cũng có thể xảy ra ở những môi trường khác, chẳng hạn như trường học, hoạt động xã hội và với bạn bè.

rối loạn thách thức chống đối ODD
Trẻ mắc ODD thường biểu hiện tâm trạng tức giận và cáu kỉnh; hành vi tranh cãi và thách thức; hành vi gây tổn thương và trả thù.

4.2. Một số biến chứng nguy hiểm của chứng ODD

Trẻ em và thanh thiếu niên mắc rối loạn thách thức chống đối có thể gặp rắc rối ở nhà với cha mẹ và anh chị em, ở trường với giáo viên và tại nơi làm việc với người giám sát và các nhân vật có thẩm quyền khác. Trẻ em và thanh thiếu niên mắc chứng ODD cũng gặp khó khăn trong việc kết bạn và duy trì các mối quan hệ.

ODD cũng có thể gây nên các vấn đề khác như:

  • Hiệu suất học tập và làm việc kém.
  • Hành vi chống đối xã hội.
  • Vi phạm các vấn đề về pháp luật.
  • Kiểm soát xung lực kém, dẫn đến các hành vi gây nguy hiểm cho bản thân và người khác.
  • Rối loạn sử dụng chất gây nghiện.
  • Xuất hiện ý nghĩ hoặc hành vi tự sát.

Nhiều trẻ em và thanh thiếu niên mắc chứng ODD cũng có thể kèm theo các tình trạng sức khỏe tâm thần khác, chẳng hạn như:

  • Rối loạn tăng động kém chú ý (ADHD).
  • Rối loạn hành vi.
  • Trầm cảm.
  • Rối loạn lo âu.
  • Rối loạn học tập và giao tiếp.

4.3. Khi nào cần gặp bác sĩ/nhà trị liệu tâm lý?

Trẻ sẽ không coi hành vi của mình là một vấn đề. Thay vào đó, trẻ có thể sẽ phàn nàn về những yêu cầu vô lý hoặc đổ lỗi cho người khác về các vấn đề xảy ra.

Nếu bạn cho rằng con mình có thể mắc rối loạn thách thức chống đối ODD hoặc các vấn đề về hành vi khác, hoặc bạn nhận ra mình có dấu hiệu của các hành vi, cảm xúc chống đối và lo sợ con bạn có thể sẽ bị ảnh hưởng, hãy tìm kiếm sự trợ giúp từ nhà tâm lý trẻ em hoặc bác sĩ tâm thần trẻ em có chuyên môn về các vấn đề hành vi.

Hãy hỏi bác sĩ nhi khoa hoặc nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe khác để được giới thiệu đến nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần.

Một vài dấu hiệu bạn cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ:

  • Trẻ cảm thấy lo lắng, sợ hãi hoặc tức giận quá mức đối với chính bản thân hoặc người khác.
  • Trẻ thường mất kiểm soát cả hành vi và cảm xúc.
  • Trẻ nghe hoặc nhìn thấy những điều mà người khác không thấy.
  • Trẻ mất ngủ hoặc nhịn ăn trong 3 ngày liên tục.
  • Trẻ có những cư xử khác thường với bố mẹ, bạn bè, thầy cô và những người xung quanh và khiến họ cảm thấy khó chịu.

5. Ảnh hưởng của rối loạn thách thức chống đối

Tâm lý chung ở một số trẻ em là có xu hướng bướng bỉnh, không vâng lời, tranh cãi với bố mẹ và những người có quyền lực khi trẻ cảm thấy mệt mỏi, áp lực, đói hoặc khó chịu. Trẻ thậm chí có thể xuất hiện những hành vi hung hăng, hành vi sai trái, lệch lạc có chủ đích.

Nhưng ở trẻ em và thanh thiếu niên mắc ODD, những triệu chứng trên xảy ra thường xuyên hơn. Chúng không chỉ cản trở việc học tập ở trường mà còn làm gián đoạn mối quan hệ của trẻ với người khác, trẻ không biết cách tương tác phù hợp với bạn bè và người lớn. Chúng còn gây ra những vấn đề nghiêm trọng trong các hoạt động xã hội và công việc cho cả trẻ và gia đình.

6. Chẩn đoán rối loạn thách thức chống đối (ODD)

Theo Cẩm nang Chẩn đoán và thống kê rối loạn tâm thần (DSM-5), trẻ được xem là mắc chứng rối loạn thách thức chống đối khi trẻ có ít nhất 4 triệu chứng sau, xảy ra trong thời gian ít nhất 6 tháng và có tác động tiêu cực đến các hoạt động xã hội, giáo dục hoặc nghề nghiệp:

  • Tâm trạng tức giận/cáu kỉnh: Thường mất bình tĩnh, tức giận hoặc bực bội, dễ bị kích động và khó chịu.
  • Hành vi tranh cãi/thách thức: Thường tranh luận với những người lớn, những người có thẩm quyền. Chủ động thách thức hoặc từ chối tuân theo yêu cầu của họ. Thường xuyên có hành vi cố tình làm phiền người khác, đổ lỗi cho người khác về những lỗi lầm của mình.
  • Tính thù hận: Có thái độ hằn học hoặc thù hận ít nhất 2 lần trong 6 tháng qua.

Rối loạn thách thức chống đối có các mức độ, được phân chia như sau:

  • Nhẹ: Các triệu chứng chỉ giới hạn ở một môi trường nhất định (ví dụ như chỉ xảy ra ở nhà).
  • Trung bình: Một số triệu chứng xuất hiện ở ít nhất hai môi trường.
  • Nghiêm trọng: Các triệu chứng xuất hiện ở ba môi trường trở lên hay triệu chứng xuất hiện ở hầu hết các nơi.

7. Cách điều trị rối loạn thách thức chống đối

Việc điều trị rối loạn thách thức chống đối nên được tiến hành càng sớm càng tốt. Bởi nếu không có sự can thiệp sớm thích hợp, chứng ODD ở trẻ có thể trở thành rối loạn hành vi. Việc điều trị cũng phụ thuộc vào tuổi tác, sức khỏe của trẻ, mức độ nặng/nhẹ của triệu chứng.

Có nhiều phương pháp có thể được sử dụng để trị liệu rối loạn thách thức chống đối, có thể kể đến như:

  • Liệu pháp học kỹ năng giải quyết vấn đề nhận thức: Trẻ sẽ học cách quản lý các triệu chứng cụ thể của ODD cũng như xác định và giải quyết các vấn đề phát sinh khi sống chung với ODD.
  • Trị liệu gia đình: Cha mẹ và các thành viên khác trong gia đình được khuyến khích tham gia trị liệu cùng trẻ để cải thiện sự tương tác và mối quan hệ trong gia đình.
  • Đào tạo/Huấn luyện cha mẹ: Cha mẹ hoặc những người chăm sóc cần được biết những chiến lược và kỹ năng quản lý hành vi để giảm những hành vi chống đối của trẻ.
  • Tâm lý trị liệu: Trị liệu cá nhân có thể giúp trẻ học các kỹ năng mới, chẳng hạn như quản lý cơn giận và kiểm soát cơn bốc đồng.
  • Đào tạo kỹ năng xã hội: giúp trẻ mắc rối loạn thách thức chống đối tương tác tốt hơn với bạn bè và người lớn.
  • Các loại thuốc: Thuốc thường không phổ biến trong điều trị chứng rối loạn thách thức chống đối. Tuy nhiên, thuốc có hiệu quả đối trong việc điều trị các rối loạn hành vi kèm theo khác như ADHD (Rối loạn tăng động, giảm chú ý), rối loạn lo âu,…

Nhà trị liệu cần phải hợp tác chặt chẽ với cha mẹ và giáo viên để đảm bảo tiến trình trị liệu đạt hiệu quả.

Xem thêm:

8. Những câu hỏi liên quan rối loạn thách thức chống đối

8.1. Khám và điều trị rối loạn thách thức chống đối ở đâu uy tín?

Khi phát hiện trẻ có những biểu hiện của chứng rối loạn thách thức chống đối, phụ huynh cần đưa trẻ đến khoa Tâm lý – Tâm thần để được các bác sĩ tư vấn, tìm ra nguyên nhân trẻ mắc ODD, từ đó đưa ra phương hướng điều trị kịp thời.

Dưới đây là danh sách một số địa chỉ khám và điều trị ODD mà bạn có thể tham khảo:

  • Tại Tp. HCM: Bệnh viện Nhi Đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Tâm Thần TPHCM,…
  • Tại Hà Nội: Bệnh viện Nhi Trung Ương, Bệnh viện Bạch Mai, Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia,…
  • Tại các tỉnh, thành khác: Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 (Thành phố Biên Hòa, Đồng Nai), Bệnh viện Tâm thần tỉnh Cần Thơ,…

Xem thêm: Top 15 phòng khám tâm lý ở TPHCM tốt và uy tín nhất

8.2. Trẻ hay chống đối xã hội hoặc có dấu hiệu rối loạn thách thức chống đối cần được chăm sóc thế nào?

Các phương pháp can thiệp hành vi có thể có hiệu quả trong việc giảm bớt các hành vi chống đối ở trẻ. Phụ huynh sẽ được các bác sĩ lâm sàng trao đổi về cách giáo dục trẻ ODD. Việc điều trị thường tập trung vào một hoặc hai vấn đề hành vi, nhưng nên tập trung vào củng cố các hành vi cải thiện các tương tác xã hội.

Hình thành mối quan hệ tích cực:

Bước đầu tiên trong quá trình điều trị là xây dựng mối quan hệ tích cực với con bạn. Hầu hết các phương pháp điều trị ODD đều bắt đầu bằng việc cha mẹ tham gia chơi cùng con, theo sự dẫn dắt của trẻ, trong quá trình chơi cha mẹ sẽ đưa ra sự củng cố và tương tác tích cực. Cha mẹ nên dành nhiều thời gian với con hơn.

Thiết lập các quy tắc và tuân thủ thói quen hàng ngày:

Trẻ mắc ODD thường gây ra các hành vi chống đối, không đúng mực để làm phiền cha mẹ, giáo viên. Do đó, phụ huynh, giáo viên cần đặt ra những quy tắc rõ ràng, các hoạt động nhất quán để áp dụng cho trẻ (ví dụ trẻ phải ăn tối, hoàn thành bài tập về nhà rồi mới đi ngủ).

cha mẹ làm gì khi con mắc rối loạn thách thức chống đối
Cần thiết lập các quy tắc, khen thưởng và kỷ luật thích hợp để trẻ học hành vi và cách cư xử đúng mực.

Kỷ luật và khen thưởng:

Đưa ra những lời khen ngợi và phần thưởng cụ thể cho những hành vi tích cực, hành vi mong đợi. Cho phép trẻ lựa chọn phần thưởng phù hợp mà trẻ muốn. Có thể khen thưởng cho trẻ bằng hoạt động mà trẻ thích, khen ngợi bằng lời nói, thức ăn hoặc đồ chơi,…

Tương tác xã hội:

Khi trẻ tương tác với người khác cần có có sự quan sát của người lớn, đảm bảo các nguyên tắc được thực hiện và người lớn cũng có thể hỗ trợ trẻ tương tác phù hợp.

Cha mẹ cũng có thể giúp con mình đối phó với rối loạn thách thức chống đối tốt hơn, bằng cách:

  • Đối với những trẻ hay làm ngược lại những gì cha mẹ nói, chúng ta không nên đưa ra phản hồi mong đợi trực tiếp. Ví dụ: “Mẹ muốn con giữ yên hai tay“, có thể khiến trẻ trở nên hung hăng hơn.
  • Cha mẹ cần kiểm soát được cảm xúc của mình, tránh tức giận hoặc có những hành vi tiêu cực trước các hành vi chống đối của trẻ.
  • Việc thấy bạn tức giận có thể là một kích thích với trẻ.
  • Đưa ra quy tắc bằng giọng điệu rõ ràng, trung dung, không có quá nhiều cảm xúc và nêu rõ hậu quả nếu vi phạm.
  • Nhất quán trong hành vi và tránh tranh luận với trẻ về những gì đã xảy ra.
  • Tạo một nơi an toàn để trẻ xả cơn tức giận, như một chiếc gối để trẻ đấm hoặc la hét.

Xem thêm: Làm gì khi trẻ tức giận: 10 cách dạy trẻ kiềm chế cảm xúc

Các bậc phụ huynh khi phát hiện con em mình có dấu hiệu của ODD cũng không nên quá lo lắng. Bởi vì trên thực tế, ODD vẫn có cách điều trị và can thiệp, quá trình điều trị hiệu quả sẽ giúp trẻ cải thiện đáng kể và phát triển bình thường.

ODD gây nên những tác động tiêu cực cho trẻ, ảnh hưởng đến học tập và các tương tác xã hội của trẻ. Thậm chí, khi tình trạng trở nên nặng hơn có thể xuất hiện những biến chứng khó lường như suy nghĩ đến hành vi tự hoại, tự sát. Mặc dù có những điểm tương đồng về triệu chứng với các rối loạn hành vi khác, song rối loạn thách thức chống đối (ODD) vẫn có những dấu hiệu, chẩn đoán riêng biệt giúp chúng ta nhận diện. Do đó, việc nhận diện và điều trị ODD nên được tiến hành càng sớm càng tốt.

Tiểu Thiệp
Tiểu Thiệp
Bài viết: 14