Một số chuyên gia coi liệu pháp hành vi cảm xúc hợp lý (Rational emotive behavior therapy – REBT) là một loại của CBT, trong khi số khác lại cho rằng chúng là hai cách tiếp cận rất khác biệt. Vậy, REBT là gì? Liệu pháp tâm lý này hoạt động dựa trên nguyên tắc và các kỹ thuật trị liệu chính nào? Theo dõi ngay bài sau nhé!
Mục lục
- 1. Liệu pháp hành vi cảm xúc hợp lý (REBT) là gì?
- 2. Mô hình nhận thức ABC về lý thuyết liệu pháp hành vi cảm xúc hợp lý của Albert Ellis
- 3. Một số kỹ thuật chính trong liệu pháp cảm xúc hành vi hợp lý của Albert Ellis
- 4. Hiệu quả của liệu pháp hành vi cảm xúc hợp lý (REBT)
- 5. Điều gì diễn ra trong quy trình điều trị bằng liệu pháp hành vi cảm xúc hợp lý?
1. Liệu pháp hành vi cảm xúc hợp lý (REBT) là gì?
Liệu pháp hành vi cảm xúc hợp lý (Rational emotive behavior therapy – REBT) là một loại liệu pháp hành vi nhận thức (CBT) được phát triển bởi nhà tâm lý học Albert Ellis. REBT là một phương pháp định hướng hành động, tập trung vào việc giúp thân chủ đối phó với những niềm tin phi lý và học cách quản lý cảm xúc, suy nghĩ, cũng như hành vi của mình theo cách lành mạnh và thực tế hơn.
Khi chúng ta giữ niềm tin phi lý về bản thân hoặc thế giới, các vấn đề có thể xuất hiện. Mục tiêu của REBT là giúp chúng ta nhận ra và thay đổi những niềm tin và lối suy nghĩ tiêu cực đó để khắc phục vấn đề tâm lý và đau khổ tinh thần (Turner M. J., 2016).
2. Mô hình nhận thức ABC về lý thuyết liệu pháp hành vi cảm xúc hợp lý của Albert Ellis
Một khái niệm cốt lõi của REBT là mô hình ABC. Theo quan điểm của mô hình nhận thức này, mặc dù chúng ta có thể đổ lỗi cho các sự kiện bên ngoài về nỗi bất hạnh của mình, nhưng chính cách giải thích của chúng ta về những sự kiện ấy mới thực sự là trung tâm của sự đau khổ tâm lý mà chúng ta trải qua.
“ABC” là từ viết tắt của:
- A (Activating event – Sự kiện kích hoạt): Là những sự kiện, tìn huống xảy ra trong môi trường xung quanh bạn.
- B (Belief – Niềm tin): Mô tả suy nghĩ của bạn về sự kiện hoặc tình huống (A).
- C (Consequence – Hậu quả): Là phản ứng cảm xúc của bạn đối với niềm tin (B) của bạn.
Theo liệu pháp hành vi cảm xúc hợp lý, 3 yếu tố gồm nhận thức, cảm xúc và hành vi của chúng ta đều được kết nối với nhau (Ameli & Russo-Netzer, 2021). Để hiểu được tác động của các sự kiện và tình huống mà mỗi chúng ta gặp phải trong suốt cuộc đời, thì cần xem xét niềm tin của chúng ta về những trải nghiệm này, cũng như các cảm xúc nảy sinh do những niềm tin đó.
Hãy tưởng tượng bạn đã nhắn tin cho một người mới hẹn hò được 1 tháng. Bạn thấy họ đã đọc tin nhắn, nhưng vài giờ trôi qua rồi vẫn không có hồi âm. Đến ngày hôm sau, người ấy vẫn chưa trả lời.
Sau đó, bạn có thể:
- Bắt đầu nghĩ rằng họ đang phớt lờ bạn vì họ không muốn gặp bạn
- Lo lắng rằng bạn đã làm sai điều gì đó ở lần gặp trước và khiến họ không muốn nói chuyện với bạn
- Tự nói với bản thân rằng các mối quan hệ không bao giờ có kết quả, và bạn sẽ cô đơn đến hết đời
Đây là ví dụ minh họa cho các nguyên tắc cốt lõi của liệu pháp hành vi cảm xúc hợp lý theo mô hình ABC. Theo đó, trong ví dụ này, A chính là tình huống không nhận được hồi âm từ người kia; B đề cập đến niềm tin hoặc suy nghĩ rằng họ không muốn gặp bạn nữa hoặc bạn đã làm sai điều gì đó, và rằng bạn sẽ cô đơn đến hết đời; còn C có thể bao gồm cảm giác mình vô dụng, hoặc mình không đủ tốt.
Trong trường hợp này, REBT sẽ giúp bạn tập trung vào việc điều chỉnh lại cách bạn nghĩ về lý do vì sao người đó không phản hồi. Có thể họ đang bận hoặc đơn giản là quên trả lời, hay tệ hơn là họ vừa mất điện thoại. Hoặc, cũng có thể họ không muốn gặp lại bạn, nếu vậy, điều này cũng không có nghĩa là có điều gì đó bất ổn với bạn hay bạn sẽ dành phần đời còn lại sống trong nỗi cô đơn.
3. Một số kỹ thuật chính trong liệu pháp cảm xúc hành vi hợp lý của Albert Ellis
3.1. Xác định niềm tin và áp dụng mô hình ABC
Trong liệu pháp hành vi cảm xúc hợp lý, nhà trị liệu sẽ giúp bạn học cách áp dụng mô hình ABC vào cuộc sống hàng ngày của mình.
Ví dụ: Nếu bạn cảm thấy chán nản do gặp xung đột trong mối quan hệ độc hại của mình, nhà trị liệu có thể giúp bạn xác định nguyên nhân kích hoạt vấn đề của mình. Sau đó, bạn sẽ được khuyến khích tìm ra niềm tin nào đã dẫn đến cảm xúc tiêu cực của mình. Nhà trị liệu sẽ cùng bạn làm việc để thay đổi những niềm tin đó, và cuối cùng là thay đổi phản ứng cảm xúc của bạn đối với xung đột đang gặp phải.
Một bước quan trọng trong quá trình này là nhận ra niềm tin cơ bản dẫn đến đau khổ tâm lý. Trong nhiều trường hợp, những điều này được phản ánh dưới dạng suy nghĩ tuyệt đối, như mệnh đề “Tôi phải”, “Tôi nên” hoặc “Tôi không thể“. Một số kiểu niềm tin phi lý phổ biến nhất bao gồm:
- Cảm thấy quá khó chịu về lỗi lầm hoặc hành vi sai trái của người khác
- Tin rằng bạn phải hoàn toàn có năng lực và thành công trong mọi việc thì mới được coi trọng và xứng đáng
- Tin rằng bạn sẽ hạnh phúc hơn nếu tránh được những khó khăn hay thử thách trong cuộc sống
- Cảm thấy rằng bạn không kiểm soát được hạnh phúc của chính mình, rằng sự hài lòng và niềm vui của bạn phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài
Việc giữ những niềm tin kiên định như trên khiến bạn hầu như không thể phản ứng với các tình huống kích hoạt theo cách lành mạnh về mặt tâm lý. Hơn nữa, khi đặt ra những kỳ vọng cứng nhắc về bản thân và những người khác, điều này cũng chỉ dẫn đến sự thất vọng, buộc tội, hối tiếc và lo lắng cho bạn mà thôi.
Xem thêm:
3.2. Tranh luận với niềm tin phi lý trong liệu pháp hành vi cảm xúc hợp lý (REBT)
Một bước để thay đổi niềm tin của bạn là trải qua quá trình gọi là tranh luận với niềm tin. Trong quá trình đó, nhà trị liệu sẽ thử thách niềm tin phi lý của bạn bằng các phương pháp trực tiếp như đặt câu hỏi Socrates, khiến bạn phải suy nghĩ lại về chúng. Hoặc, họ cũng có thể yêu cầu bạn tưởng tượng ra một quan điểm khác mà bạn chưa từng cân nhắc trước đây.
Tranh luận với niềm tin phi lý sẽ giúp bạn có thêm những kỹ năng lâu dài để quản lý phản ứng cảm xúc và sức khỏe tinh thần của mình (Ellis & Joffe Ellis, 2019). Ellis gợi ý rằng, thay vì chỉ đơn giản là tạo cảm giác ấm áp và hỗ trợ, các nhà trị liệu REBT cần thẳng thắn, trung thực và logic để thúc đẩy thân chủ thay đổi suy nghĩ và hành vi của họ.
Xem thêm: Phương pháp đóng vai trong trị liệu tâm lý: 8 kỹ thuật cơ bản
3.3. Đạt được sự hiểu biết sâu sắc và thay đổi hành vi
Một phần quan trọng nữa của liệu pháp hành vi cảm xúc hợp lý là học cách thay thế những niềm tin phi lý của bạn bằng những niềm tin lành mạnh hơn. Quá trình này có thể gây khó khăn và khó chịu, hoặc cảm thấy lo lắng rằng mình đã phạm sai lầm. Những cảm giác này là bình thường.
Tuy nhiên, mục tiêu của REBT là giúp thân chủ phản ứng hợp lý với các tình huống thường gây nên căng thẳng, trầm cảm hoặc các cảm xúc tiêu cực khác. Khi đối mặt với loại tình huống này trong tương lai, phản ứng lành mạnh của thân chủ về mặt cảm xúc thường là sẽ nhận ra rằng, việc mình mong đợi sự thành công trong mọi nỗ lực là không hề thực tế. Tất cả những gì chúng ta có thể làm là học hỏi từ tình huống và bước tiếp.
Ba sự thấu hiểu sâu sắc cốt lõi là REBT sẽ dạy bạn là:
- Bạn xứng đáng được chấp nhận bất kể điều gì, ngay cả khi bạn gặp khó khăn hoặc sai lầm, không cần phải xấu hổ hay cảm thấy tội lỗi.
- Những người khác cũng đáng được chấp nhận, ngay cả khi hành vi của họ liên quan đến điều gì đó mà bạn không thích.
- Những điều tiêu cực đôi khi sẽ xảy ra trong cuộc sống, và điều đó không có nghĩa là mọi thứ đang diễn ra theo cách mà chúng không nên như vậy. Cuộc sống không phải lúc nào cũng tích cực, và không có lý do nào để mong đợi điều đó.
Mặc dù REBT sử dụng các chiến lược nhận thức, nhưng nó cũng tập trung vào cảm xúc và hành vi (Turner M. J., 2016). Ngoài việc xác định và tranh luận về những niềm tin phi lý, nhà trị liệu và thân chủ cũng sẽ cùng nhau đạt mục tiêu là cải thiện những phản ứng cảm xúc đi kèm với suy nghĩ có vấn đề. Một số kỹ thuật có thể được khuyến khích áp dụng kèm theo liệu pháp hành vi cảm xúc hợp lý như là thiền, viết nhật ký, tưởng tượng có hướng dẫn.
Xem thêm: Liệu pháp kích hoạt hành vi là gì: Tổng quan lý thuyết và ứng dụng
4. Hiệu quả của liệu pháp hành vi cảm xúc hợp lý (REBT)
4.1. Liệu pháp REBT có thể điều trị vấn đề tâm lý gì?
Liệu pháp hành vi cảm xúc hợp lý có thể đem lại sự hỗ trợ hữu ích với một số vấn đề tâm lý (David et al, 2018) như:
- Lo âu và đau khổ
- Sự chán nản
- Hành vi gây rối ở trẻ em
- Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD)
- Rối loạn lo âu xã hội
- Triệu chứng loạn thần
REBT cũng cho thấy nhiều hứa hẹn trong tâm lý học thể thao – lĩnh vực mà nó có thể được sử dụng để giúp các vận động viên vượt qua những niềm tin phi lý có ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần và thành tích của họ.
4.2. Lợi ích của liệu pháp hành vi cảm xúc hợp lý (REBT)
Khi phát triển REBT, mục tiêu của Ellis là tạo ra một phương pháp tiếp cận theo định hướng hành động đối với liệu pháp tâm lý mang lại kết quả bằng cách giúp mọi người quản lý cảm xúc, nhận thức và hành vi của họ. Nghiên cứu cho thấy REBT thực sự có hiệu quả trong việc giảm thiểu những niềm tin sai lệch và thay đổi hành vi (David et al, 2018).
Nhìn chung, REBT còn đem lại một số lợi ích về hành vi, như:
- Giảm cảm giác tức giận – đặc biệt là ở trẻ em, lo âu, trầm cảm và đau khổ
- Cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống
- Cải thiện thành tích học tập và kỹ năng xã hội tốt hơn
4.3. Hiệu quả của liệu pháp hành vi cảm xúc hợp lý (REBT) theo khoa học
REBT có nhiều hiệu quả ứng dụng tiềm năng. Bởi vì nó tập trung vào giáo dục tâm lý và thực hiện hành động, nên nó có thể hiệu quả với nhiều tình huống và vấn đề sức khỏe tâm thần khác nhau. Nó thậm chí có thể dẫn đến sự thay đổi lâu dài ở những người trải qua hình thức trị liệu tâm lý này.
4.3.1. Ứng dụng liệu pháp cảm xúc hành vi hợp lý cho tình trạng kiệt sức ở trường học hoặc nơi làm việc
Một nghiên cứu năm 2018 cho thấy, REBT có hiệu quả trong việc giảm các triệu chứng kiệt sức cho sinh viên chưa tốt nghiệp, và tiếp tục có hiệu quả thậm chí nhiều tháng sau khi liệu pháp đã kết thúc (Ogbuanya et al, 2019).
Xem thêm: 12 cách giảm stress trong học tập và giải tỏa áp lực điểm số
Một nghiên cứu khác cho thấy kết quả tương tự đối với y tá. Liệu pháp hành vi cảm xúc hợp lý REBT đã giảm căng thẳng và kiệt sức trong công việc, đồng thời, tăng sự hài lòng và cam kết trong công việc của họ đối với tổ chức của mình (Kim & Yoon, 2018).
4.3.2. Hiệu quả điều trị trầm cảm và lo âu
REBT có thể đem lại hiệu quả trong việc làm giảm các triệu chứng ở những người mắc trầm cảm hoặc lo âu. Liệu pháp dường như vẫn để lại tác động tích cực kéo dài ngay cả sau khi kết thúc quy trình điều trị.
REBT cũng cho thấy kết quả đầy hứa hẹn đối với thanh thiếu niên mắc chứng trầm cảm. Điều này có thể là do nó nhấn mạnh vào các kỹ thuật giáo dục tâm lý (Zhaleh et al, 2014) như:
- Xác định lỗi nhận thức (cognitive errors)
- Thử thách niềm tin phi lý
- Tách cá nhân khỏi hành vi của họ
- Thực hành sự chấp nhận
4.3.3. Các vấn đề liên quan đến tâm lý học thể thao
REBT đang nhanh chóng trở nên phổ biến như một lựa chọn điều trị cho các vận động viên đang gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần. Nó có thể được dùng để phục hồi và duy trì sức khỏe tinh thần của các vận động viên. Từ đó, giúp họ học cách thay đổi quan điểm và quản lý cảm xúc của mình.
Mục tiêu trước hết của liệu pháp hành vi cảm xúc hợp lý trong tâm lý học thể thao là quan tâm đến sức khỏe tinh thần của vận động viên, nhưng nó cũng thường giúp cải thiện thành tích thể thao của họ.
Xem thêm: Tâm lý học thể thao: Tổng quan về tâm lý trong thi đấu thể thao
5. Điều gì diễn ra trong quy trình điều trị bằng liệu pháp hành vi cảm xúc hợp lý?
REBT nhằm mục đích dạy cho chúng ta những kỹ năng lâu dài, do đó, đây là quá trình trị liệu đòi hỏi chúng ta cần chủ động. Các buổi trị liệu REBT có thể liên quan đến việc thực hành bài tập về nhà, và chúng ta sẽ phải bước ra khỏi vùng an toàn của mình để thực sự tận hưởng những lợi ích của hình thức trị liệu này.
Trong buổi làm việc đầu tiên của liệu pháp hành vi cảm xúc hợp lý, nhà trị liệu sẽ thảo luận với thân chủ về mục tiêu trị liệu và các sự kiện kích hoạt (hoặc các tình huống) đã thúc đẩy bạn tìm cách điều trị. Nhà trị liệu cũng có thể sử dụng các kỹ thuật REBT chuyên sâu để giúp thân chủ tích cực và tập trung hơn.
Xem thêm:
Bài viết trên đây đã giúp bạn có cái nhìn tổng quan về liệu pháp hành vi cảm xúc hợp lý REBT cũng như lý thuyết về mô hình ABC của Albert Ellis. Đây là phương pháp tiếp cận giúp bạn xác định niềm tin phi lý và kiểu suy nghĩ tiêu cực có thể dẫn đến các vấn đề về cảm xúc và hành vi, tương tự như tiếp cận CBT. Nếu bạn đang tìm cách điều chỉnh lại một số kiểu suy nghĩ của mình, REBT có thể là một lựa chọn tốt để thử.