Rối loạn nhân cách kịch tính (HPD): Dấu hiệu và cách ứng phó

Rối loạn nhân cách kịch tính (Histrionic Personality Disorder) là xu hướng kịch tính hóa mọi vấn đề lên nhằm thu hút sự chú ý của người khác. Họ dễ bị ảnh hưởng và cực kỳ nhạy cảm với những lời chỉ trích hoặc không tán thành. Nhưng không hẳn bất kỳ ai có những đặc trưng trên đều mắc HPD. Vậy rối loạn nhân cách kịch tính là gì? Người có những dấu hiệu và triệu chứng nào thì được chẩn đoán mắc rối loạn này? Mời các bạn tiếp tục cùng PsyCare VN tìm hiểu nhé!

1. Khái niệm rối loạn nhân cách kịch tính là gì?

Rối loạn nhân cách kịch tính (Histrionic Personality Disorder) là một tình trạng sức khỏe tâm thần được biểu hiện bằng những cảm xúc mãnh liệt, không ổn định và hình ảnh bản thân bị bóp méo, luôn tìm kiếm sự chú ý. Tên của nó xuất phát từ từ “histrionic”, có nghĩa là “kịch tính hoặc sân khấu”.

Ngoài việc thể hiện hành vi tìm kiếm sự chú ý, người mắc HPD có cảm xúc nông cạn và hành vi lôi kéo. Bắt đầu ở giai đoạn đầu tuổi trưởng thành (khi nhân cách bắt đầu hình thành) và thể hiện rõ ràng trong các tình huống khác nhau (Angstman & Rasmussen, 2011).

Đây là một trong 10 loại rối loạn nhân cách được công nhận trong Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần (DSM-5). Khoảng 9% dân số Hoa Kỳ mắc rối loạn nhân cách, trong đó, rối loạn nhân cách kịch tính xuất hiện ở khoảng dưới 1% đến 3% người Mỹ (Angstman & Rasmussen, 2011).

Chứng HPD được phân loại là rối loạn nhân cách “Nhóm B. Sự phân loại rối loạn nhân cách này được đặc trưng bởi người đó có tính cách kịch tính, quá xúc động và/hoặc thất thường”.

2. Dấu hiệu và triệu chứng của rối loạn nhân cách kịch tính

Một người mắc rối loạn nhân cách kịch tính có thể xuất hiện cá triệu chứng/dấu hiệu sau:

  • Dễ bị ảnh hưởng bởi người khác và chạy theo xu hướng nhất thời.
  • Cường điệu hóa sự yếu đuối hoặc bệnh tật.
  • Thể hiện cảm xúc quá mức, nông cạn.
  • Tham gia vào các hành vi tìm kiếm sự chú ý (tức là liên tục “biểu diễn”).
  • Cảm xúc, suy nghĩ thoáng qua.
  • Luôn muốn thu hút sự chú ý của người khác.
  • Sử dụng các hành vi khiêu khích tình dục để kiểm soát người khác hoặc thu hút sự chú ý.
  • Dùng lời đe dọa tự sát để thao túng người khác.
dấu hiệu nhận biết nhân cách kịch tính
Người mắc rối loạn nhân cách kịch tính có xu hướng thể hiện cảm xúc quá mức và luôn thu hút sự chú ý.

Trong một số trường hợp, người mắc chứng HPD không nhận ra điều đó vì cách suy nghĩ và hành xử của họ tự nhiên đối với họ. Họ cũng có thể đổ lỗi cho người khác về những vấn đề mà họ gặp phải.

3. Nguyên nhân gây nên rối loạn nhân cách kịch tính

Không có nguyên nhân đơn lẻ hoặc chính xác nào gây ra rối loạn nhân cách kịch tính. Các nhà khoa học tâm lý cho rằng, chứng HPD là kết quả của sự kết hợp giữa di truyền và môi trường. Cụ thể:

  • Di truyền: Một số đặc điểm tính cách nhất định có thể được cha mẹ truyền lại cho con cái thông qua gen. Những đặc điểm này, đôi khi còn được gọi là tính khí của bạn, có thể khiến bạn dễ mắc bệnh HPD hơn.
  • Môi trường: Môi trường bao gồm môi trường xung quanh nơi bạn lớn lên, các sự kiện đã xảy ra và các mối quan hệ với các thành viên trong gia đình và những người khác. Những môi trường xung quanh, sự kiện và mối quan hệ này có thể gây ra sự phát triển của chứng HPD.

4. Một số yếu tố nguy cơ/biến chứng của rối loạn

Một số yếu tố đã được phát hiện là làm tăng nguy cơ mắc chứng rối loạn nhân cách. Một số yếu tố rủi ro này bao gồm:

  • Bị bạo hành bằng lời nói.
  • Trải qua tổn thương thời thơ ấu.
  • Nhạy cảm cao với các kích thích môi trường (ánh sáng, tiếng ồn, v.v.).

5. Chẩn đoán rối loạn nhân cách kịch tính và test đánh giá

5.1. Chẩn đoán HPD theo DSM-5

Rối loạn nhân cách kịch tính tương tự như nhiều triệu chứng của các rối loạn tâm thần và bệnh lý khác. Do đó, nhà cung cấp dịch vụ y tế trước tiên có thể sẽ đưa ra chẩn đoán phân biệt để loại trừ các rối loạn hoặc tình trạng bệnh lý khác có thể gây ra các triệu chứng của người đó.

Không có test kiểm tra nào có thể được sử dụng để chẩn đoán rối loạn này. Thay vào đó, DSM-5 chỉ ra rằng một người phải có ít nhất năm dấu hiệu/triệu chứng trở lên sau đây để được chẩn đoán mắc chứng rối loạn nhân cách kịch tính:

  • Khó chịu khi không phải là trung tâm của sự chú ý.
  • Có hành vi quyến rũ hoặc khiêu khích tình dục không phù hợp.
  • Biểu hiện cảm xúc thay đổi nhanh chóng và nông cạn.
  • Sử dụng ngoại hình để thu hút sự chú ý.
  • Sử dụng lối nói ấn tượng và thiếu chi tiết, mơ hồ.
  • Thể hiện cảm xúc kịch tính hoặc cường điệu.
  • Dễ bị ảnh hưởng bởi người khác hoặc bởi hoàn cảnh.
  • Xem xét các mối quan hệ thân mật hơn thực tế.

5.2. Chẩn đoán phân biệt rối loạn nhân cách kịch tính

Các chẩn đoán phân biệt với HPD bao gồm các rối loạn nhân cách nhóm B (rối loạn nhân cách ái kỷ và nhân cách ranh giới) (Torrico et al., 2024). Giống như HPD, người mắc rối loạn nhân cách ái kỷ/tự luyến thích trở thành trung tâm của sự chú ý, nhưng rối loạn này được đặc trưng bởi những tưởng tượng về thành công không giới hạn, thiếu sự đồng cảm và hành vi khai thác.

Sự chồng chéo giữa rối loạn nhân cách ranh giới và HPD bao gồm các hành vi bốc đồng và tách biệt. Tuy nhiên, những người mắc rối loạn nhân cách ranh giới có nhiều khả năng biểu hiện các hành vi tự tử, nỗi sợ bị bỏ rơi dữ dội và cảm giác trống rỗng mãn tính.

Xem thêm: Cảm giác trống rỗng là gì và làm như thế nào để vượt qua?

Rối loạn triệu chứng cơ thể và rối loạn lo âu về bệnh tật cũng có thể được xem xét trong chẩn đoán phân biệt đối với HPD, vì những người mắc các tình trạng này có thể biểu hiện những triệu chứng và lời phàn nàn về cơ thể để báo hiệu sự đau khổ.

Xem thêm: Rối loạn lo âu bệnh tật (Hypochondria): Cách thoát khỏi ám ảnh nghi bệnh

6. Cách điều trị rối loạn nhân cách kịch tính

Hiện tại không có cách chữa trị chứng rối loạn nhân cách kịch tính. Tuy nhiên, những người mắc bệnh này có thể thay đổi chất lượng cuộc sống hiệu quả hơn, đặc biệt nếu họ tham gia trị liệu tâm lý (liệu pháp trò chuyện). Việc điều trị cũng có thể bao gồm dùng thuốc cùng với việc thay đổi lối sống.

6.1. Tâm lý trị liệu

Tâm lý trị liệu có thể có hiệu quả trong điều trị rối loạn nhân cách kịch tính. Ví dụ, một nghiên cứu trên 159 bệnh nhân mắc bệnh HPD cho thấy liệu pháp tâm lý đã giúp giảm các triệu chứng của bệnh nhân và cải thiện các mối quan hệ của họ.

Liệu pháp hành vi nhận thức (CBT): CBT là một hình thức trị liệu tâm lý có thể giúp người mắc HPD nhận ra các hành vi tìm kiếm sự chú ý và các kiểu suy nghĩ kém thích nghi của mình. Mục tiêu của CBT là giúp bạn thay đổi các hành vi này và phát triển các kỹ năng đối phó và cải thiện lòng tự trọng.

trị liệu tâm lý cho rối loạn nhân cách kịch tính hpd
Trị liệu nhận thức hành vi được cho là đem lại hiệu quả tích cực cho chứng HPD.

Liệu pháp tâm động học cũng được chứng minh là phương pháp điều trị thành công cho rối loạn nhân cách kịch tính. Mục tiêu là giúp bạn giải quyết những xung đột vô thức tiềm ẩn để bạn có thể hiểu rõ hơn về bản thân và hành vi của mình.

Trị liệu nhóm trị liệu gia đình thường không được khuyến khích cho những người mắc rối loạn nhân cách này. Điều này là do một số triệu chứng của họ – chẳng hạn như tìm kiếm sự chú ý và phóng đại các triệu chứng, có thể được kích hoạt hoặc trở nên tồi tệ hơn trong môi trường nhóm.

Xem thêm:

6.2. Có thuốc chữa rối loạn nhân cách kịch tính hay không?

Không có loại thuốc nào được FDA phê chuẩn để điều trị rối loạn nhân cách kịch tính. Mặc dù vậy, một số loại thuốc có thể được sử dụng để điều trị chứng rối loạn điều hòa cảm xúc có thể đi kèm với chứng rối loạn này, bao gồm tâm trạng thất thường, tức giận, chảy nước mắt, lo lắng và trầm cảm.

6.3. Phương pháp điều trị thay thế

Các kỹ thuật chánh niệm như yoga, thái cực quyền và phản hồi sinh học cũng có thể giúp ích cho những người mắc chứng rối loạn nhân cách. Chúng hoạt động bằng cách giúp họ dễ dàng kiểm soát cảm xúc bên trong hơn, đồng thời mang lại những tác động tích cực cho tính bốc đồng và phản ứng cảm xúc.

7. Rối loạn nhân cách kịch tính có phòng ngừa được không?

Mặc dù HPD nói chung không thể ngăn ngừa được nhưng việc điều trị có thể cho phép một người mắc phải tình trạng này học được những cách hiệu quả hơn để đối phó với hành vi, suy nghĩ và tình huống kích hoạt.

8. Khi nào cần gặp bác sĩ/nhà tâm lý trị liệu?

Rối loạn nhân cách kịch tính là một rối loạn sức khỏe tâm thần. Giống như tất cả các tình trạng sức khỏe tâm thần khác, việc tìm kiếm sự giúp đỡ ngay khi các triệu chứng xuất hiện có thể giúp giảm bớt ảnh hưởng tiêu cực của nó đến cuộc sống của chúng ta. Các chuyên gia sức khỏe tâm thần có thể đưa ra các kế hoạch điều trị và giúp chúng ta quản lý suy nghĩ kém thích nghi và hành vi của mình.

Các thành viên trong gia đình của người mắc HPD có thể bị căng thẳng, trầm cảm, đau buồn và cô lập. Do đó, việc phát hiện sớm các triệu chứng của rối loạn và lên kế hoạch điều trị là rất cần thiết cho cả bệnh nhân và những người thân xung quanh họ.

Xem thêm: Top 15 phòng khám tâm lý ở TPHCM tốt và uy tín nhất

Mặc dù rối loạn này không thể phòng ngừa trước được và cũng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm và lên kế hoạch điều trị kịp thời sẽ mang lại hiệu quả rất cao. Rất nhiều cá nhân mắc rối loạn nhân cách kịch tính sau khi được điều trị vẫn có thể có được sinh hoạt cuộc sống bình thường và vẫn thành công bao người khác.

9. Những câu hỏi thường gặp

9.1. Rối loạn nhân cách kịch tính có trở nên nặng hơn theo tuổi tác hay không?

Có thể. Nghiên cứu của Bangash (2020) cho thấy một số báo cáo chỉ ra rằng người mắc HPD vẫn ổn định trong suốt cuộc đời, trong khi cũng có nhiều nghiên cứu khác chứng minh có mối tương quan thuận giữa HPD và tuổi tác. Tuy nhiên, số lượng nghiên cứu về rối loạn này vẫn còn hạn chế nên chưa thể kết luận thực sự rõ ràng.

9.2. Những người mắc rối loạn nhân cách kịch tính có thiếu sự đồng cảm không?

Người mắc chứng HPD có xu hướng khó nhận biết cảm xúc của người khác và của chính mình hơn so với người không mắc rối loạn. Do đó, họ cũng khó có sự đồng cảm hơn.

9.3. Phân biệt với đặc điểm tính cách kịch tính

Một số đặc điểm tính cách kịch tính (chưa đủ dấu hiệu và tiêu chí đáp ứng chẩn đoán là rối loạn) như dễ bị ám thị, không ổn định về mặt cảm xúc, thích gây sự chú ý, quyến rũ, khó chú ý đến chi tiết, tính cách khoa trương, tự phụ và nông cạn.

Xem thêm: 

Rối loạn nhân cách kịch tính ảnh hưởng nhiều đến các mối quan hệ thân mật hơn và cách bạn xử lý khi thất bại. Do đó, hãy tìm gặp các chuyên gia về sức khỏe tâm thần để được hổ trợ phù hợp nếu chúng cản trở cuộc sống và công việc hàng ngày của bạn.

Tiểu Thiệp
Tiểu Thiệp
Bài viết: 14